Ảnh hưởng bão số 10, nhiều khu vực Đông Nam Bộ ngập nặng
Do ảnh hưởng của cơn bão số 10, nhiều khu vực tại Đông Nam Bộ xuất hiện mưa lớn và người dân khu vực thì khổ sở vì tắc đường, ngập nước.
Từ 1h sáng, nhiều khu vực tại TP.HCM xuất hiện mưa càng lúc càng nặng hạt, kèm theo các cơn gió giật, lốc tố. Ở các quận phía đông thành phố như Thủ Đức, Bình Thạnh, Q.2, 9, 12… đến 6h sáng trời vẫn còn mưa. Do mưa lớn, nước thoát không kịp nên nhiều nơi bị ngập nặng, xe cộ bị chết máy la liệt trên đường, nhiều người dân bị trễ giờ làm.
Đường Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh) bị ngập nặng sáng 14.9.
Trong đó nặng nhất là khu vực đường Nguyễn Xí – Đinh Bộ Lĩnh, nước ngập sâu gần 0,5m khiến hàng loạt xe chết máy. Giao thông trong khu vực này trở nên hỗn loạn khi người dân đổ ra đường càng đông, trong khi nhiều người khác thấy ngập phải quay tìm hướng đi khác. Tình trạng ngập nước tại giao lộ này cũng khiến khu vực bến xe Miền Đông ùn ứ nặng, hàng ngàn phương tiện phải nối đuôi nhích từng chút trên đường.
Xe cộ bị ùn tắc kéo dài ở cửa ngõ phía đông thành phố.
Tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, có những đoạn nước ngập sâu hơn 0,5m khiến nhiều người đi xe máy không dám qua đường mà lấn sang làn đường dành cho ô tô gây dồn ứ. Anh Trần Văn Lập (ngụ P.22, Q.Bình Thạnh) cho biết, đường Nguyễn Hữu Cảnh bị trũng thấp, dù có trạm bơm ở gần nhưng cứ mưa lớn là ngập. Vào sáng nay, ở phía làn đường dành cho xe máy nước ngập như sông nên ít người dám qua, phải đứng chôn chân tại chỗ.
Video đang HOT
Tương tự, các tuyến đường thường xuyên bị ngập như: Tô Ngọc Vân (Q.Thủ Đức), Huỳnh Tấn Phát (Q.7), An Dương Vương (Q.8), Nguyễn Văn Quá (Q.12), xa lộ Hà Nội (Q.2)… nước ngập mênh mông, giao thông hỗn loạn. Sau 8h, việc đi lại của người dân mới ổn định.
Cây xanh, cột điện bị ngã đổ tại đường Nguyễn Văn Hưởng (Q.2, TP.HCM).
Do mưa lớn kèm theo gió giật nên nhiều cây xanh tại TP.HCM bị gãy cành, bật gốc. Tại đường Nguyễn Văn Hưởng (P.Thảo Điền, Q.2), một cây xà cừ lớn ngã kéo đổ cột điện gần đó. Nhiều đèn chiếu sáng tại đây hư hỏng. Rất may thời điểm sáng sớm ít người qua lại nên không gây thiệt hại về người.
Nhiều tuyến đường tại TP.Biên Hòa cũng bị ngập nặng gây kẹt xe kéo dài.
Trong khi đó, một số khu vực tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai) mưa lớn kéo dài đã khiến nhiều tuyến đường bị ngập. Nhiều công nhân bị trễ giờ làm do kẹt xe. Nghiêm trọng nhất là khu vực đường Bùi Văn Hòa và tuyến quốc lộ 51, nhiều đoạn bị ngập nặng với độ sâu từ 0,3 đến hơn 0,5m.
Đường phố vắng vẻ do ngập nặng.
Trước tình trạng ngập nước và kẹt xe nghiêm trọng, một doanh trại quân đội đã mở lối đi nội bộ để dân tạm thời qua lại. Trên đại lộ Bình Dương (tỉnh Bình Dương), vào sáng sớm có nhiều đoạn bị ngập nước lênh láng. Nhiều công nhân phải đội mưa đi làm, đường khá rộng nên không xảy ra kẹt xe.
Mưa lớn xối xả trên đại lộ Bình Dương.
Thạc sĩ Lê Đình Quyết – Phó trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ – cho biết, trong sáng 14.9, TP.HCM cùng một số tỉnh ở khu vực miền Đông xuất hiện mưa lớn. Nguyên nhân là do ảnh hưởng từ bão số 10 kích động gió Tây Nam cường độ mạnh gây ra mưa. Dự báo trong vài ngày tới TP.HCM và các tỉnh lân cận tiếp tục có mưa nên người dân cần chủ động đề phòng.
Theo Danviet
Bão số 10: Phó Thủ tướng yêu cầu sơ tán dân tại vùng nguy hiểm
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, đây là cơn bão rất mạnh, nếu không ứng phó kịp thời, hậu quả sẽ rất lớn.
Bão số 10 đang di chuyển nhanh về phía đất liền nước ta. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVTƯ.
Sáng 14/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị trực tuyến nhằm đưa ra các giải pháp khẩn cấp ứng phó bão số 10.
Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, hồi 7 giờ sáng, bão số 10 đang ở cách bờ biển Hà Tĩnh - Quảng Bình khoảng 700km về phía Đông. Bão đã mạnh lên cấp 11, tốc độ di chuyển 20km/h.
Dự báo đến khoảng trưa mai, muộn nhất là chiều tối mai (15/9), bão sẽ đi vào vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình với cấp độ 11-12, gió giật cấp 15.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, đây là cơn bão rất mạnh, nếu không ứng phó kịp thời, hiệu quả, thì thiệt hại sẽ rất lớn.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải có phương án cụ thể, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước hết tập trung bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển.
Đối với khu vực ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Trị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 10, Phó Thủ tướng yêu cầu triển khai cấm biển, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền còn hoạt động ven bờ, không để tàu thuyền còn hoạt động trong vùng nguy hiểm từ đêm 14/9.
"Kiên quyết sơ tán triệt để người dân tại các khu vực nguy hiểm, tuyệt đối không được để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, trên các tàu thuyền, kể cả ở nơi neo đậu khi bão đổ bộ vào", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Yêu cầu Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn duy trì ứng trực, chuẩn bị sẵn lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng hỗ trợ, đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân.
Theo Danviet
Bão số 10 khiến đường Sài Gòn ngập sâu, Biên Hòa thành "sông" Do ảnh hưởng của bão số 10, cơn mưa như trút nước đổ xuống TP.HCM và nhiều khu vực lân cận khiến nhiều tuyến đường thành "sông", người dân phải "bơi" trên đường. Khoảng 2h sáng nay, cơn mưa lớn đổ xuống như trút nước kéo dài nhiều giờ khiến nhiều khu vực ở TP.HCM bị ngập sâu. Tại khu vực đường Huỳnh...