Ảnh hưởng từ Covid-19: Thế giới có thể mất 25 triệu việc làm
Một đánh giá sơ bộ ảnh hưởng của Covid-19 đến tình hình lao động trên toàn cầu cho thấy tác động của dịch bệnh sẽ còn tiếp tục mở rộng, khiến hàng triệu người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm và rớt xuống dưới chuẩn nghèo. Báo cáo cũng đề xuất các biện pháp đối phó với tình hình một cách nhanh chóng, quyết đoán và đồng bộ.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho hay: Cuộc khủng hoảng kinh tế và lao động do Covid-19 gây ra có thể làm tăng thêm 25 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu.
Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể đưa ra giải pháp chính sách đối phó với tình hình này một cách đồng bộ ở tầm quốc tế như thế giới đã chứng kiến trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, thì tác động của dịch bệnh đến tình trạng thất nghiệp toàn cầu có thể giảm đi đáng kể.
Báo cáo đánh giá sơ bộ “Covid-19 và việc làm thế giới: Tác động và giải pháp” của ILO kêu gọi thực hiện các biện pháp khẩn cấp, trên diện rộng và đồng bộ ở cả ba trụ cột: Bảo vệ người lao động tại nơi làm việc, kích thích nền kinh tế và việc làm, và hỗ trợ việc làm và thu nhập.
Những biện pháp này bao gồm mở rộng an sinh xã hội, hỗ trợ khả năng giữ việc làm (như giảm thời giờ làm việc, nghỉ phép có lương và các trợ cấp khác), giảm thuế và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Ngoài ra, báo cáo sơ bộ cũng đề xuất các biện pháp chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ cho vay và hỗ trợ tài chính đối với một số ngành kinh tế cụ thể.
Gần 25 triệu người có thể mất việc làm trên toàn thế giới vì dịch Covid-19. Ảnh: I.T
ILO cũng đưa ra những kịch bản khác nhau về tác động của dịch với tăng trưởng GDP toàn cầu và việc làm trên thế giới. Dựa trên các kịch bản này, ILO ước tính số người thất nghiệp toàn cầu sẽ tăng từ 5,3 triệu người (kịch bản “thấp”) đến 24,7 triệu người (kịch bản “cao”). Đây là số tăng thêm so với nền số lượng người thất nghiệp sẵn có là 188 triệu trong năm 2019. Nhìn lại trong tương quan với năm 2008-2009, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khi đó khiến 22 triệu người rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Tình trạng thiếu việc làm (không sử dụng được đầy đủ khả năng làm việc của người lao động có việc làm) cũng được dự báo sẽ tăng theo diện rộng, khi những tác động về kinh tế của Covid-19 sẽ khiến cả giờ làm và tiền lương bị giảm. Nhóm lao động tự làm ở các nước đang phát triển sẽ là người bị ảnh hưởng lớn nhất. Giảm số lượng việc làm đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu nhập lớn cho người lao động. Nghiên cứu ước tính con số này tương đương từ 860 tỷ USD đến 3,4 nghìn tỷ USD trong năm 2020. Điều này sẽ dẫn tới giảm tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ, từ đó tác động tới triển vọng của doanh nghiệp và các nền kinh tế.
Cũng theo dự báo của ILO, khoảng 35 triệu người trên khắp thế giới có thể rơi vào đói nghèo, cùng cực. Ảnh: I.T
Tình trạng lao động nghèo được dự báo cũng sẽ gia tăng đáng kể, bởi “việc giảm thu nhập do suy giảm các hoạt động kinh tế sẽ ảnh hưởng xấu tới những người lao động cận nghèo hoặc sống dưới chuẩn nghèo”. ILO ước tính rằng sẽ có thêm từ 8,8 đến 35 triệu người lao động rơi vào đói nghèo trên khắp thế giới, so với mức ước tính trước đây cho năm 2020 (là giảm 14 triệu người).
Ông Guy Ryder – Tổng Giám đốc ILO cho rằng: “Covid-19 không còn chỉ là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu nữa, mà cũng chính là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đối với thị trường lao động và kinh tế, tác động lớn tới con người. Trong năm 2008, thế giới đã cho thấy sự đồng lòng để cùng nhau giải quyết các hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đã có thể tránh được những tác động tồi tệ nhất. Đó chính là điều chúng ta cần lúc này”
Báo cáo của ILO cảnh báo rằng tác động của cuộc khủng hoảng việc làm tới một số nhóm lao động sẽ không đồng đều và điều này sẽ làm gia tăng bất bình đẳng. Những người bị ảnh hưởng lớn bao gồm những người được bảo vệ ít hơn và làm những công việc được trả lương thấp, nhất là lao động trẻ và lao động cao tuổi. Phụ nữ và lao động di cư cũng thuộc nhóm này. Lao động di cư dễ bị tổn thương vì họ thường không được hưởng đầy đủ quyền lao động và an sinh xã hội. Trong khi đó, phụ nữ thường chiếm số đông trong nhóm các công việc lương thấp và các ngành kinh tế bị tác động bởi dịch bệnh.
Tổng Giám đốc ILO kết luận: “Trong những lúc khủng hoảng như hiện nay, chúng ta có hai công cụ chính có thể giúp giảm bớt những tác động tiêu cực và giúp phục hồi niềm tin của công chúng. Thứ nhất là đối thoại xã hội – đối thoại giữa người lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức đại diện của họ. Công cụ này đóng vai trò quan trọng để xây dựng niềm tin của công chúng và hỗ trợ các biện pháp mà chúng ta cần thực hiện để vượt qua cuộc khủng hoảng này. Thứ hai là các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Các tiêu chuẩn này cung cấp một nền tảng đã được thử nghiệm và khẳng định dành cho các phản ứng chính sách tập trung vào việc phục hồi một cách bền vững và công bằng. Chúng ta cần làm tất cả mọi thứ cần thiết để giảm thiểu thiệt hại đối với con người trong thời điểm khó khăn này”.
Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee cho rằng, Việt Nam đã làm rất tốt công tác kiềm chế dịch Covid-19. Sự quyết tâm được thể hiện rõ qua thông điệp của Thủ tướng rằng Chính phủ chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người dân.
Video đang HOT
Ông chia sẻ: “Cuộc chiến chống Covid-19 có khả năng sẽ còn kéo dài, bây giờ chính là lúc bắt đầu hành động để giảm thiểu những tác động tiêu cực của virus tới doanh nghiệp, việc làm và thu nhập của phần lớn người lao động, bao gồm cả khu vực kinh tế phi chính thức. ILO Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động để chiến đấu vì việc làm thỏa đáng tại thời điểm khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng về cả sức khỏe, thị trường lao động cũng như kinh tế hiện nay”.
Theo danviet.vn
Nhà máy đóng cửa, việc làm khan hiếm, người Trung Quốc đón Tết Canh Tý ảm đạm
Cuộc chiến thương mại với Mỹ đã gây tác động đáng kể đến các ngành công nghiệp tại Trung Quốc, và có nguy cơ đẩy hàng triệu công nhân vào cảnh mất việc sau thời điểm Tết Nguyên Đán.
Nhân viên một xí nghiệp dệt tại Quảng Châu trưng bảng "tuyển khách hàng" ngoài phố (Ảnh: New York Times)
Vương Chí Thần đã rất vui mừng khi chỗ làm của anh, công ty vận chuyển A.P. Moller-Maersk có trụ sở chính tại Đan Mạch, cho phép anh được nghỉ 2 tháng. Tranh thủ cơ hội này, anh đã dành thời gian đưa vợ và các con gái của mình đi du lịch tại các tỉnh Tây Bắc xa xôi tại Trung Quốc.
Nhưng sự háo hức với những gì Vương nghĩ là một phần thưởng bất ngờ chuyển thành nỗi thất vọng, khi anh đột ngột bị Maersk thanh lý hợp đồng vào ngày 3.1 năm nay, chỉ chưa đầy một tháng sau khi anh còn gói ghém đồ đạc, rời trung tâm sản xuất tại thành phố Đông Hoảng, thuộc tỉnh Quảng Đông, để đi nghỉ cùng gia đình.
Vương cho biết anh là một trong 2.000 công nhân bị sa thải tại nhà máy vận tải container tại Đông Hoảng từ đầu tháng 12 năm ngoái, do cuộc chiến thương mại với Mỹ đang âm ỉ tác động đến các ngành công nghiệp từ hậu cần đến ô tô và công nghệ tại Trung Quốc.
"Tôi chắc chắn đó chỉ là một kỳ nghỉ", Vương khẳng định. Người thợ vẽ 35 tuổi đã làm việc tại Maersk được gần 6 năm, cho đến thời điểm anh nhận được thông báo sa thải vào 2 tuần trước qua ứng dụng tin nhắn WeChat.
Maersk, thương hiệu vận chuyển hàng hóa container lớn nhất thế giới, đã xác nhận trong một email gửi tới Reuters rằng họ đã sa thải 2.000 công nhân thông qua các cuộc gọi điện thoại trực tiếp và tin nhắn WeChat. Vào tháng 11 năm ngoái, công ty từng đưa ra cảnh báo rằng cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ đánh vào nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng container, làm suy giảm khối lượng hàng vận chuyển bằng hình thức này.
Bên cạnh đó, theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh Quảng Đông, 2 công ty con của hãng đóng tàu Trung Quốc COSCO, một trong những cái tên chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc chiến thương mại, đã phải cắt giảm số lượng tàu tại tỉnh này, gây ra sự sụt giảm trong doanh thu vận tải hàng hóa của toàn khu vực.
"Tôi nghe nói hầu hết các nhà máy container đã bắt đầu cho công nhân được nghỉ phép vào đầu năm nay, vì vậy tôi cảm thấy việc có thêm vài ngày nghỉ nữa là điều bình thường", Vương cho biết. Anh kiếm được mức lương cơ bản khoảng 3.900 nhân dân tệ/tháng (tương đương khoảng 13 triệu đồng) khi còn làm việc tại Maersk.
Vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, dự kiến sẽ bắt đầu vào đầu tháng 2 tại Trung Quốc, hàng triệu người dân, trong đó có hàng chục nghìn công nhân nhập cư từ tỉnh lẻ vào các thành phố lớn, sẽ về quê đoàn tụ cùng gia đình trong cuộc di cư lớn nhất thế giới diễn ra hàng năm tại nước này.
Trong khi nhiều nhà máy truyền thống phải đóng cửa trước kỳ nghỉ quan trọng nhất tại Trung Quốc, Reuters đã thực hiện cuộc phỏng vấn với hơn một chục công nhân, chủ doanh nghiệp, người lao động và luật sư thương mại. Hầu hết trong số họ tiết lộ các doanh nghiệp sẽ đóng cửa sớm hơn bình thường trong năm nay, do cuộc chiến thương mại kéo dài đã khiến số lượng đơn đặt hàng suy giảm.
Một chuyến thăm gần đây của Reuters tới 3 thị trấn thịnh vượng một thời tại Đông Hoảng cho thấy những dấu hiệu rõ ràng về sự suy thoái. Rất nhiều cửa hàng và nhà hàng bị đóng cửa, một số nhà máy ngừng hoạt động và thậm chí còn bị cho thuê mặt bằng.
Một công xưởng bị bỏ hoang tại thành phố Đông Hoảng, tỉnh Quảng Đông (Ảnh: New York Times)
Ông Daniel Lưu, một chủ nhà máy của Hong Kong ở Đông Hoảng, cho biết một vài xí nghiệp đã đóng cửa trước thời điểm Tết Nguyên đán tới 40 ngày.
"Đông Hoảng từng một thời bùng nổ về số lượng công nhân và xí nghiệp. nhưng giờ đây các nhà máy đã biến mất, nhiều người cũng đã rời đi", một tài xế taxi nói với Reuters.
"Khu phức hợp này từng có rất nhiều công nhân ăn uống và trò chuyện khi họ nghỉ làm. Nhưng giờ thì nó trông thế này đây", ông cho biết khi chỉ vào những con hẻm tối tăm trống vắng ở một nơi từng là tụ điểm ăn uống ngoài trời vào buổi tối trong những tuần gần đây.
Xuất khẩu suy giảm
Dấu hiệu chững lại đã xảy ra khi dữ liệu hôm 23.12 năm ngoái cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ giảm mạnh nhất trong 2 năm vào tháng này, và nhập khẩu cũng suy giảm. Những điều này cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang có nhiều điểm yếu hơn trong năm 2019.
Các nguồn chính sách nói với Reuters rằng Trung Quốc đang có kế hoạch đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế thấp hơn mức từ 6 đến 6,5% trong năm nay, so với mục tiêu năm ngoái là "khoảng" 6,5%.
Một khảo sát gần đây của UBS đối với 200 công ty sản xuất có hoạt động xuất khẩu hoặc cung cấp cho các nhà xuất khẩu quan trọng tại Trung Quốc cho thấy cuộc chiến thương mại đã tác động tiêu cực đến 63% các công ty này.
Một phần tư trong số những doanh nghiệp bị ảnh hưởng đã phải cắt giảm việc làm, 37% đã chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong 12 tháng qua, trong khi 33% đang có kế hoạch rời khỏi nước này trong khoảng 6 đến 12 tháng tới.
Lĩnh vực sản xuất khổng lồ của Trung Quốc đang phải chịu nhiều áp lực từ chi phí lao động tăng, các quy định chặt chẽ hơn, cùng với sự chuyển dịch sang ngành sản xuất và tiêu dùng công nghệ cao trong nước. Nhưng nguy cơ từ các khoản áp thuế ngày càng lớn của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc đã làm tăng xu thế nhiều công ty muốn tìm cách chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi nước này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố sẽ tăng mức thuế đối với 200 tỷ đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào ngày 2.3 tới, nếu Bắc Kinh không tuân thủ các quy tắc bảo vệ sở hữu trí tuệ và ngăn cản quyền tiếp cận lớn hơn vào thị trường nước này của các doanh nghiệp Mỹ.
Hai bên đã có những cuộc trao đổi trực tiếp vào tháng 12 năm ngoái, dù Tổng thống Trump nói cuộc gặp đã đạt được "thành công to lớn" và các quan chức Trung Quốc ghi nhận "sự tiến bộ", nhưng có rất ít chi tiết được công khai.
Ngành xây dựng đình trệ
Hàng triệu công nhân Trung Quốc đối diện với nguy cơ mất việc sau kỷ nghỉ Tết Nguyên Đán năm nay (Ảnh: New York Times)
Quảng Đông, nơi sinh sống của hơn 100 triệu người, là tỉnh có nền kinh tế lớn nhất của Trung Quốc, với GDP đạt 1,3 nghìn tỷ đô la Mỹ trong năm 2019, tương đương với Úc và Tây Ban Nha. Sự chững lại ở Quảng Đông là điềm xấu đối với các tỉnh định hướng xuất khẩu khác dọc theo bờ biển tại Trung Quốc, và còn gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng toàn quốc nếu cuộc chiến thương mại vẫn tiếp diễn.
"Là một tỉnh xuất khẩu lớn, nền kinh tế của Quảng Đông đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cuộc chiến thương mại", nhà kinh tế độc lập Tống Thanh Hồi, hiện đang sống tại Thâm Quyến, cho biết, "Nhiều doanh nghiệp đang phải chịu đựng việc kinh doanh ảm đạm, đơn đặt hàng giảm mạnh và một số lượng không nhỏ các nhà máy quyết định đóng cửa."
Tuy nhiên, việc xác định quy mô của sự suy thoái thông qua dữ liệu đang trở nên khó khăn, do tỉnh Quảng Đông gần đây đã ngừng công bố chỉ số kinh tế hàng tháng dùng để đo đà tăng trưởng sản xuất của tỉnh này.
Dữ liệu khác cho thấy lực lượng sản xuất của Quảng Đông đã giảm hơn 6% trong quý 3 năm ngoái xuống còn chỉ còn 12,71 triệu người so với thời điểm 1 năm trước đó.
Trong một dấu hiệu khác, giá trị của các đơn đặt hàng xuất khẩu sang Mỹ đã ký vào tháng 11 năm ngoái tại hội chợ thương mại lớn nhất Trung Quốc ở Quảng Đông đã giảm 30,3%.
"Nếu bạn đang phục vụ một thương hiệu Mỹ, thị trường Mỹ, thì tất nhiên công ty của bạn sẽ gặp rắc rối rất lớn", Sunny Đàm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Hong Kong, đại diện cho hơn 30.000 nhà máy thuộc sở hữu của đặc khu này tại vùng Đồng bằng Châu Giang ở đại lục, cho biết.
"Dù một số người có thể không bị tổn hại nặng nề về mặt tài chính vào ngay lúc này, nhưng họ biết rõ cuộc khủng hoảng sẽ di chuyển về phía nam," ông nói thêm.
Các ông chủ tháo chạy
Khi các đơn đặt hàng trở nên nhỏ giọt và một số dây chuyền sản xuất trở nên đình trệ, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm đáng kể thời gian làm chính lẫn làm thêm.
Giả Minh Hoa, 25 tuổi, một công nhân tại xưởng sơn kim loại Kam Pin ở Đông Hoảng, cho biết: "Không có thời gian làm thêm, chúng tôi không còn nhiều tiền lương nếu khấu trừ các khoản phí an sinh xã hội và thực phẩm. Tất cả những gì chúng tôi quan tâm lúc này là số tiền hữu hình mà có thể được nhìn thấy".
Nhiều doanh nghiệp sản xuất tại Trung Quốc đã phải cắt giảm đáng kể thời gian làm chính và làm thêm của công nhân (Ảnh: New York Times)
King Lưu, phó Giám đốc điều hành nhà máy tại Kam Pin cho biết khoảng 1/5 trong tổng số 200 nhân viên của nhà máy đã nghỉ phép, trong khi một số dây chuyền sản xuất đã bị đình chỉ.
Ông còn nói thêm rằng lượng đơn đặt hàng mới dự kiến sẽ giảm 30% nếu các khoản áp thuế từ Mỹ tăng tới 25% vào tháng 3 tới.
Nhiều nhà máy có thể sẽ đóng cửa trong vài tuần tới, khi những người theo dõi ngành công nghiệp dự báo rằng một số ông chủ, do không thể chịu được chi phí khổng lồ từ việc phá sản, sẽ tìm cách bỏ trốn.
"Rất khó để đóng cửa một nhà máy sản xuất tại Trung Quốc vào những ngày này ... việc thế chấp sẽ dễ dàng hơn", luật sư thương mại Sally Bằng của công ty luật Sandler, Travis & Rosenberg, cho biết, "Sau Tết Nguyên đán, khi tất cả công nhân trở về, họ sẽ không thể quay lại công việc cũ của mình."
Theo danviet.vn
Dịch COVID-19 ngày 18-3: Cảnh báo 'thổi bay' 25 triệu việc làm Liên minh châu Âu (EU) phải cấm nhập cảnh trong 30 ngày đối với người ngoài khối nhằm kiềm chế sự lây lan của SARS-CoV-2. Các nước Đông Nam Á cũng cập nhật những con số đáng ngại. * Bản tin cập nhật lúc 23h ngày 18-3 - Đồ hoạ: NGỌC THÀNH Thông tin cập nhật lúc 23h - Đồ hoạ: NGỌC THÀNH...