Anh công bố kế hoạch tài chính trung hạn, siết chặt chi tiêu công
Trưa 17/11 (giờ địa phương), tại Hạ viện Anh, Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt đã thay mặt Chính phủ của Thủ tướng Anh Rishi Sunak công bố kế hoạch tài chính trung hạn, hay còn được gọi là Tuyên bố mùa Thu.
Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt phát biểu tại phiên họp của Hạ viện ở London, ngày 17/10/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Với các biện pháp thắt chặt chi tiêu công lên tới 55 tỷ bảng Anh, kế hoạch nhằm phục hồi nền kinh tế Anh, giảm nhẹ gánh nặng chi phí sinh hoạt cho người dân, cũng như khôi phục danh tiếng thị trường tài chính hàng đầu thế giới của Anh.
Tuyên bố mùa Thu là kế hoạch ngân sách tài chính thay cho gói “Ngân sách nhỏ” được đưa ra dưới thời chính quyền cựu Thủ tướng Liz Truss vào ngày 21/9, vốn làm thị trường tài chính Anh chao đảo và trước nguy cơ sụp đổ, đồng thời cũng là nguyên nhân chính dẫn đến cựu Thủ tướng Truss buộc phải từ chức.
Trong phần phát biểu mở đầu, Bộ trưởng Hunt nhấn mạnh Tuyên bố mùa Thu là kế hoạch để giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và xây dựng lại nền kinh tế Anh; tập trung vào các ưu tiên chính là sự ổn định, tăng trưởng của nền kinh tế và các dịch vụ công cộng, đồng thời đang cung cấp “các giải pháp công bằng”, mặc dù phải đưa ra “những quyết định khó khăn”.
Bộ trưởng Hunt cho biết tổng quan về tình hình kinh tế Anh theo đánh giá độc lập của Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh (OBR), theo đó tăng trưởng GDP của Anh sẽ đạt mức 4,2% trong năm nay, mặc dù đã rơi vào suy thoái. GDP dự kiến sẽ giảm 1,4% vào năm tới, trước khi tăng 1,3% vào năm 2024, 2,6% vào năm 2025 và 2,7% vào năm 2026.
Trong năm tài chính 2022 – 2023, OBR ước tính các khoản vay ngân sách của Anh sẽ ở mức 7,1% GDP, tương đương 177 tỷ bảng Anh. Con số này cao hơn nhiều so với các dự báo trước đó của OBR vào tháng 3/2022 trong năm 2022 – 2023, với 3,9% GDP, tương đương 99,1 tỷ bảng Anh tính theo tiền mặt, vào năm 2022 – 2023. Nợ của khu vực công cũng được dự báo sẽ đạt mức cao nhất là 97,6% GDP vào năm 2025 – 2026, sau đó giảm dần xuống 97,3% GDP vào năm 2027 – 2028.
Theo các biện pháp trong Tuyên bố mùa Thu, chính phủ Anh sẽ “giảm hơn một nửa” tiền vay mượn so với dự báo của OBR và công bố hai quy tắc tài chính mới: nợ tiềm ẩn phải giảm theo tỷ lệ phần trăm của GDP trong vòng 5 năm và vay của khu vực công phải dưới 3% GDP.
Đồng thời, Bộ trưởng Hunt xác nhận tổng số tiền thắt chặt tài khóa sẽ vào khoảng 55 tỷ bảng Anh, được chia gần như bằng nhau giữa tăng thuế và cắt giảm chi tiêu công.
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Walthamstow, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Một loạt các biện pháp tăng thuế sẽ được áp dụng, bao gồm đóng băng một số khoản giảm thuế để tăng thu ngân sách. Ngưỡng đóng thuế thu nhập cá nhân ở mức 45% sẽ được áp dụng từ mức 125.140 bảng/năm, thay vì 150.000 bảng/năm như trước kia; xe điện cũng sẽ không còn được áp dụng miễn thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2025. Mức thuế tạm thời 45% sẽ được đối với các công ty năng lượng, giúp Anh tăng thu ngân sách khoảng 14 tỷ bảng vào năm tới.
Chi chính phủ sẽ tiếp tục tăng theo giá trị thực hàng năm trong 5 năm tới nhưng với tốc độ chậm hơn, thông qua các biện pháp siết chặt kỷ luật chi tiêu công. Theo đó, Anh sẽ không thể đưa viện trợ nước ngoài trở lại mức 0,7% GDP cho đến khi các điều kiện kinh tế cho phép và sẽ duy trì ở mức 0,5% trong phần còn lại của giai đoạn dự báo; nhưng sẽ vẫn “hoàn toàn cam kết” với mục tiêu khí hậu được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu COP-26 do Anh chủ trì, bao gồm cả việc giảm 68% lượng khí thải ở Anh vào năm 2030.
Khu vực công cũng nhận được sự quan tâm lớn khi chính quyền đảng Bảo thủ của Anh đang phải đối mặt với chỉ trích nặng nề về sự xuống cấp nghiêm trọng đối với các dịch vụ công quốc gia như giáo dục, y tế. Theo đó, ngân sách dành cho giáo dục được tăng thêm 2,3 tỷ bảng mỗi năm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội sẽ được phân bổ thêm 1 tỷ bảng Anh vào năm 2023 và 1,7 tỷ bảng Anh vào năm 2024. Cơ quan Y tế Công NHS cũng sẽ được tăng ngân sách 3,3 tỷ bảng để giải quyết tình trạng khủng hoảng hiện nay, với hơn 7,1 triệu người đang chờ đợi để được khám chữa bệnh.
Bộ trưởng Hunt cho biết, chính phủ Anh sẽ tập trung vào tăng trưởng kinh tế, mặc dù phải tìm cách tiết kiệm ngân sách: “Nếu chúng ta muốn tránh vòng luẩn quẩn của thuế ngày càng cao và tính năng động ngày càng thấp, chúng ta cần tăng trưởng kinh tế”. Năng lượng, cơ sở hạ tầng và đổi mới sẽ là những lĩnh vực được Anh ưu tiên, với việc sẽ tiến hành xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới, tăng gấp đôi đầu tư vào hiệu quả năng lượng của các hộ gia đình và ngành công nghiệp lên mức 6 tỷ bảng Anh từ năm 2025.
Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính Anh cho biết, các hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ tiếp tục được hỗ trợ vào năm tới để hỗ trợ người dân đối phó với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt do lạm phát tăng cao. Chi phí năng lượng của các hộ gia đình sẽ tiếp tục được giữ ở mức trần trung bình 3.000 bảng/năm trong vòng 12 tháng, kể từ tháng 4/2023, so với mức 2.500 bảng như hiện nay. Giá thuê nhà ở xã hội sẽ được giới hạn ở mức 7% thay vì 11% trong năm 2023. Tiền lương sẽ tăng 9,7% trong 2023, lên 10,42 bảng Anh một giờ. Phúc lợi xã hội, bao gồm tiền lương hưu sẽ tăng theo tỷ lệ lạm phát của tháng 9/2022, ở mức 10,1%.
Sau khi Tuyên bố mùa Thu được công bố, thị trường đã có những phản ứng ban đầu tương đối tích cực so với gói “Ngân sách nhỏ” mặc dù đồng bảng giảm 1% so với đồng USD, nhưng vẫn ở mức 1,179 USD, mức gần như cao nhất trong vòng ba tháng qua. Lãi suất trái phiếu dài hạn cũng được giao dịch ở mức 3,22%, tăng nhẹ khoảng 0,09 điểm phần trăm, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức 4,5% so với thời điểm chính phủ tiền nhiệm công bố gói “Ngân sách nhỏ”, khiến thị trường tài chính bất an.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cảnh báo rằng, chính phủ của Thủ tướng Sunak từ bỏ các kế hoạch vay mượn của cựu Thủ tướng Truss là rất quan trọng trong việc trấn an thị trường, nhưng không nên bắt đầu một làn sóng thắt lưng buộc bụng mới. Đây có thể là mối nguy hiểm lớn hơn do việc thắt chặt chính sách tài khóa quá nhanh và gây thêm áp lực lên nền kinh tế, vốn đã trượt vào suy thoái.
Chính phủ Anh hoãn công bố kế hoạch ngân sách sang tháng 11
Ngày 26/10, Văn phòng Thủ tướng Anh Rishi Sunak thông báo sẽ hoãn công bố dự thảo ngân sách sang ngày 17/11 tới, thay vì ngày 31/10 như kế hoạch ban đầu.
Quang cảnh bên ngoài trụ sở Ngân hàng Trung ương Anh ở London. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt nhận định sự trì hoãn này là phù hợp với tình hình hiện nay. Trong bối cảnh Anh vừa có Thủ tướng mới và vì triển vọng ổn định dài hạn của nền kinh tế, việc trì hoãn công bố hơn 2 tuần là cách tốt nhất để đảm bảo chính phủ đưa ra quyết định đúng đắn. Ông nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của chính phủ là ổn định kinh tế và phục hồi lòng tin, do đó kế hoạch tài chính trong trung hạn sẽ đóng vai trò rất quan trọng.
Bộ trưởng Hunt khẳng định kế hoạch này cũng phải dựa trên những dự báo kinh tế và tài chính công chính xác nhất, vì vậy, ông và Thủ tướng quyết định công bố kế hoạch vào tháng 11 và đây sẽ trở thành dự thảo ngân sách mùa Thu.
Trước đó một ngày, ông Rishi Sunak đã chính thức trở thành Thủ tướng Anh sau khi được Vua Charles III bổ nhiệm trong buổi lễ tại Điện Buckingham. Phát biểu sau khi trở thành tân Thủ tướng Anh, ông Rishi Sunak thừa nhận nước Anh đang "phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc" và ông sẽ buộc phải đưa ra "những quyết định khó khăn" vì tình hình kinh tế của đất nước hiện nay. Ông Rishi Sunak nhấn mạnh sẽ đặt sự ổn định kinh tế và lòng tin vào trọng tâm trong chương trình nghị sự của chính phủ mới. Ông cũng khẳng định sẽ không để thế hệ tiếp theo giải quyết vấn đề nợ nần.
Kinh tế Anh chính thức rơi vào suy thoái Ngày 17/11, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho biết Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh (OBR) đã xác nhận rằng kinh tế Anh đang trong tình trạng suy thoái. Người dân di chuyển trên một phố mua sắm ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN Theo phóng viên TTXVN tại London, phát biểu trước Hạ viện trong phần công bố kế hoạch...