Anh giáo điển trai xứ cù lao và mối duyên với cá thác lác rút xương
Khởi nghiệp với cá thác lác rút xương đã đem đến sự thành công cho anh Nguyễn Hữu Tuấn – chủ cơ sở sản xuất cá thác lác Tuấn Cường, xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự.
Anh Nguyễn Hữu Tuấn bên sản phẩm cá thác lác rút xương.
Từ chỗ phải “đứng ngồi không yên” khi ao cá thác lác tới ngày thu hoạch nhưng thương lái cứ ngó lơ, hiện nay, với cách chế biến sản phẩm cá thác lác rút xương đã giúp anh Tuấn chủ động đầu ra cho việc chăn nuôi của gia đình. Đặc biệt, chuyện khởi nghiệp của anh Tuấn còn góp phần giải quyết đầu ra ổn định cho nhiều hộ nuôi cá thác lác ở địa phương.
Trung bình mỗi tháng, cơ sở của gia đình anh Tuấn cung cấp cho thị trường gần 10 tấn cá thác lác chế biến. Ngoài sản phẩm cá thác lát rút xương truyền thống, cơ sở cá thác lác Tuấn Cường còn cung cấp cho thị trường nhiều dòng sản phẩm khác như: cá thác lác rút xương tẩm gia vị, chả cá thác lác tươi, chả cá thác lác hấp… Sau khi khấu trừ các khoản chi phí đầu tư, mỗi tháng gia đình anh Tuấn có thu nhập hơn 60 triệu đồng.
Hiện có nhiều dòng sản phẩm cung cấp cho thị trường, song cá thác lác rút xương của cơ sở Tuấn Cường vẫn là sản phẩm hấp dẫn, được thị trường đánh giá cao và ưa chuộng. Mặc dù đã qua chế biến, song cá thác lác rút xương vẫn giữ được hương vị tự nhiên của cá thác lác tươi sống.
Nhờ được đóng gói cẩn thận trong bao bì nên sản phẩm có thể sử dụng tốt trong vòng 12 tháng khi được bảo quản trong ngăn đông. Với tính tiện dụng và hương vị độc đáo của sản phẩm nên hiện nay ngoài các chợ truyền thống, sản phẩm các thác lác rút xương còn có mặt ở các nhà hàng, khách sạn tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Video đang HOT
Nhìn lại chặng đường khởi nghiệp gian nan của chồng ở buổi đầu, chị Phạm Lan Khai – vợ anh Tuấn chia sẻ, hành trình để tìm ra công thức làm ra sản phẩm cá thác lát rút xương của anh Tuấn không dễ dàng. Mấy tháng ròng, anh Tuấn ban ngày thì đi dạy ở trường học, đêm xuống thì hì hục dưới nhà bếp đến gần sáng để chế biến cá thác lác rút xương. Thất bại mẻ cá này, anh lại cặm cụi làm mẻ khác, mỗi lần hoàn thành được sản phẩm, anh lại mang cho bà con chòm xóm dùng thử để rút kinh nghiệm. Làm đi làm lại đến nổi, mỗi lần anh Tuấn mang thành phẩm đi cho, bà con lại nói “cá thác lát nữa hả”… Sau nhiều tháng thất bại, cuối cùng thành công cũng mỉm cười với anh Tuấn.
Cơ sở sản xuất cá thác lác Tuấn Cường giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động của địa phương.
Chia sẻ về bài học đắt giá của mình khi khởi nghiệp, anh Nguyễn Hữu Tuấn trần tình: “Là một giáo viên không có kinh nghiệm trong lĩnh vực chế biến hay tiếp thị… tất cả tôi đều bắt đầu từ con số không. Nhưng lúc đó trong suy nghĩ của mình, tôi không bao giờ cho phép mình nghĩ đến hai chữ “bỏ cuộc”. Ba tháng hè là khoảng thời gian tôi toàn tâm toàn ý đầu tư cho con đường khởi nghiệp của mình”. Từ Hồng Ngự qua Tân Châu, An Giang rồi huyện Tân Hồng, Tam Nông, trên chiếc xe máy của mình anh đến gõ cửa từng quán ăn, nhà hàng để tiếp thị sản phẩm. Trả lời anh là những cái lắc đầu, quay lưng nhưng anh vẫn quyết không bỏ cuộc. Anh Tuấn nghĩ, kiên trì trước khó khăn, thử thách chính là yếu tố cần thiết để một người khởi nghiệp có được thành công.
Với quyết tâm và tinh thần không ngại khó, thành công đã thật sự mỉm cười với anh Tuấn. Nhờ nghĩ đến con đường chế biến mà gia đình anh đã không còn bị ám ảnh bởi điệp khúc “được mùa mất giá”. Và chính sự đột phá của anh đã tiếp thêm động lực cho nhiều nông dân để họ cái nhìn khác hơn về nông sản do mình làm ra.
Cuối năm 2018 vừa qua, sản phẩm cá thác lát rút xương của Cơ sở sản xuất cá thát lát Tuấn Cường được vinh danh là Sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Đồng Tháp và cấp khu vực.
Theo Mỹ Lý (Báo Đồng Tháp)
Ở đây, dân hốt bạc dịp Tết nhờ cho rau "ngủ mùng"
Khác với những năm trước, dịp Tết năm nay nông dân trồng rau Tết ở xã Long Thuận (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) ai nấy tranh thủ mở rộng diện tích cho rau "ngủ mùng". Từ cải xanh, cải ngọt, cải tàu sậy, rau mồng tơi đều lần lượt được nông dân Long Thuận đưa vào nhà lưới, cho "ngủ mùng".
Trồng rau trong nhà lưới không những là giải pháp giúp người sản xuất tiết kiệm chi phí, sản phẩm bắt mắt mà đây còn là lời cam kết về sản phẩm chất lượng của nông dân Hợp tác xã sản xuất tiêu thụ (HTX SX TT) rau xã Long Thuận với người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Biển - thành viên HTX SX TT rau an toàn xã Long Thuận phấn khởi: "Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán này, gia đình đã chuẩn bị gieo sạ từ gần tháng trước với nhiều loại rau ăn lá được ưa chuộng vào dịp Tết như: ngò rí, cải xanh, cải ngọt, rau muống... Trung bình một ngày, tôi bán được khoảng 30 - 40kg rau an toàn các loại cho bà con ở địa phương, giá cao hơn các sản phẩm cùng loại ngoài thị trường từ 1.000 - 1.500 đồng/kg. Đây cũng là tín hiệu vui và là động lực để tôi tiếp tục sản xuất rau sạch".
Nhiều chủng loại rau sạch sẵn sàng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Cho rau "ngủ mùng" giúp tăng năng suất, sản lượng, chất lượng rau, nhất là vụ rau bán Tết.
Dù phải tốn nhiều công chăm bón so với cách trồng truyền thống nhưng theo nhiều nông dân thì giải pháp trồng rau trong nhà lưới là xu hướng tất yếu trong thời gian tới. Bởi ngoài hạn chế được dịch hại tấn công, thì việc đảm bảo chất lượng an toàn cho sản phẩm là lý do khiến người sản xuất phải áp dụng phương pháp này.
Rau trồng trong nhà lưới sẽ xanh non hơn so với trồng bên ngoài, trồng trong nhà lưới rau cũng ít bị sâu bệnh, nhờ vậy mà số lần phun xịt thuốc giảm được 3-4 lần so với thông thường. Từ đó, chi phí đầu tư cũng giảm từ 300- 500 ngàn đồng/1.000m2 so với rau trồng bên ngoài.
So với cùng kỳ những năm trước, giá nhiều mặt hàng rau màu tăng từ 1.000 - 2.000 ngàn đồng/kg, Tết Kỷ Hợi 2019 này, nhiều xã viên trồng rau của địa phương hy vọng sẽ sung túc hơn những năm trước. Hiện tại, toàn HTX SX TT rau an toàn Long Thuận có 4ha được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, HTX cũng đang hoàn thiện các bước thủ tục và quy trình sản xuất đề nghị chứng nhận thêm 10ha rau màu đạt chuẩn VietGAP.
Ông Dương Minh Sang - Giám đốc HTX SX TT rau an toàn xã Long Thuận cho biết: "Sắp tới, HTX tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn, đồng thời HTX sẽ chủ động tìm kiếm thị trường cũng như liên kết với các đối tác lớn như: siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch để tiêu thụ rau an toàn cho bà con xã viên. Hiện nay, nhiều xã viên đã có sự chuyển biến tích cực về tư duy sản xuất sạch, tôi nghĩ đây là yếu tố quan trọng để HTX có thể có được một vùng sản xuất rau sạch đủ lớn để ký kết với các đối tác lớn".
Nhằm giúp nông dân từng bước tiếp cận với công nghệ và kỹ thuật trồng trọt hiện đại, năm 2018, HTX SX TT rau an toàn Long Thuận đã được sự hỗ trợ và giúp sức từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Tháp về dự án nhà màng theo công nghệ của Israel với diện tích 1,4ha.
Với công nghệ sản xuất mới, rau an toàn của nông dân Long Thuận được trồng theo một phương thức hoàn toàn mới, trồng theo hướng hữu cơ không sử dụng bất kỳ các sản phẩm hóa học nào. Ngoài ra, với kỹ thuật phun tưới tự động, nhiệt độ, độ ẩm trong môi trường nhà màng được kiểm soát hoàn toàn giúp cho rau có được một môi trường phát triển thuận lợi và lý tưởng nhất. Đây cũng được xem là hướng đi mới trong việc giúp nông dân trồng chủ động ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay.
Về định hướng phát triển cho HTX SX TT rau an toàn xã Long Thuận trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Buôn - Phó phòng NN&PTNT huyện Hồng Ngự cho biết, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ các danh mục cơ sở hạ tầng thiết yếu để HTX có đủ điều kiện phát triển theo hướng chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, địa phương sẽ tiếp tục đồng hành cùng HTX để vận động nông dân mở rộng thêm diện tích sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ để nông dân yên tâm phát triển sản xuất.
Theo Mỹ Lý (Báo Đồng Tháp)
Thả nuôi loại cá chép "lạ", bán giá 300 ngàn/ký Tiên phong làm mô hình nuôi cá chép giòn đặc sản phục vụ thực khách đã giúp ông Lê Văn Dũng ở ấp Phú Thạnh A, xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) thu về hơn 3 tỷ đồng mỗi năm. Khi làm lúa giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định thì một số nông dân chọn lấy hướng...