Ảnh đối lập Obama và Trump đi trong mưa gây sốt
Bức ảnh tỷ phú Donald Trump cầm ô che đầu cho mình và Tổng thống Obama đầu trần bước đi trong mưa đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Ông Trump cầm ô che đầu cho mình, mà không che cho bà Bondi bên cạnh. Ảnh:AFP
Bức ảnh của ông Trump được chụp ở Tampa, bang Florida, Mỹ, hôm 24/8. Người phụ nữ tóc vàng bước đi bên cạnh ông, mà không có ô che trên đầu, là giám đốc sở tư pháp bang Florida Pam Bondi.
Bức ảnh được sử dụng trong bài viết đăng trên Washington Times hôm 7/9, giải thích mối quan hệ “mờ ám” giữa ông Trump và bà Bondi, khi ông Trump chi 25.000 USD hỗ trợ bà năm 2013 trong chiến dịch tái tranh cử chức giám đốc sở tư pháp Florida và đổi lại, bà quyết định không theo đuổi vụ gian lận thuế của Đại học Trump – một công ty giáo dục trực tuyến cung cấp các khóa học quản trị bất động sản, tài sản và cách làm giàu.
Ông Trump đã phải nộp phạt 2.500 USD trong năm nay, sau khi Sở thuế vụ Mỹ IRS phát hiện quỹ của ông Trump vi phạm luật thuế bằng cách hỗ trợ tiền cho bà Bondi.
Tuy nhiên, trong loạt ảnh trên Tampa Bay Times, do cùng một tác giả chụp, ông Trump và bà Bondi lại che chung một chiếc dù. Vì thế, người dùng mạng xã hội chỉ trích ông Trump ích kỷ, chỉ biết bảo vệ mái tóc của mình, trong tấm hình này.
Tổng thống Mỹ đầu trần bước đi trong mưa. Ảnh: AFP
Bức ảnh thứ hai chụp Tổng thống Mỹ Obama hồi tháng 4/2013 trong chuyến thăm căn cứ không quân Andrew ở bang Maryland. Ông Obama chuẩn bị quay lại Boston, khi nơi này vừa xảy ra vụ đánh bom khủng bố trong cuộc thi marathon khiến 3 người thiệt mạng và hơn 180 người bị thương.
Một người bình luận ông Obama như đang khóc, trong khi đất nước lâm vào khủng hoảng, mà với nhiệm vụ là người đứng đầu nhà nước, ông có trách nhiệm ổn định tình hình. Tuy nhiên, cũng có người thắc mắc, tại sao tổng thống không che ô cho vợ, mà lại để bà đi lùi về phía sau và một người đàn ông khác che ô hộ.
Cuộc tranh luận vẫn đang tiếp diễn, với hơn 2.000 lượt chia sẻ và bình luận trên mạng xã hội Twitter, theo Indy 100.
Video đang HOT
Hồng Hạnh
Theo VNE
Trump bám đuổi sít sao, người ủng hộ Clinton đứng ngồi không yên
Người ủng hộ bà Clinton lo lắng về sự cố sức khỏe xảy ra khi cuộc đua bước vào giai đoạn nước rút và tỷ lệ dẫn trước đối thủ ngày càng rút ngắn.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton. Ảnh: Reuters
Linda Donohue, 61 tuổi, hôm 16/9 cố tự trấn an khi đứng xem kết quả cuộc thăm dò bầu cử tổng thống Mỹ tại cửa hàng tạp hóa Zabar's, tây Manhattan. Tỷ lệ ủng hộ bà Clinton là 46% trong khi ông Trump là 44%, cho thấy khoảng cách dẫn trước của bà Clinton ngày càng rút ngắn (tỷ lệ hôm 19/9 là bà Clinton 44%, ông Trump 42%). Chắc chắn những con số này không đáng tin cậy, bà tự nhủ. Chắc chắn, Donald Trump, ông chủ của tòa cao ốc sặc sỡ giữa thành phố, sẽ không thể với tới Nhà Trắng.
"Ta phải tin tưởng hơn vào công chúng Mỹ", bà Donohue nói.
Một người đàn ông phía sau bà Donohue phát ra một tiếng khịt mũi to.
Sau đó, Cathi Anderson, người đang đi mua sắm với bà Donohue, nhắc đến một "sự đau khổ" khác từ Ohio - kết quả thăm dò cho thấy ông Trump đang dẫn trước. Bà Donohue cau có gật đầu. Bà vẫn giữ quốc tịch Ireland của mình, đề phòng trường hợp lòng tin của bà vào các cử tri Mỹ đặt không đúng chỗ.
Lo lắng
Theo NYTimes, đối với cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa, mỗi cuộc bầu cử có thể coi như những thời khắc quan trọng nhất của cả cuộc đời, một ngày trọng đại khi đứng giữa một quốc gia tự hào và sự sụp đổ.
Gần tới ngày tổng tuyển cử, bà Clinton khiến những người ủng hộ trải qua một phen lo lắng khi đột nhiên bị viêm phổi, trong khi đội ngũ tranh cử của bà phản ứng chậm chạp. Những người ủng hộ đang phải đối mặt với một câu hỏi mà họ từng đặt ra cách đây vài tuần. Liệu ứng viên của họ có thể đánh bại ông Trump - ứng viên ít được ưa chuộng nhất trong lịch sử hiện đại Mỹ hay không.
"Như một giọt nước lạnh rơi vào giữa đầu nước Mỹ", Julie Gaines, chủ sở hữu của Fishs Eddy, một cửa hàng bán đồ dùng trong nhà nằm tại thành phố Manhattan, nói về sự gia tăng tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Trump. "Mọi người hãy tỉnh táo lên. Điều này rất có thể xảy ra".
Tỷ lệ dành cho ông Trump cao dần lên những ngày gần đây, đến mức đáng ngại, ngay cả theo tiêu chuẩn của đảng Dân chủ. Một số cuộc thăm dò thậm chí còn cho thấy ông Trump dẫn trước bà Hillary tại hai bang Ohio và Florida. Và ngay cả khi những người đảng Dân chủ hy vọng rằng sự mạo hiểm của ông Trump - thừa nhận Tổng thống Obama sinh ra ở Mỹ (điều trước kia ông bác bỏ) - sẽ lật ngược xu thế, thì giờ nhiều người Dân chủ lo rằng không một bê bối nào có thể nhấn chìm được ông Trump.
Một biếm họa của The New Yorker mô tả tình cảnh này rõ nhất. Một phụ nữ ngồi trong văn phòng bác sĩ tâm lý. Bác sĩ viết nguệch ngoạc trên tờ giấy. "Tôi sẽ kê cho bà thứ gì đó cho chứng viêm phổi của bà Hillary".
Những người ủng hộ bà Clinton phản ứng trước thời điểm này theo nhiều cách khác nhau. Họ thận trọng đọc về tình trạng sức khoẻ và các chiến dịch vận động của bà Clinton tại những bang dao động. Họ trấn an nhau bằng cách tự nhắc nhở bản thân về hai chiến dịch tranh cử chiến thắng của Tổng thống Obama - những chiến dịch cũng từng gặp một số trở ngại vào giai đoạn nước rút.
Nhưng ngay cả một số người ủng hộ nhiệt thành bà Clinton đã dần dần có những nỗi thất vọng với ứng viên của mình. Họ cảm thấy kinh ngạc trước viễn cảnh vuột mất chiến thắng ngay trong tầm tay, thậm chí một số người còn nói rằng họ sẽ không bao giờ tha thứ cho bà. Việc đội ngũ của bà Clinton chậm trễ trong việc thừa nhận bệnh viêm phổi và đoạn video ghi lại cảnh bà Hillary đi loạng choạng trong khi dự lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ 11/9, đã khiến những người ủng hộ bà đứng ngồi không yên.
"Họ không cho chúng tôi biết điều đó", Sonia Ascher, 74 tuổi, một cựu tình nguyện viên từng tham gia chiến dịch của bà Hillary, ngồi với chồng và con trai tại một quán cà phê ở New Hampshire, nói. "Sai lầm nối tiếp sai lầm, những sai lầm không thể chấp nhận được vào thời điểm này".
Sự u ám dường như đang lan rộng. Maurice Doucet, 55 tuổi, một kỹ sư phần mềm từ Portland, Oregon băn khoăn vì sao cuộc đua giữa hai ứng viên ngày càng sít sao. Ông than vãn về việc bà Cliton sử dụng email cá nhân trong thời gian bà làm ngoại trưởng Mỹ.
"Về mặt lý trí, tôi không bao giờ tin rằng người ủng hộ sẽ bỏ bà Clinton để bầu cho ông Trump", ông nói. "Tuy nhiên, về mặt tình cảm thì...", giọng ông trầm hẳn.
Guillermo Vidal và chú chó Dipsy tại công viên. Ảnh: NYTimes
Tại một công viên ở Manhattan, Guillermo Vidal, 75 tuổi, nhăn mặt khi nghĩ đến việc ông Trump lên làm tổng thống. Ngồi cạnh ông là chú chó Dipsy với bộ mặt rầu rĩ.
Khi được hỏi điều gì khiến cho Dipsy có vẻ mặt như vậy, "nó theo đảng Dân chủ", ông Vidal trả lời với giọng nói khô khốc.
Dự phòng
Một số người đã lên kế hoạch dự phòng. Ramona Gant, 28 tuổi, sinh viên đại học ở Chicago, cho biết cô vừa làm mới hộ chiếu của mình do lo ngại kết quả bẩu cử.
Người bạn của bà Donohue tại Zabar's, bà Anderson cũng lên kế hoạch tới Vancouver, Canada trong trường hợp có "tổng thống Trump".
Một số người khác thì nghĩ đến thị trường chứng khoán, sợ rằng thị trường sẽ đóng cửa. "Dường như điều đó sẽ trở thành hiện thực", ông Brennan, 67 tuổi, theo đảng Dân chủ, cho biết. "Nếu vậy, tôi sẽ rút tiền của mình ra".
Đối với nhiều người Mỹ, đà chiến thắng của ông Trump giống như một mối đe dọa. Ahtziry Barrera, 18 tuổi, sinh viên năm nhất đại học tại Orlando, Florida đến Mỹ theo một chính sách của chính quyền Obama được gọi là Lệnh hoãn thi hành đối với những người đến Mỹ từ nhỏ (DACA) - điều mà bà Clinton đã hứa sẽ giữ nguyên. Nhờ DACA mà Barrera mới có thể ở lại Mỹ vì cô đến đây từ khi còn nhỏ.
"Rất nhiều người không nhìn nhận ông Trump một cách nghiêm túc. "'Ồ, ông ta thắng thế nào được', họ nghĩ vậy, nhưng điều đó đã xảy ra", cô nói về chiến thắng của ông Trump trong cuộc đua nội bộ đảng Cộng hòa. "Đó là một sự lo lắng lớn với tôi. Vì giờ đây, ngày 8/11 tới sẽ là ngày mà tôi biết tương lai của tôi có an toàn hay không".
Một số người lạc quan thì cố gắng bình tĩnh, nhắc nhở nhau về lợi thế về kinh nghiệm và tổ chức của bà Clinton, hy vọng rằng bà Clinton sẽ lấn lướt ông Trump trong cuộc tranh luận trực tiếp.
Trong khi thừa nhận bà Clinton không có một cuộc đua hoàn hảo, nhiều người ngưỡng mộ bà đã "đổ lỗi" cho các lý do khác. Họ cho rằng lỗi là truyền thông, các đảng viên Cộng hòa, và dĩ nhiên, lỗi của cả chính ông trùm bất động sản.
Gloria Steinem, một nhà hoạt động nữ quyền ủng hộ bà Clinton, lo sợ rằng thái độ trung dung của truyền thông có thể khiến những bê bối của ông Trump bị giảm nhẹ.
Một số người khác cố giữ niềm tin và tin rằng mọi thứ sẽ ổn. "Tôi vẫn tin vào mọi người", Nadia Johnson, 22 tuổi, cư dân khu Brooklyn, nói.
Trọng Nghĩa
Theo VNE
Donald Trump dọa đảo ngược quan hệ với Cuba Trump hôm qua tuyên bố sẽ đảo ngược những thành tựu mà chính quyền Obama đã đạt được với Cuba nếu Havana không thể đáp ứng các yêu cầu từ ông. Ứng viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: AP "Tất cả những nhượng bộ mà ông Barack Obama đã cung cấp cho chế độ của Castro đều được thực...