“Anh Hai lúa” với những sáng chế khoa học độc nhất vô nhị
Không qua trường lớp đào tạo, không có thày chỉ dạy, nhưng một nông dân chân chất ở huyện Phù Cát (Bình Định) lại có những sáng chế khoa học độc đáo, thiết thực giúp bà con nông dân.
Nhà sáng chế “chân đất” Nguyễn Kim Chính (55 tuổi, thôn Đại Ân, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, Bình Định) đã thành công với những sáng chế như: cải tạo máy gặt lúa hiệu Putu 1 Dụng cụ cắt tỉa cành, thu hoạch trái cây đa năng và chuẩn bị trình làng máy tuốt đậu phụng độc nhất vô nhị tại Việt Nam mang nhãn hiệu “Made in Kim Chính”.
Nhà sáng chế chân đất Nguyễn Kim Chính với những tấm huy chương, huy hiệu – Ảnh: Doãn Công.
Vốn sinh ra tại một vùng quê nghèo ở huyện Phù Cát, gia đình đông anh em, bản thân ông phải làm nông cực nhọc. Chứng kiến người dân quê mình khổ cực suốt ngày phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cực khổ và cả vợ con ông cũng phải lam lũ với cộng việc ruộng đồng đầu tắt, mặt tối mà hiệu quả không cao từ đó ông Chính nung nấu một suy nghĩ phải làm điều gì đó giúp bà con nông dân cũng như giúp chính gia đình mình.
“Ngày trước, mỗi khi vào mùa gặt lúa cả gia đình tôi lại còng lưng, làm quần quật cả ngày cũng chỉ gặt được sào lúa rất vất vả. Nhưng khổ nhất là gặp trời mưa, lúa nổi trên mặt nước gặt không kịp bị mọc mầm, xót lắm” anh Chính nhớ lại.
Bốn bức tường nhà ông Chính kín bằng khen, giấy chứng nhận- Ảnh: Doãn Công.
Khoảng những năm 1990, khoa học phát triển, các loại máy móc như máy cày, máy gặt lúa… đến với bà con nông dân càng nhiều. Thấy chiếc máy gặt rất tiện lợi, thu hoạch nhanh, đỡ tốn công lao động, ông Chính bàn với vợ con dồn tiền mua một chiếc máy gặt lúa nhãn hiệu Putu 1, trị giá 15 triệu đồng.
Tưởng khi có máy gặt lúa rồi sẽ an nhàn hơn, tuy nhiên chiếc máy gặt này có những hạn chế nhất định là chỉ hoạt động trong thời tiết khô ráo, trên ruộng khô, cây lúa đứng…, hơn nữa khi gặt lá lúa thường bị kẹt trong máy, nhất là lúa ướt làm máy không chạy được, ảnh hưởng đến công thu hoạch. Ngoài ra, máy không có bộ phận chắn bùn, lại đi bằng bánh lồng vừa chậm lại vừa bị dính bùn đất, làm giảm tuổi thọ của máy.
Video đang HOT
Ông Chính chuẩn bị trình làng máy tuốt đậu phụng có 1 không 2 tại Việt Nam – Ảnh: Doãn Công
Đã bỏ một số tiền lớn để mua máy, bây giờ chẳng lẽ lại bỏ không, bán sắt vụn. Ông quyết định cải tạo chiếc máy cho phù hợp với điều kiện ruộng đồng ở quê mình. Nhưng nói là một chuyện còn làm được lại là cả một vấn đề, nghĩ đi nghĩ lại ông thấy bản thân chỉ mới học đến lớp 7, những kiến thức về động cơ máy móc đều mù tịt. Nhưng nghĩ là làm, ông đem quyết định tháo chiếc máy ra từng bộ phận, ghi chép rất tỉ mỉ từng bộ phận để tránh tình trạng tháo ra mà không lắp lại được.
“Từ nhỏ tới lớn tôi có học trường lớp, thầy nào đâu, từ một anh nông dân sửa xe đạp, sửa xe máy, máy nổ nên khi tôi có ý định cải tạo chiếc máy gặt lúa ai cũng cho rằng tôi hâm, ngay cả vợ con cũng không thể tin. Nhưng mình nghĩ, không thử thì sao biết thất bại hay thành công. Lúc đó, chỉ nghĩ nếu có thất bại thì cũng không ai cười mình vì có học ai đâu mà sợ nhưng may mà thành công. Giờ nghĩ lại cũng thấy mình dại…” ông Chính vui vẻ chia sẻ.
Ông chính (áo trắng) trong những lần được vinh danh tại Hà Nội – Ảnh: Doãn Công.
Đến năm 1998, sau một thời gian dài tự mày mò, nghiên cứu ông Chính đã trình làng máy gặt lúa rải hàng, tính năng vượt trội, có thể hoạt động 24/24 giờ, bất cứ địa hình ruộng lầy, trời mưa, hay lúa nghiêng, lúa đổ…, máy đều gặt được, khả năng di chuyển tuyệt vời nhờ hệ thống bánh lốp.
Với thành công đó, năm 2005 ông được trao tặng danh hiệu “Nhà nông sáng chế”. Tiếng lành đồn xa, người dân trong vùng cũng như các tỉnh khác trong cả nước tìm đến đặt mua máy gặt lúa của ông cải tạo thêm. Tính ra đến nay, sản phẩm máy gặt lúa của ông đã bán được hơn 200 máy cho bà ở khắp các tỉnh trong cả nước và ở quốc tế.
Chưa dừng lại ở đó, sau khi cải tạo thành công máy gặt lúa, ông Chính tiếp tục được biết đến giải pháp sáng chế “Dụng cụ cắt tỉa cành và thu hoạch trái cây đa năng”.
Một lần tình cờ vào hội trợ triển lãm thương mại tại tỉnh Bến Tre, ông Chính thấy dụng cụ cắt tỉa cành và thu hoạch trái cây. Sau khi hỏi về tính năng của dụng cụ này, ông Chính nhận thấy máy chưa hoàn hảo: cồng kềnh, không linh hoạt khi sử dụng, chỉ cắt được các lọai cành nhỏ có đường kính tối đa 0,5 cm…
Giấy chứng nhận cải tiến máy gặt lúa đầu tiên do ông Chính sáng chế – Ảnh: Doãn Công.
Nghĩ là mình có thể cải tạo dụng cụ này tốt hơn, tiện lợi hơn ông tiếp tục tự mày mò, nghiên cứu. Không lâu sau, dụng cụ cắt tỉa cành, thu hoạch trái cây do ông sáng chế ra đời. Tính năng hơn hẳn máy cũ, gọn nhẹ kiểu như chiếc cần ăng ten có thể thu ngắn, dài tùy người sử dụng chỉnh bằng hệ thống dây cuốn nên dễ dàng sử dụng ở mọi điều kiện cây cao hay thấp. Hơn nữa có thể cắt được cành to tới 2,5 cm, tiện lợi trong cắt tỉa những cành cây khô, bị sâu bệnh…
Với giải pháp sáng chế này, ông Chính đã được Hội Nông dân Việt Nam – Ban Chỉ đạo cuộc thi sáng chế nhà nông toàn quốc lần thứ IV (2010-2011) trao tặng giấy chứng nhận giải Ba.
Đam mê với công việc, không ngừng học hỏi, sáng tạo, ngày 13/9 này, ông Chính sẽ tiếp tục trình làng sản phẩm sáng tạo máy tuốt đậu phụng có 1 không 2 tại Việt Nam.
Từ một nông dân chân chất, ông Chính đã sáng chế thành công nhiều máy móc giúp bà con nông dân bớt vất vả, đó là điều khiến ông vui nhất. Vui hơn nữa, ông Chính được Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam công nhận ông là “Điển hình sáng tạo Việt Nam”. Ngoài ra ông còn vinh dự nhận hàng chục bằng khen, giấy chứng nhận sáng tạo của các Bộ, ngành, Trung ương Đoàn và UBND tỉnh Bình Định trao tặng.
Theo Dantri
Người chế tạo xe máy leo được cầu thang
Anh khiến mọi người ngạc nhiên vì sáng chế thành công hộp số lùi lắp ráp vào xe máy và xe lăn điện chinh phục các bậc thang.
Năm lên ba tuổi, cơn sốt kinh hoàng đã cướp đi đôi chân biến anh Võ Đình Minh (54 tuổi, ở số nhà 293/60 Lê Hồng Phong, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) thành một người bại liệt vĩnh viễn. Mẹ anh quyết định bán cả gia sản là hai vườn dừa, lấy tiền vào Sài Gòn để chạy chữa thuốc men cho con nhưng không khỏi, đành ôm đứa con tật nguyền về lại xứ dừa Tam Quan, Bình Định. Dừa đã bán hết, không biết lấy gì để qua ngày, hai mẹ con anh Minh ôm nhau vào Quy Nhơn và kiếm sống bằng nghề bán hàng rong.
Anh Minh và sản phẩm của mình
Những ngày đầu đầu đi học, anh được mẹ cõng. Nhưng về sau, anh học khá giỏi nên được bạn bè quý mến và thay nhau cõng anh đến lớp mỗi ngày.Học đến lớp 8, anh Minh đành ngậm ngùi khép lại ước mơ đến trường vì gia cảnh khó khăn. Với giọng trầm buồn, anh tâm sự: "Nhìn ba mẹ phải gồng gánh nuôi 8 đứa con, tui không nỡ ngồi nhìn. Năm 15 tuổi (1972) tui vào Sài Gòn học nghề điện tử với hy vọng, cuộc sống sẽ đổi khác. Lớp anh theo học có khoảng 16 người, nhưng anh là người duy nhất thi đậu và nhận nhiều bằng khen. Tuy nhiên, khi trở về Quy Nhơn lại không có cơ sở nào chịu nhận người khuyết tật vào làm.
Anh học nghề sửa khóa và mở cửa hàng ở Quy Nhơn. Nhận thấy nghề này vẫn không đủ sống, anh Minh bỏ nghề theo mẹ buôn gạo từ Quy Nhơn ra Đà Nẵng bán kiếm lời. Được bao nhiêu tiền, anh làm liều khi gom hết tiền lời đánh hàng thuốc Tây. Không may bị bắt, vốn liếng dành dụm bấy lâu đều mất sạch. Sau đó anh còn đi buôn lốp xe, buôn muối nhưng đều không may mắn, trở thành người trắng tay.
Từ khi lấy vợ, mọi chuyện bỗng trở nên sáng sủa hơn vì có được một người bên cạnh để chia sẻ cuộc sống. Trong lúc vợ chồng chưa tìm được việc làm thì một bé gái ra đời, nỗi khó khăn chồng chất khiến anh Minh nảy sinh ước mơ cháy bỏng là làm sao có được một chiếc xe máy ba bánh để chở vợ con đi lại cho thuận tiện, đồng thời nhờ đó cũng dễ đi lại kiếm việc làm. Anh bán đôi nhẫn cưới để thực hiện ước mơ của mình. Anh bàn với vợ lấy một chỉ mua một chiếc xe máy cũ và một số phụ tùng là đồ phế liệu đem về cùng với người bạn làm nghề gò hàn, cặm cụi sửa sang, lắp ráp chế tạo.
Gần một tháng trời miệt mài với đống phế liệu, cuối cùng chiếc xe máy ba bánh mà anh hằng mơ ước cũng đã ra đời. Lúc đầu, xe có nhược điểm, chỉ chạy tiến chứ không chạy lui được. Mỗi ngày anh phải chở con gái về nhà trong cái hẻm nhỏ, phải nhờ người khiêng quay đầu. Vì thế, anh cải tiến lại toàn bộ thân xe, thay máy cho tốt hơn, đáp ứng được tiện ích kỹ thuật và kết cấu thẩm mỹ. Sau 3 năm, chiếc xe có hộp số tự động có thể di chuyển tiến lui một cách dễ dàng.
Năm 2001, anh Minh là người khuyết tật đầu tiên của tỉnh Bình Định đứng ra thành lập nhóm Khuyết tật tự lực, thu hút nhiều anh em tham gia. Tháng 10/2002, có một người ở Quảng Bình vào Quy Nhơn tình cờ nhìn thấy chiếc xe anh đang đi có kiểu dáng đẹp, lại có số lùi, nên đã hỏi mua, và đấy là sản phẩm đầu tiên của anh được bán ra. Đến nay, anh đã nhận gia công, độ - chế được rất nhiều chiếc xe loại này cho bạn bè khuyết tật ở các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, và trong tỉnh Bình Định với đủ các loại kiểu dáng, mẫu mã tùy theo yêu cầu của người sử dụng.
Cuối năm 2002, anh Minh đại diện cho người khuyết tật ở 5 tỉnh miền Trung tham dự hội thảo về Pháp lệnh dành cho người khuyết tật đã triển khai được 5 năm (1998 - 2003) được tổ chức tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Và một tình huống mới lại đặt ra cho anh phải trăn trở tìm hướng giải quyết. Cuộc họp được tổ chức tại tầng 4 nhưng không có thang máy, để lên được tận nơi, hôm đó anh phải nhờ một đại biểu ở Khánh Hòa tình nguyện cõng. Khi đến nơi, cả người anh và người bạn tốt ấy phải ướt đẫm mồ hôi, mặc dầu ngoài trời thì đang mưa. Sau cái hôm ấy, trong đầu anh cứ suy nghĩ mãi phải làm sao cho người khuyết tật leo cầu thang được dễ dàng hơn. Và cuối cùng anh cũng cho ra đời chiếc xe lăn cho người khuyết tật leo cầu thang.
Nói về những mong muốn của mình, anh Minh bộc bạch: "Tôi muốn phục vụ nhiều hơn cho người khuyết tật, nhưng hiện nay tình trạng sức khỏe tôi đang yếu dần, tôi chỉ mong sao có được bảo hiểm y tế để giảm bớt chi phí chữa bệnh và những người khuyết tật như tôi đều được cấp thẻ bảo hiểm như bao người khác".
Dẫu vẫn thấy anh luôn tất bật với công việc, lấm lem dầu nhớt cùng những chiếc xe ngổn ngang đầy xưởng, song ít nhiều trong ánh mắt đầy nghị lực của anh lúc này đã tràn ngập những niềm vui. Niềm vui của người chiến thắng nỗi đau, niềm vui của sự giúp ích được phần nào cho những người đồng cảnh ngộ như anh trên khắp mọi miền đất nước.
Theo NDT
Samsung kiện LG Display ăn cắp các công nghệ màn hình OLED Vụ việc rùm beng liên quan tới rò rỉ công nghệ màn hình OLED của Samsung cuối cùng cũng phải nhờ đến sự can thiệp của tòa án. Tháng 7 vừa qua Tinhte.vn đã đưa tin Samsung nghi ngờ LGchiêu mộ các nhân viên của hãng này nhằm thâu tóm các công nghệ màn hình OLED mà nhà sản xuất Galaxy S sở...