Anh ghi nhận ca Covid-19 mới cao nhất từ tháng 3
Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) cho biết nước này ghi nhận 5.274 ca nhiễm nCoV mới trong ngày 3/6, mức cao nhất kể từ ngày 26/3.
Thế giới đã ghi nhận 172.871.402 ca nhiễm nCoV và 3.715.663 ca tử vong, tăng lần lượt 454.508 và 9.576, trong khi 154.079.039 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Anh , vùng dịch lớn thứ 7 thế giới, ghi nhận 4.499.878 ca nhiễm và 127.812 ca tử vong vì Covid-19, tăng lần lượt 5.274 và 18 ca trong 24 giờ qua.
“Chúng tôi đang chứng kiến tỷ lệ nhiễm tăng một lần nữa, đặc biệt trong nhóm trẻ tuổi, những người chưa tiêm vaccine và được xét nghiệm thường xuyên”, Mike Gent, đại diện của Cơ quan Y tế Công cộng (PHE) Anh, nói ngày 3/6. “Điều này được lường trước khi đất nước mở cửa và mọi người bắt đầu hòa nhập với nhau. Nhưng nó cũng là lời nhắc nhở rõ ràng rằng tất cả chúng ta phải tuân thủ biện pháp an toàn và quan trọng là tiêm vaccine khi được đề nghị”.
PHE thêm rằng biến chủng Delta, lần đầu xuất hiện ở Ấn Độ, là biến thể ảnh hưởng nhiều nhất ở Anh. Số ca nhiễm biến thể này đã tăng từ 5.472 tuần trước lên 12.431, theo dữ liệu Covid-19 của PHE.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tiêm liều vaccine AstraZeneca thứ hai tại Viện Francis Crick ở London ngày 3/6, sau khi tiêm liều đầu tiên vào tháng 3 tại bệnh viện St Thomas.
Anh đã tiêm 65,7 triệu liều vaccine Covid-19. 26,1 triệu người ở Anh đã hoàn thành chương trình tiêm chủng, chiếm hơn 39% dân số nước này, theo Our World in Data.
Thủ tướng Anh Boris Johnson tiêm liều vaccine thứ hai tại Viện Francis Crick ở London ngày 3/6. Ảnh: AP.
Mỹ , vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 34.169.980 ca nhiễm và 611.543 ca tử vong do nCoV, tăng 14.877 ca nhiễm và 525 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Video đang HOT
Chính quyền Joe Biden ngày 3/6 công bố kế hoạch tặng 25 triệu liều vaccine đầu tiên, trong tổng số 80 triệu liều được công bố. Ít nhất 75% số vaccine đợt đầu sẽ được chia sẻ thông qua chương trình Covax và 25% gửi trực tiếp tới các nước cần, theo Nhà Trắng.
Trong gần 19 triệu liều qua Covax, khoảng 6 triệu cho khu vực Mỹ Latinh và Carribe, 7 triệu liều cho Nam Á và Đông Nam Á, khoảng 5 triệu liều còn lại cho châu Phi.
Khoảng hơn 6 triệu liều còn lại được chia sẻ với các nước đang gặp khủng hoảng, láng giềng và một số đối tác khác, như Canada, Mexico, Ấn Độ và Hàn Quốc.
51% dân số Mỹ đã tiêm ít nhất một liều vaccine, trong khi khoảng 41,5% hoàn thành chương trình tiêm chủng. Hiện 297 triệu liều vaccine đã được phân phối ở Mỹ.
Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia, khá lạc quan rằng tất cả trẻ em Mỹ có thể được tiêm vaccine trước cuối năm nay.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 28.572.359 ca nhiễm và 340.719 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 131.371 và 2.706 ca.
Ấn Độ đã đặt hàng 300 triệu liều vaccine Covid-19 chưa được phê duyệt, sau khi Tòa án Tối cao nước này chỉ trích chính phủ vì đã phá vỡ chương trình tiêm chủng. Bộ Y tế cho biết chính phủ sẽ trả trước 205,6 triệu USD cho công ty địa phương Biological-E để mua vaccine. Ứng viên vaccine mà công ty này phát triển đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba.
Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới, đang đối phó với làn sóng Covid-19 thứ hai lan rộng, với khoảng 170.000 người chết được ghi nhận trong hai tháng qua.
Chưa tới 5% trong 950 triệu người trưởng thành tiêm đủ hai liều vaccine. Chương trình tiêm chủng của quốc gia này sử dụng vaccine AstraZeneca do Viện Serum sản xuất, cũng như Covaxin do công ty Bharat Biotech địa phương phát triển, và dự kiến ra mắt vaccine Sputnik V của Nga vào giữa tháng 6.
Brazil là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 16.803.472 ca nhiễm và 469.388 ca tử vong, tăng lần lượt 83.391 và 1.682.
Ngày 2/6, Brazil ghi nhận hơn 95.000 ca nhiễm mới, mức cao thứ hai kể từ khi dịch bùng phát. Chỉ 10% dân số được tiêm chủng đầy đủ.
Khi Brazil đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ ba, nhiều cuộc biểu tình và kêu gọi luận tội Tổng thống Jair Bolsonaro về việc xử lý đại dịch ngày càng tăng. Ngày 2/6, nhiều cuộc biểu tình rầm rộ đã diễn ra trong lúc Tổng thống phát biểu trước toàn quốc.
Pháp , vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận 5.694.076 ca nhiễm và 109.857 ca tử vong.
Số ca tử vong trung bình 7 ngày ở Pháp làn đầu tiên giảm xuống dưới 100 kể từ 27/10 năm ngoái.
Số ca nhiễm mới hàng ngày lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 9.000 kể từ từ tháng 9 năm ngoái. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp Pháp báo cáo số ca nhiễm dưới 10.000.
Tại Đông Nam Á, Malaysia báo cáo 595.374 ca nhiễm và 3.096 ca tử vong vì Covid-19, sau khi ngày 3/6 ghi nhận thêm lần lượt 8.209 và 103 trường hợp. Đây là ngày thứ hai số ca tử vong vì Covid-19 ở Malaysia trên 100.
Giám đốc Cơ quan Y tế Noor Hisham Abdullah cho biết Malaysia hiện có 880 trường hợp nhiễm nCoV đang được điều trị tại khoa chăm sóc đặc biệt và cần thở máy.
Giáo sư Adeeba Kamarulzaman, thành viên Hội đồng Khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết một nghiên cứu của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) của Đại học Washington phát hiện số ca tử vong liên quan tới Covid-19 ở Malaysia có thể lên đến 26.000 người vào tháng 9, gấp 9 lần số người chết hiện tại.
Nghiên cứu của IHME cũng ước tính tỷ lệ tử vong hàng ngày ở quốc gia Đông Nam Á sẽ ở mức 200 ca vào cuối tháng 8.
Thái Lan báo cáo 3.886 ca nhiễm mới và 39 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên lần lượt 169.348 và 1.146.
Gần 100 ca nhiễm nCoV được ghi nhận tại một cụm dịch mới ở nhà máy nước đá tại Bang Phli, phía đông Bangkok, sau khi được giới chức xác nhận vào tối 2/6. Giới chức địa phương cho biết nhà máy có 190 nhân viên Thái Lan và người nước ngoài.
Thái Lan đã tiêm chủng 3,61 triệu liều vaccine tới thời điểm hiện tại. Trong gần 70 triệu dân của quốc gia này, hơn 1,1 triệu triệu người tiêm đủ hai mũi vaccine, chiếm khoảng 1,6% dân số, theo Our World in Data.
Khoảng 10.000 tình nguyện viên Olympic Tokyo rút lui
Kênh NHK (Nhật Bản) ngày 2/6 đưa tin khoảng 10.000 trong tổng số 80.000 tình nguyện viên đăng ký hỗ trợ tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo đã quyết định từ bỏ công việc.
Thế vận hội Olympic Tokyo theo kế hoạch sẽ tổ chức trong tháng 7 tới. Ảnh: AP
Olympic Tokyo 2021 dự kiến khai mạc từ 23/7 sau khi bị trì hoãn từ kế hoạch ban đầu tổ chức năm 2020 do dịch COVID-19.
Nhật Bản và ban tổ chức Olympic cam kết sẽ tổ chức an toàn sự kiện này đồng thời quyết định không nhận các khán giả quốc tế để đề phòng lây lan dịch COVID-19.
Nhưng hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết rất đông người dân cũng như nhiều bác sĩ Nhật Bản kêu gọi tạm ngừng hoặc thậm chí hủy tổ chức Olympic trước tình hình dịch biến động hiện nay.
Dư luận Nhật Bản hướng về hướng phản đối tổ chức Olympic. Một cuộc khảo sát trong tháng 5 cho kết quả 83% người tham gia phản hồi rằng họ không muốn Olympic tổ chức tại Nhật Bản trong mùa Hè này. Cuộc khảo sát khác thực hiện trước đó 9 ngày cho kết quả 60% người được hỏi cũng có ý kiến tương tự.
Tính đến 2/6, có tới 415.000 người ký tên kiến nghị trên trang Change.org yêu cầu chính phủ Nhật Bản hủy tổ chức Olympic.
Diễn biến trên xảy ra ở thời điểm tỷ lệ mắc COVID-19 tại Nhật Bản đã giảm nhưng vẫn ở mức khá cao với nhiều nơi tại nước này duy trì tình trạng khẩn cấp. Ngày 1/6, có 9 tỉnh tại Nhật Bản đã kéo dài thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp đến 20/6.
Anh có thể hủy kế hoạch dùng hộ chiếu vaccine trong nước Giới chức Anh dự kiến hủy yêu cầu người dân trình giấy chứng nhận vaccine Covid-19 tại những sự kiện đông người do lo ngại về mặt đạo đức. Thế giới đã ghi nhận 171.006.105 ca nhiễm nCoV và 3.556.013 ca tử vong, tăng lần lượt 387.977 và 7.831, trong khi 153.267.911 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực...