Ảnh-clip: Đường vành đai 50.000 tỷ đồng chạy xuyên tâm Hà Nội
Với tổng mức đầu tư 50.000 tỷ đồng, tuyến đường vành đai 2 Hà Nội đang dần hình thành với nhiều dự án thành phần đã đi vào hoạt động.
Đường vành đai 2 là tuyến giao thông nội đô khép kín của Hà Nội, tổng chiều dài hơn 43 km, chạy qua địa bàn các quận: Long Biên, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Tây Hồ và Đông Anh.
Điểm đầu và điểm cuối của dự án được tính từ cầu Vĩnh Tuy. Cầu này dài 3,7 km, rộng 19 m, tổng mức đầu tư gần 5.500 tỷ đồng được khánh thành năm 2010.
Tiếp nối cầu Vĩnh Tuy là dự án đường trên cao và mở rộng phía dưới từ chân cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở với chiều dài trên 5 km.
Dự án này có đường trên cao rộng 19 m, đoạn phía dưới rộng 56 m, khởi công tháng 4/2018 và dự kiến hoàn thành trong năm 2020; tổng vốn đầu tư hơn 9.400 tỷ đồng.
Qua Ngã Tư Sở, đoạn tiếp theo là tuyến đường từ Láng, Cầu Giấy đến cầu Nhật Tân dài 6,4 km, tổng mức đầu tư khoảng 6.400 tỷ đồng (hơn 304 triệu USD). Công trình này đã khánh thành và đưa vào hoạt động từ năm 2016.
Video đang HOT
Tuyến đường Võ Chí Công trở thành điểm nhấn trên vành đai 2 khi được thi công rộng từ 58 m đến 64 m, mỗi bên 4 làn xe chạy và được thiết kế với hệ thống cây xanh nhiều tầng, tạo cảnh quan bắt mắt.
Các dự án từ Cầu Giấy đến Nhật Tân đã góp phần kết nối trung tâm Thủ đô với sân bay Nội Bài, giảm áp lực giao thông trên tuyến đường Bắc Thăng Long – Nội Bài.
Cầu Nhật Tân được xem là một trong những biểu tượng mới của Hà Nội với kiến trúc dây văng. Cầu dài 3,7 km, rộng 60 m với 4 làn xe, tổng mức đầu tư trên 13.600 tỷ đồng và đây là cây cầu dây văng dài nhất bắc qua sông Hồng (nối huyện Đông Anh với quận Tây Hồ). Dự án này khánh thành năm 2015.
Cùng khánh thành với cầu Nhật Tân, tuyến đường Võ Nguyên Giáp dài 12 km có tổng vốn đầu tư hơn 6.700 tỷ đồng. Đường rộng 80 m đến100 m, phục vụ 6 làn xe với vận tốc tối đa 80 km/h, 2 đường gom cho xe máy, xe thô sơ với vận tốc tối đa 40 km/h
Là tuyến đường dài nhất trong số các dự án thuộc vành đai 2, đường 5 kéo dài (đường Trường Sa, Hoàng Sa, Lý Sơn) dài 13,3 km, có mặt cắt ngang nền đường từ 65 m tới 68,5 m, thông xe vào năm 2014.
Tuyến đường bắt đầu từ khu đô thị Bắc Thăng Long – Vân Trì, chạy dọc theo các xã Kim Nỗ, Vĩnh Ngọc và Xuân Canh (huyện Đông Anh), giao với quốc lộ 3 sau đó vượt qua sông Đuống và kéo dài tới cầu Chui (quận Long Biên); tổng mức đầu tư là 6.661 tỷ đồng.
Ngoài hai cây cầu bắc qua sông Hồng, đường vành đai 2 còn có cây cầu duy nhất bắc qua sông Đuống là cầu Đông Trù.
Cầu Đông Trù dài 1,1 km, mặt cắt rộng 55 m với 8 làn xe, khánh thành năm 2014; tổng mức đầu tư gần 900 tỷ đồng.
Từ cầu Đông Trù, đường vành đai 2 chạy qua các tuyến đường thuộc quận Long Biên.
Đường Đàm Quang Trung dẫn đến cầu Vĩnh Tuy là điểm cuối của tuyến vành đai 2.
Theo quy hoạch, Hà Nội có các đường vành đai 1, vành đai 2-2,5, vành đai 3-3,5, vành đai 4 và vành đai 5.
Theo Bá Đô (VNE)
Công an Hà Nội 'tung' lực lượng bảo đảm an ninh trật tự sau trận Olympic Việt Nam - Syria
Để đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau trận đấu của Olympic Việt Nam và Olympic Syria tối nay, 27.8, Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Công an TP.Hà Nội huy động hơn 50% quân số ứng trực.
Lực lượng Cảnh sát cơ động sẽ thực hiện nhiệm vụ giữ an ninh trật tự trước, trong và sau trận Olympic Việt Nam - Olympic Syria tối nay ẢNH CTV
Thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Công an TP.Hà Nội, cho biết theo kế hoạch, để đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau trận đấu giữa Olympic Việt Nam - Olympic Sirya, hơn 60 tổ công tác được bố trí làm nhiệm vụ, mỗi tổ gồm 4 chiến sĩ cơ động, đặc nhiệm và tuần tra lưu động.
Các tổ công tác của Trung đoàn Cảnh sát Cơ động sẽ sử dụng mô tô chuyên dụng tuần tra trên các tuyến đường thuộc các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Hà Đông.
Cùng phối hợp tham gia làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, kiểm soát tình hình là 15 tổ công tác 141 chốt trực tại các tuyến đường chính, nút giao thông trọng điểm để phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm giao thông, an ninh trật tự. Những hành động gây rối trật tự, đua xe trái phép, quá khích đập phá... sẽ bị xử lý nghiêm để đảm bảo an toàn cho người hâm mộ xuống đường cổ vũ đội tuyển.
Phòng Cảnh sát Giao thông (PC67) Công an TP.Hà Nội cho biết, hơn 100 chiến sĩ cảnh sát giao thông được huy động chốt trực tại các tuyến đường trung tâm, phối hợp cùng các lực lượng khác để phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh trật tự.
Đồng thời, PC67 còn bố trí 13 tổ công tác tuần tra lưu động từ tối 27.8 đến 6 giờ sáng 28.8, phối hợp cùng với các tổ công tác 141 phòng chống đua xe.
Trước đó, sau khi kết thúc trận đấu bóng đá của Olympic Việt Nam tại ASIAD 18 tối 23.8, từ khoảng 22 giờ ngày 23.8 đến 1 giờ 30 ngày 24.8, một tốp khoảng 15 xe mô tô chạy tốc độ cao, lạng lách trên các tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm như phố Hàng Bông, Bà Triệu, phố Huế...
Tiếp đó, khoảng 1 giờ 45 đến 2 giờ 25 phút ngày 24.8, khoảng 40 xe chạy tốc độ cao, lạng lách trên các tuyến đường Lê Duẩn - Xã Đàn - Đại Cồ Việt - Ô Chợ Dừa - Hào Nam - Giảng Võ. Lực lượng chức năng đã triển khai phương án phòng, chống đua xe trái phép, kịp thời ngăn chặn, giải tán, bắt giữ 8 xe mô tô, 12 thanh niên.
Theo TNO
500 cảnh sát Hà Nội bảo vệ trật tự sau trận Việt Nam - Syria Cảnh sát cơ động bố trí 60 tổ công tác tuần tra lưu động, hơn 100 chiến sĩ Cảnh sát giao thông chốt trực tại các nút giao thông trọng điểm, phối hợp cùng các tổ công tác đặc biệt 141 và các lực lượng khác đảm bảo trật tự sau trận Tứ kết giữa Olympic Việt Nam và Olympic Syria tối 27/8....