Anh hái quả ngọt nhờ đặt cược vào vaccine Covid-19
Anh từng hỗn loạn trong chiến lược chống dịch, nhưng giờ có thể tự tin sắp thoát khỏi Covid-19 nhờ “đặt cược” từ sớm vào vaccine.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đối mặt tình c ảnh không mấy thuận lợi kể từ khi Covid-19 bùng phát. Hiện nay, Anh vẫn là một trong những vùng dịch chết chóc nhất thế giới và đứng thứ 5 toàn cầu về số ca nhiễm nCoV. Giới phê bình đổ lỗi cho lệnh phong tỏa quá muộn của chính quyền và quá trình xét nghiệm hỗn loạn, truy vết yếu kém.
Tuy nhiên, theo bình luận viên Luke McGee của CNN , vận may của Johnson dường như cuối cùng cũng đến. Hôm 22/2, Thủ tướng Anh vạch ra một lộ trình có khả năng giúp nước này thoát khỏi phong tỏa trước cuối tháng 6. Sự tự tin của ông xuất phát từ chương trình triển khai vaccine Covid-19 của Anh tới nay diễn ra vô cùng tốt đẹp, với hơn 18,5 triệu liều đã được tiêm, tương đương tỷ lệ 27/100 người.
Chiến dịch tiêm chủng thành công của Anh dựa vào nhiều yếu tố, đặc biệt là việc Johnson chi tiền mạnh tay để mua vaccine ngay từ sớm. Trong số 357 triệu liều mà Anh đã mua tính đến nay, hợp đồng lớn nhất được ký với công ty dược phẩm Anh – Thụy Điển AstraZeneca, hãng sở hữu vaccine hợp tác phát triển cùng Đại học Oxford danh giá của Anh, cũng là trường cũ của Johnson.
“Ván cược” vào Oxford và AstraZeneca đã được đền đáp. Anh cũng là quốc gia đầu tiên phê duyệt sử dụng loại vaccine này cho tất cả người trưởng thành. Niềm tự hào về vaccine “cây nhà lá vườn” của Anh lớn đến mức nhiều người dân nước này giờ đây quay lưng với vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech, quyết tâm “chờ hàng Anh”.
Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) đến thăm một trung tâm tiêm chủng ở Cwmbran, miền nam xứ Wales hôm 17/2. Ảnh: AFP .
Trong khi đó, bên kia eo biển Manche, tình hình khá khác biệt. Liên minh châu Âu (EU) cấp phép sử dụng vaccine chậm hơn, thậm chí “khẩu chiến” với AstraZeneca vì trì hoãn giao hàng hồi cuối tháng 1. Giờ đây, ngay cả những nước lớn của EU là Pháp và Đức cũng chỉ đạt tỷ lệ tiêm chủng 6/100.
Video đang HOT
Việc Anh không còn là thành viên của EU, không phụ thuộc vào liên minh trong việc mua hoặc cấp phép vaccine, đã giúp họ đàm phán hợp đồng và phê duyệt nhanh chóng hơn. “Nếu muốn bằng chứng về tầm quan trọng của Brexit, mọi người đã thấy đó. Giả sử chúng tôi vẫn còn trong EU, có lẽ đã có thêm nhiều người chết”, David Davis, nghị sĩ kỳ cựu từng phụ trách vấn đề Brexit, nêu ý kiến.
Khi cuộc tranh luận trở nên dữ dội, một số lãnh đạo EU thậm chí gieo nghi ngờ về hiệu quả của vaccine. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng nói vaccine AstraZeneca “gần như không hiệu quả” với nhóm người cao tuổi, khiến nhiều nhà khoa học phản đối.
Một ngày trước đó, giới chức Đức cũng từ chối cấp phép tiêm vaccine AstraZeneca cho người trên 65 tuổi, với lý do thiếu dữ liệu đầy đủ về nhóm tuổi này trong các thử nghiệm của hãng sản xuất. Pháp, Tây Ban Nha, Italy và những nước khác tiếp bước, bằng việc chỉ cho phép tiêm vaccine cho những nhóm tuổi trẻ hơn.
Tuy nhiên, các nhà khoa học Scotland trong tuần này đã công bố nghiên cứu mới cho thấy vaccine AstraZeneca giúp giảm nguy cơ nhập viện về tổng thể lên tới 94%, 4 tuần sau khi tiêm một liều duy nhất. Nhóm người cao tuổi cũng chỉ cần một liều để ngăn nguy cơ phải nhập viện một cách hiệu quả.
Giờ đây, các cơ quan quản lý châu Âu đang xem xét lại những hạn chế của họ về đối tượng có thể được tiêm chủng. Bộ Y tế Pháp hôm 24/4 cho biết họ “có khả năng” mở rộng hướng dẫn về độ tuổi tiêm vaccine AstraZeneca sau nghiên cứu của Scotland.
Mặc dù vậy, cuộc khủng hoảng nguồn cung vaccine vẫn chưa dừng lại ở châu Âu. Một quan chức EU hôm 23/2 tiết lộ AstraZeneca đã thông báo với liên minh rằng họ chỉ có thể vận chuyển chưa đầy một nửa số liều dự kiến trong quý II.
Ngoài ra, nhiều người lo ngại rằng cuộc chiến gay gắt công khai giữa EU với AstraZeneca đã làm giảm bớt lòng tin vào vaccine, khi một số quốc gia châu Âu dường như đang chật vật thuyết phục công dân của họ đi tiêm chủng.
Trước tình thế rối ren, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thực hiện động thái bất thường hồi đầu tuần, khi tuyên bố trên Twitter rằng “vaccine AstraZeneca vừa an toàn, vừa hiệu quả cao”, sau những báo cáo về việc người Đức đang từ chối sử dụng nó.
“Điều này vô cùng đáng lo ngại. Bất cứ mối nghi ngờ nào về vaccine cũng đồng nghĩa với khả năng cần cải tổ hoàn toàn chiến lược tiêm chủng. Giữa một đại dịch, bạn luôn phải đấu tranh để giữ vững niềm tin ở mức cao trong công chúng”, Cathryn Cluver Ashbrook, giám đốc Dự án về châu Âu và Quan hệ Xuyên Đại Tây Dương thuộc Trường Harvard Kennedy, Mỹ, cho hay.
Dù thừa nhận sai lầm trong công tác triển khai vaccine, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vẫn đánh giá Anh đang tiến hành tiêm chủng một cách vô trách nhiệm bất chấp tốc độ nhanh chóng. “Đúng là EU đã chậm hơn, nhưng đó là quyết định đúng đắn. Hãy để tôi nhắc lại rằng tiêm chủng là đưa một hoạt chất sinh học vào cơ thể khỏe mạnh. Tiêm chủng hàng loạt là một trách nhiệm khổng lồ”, Von der Leyen phát biểu hồi đầu tháng.
Tuy nhiên, trong tuần này, bà lại lên tiếng ủng hộ vaccine của AstraZeneca, nói rằng sẽ tiêm “mà không cần suy nghĩ thêm”.
Trong khi đó, Johnson từ đầu đến cuối chỉ giữ im lặng, dường như đang tận hưởng chiến thắng về mặt dư luận trước EU, giữa lúc Anh gặp phải một loạt vấn đề khác, điển hình là sự gián đoạn thương mại do hệ quả của Brexit.
“EU có xu hướng phát ngôn hợp tình hợp lý trên trường quốc tế, nên việc chỉ trích Anh và vaccine của Đại học Oxford khiến họ trông như đang mất kiểm soát. Đây là một sai lầm lớn. Lời giải thích duy nhất tôi có thể nghĩ ra là họ hoảng sợ, sau khi việc triển khai vaccine ở EU không được như mong đợi”, một nhà ngoại giao châu Âu tại Brussels nhận xét.
Theo Rob Ford, giáo sư chính trị tại Đại học Manchester, Anh, những khác biệt văn hóa trong hành chính đang được phơi bày. “EU bị ám ảnh bởi các quy tắc, không linh hoạt và phải vật lộn để thích ứng với những diễn biến trong thời gian thực. Lần này Anh đã làm tốt hơn”, chuyên gia đánh giá.
“Chính phủ Anh đã làm rối tung tình hình trong phần lớn đại dịch. Nhưng nếu lệnh phong tỏa kết thúc sớm hơn so với phần còn lại của châu Âu, có lẽ công chúng sẽ nhớ tới điều đó, một câu chuyện thành công của nước Anh”, Ford nói.
Thỏa thuận giữa Anh và EU góp phần bảo đảm ổn định cho người dân và doanh nghiệp
Trưởng đoàn đàm phán Liên minh châu Âu (EU), ông Michel Barnier nhận định rằng thỏa thuận thương mại đạt được với Anh góp phần đảm bảo sự ổn định cho người dân và doanh nghiệp của cả hai bên.
Trưởng đoàn đàm phán Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier. Ảnh: THX/TTXVN
Trả lời đài phát thanh Franceinfo, ông Barnier khẳng định EU và Anh đã cùng thực hiện lời hứa thúc đẩy Brexit có trật tự, và thỏa thuận đạt được 1 tuần trước hạn chót đã mang lại phần nào sự ổn định. Tuy nhiên, ông Barnier cho rằng vẫn còn một số yếu tố quyết định quan hệ tương lai của EU với Anh, bao gồm hợp tác chính sách đối ngoại.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU xóa bỏ nỗi lo ngại kéo dài 4 năm rưỡi qua về Brexit không thỏa thuận, nhưng các thị trường tài chính Anh sẽ phải mất nhiều năm để hàn gắn "vết thương" do Brexit.
Trên thực tế, rủi ro Brexit không thỏa thuận đã đè nén triển vọng tăng trưởng và đầu tư của Anh kể từ tháng 6/2016 - thời điểm người dân Anh bỏ phiếu để quyết định rời EU với kim ngạch trao đổi thương mại song phương lên tới 1.000 tỷ USD mỗi năm.
Các nhà phân tích đang hối thúc giới đầu tư thu mua cổ phiếu bị định giá thấp của Anh, trong khi nhiều người cho biết họ đã mua vào đồng bảng Anh - hiện ở mức cao nhất trong 2 năm rưỡi qua. Hiện 1 bảng Anh đổi được 1,35 USD.
Giai đoạn chuyển tiếp Brexit sẽ kết thúc vào lúc 23h00 ngày 31/12 tới. Kể từ sau thời điểm này, mối quan hệ giữa hai bên sẽ thay đổi theo hướng hạn chế hơn nhiều so với hiện tại.
Thỏa thuận giữa Anh và EU sẽ giúp các doanh nghiệp hai bên có quyền tiếp cận các thị trường của nhau thuận lợi hơn rất nhiều so với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đảm bảo rằng hàng hóa mua bán giữa hai bên không phải đối mặt với hạn ngạch và thuế quan.
Theo đó, Anh là nền kinh tế duy nhất ngoài EU được tiếp cận thị trường chung châu Âu một cách rộng mở như vậy. Tuy nhiên, dù có được ưu đãi, Anh sẽ không được hưởng các quyền như khi là thành viên của thị trường chung và liên minh hải quan châu Âu.
Kể từ ngày 1/1/2021, hàng rào kiểm soát biên giới và hải quan cứng sẽ được dựng lên giữa Anh và EU. Hàng hóa qua lại giữa hai bên sẽ phải đối mặt với việc kiểm tra, kiểm soát và những thủ tục hải quan nhất định.
Ấn Độ, Pakistan phát hiện biến thể mới của virus corona xuất phát từ Anh Pakistan và Ấn Độ đã trở thành hai nước mới nhất ghi nhận có ca nhiễm chủng virus corona biến thể mới sau khi biến thể này được phát hiện lần đầu tại Anh. Nghiên cứu sơ bộ tại Anh cho thấy biến thể mới không tăng độc lực. Người dân đeo khẩu trang đi chợ ở tỉnh Karachi, Pakistan ngày 29-12-2020 -...