Anh có thủ tướng mới: Sẽ thay đổi gì trong chính sách đối ngoại?
Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Phượng Hoàng trụ sở tại Hong Kong, tân thủ tướng Anh Boris Johnson hôm qua nói rằng chính phủ của ông sẽ rất “thân Trung Quốc”.
Tân thủ tướng Anh Boris Johnson ảnh: Reuters
Hôm 23/7, đảng Bảo thủ Anh chọn ông Boris Johnson trở thành người chủ mới của số 10 phố Downing. Ông bắt đầu nhậm chức từ ngày 24/7.
Tân lãnh đạo Anh sẽ không chỉ phải đưa ra cách tiếp cận mới đối với vấn đề Brexit mà còn phải xác định đường hướng cho các chính sách trong nước và đối ngoại của nước Anh trong các năm tới. Quan hệ của Anh với Mỹ, EU, Iran, Trung Quốc và vị thế của nước Anh trên toàn cầu được xác định là những vấn đề đối ngoại quan trọng nhất mà ông Johnson phải xử lý trong những năm tới trên cương vị thủ tướng Anh.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình Phượng Hoàng, ông Johnson ủng hộ sáng kiến phát triển hạ tầng Vành đai Con đường của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nói rằng chính phủ của ông sẽ là một thị trường mở đối với các nhà đầu tư từ Trung Quốc.
“Tôi rất hào hứng với sáng kiến Vành đai Con đường. Chúng tôi rất quan tâm đến những điều chủ tịch Tập đang làm”, ông Johnson nói.
Video đang HOT
Nhà lãnh đạo đi lên từ phong trào Brexit này cũng hứa sẽ đưa nước Anh trở thành “nền kinh tế mở cửa nhất ở châu Âu” đối với đầu tư từ Trung Quốc. “Đừng quên chúng tôi là điểm đến đầu tư quốc tế mở cửa nhất, đặc biệt đối với đầu tư từ Trung Quốc. Chúng tôi đón các công ty Trung Quốc đến Hinkley, ví dụ như dự án điện hạt nhân quy mô lớn”, tân thủ tướng Anh nói.
Ông Johnson cũng nhấn mạnh Anh là quốc gia phương Tây đầu tiên tham gia Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng, một bước đi khiến đồng minh Mỹ nổi giận.
Anh trở thành một thành viên sáng lập của AIIB, ngân hàng quốc tế đặt tại châu Á và độc lập với các định chế tài chính do phương Tây thống trị như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế, với mức đóng góp 50 triệu USD cho dự án này từ năm 2015.
Cuộc phỏng vấn trên không nói đến chuyện liệu chính phủ của ông Johnson có hạn chế hãng viễn thông Trung Quốc Huawei hay không.
Ông Jeremy Wright, Bộ trưởng văn hóa Anh, nói sẽ không phải là “khôn ngoan, hữu ích hay có trách nhiệm” nếu đưa ra quyết định cuối cùng về sự tham gia của Huawei vào mạng 5G của Anh trong khi quan điểm của Mỹ vẫn chưa rõ ràng, theo báo Anh The Guardian.
Các hãng viễn thông Anh, trong đó có Vodafone và BT, đã triển khai dịch vụ 5G sử dụng một số thiết bị của Huawei trong những phần không phải cốt lõi của mạng.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Johnson nói rằng Anh hoan nghênh các sinh viên Trung Quốc. “Chúng tôi rất may mắn vì ở Anh không chỉ có rất nhiều hàng sản xuất ở Trung Quốc mà còn có 155.000 sinh viên Trung Quốc, một điều rất tuyệt vời với chúng tôi”, ông nói. “Họ có đóng góp rất lớn cho nước Anh và cho xã hội của chúng tôi. Có nhiều sinh viên Trung Quốc ở London hơn bất kỳ thành phố nào khác trên thế giới ngoài Trung Quốc”, ông nói. Ông cũng kể chuyện con gái ông từng đến Trung Quốc cách đây không lâu và đã học tiếng Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Xuân Oánh hôm qua nói rằng Trung Quốc chúc mừng ông Johnson, rằng Trung Quốc coi trọng quan hệ với Anh và hy vọng quan hệ song phương sẽ phát triển ổn định.
Quan hệ Anh – Trung gần đây xấu đi do tranh cãi ngoại giao liên quan đến các cuộc biểu tình ở Hong Kong. Chính phủ Trung Quốc gạt phắt những bình luận của các bộ trưởng Anh về vấn đề Hong Kong và cũng đã triệu tập đại sứ Anh đến để phản đối. Phản ứng của Anh về vấn đề Hong Kong rõ ràng được định hình bởi cuộc chạy đua vị trí lãnh đạo vừa qua, khi không ứng viên nào muốn thể hiện giọng điệu hòa giải với Trung Quốc. Năm 2018, ông Johnson, khi đó đang là ngoại trưởng Anh, từng khiến Bắc Kinh “nổi đóa” sau khi bày tỏ quan ngại rằng công thức “một đất nước, hai chế độ” đối với Hong Kong đang chịu sức ép ngày càng lớn.
BÌNH GIANG
Theo TPO
Bộ trưởng Tài chính Anh sẽ từ chức nếu ông Johnson trở thành Thủ tướng
Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond tuyên bố sẽ từ chức, nếu ông Boris Johnson trở thành lãnh đạo Đảng bảo thủ và là Thủ tướng mới của nước Anh.
Trả lời phỏng vấn trên truyền hình ngày 21/7, ông Philip Hammond cho biết, quyết định của ông đưa ra do không ủng hộ yêu cầu của ông Boris Johnson về việc các thành viên chính phủ phải chấp nhận khả năng nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận vào ngày 31/10 tới.
Cựu Thị trưởng London Boris Johnson (Ảnh: AP)
"Nếu ông Boris Johnson trở thành Thủ tướng nước Anh, tôi hiểu rằng điều kiện để phục vụ trong chính phủ của ông sẽ bao gồm chấp nhận một khả năng Anh ra khỏi EU mà không có thỏa thuận vào ngày 31/10 tới. Đó là điều mà tôi không thể đồng ý. Điều quan trọng là một Thủ tướng cần phải có một Bộ trưởng Tài chính có đồng quan điểm với ông về các vấn đề chính sách. Do đó, tôi có ý định nộp đơn từ chức trước khi ông Boris Johnson lên nắm quyền vào ngày 24/07 tới", Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond nói.
Cuộc bỏ phiếu lựa chọn Lãnh đạo Đảng Bảo thủ, đồng thời cũng là Thủ tướng mới của nước Anh từ 16 nghìn thành viên chủ chốt trong Đảng Bảo thủ đang bước vào những ngày cuối cùng. Kết quả dự kiến sẽ được công bố sớm nhất là vào ngày mai ( 22/07).
Cựu Ngoại trưởng Boris Johnson có nhiều khả năng giành chiến thắng trước Ngoại trưởng đương nhiệm Jeremy Hunt. Ông Boris Johnson nhiều lần khẳng định sẽ đàm phán lại thỏa thuận với Liên minh châu Âu, nhưng sẽ rời EU đúng vào thời hạn 31/10 tới, kể cả khi có hay không có thỏa thuận./.
Theo Phạm Hà/VOV1
biên dịch /Reuters
Hai ứng viên Thủ tướng Anh cam kết đàm phán lại thỏa thuận Brexit với EU Cả hai ứng viên đều có quan điểm giống nhau là nước Anh dứt khoát sẽ rời EU vào đúng hạn chót - ngày 31/10. Tối 17/7 theo giờ địa phương, chiến dịch tranh cử vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ và cũng là Thủ tướng Anh của cựu Ngoại trưởng Boris Johnson và Ngoại trưởng Jeremy Hunt đã kết thúc tại...