Ảnh hưởng pháp lý việc Trung Quốc xây đảo ở Trường Sa
Không ồn ào và khoa trương như vụ giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyan 981), nhưng việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo lại là một bước đi tạo sự thay đổi hiện trạng Biển Đông mạnh mẽ và lâu dài, khi biến những thực thể nửa nổi nửa chìm hay một vài mỏm đá có diện tích rất nhỏ trở thành đảo thực sự.
Đây không chỉ đơn thuần là các hoạt động thuần túy nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ cho dân sự mà là những bước đi có ảnh hưởng sâu sắc cả về khía cạnh pháp lý và quân sự.
Không khoa trương như vụ giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyan 981), việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo lại là một bước đi tạo sự thay đổi hiện trạng Biển Đông – Ảnh: Thanh Niên
Thanh Niên Online xin giới thiệu bài việc của tác giả Phạm Thanh Vân, người nghiên cứu Biển Đông từ năm 2011 và sáng lập trang South China Sea: Facts and Legal Aspects (www.seasresearch.wordpress.com ), được theo dõi bởi nhiều chuyên gia Biển Đông hàng đầu thế giới. Bài viết của tác giả Phạm Thanh Vân nhìn vấn đề ở khía cạnh pháp lý.
Xóa dần bản chất tự nhiên
Có ít nhất 5 thực thể địa lý ở Trường Sa mà trên đó Trung Quốc đang tiến hành xây đảo nhân tạo. Đó là Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập, Gaven và Ken Nan. Theo một số khảo sát vào những năm 1990 hay sớm hơn, những thực thể này phần nhiều là nửa nổi nửa chìm, có vài mỏm đá nhô lên mặt nước.
Trong một công bố mới nhất trên Tạp chí quốc tế về luật biển và ven biển (The International Journal of Marine and Coastal Law), GS Robert Beckman và Clive Schofield đã kết hợp thông tin của các khảo sát trước đây, từ đó đánh giá và liệt kê những thực thể mà họ cho là có đủ tiêu chuẩn là đảo để được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, và những thực thể chỉ là đá (chỉ được hưởng 12 hải lý lãnh hải).
Video đang HOT
Trong 5 thực thể kể trên, chỉ duy nhất đá Gaven được xếp vào nhóm thứ nhì. Đối với những thực thể còn lại, vẫn chưa có sự thống nhất giữa các khảo sát, nhưng đều không được coi là đảo. Vùng biển tối đa mỗi thực thể này có thể được hưởng (nếu có) chỉ là 12 hải lý.
Tuy nhiên, bằng các hoạt động nạo vét biển, sử dụng tàu cuốc để cắt những mảng san hô, đổ cát xây đảo quy mô lớn, Trung Quốc đã biến những thực thể trên trở thành đảo nhân tạo, dần xóa đi bản chất tự nhiên ban đầu của những thực thể này và có thể dẫn tới những hệ quả pháp lý nghiêm trọng.
Có ít nhất 5 thực thể địa lý ở Trường Sa mà trên đó Trung Quốc đang tiến hành xây đảo nhân tạo – Ảnh: Reuters
Trung Quốc lập luận rằng các quốc gia Việt Nam và Philippines cũng có các hoạt động xây dựng (và vì vậy Trung Quốc cũng có quyền làm tương tự). Điều đó chỉ đúng một phần. Theo báo cáo của tạp chí tình báo IHS Jane’s dựa trên phân tích các bức ảnh vệ tinh, tuy các bên có tiến hành việc xây dựng trên đảo, điểm khác biệt cơ bản là các quốc gia khác chỉ sửa đổi các vùng đất hiện có.
Trong khi đó, Bắc Kinh xây dựng đảo nổi từ các bãi đá phần lớn chìm dưới mực nước biển khi thủy triều lên. Các hoạt động nạo vét biển của Trung Quốc trong quá trình xây đảo đã làm thay đổi môi trường biển xung quanh, tàn phá môi trường sống của các nguồn cá.
Điều này là trái với luật quốc tế, trong đó đòi hỏi các quốc gia trong thời gian tranh chấp không được có các hành động đơn phương dẫn tới thay đổi môi trường biển vĩnh viễn.
Việt Nam phải lưu những bằng chứng thực thể tự nhiên
Việc xây dựng đảo của Trung Quốc không có tác dụng củng cố yêu sách biển trong đường chữ U như một số nhà bình luận nhận định. Diễn giải từ điều 121 khoản 1 và 2 của UNCLOS, chỉ có đảo được hình thành một cách tự nhiên mới được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa.
Theo điều 60 khoản 8 của UNCLOS, đảo nhân tạo không được hưởng quy chế lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, cũng như không ảnh hưởng tới việc phân định biển.
Nhưng hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc có thể gây nguy hiểm cho những tranh biện pháp lý và những bất lợi cho Việt Nam trước tòa nếu như Việt Nam không lưu giữ những bằng chứng về tình trạng tự nhiên của những thực thể trước khi Trung Quốc xây dựng, cũng như quá trình xây đảo.
Việc xây dựng đảo của Trung Quốc không có tác dụng củng cố yêu sách biển trong đường chữ U như một số nhà bình luận nhận định – Trong hình, Trung Quốc đưa phương tiện đến xây đảo ở Trường Sa – Ảnh: Thanh Niên
Người viết chia sẻ quan điểm của Gregory Poling, chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), rằng Việt Nam cần phải tiến hành khảo sát địa lý và chuẩn bị bằng chứng về tình trạng của các thực thể tự nhiên tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong khi Trung Quốc không chấp nhận thẩm quyền của tòa án quốc tế đối với các tranh chấp chủ quyền và Việt Nam sẽ phải dựa vào một số thủ tục giải quyết tranh chấp của UNCLOS để có thể đơn phương đưa Trung Quốc ra tòa, một nghiên cứu có hệ thống để chuẩn bị hồ sơ với đầy đủ thông tin cần thiết về vấn đề này là không thể thiếu.
Đó cũng sẽ là một trong những nền tảng quan trọng cho những cuộc tranh biện pháp lý của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế.
Giải pháp
Có một số đề xuất rằng các bức ảnh vệ tinh với độ phân giải cao có thể góp phần cung cấp thông tin về vấn đề này. Theo lời của IHS Jane trong một thư hồi âm người viết, họ có các bức ảnh vệ tinh ghi lại hiện trạng của các thực thể từ trước và trong quá trình Trung Quốc xây đảo. Những bức ảnh này được chụp thông qua những hệ thống vệ tinh có độ phân giải cao có thể đạt tới 0.46m.
Sau khi đã có thông tin khảo sát về các đảo/đá ở Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam cũng cần phải xác định yêu sách biển của mình. Cùng với việc cải tạo, xây dựng các cơ sở hạ tầng ở Trường Sa, sự hiện diện của Trung Quốc tại vùng biển này sẽ tăng lên. Nguy cơ đụng độ cũng sẽ tăng lên. Xác định rõ yêu sách biển của mình sẽ giúp Việt Nam biết được mình có những quyền gì trong những vùng biển đó, và cũng là để bảo vệ ngư dân tránh khỏi những cái cớ để bị tấn công.
Nếu Việt Nam phản đối đầy đủ theo luật quốc tế thì việc xây dựng đảo (cũng như các hoạt động tổ chức du lịch trên Hoàng Sa và một loạt các hoạt động khác của Trung Quốc) cũng không có giá trị như một bằng chứng pháp lý trong việc củng cố chủ quyền của Trung Quốc.
Trong luật quốc tế có một khái niệm là thời điểm “kết tinh” tranh chấp (critical date). Đó là thời điểm bắt đầu xảy ra tranh chấp. Tuy vẫn chưa xác định được chính xác thời điểm “kết tinh” tranh chấp ở Trường Sa, nhưng có một điều chắc chắn rằng thời điểm đó là trước những năm 1980. Sau thời điểm này, những bằng chứng về các hoạt động thực thi và củng cố chủ quyền của các bên tranh chấp sẽ không có giá trị làm mạnh thêm yêu sách chủ quyền của một quốc gia nếu như các quốc gia tranh chấp khác phản đối.
Việc kế hoạch xây đảo nhân tạo do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phê chuẩn và được giám sát bởi các tướng lãnh Trung Quốc gợi ý rằng đây là một kế hoạch có tầm chiến lược đối với Trung Quốc. Và cũng có thể dễ dàng nhìn thấy khi Trung Quốc coi Biển Đông là lợi ích cốt lõi.
Việc Trung Quốc tiếp tục thay đổi hiện trạng và mở rộng bá quyền trên Biển Đông chỉ còn là vấn đề thời gian và thời cơ. Việt Nam cần phải dự đoán trước cũng như đa dạng hoá về giải pháp để chuẩn bị cho các tình huống có thể xảy ra.
Theo Thanh Niên