Anh hùng La Văn Cầu lặng chờ viếng Đại tướng
Trong dòng người tiễn đưaĐại tướng Võ Nguyên Giáp chiều 12/10 tại nhà tang lễ Quốc gia có Anh hùng lực lượng vũ trang La Văn Cầu. Đã 82 tuổi nhưng ông vẫn xếp hàng 2 tiếng đồng hồ.
Trong trận Đông Khê (Chiến dịch biên giới năm 1950), khi đang chỉ huy tổ bộc phá hàng rào để đơn vị tiến công đồn, người chiến sĩ La Văn Cầu bị thương gãy nát cánh tay phải. Ông đã nhờ đồng đội chặt đứt cánh tay này để khỏi vướng, sau đó dùng tay trái ôm bộc phá đánh mở đường, tạo thời cơ cho đơn vị đánh chiếm đồn địch.
Với sự hiện diện của ông tại đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quá khứ đau thương nhưng hào hùng về một thời khói lửa, với sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, như hiện về.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu (phải) trầm ngâm lắng nghe bài hát “Vị Đại tướng bất diệt”.
Đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông La Văn Cầu trầm ngâm. Hình ảnh ống tay áo bên phải được vén gọn vào trong túi áo khiến nhiều người xúc động. Chiến tranh đã qua nhưng mất mát vẫn còn đây.
Nhiều người xin được chụp ảnh, trò chuyện với ông. Nghệ sĩ Tạ Trí Hải đang kéo đàn ngân lên khúc ca “Hồn tử sĩ” cũng tiến lại gần xin được hát tặng vị Anh hùng bài hát “Vị Đại tướng bất diệt”.
Video đang HOT
Theo Tri thức
Võ Nguyên Giáp - Nhà báo cách mạng bí mật
Chúng ta đã biếtĐại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng xuất chúng trong thế kỷ 20. Chiến công và tư duy nghệ thuật quân sự của ông đã được (cả hai phía) nghiên cứu, phân tích cặn kẽ đến từng chi tiết. Cuộc đời ông cũng được dựng lại hoàn chỉnh nhờ những mảnh ghép từ hồi ký của ông và ký ức những người thân. Một mảnh ghép quan trọng trong chân dung Võ Nguyên Giáp nhưng ít được biết là giai đoạn ông hoạt động bí mật và làm báo cách mạng trước năm 1945.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện với Giáo sư Vũ Khiêu tại nhà riêng - Ảnh: Lê Quân chụp lại từ một triển lãm ảnh
Bài báo đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bài Vũ trụ và tấn hóa đăng trên báo Tiếng dân trong hai số 218 và 222 ngày 28.9 và 5.10.1929 với bút danh Hải Thanh. Khi đó Võ Nguyên Giáp đang làm biên dịch viên cho báo Tiếng dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng sáng lập. Chuyên luận triết học khá sâu này đã được Võ Nguyên Giáp viết khi mới 18 tuổi, sau hai năm tự học từ khi bị đuổi khỏi Trường Quốc học (Huế) vì biểu tình và bãi khóa.
Từ khi chưa được gặp và tiếp thu những tư tưởng macxit, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tiếp cận với chủ nghĩa duy vật biện chứng và quy luật chuyển biến của lịch sử qua các cuộc cách mạng xã hội với cái nhìn không xa với tư tưởng của Mác. Đến nay, tìm theo những bút danh trên báo Tiếng dân, đã thống kê được 27 bài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đăng trên 36 số báo. Với các bài ký tên Vân Đình ở mục Thế giới thời đàm, ông nghiên cứu và đưa ra nhiều ý kiến bình luận sắc sảo về kinh tế chính trị, tình hình thế giới và các nước.
Sau khi bị bắt, bị tù hơn một năm (1930-1931) và bị cấm làm báo ở Huế, Đại tướng Võ Nguyên Giáp "ngưng bút" trong khoảng gần 6 năm rồi xuất hiện chói sáng trở lại trên mặt trận báo chí cách mạng trong phong trào Mặt trận bình dân sôi nổi những năm 1936-1939.
Tháng 1.1936, Mặt trận Bình dân Pháp thành lập, bao gồm Đảng Cộng sản, Đảng Xã hội, Đảng Cấp tiến, Tổng Liên đoàn Lao động Pháp và giành thắng lợi trong cuộc Tổng tuyển cử tháng 4.1936 tạo thời cơ cho báo chí cách mạng phát triển. Đảng Cộng sản Đông Dương phát động phong trào Mặt trận Dân chủ và cuộc vận động Đông Dương đại hội. Những năm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa dạy môn sử ở Trường Thăng Long vừa học trường luật, nhưng vẫn dành phần lớn thời gian cho hoạt động báo chí.
Ngay khi Mặt trận bình dân thắng cử, nhạy bén tranh thủ cơ hội, ông bàn với Đặng Thai Mai và các giáo sư Trường Thăng Long cùng nhau ra tờ Hồn trẻ (tập mới) ngày 6.6.1936 - chỉ hai ngày sau khi Chính phủ cánh tả được thành lập ở Pháp. Hồn trẻđược bạn đọc hoan nghênh, in ra không đủ bán. Học sinh trường Thăng Long tình nguyện đi bán báo và góp tiền ủng hộ báo. Thấy rõ sự "nguy hại" của Hồn trẻ, các nhà cai trị thực dân vội vã đóng cửa báo sau khi ra được 12 số.
Báo tiếng Việt bị hạn chế bởi những điều khoản xin cấp phép phức tạp, ông cùng với Nguyễn Thế Rục và một số đồng chí quyết định cho ra báo Le Travaill (Lao động) bằng tiếng Pháp. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là biên tập viên chính, làm việc rất hăng hái, mặc dù sức khỏe không được tốt. Nghe tin có cuộc bãi công lớn của công nhân vùng mỏ, ông đạp xe đạp 200 km từ Hà Nội về tới Cẩm Phả để viết bài. Những bài báo này đã gây được sự chú ý của dư luận trong nước và cả ở Pháp.
Cuối năm 1936, nhiều chiến sĩ cộng sản từ các nhà tù trở về: Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Khuất Duy Tiến, Đặng Châu Tuệ, Tông Phúc Chiểu... nhập ngay vào nhóm Le Travaill.
Trong những năm Mặt trận dân chủ sôi nổi, ở Hà Nội, hàng loạt tờ báo tiếng Pháp và tiếng Việt được Đảng chỉ đạo xuất bản công khai, tờ này bị cấm, tờ khác xuất hiện. Báo tiếng Pháp có các tờ Rassemblement (Tập hợp), En Avant (Tiến lên), Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta); báo tiếng Việt có các tờ Thế giới, Đời nay, Tin tức, Ngày mới... công khai cổ động đấu tranh cho các khẩu hiệu dân sinh, dân chủ, đòi đại xá chính trị phạm, ủng hộ Mặt trận Bình dân Pháp...
Đặc biệt, tờ Notre Voix - mà Võ Nguyên Giáp như một "linh hồn" - đã đăng loạt bài với bút danh là P.C. Lin dưới tiêu đề Thư từ Trung Quốc với chữ in nghiêng trong hai số 7 (12.2.1939) và 8 (5.3.1939). Ngày nay nhiều người đã biết P.C Lin là bí danh của Nguyễn Ái Quốc nhưng thời đó điều này phải tuyệt đối bí mật.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường viết cho những tờ báo tiếng Pháp nhưng vẫn tranh thủ viết cho nhiều báo tiếng Việt. Ông đã đảm nhiệm hầu hết các khâu của nghề báo, từ viết xã luận, thời đàm nghị luận, điều tra, phóng sự, biên tập, duyệt bài, sắp xếp nội dung, cho tới bố cục, lên trang, trình bày, đưa nhà in, sửa morrasse và không ít khi đảm nhiệm cả việc phát hành báo. Nhưng sở trường của ông vẫn là phân tích bình luận tình hình thời sự - chính trị quốc tế, phê phán kinh tế chính trị học.
Có buổi ông ngồi từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau, viết và bố cục, trình bày xong cả một số báo để kịp đưa xuống nhà in rồi vẫn lên lớp ở Trường Thăng Long như bình thường. Ông xem viết báo như một nghĩa vụ và trách nhiệm, không có nhuận bút và phụ cấp mà sống thanh bạch nhờ nghề giáo.
Tháng 5.1940, trước những biến động của tình hình, Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng được Xứ ủy Bắc kỳ "điều" sang Vân Nam (Trung Quốc). Cũng từ đây, nhà báo cách mạng Võ Nguyên Giáp được gặp, được hoạt động, được làm báo cùng với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Bài báo đầu tiên Võ Nguyên Giáp được Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo với yêu cầu ngặt nghèo "Chú chỉ được viết 100 chữ" là bài Chị em phụ nữ phải đoàn kết lại! (đăng trên báo Việt Nam độc lập số 112, ngày 1.12.1941). Đây quả là một thử thách mà ông đã vượt qua vì (cần nhớ lại rằng) hầu hết các bài báo của Võ Nguyên Giáp đều dài - như những chuyên luận - có bài dài như một cuốn sách.
Trên chặng đường đánh Pháp - đuổi Nhật những năm 1941-1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhận nhiều công việc chuẩn bị lực lượng vũ trang cho cuộc khởi nghĩa giành độc lập đang đến gần nhưng ông vẫn hoàn thành xuất sắc những công việc tuyên truyền của một nhà báo cách mạng.
Ông viết cho báo Việt Nam độc lập của Mặt trận Việt Minh, cùng Đào Duy Kỳ viếtViệt Minh ngũ tự kinh bằng tiếng Tày, Dao làm tài liệu tuyên truyền, làm chủ bút báoNước Nam mới của Khu giải phóng, báo Quân giải phóng của Việt Nam giải phóng quân...
Chúng ta đã biết "Tướng Giáp - Anh Văn" song toàn văn võ. Chúng ta còn được biết một nhà báo cách mạng Võ Nguyên Giáp xuất sắc trên nhiều lĩnh vực, nhiều thể loại báo chí. Chỉ điểm qua những hoạt động của nhà báo cách mạng Võ Nguyên Giáp từ thời còn hoạt động bí mật cũng thấy rõ điều đó.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tổng kết lại kinh nghiệm và trao đổi ý kiến trong bài Mười lăm năm làm báo trước Cách mạng Tháng Tám (Tạp chí Nhà báo và Công luận số tháng 8.1991): "Tôi thấy làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng. Đó là một công việc luôn luôn khẩn trương, phải phát hiện kịp thời mưu đồ, thủ đoạn của giai cấp thống trị, yêu cầu, tâm lý đa dạng và thường xuyên thay đổi của bạn đọc, nguyện vọng sâu xa của nhân dân, để biết mình phải làm gì. Tính thời gian rất quan trọng. Có được tin sớm để đăng đã khó. Nhưng khó hơn nhiều là nghệ thuật đưa vấn đề đúng lúc, tác dụng sẽ được nhân lên gấp bội. Nội dung đương nhiên cần được bảo đảm chính xác, chặt chẽ, nhưng hiệu quả đối với người đọc thường lại do cách diễn đạt, trình bày quyết định. Bố cục không hợp lý sẽ làm giảm hiệu quả của một số báo có nhiều bài hay. Những bài chính, phụ, ngắn, dài, nặng, nhẹ, phải kết hợp với nhau một cách hữu cơ, tạo nên sự hài hòa như những màu sắc của một tác phẩm hội họa, mới mang lại hứng thú cho người đọc. Đặt tên cho một bài báo rất khó. Tôi thường mất nhiều thời gian cân nhắc tìm những kiểu chữ thích hợp cho đầu đề một bài báo chỉ vài ba dòng. Dòng thứ hai thường quan trọng nhất, nhưng các dòng khác không thể coi nhẹ vì phải góp phần tạo nên một chỉnh thể. Những kiểu chữ lớn, nhỏ, béo, gầy, đứng hoặc nghiêng - đều có vai trò và hiệu lực riêng của nó trên trang báo mà người làm báo không thể không biết tới. Nghề làm báo hao tâm tổn trí, gian khổ, nhưng người làm báo được đền bù xứng đáng là niềm vui khi thấy tác dụng và hiệu quả của tờ báo trong đông đảo bạn đọc".
Theo Thanh niên
Lời cảm ơn của Ban Lễ tang Nhà nước và gia đình Đại tướng Ngay sau khi hoàn tất việc chôn cất Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ban Lễ tang Nhà nước và gia đình Đại tướng đã gửi lời cảm ơn chân thành đến người dân trong và ngoài nước; Các đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức và bạn bè quốc tế. Linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Nhà tang lễ Quốc...