Ảnh, clip: Đào rừng Sa Pa trước nguy cơ bị “tận diệt” sau mỗi dịp Tết
Những năm gần đây, vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều người nhất là ở khu vực thành phố lớn rất thích mua đào rừng về chơi Tết. Điều này khiến đào rừng trở thành món hàng đắt giá và làm cho đào tự nhiên Sa Pa đứng bên bờ “tuyệt chủng”.
Video: Đào rừng Sa Pa xuống phố.
Những ngày giáp Tết, dọc theo Quốc lộ 4D từ Sa Pa đi Lào Cai, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân bản địa nhộn nhịp chở đào đi bán. Đó là những cây đào họ vào tận rừng chặt về nên được gọi là “đào rừng”.
Sở dĩ người dân tại các thành phố lớn chuộng đào rừng Sa Pa vì gốc và cành phủ rêu phong cổ thụ, hoa đào nhiều, nở to, vô cùng đẹp mắt. Hầu hết những ai thấy đào rừng thì sẽ mê ngay từ cái nhìn đầu tiên và không còn mặn mà gì với đào trồng nữa.
Ngay từ sáng sớm, tại lối rẽ vào bản Tả Phìn, chúng tôi vô cùng choáng ngợp trước cảnh người dân ùn ùn kéo đến, tập trung lại thành từng nhóm và trên mỗi xe máy đều chở theo một cành đào rừng “khổng lồ”.
Chị Lý Seo Mây, người dân tộc Dao cho biết: “Mây cùng người anh trai của mình phải lên núi, vào sâu trong rừng mới có thể tìm kiếm được một cây đào cổ thụ. Ước tính cây đào khoảng 30 năm tuổi và phải mất 2 ngày mới đem được về bản”. Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, giá cây đào này tại đây khoảng 8 triệu đồng nhưng thương lái có thể mua và mang về các thành phố lớn bán với giá 30 triệu đồng.
Việc người dân bản địa vào rừng “tận diệt” đã khiến cho đào rừng ngày càng trở nên khan hiếm. Bởi nếu trồng loại đào này tại nhà thì một cây sẽ phải mất tối thiểu từ 5 năm đến 10 năm mới có thể mang đi bán. Còn đối với những cây đào rừng cổ thụ, sống sâu trong rừng già có tuổi đời trên 50 năm vô cùng quý hiếm. Hiện nay số lượng loại đào tự nhiên này còn rất ít, giá trị của chúng có thể lên tới vài trăm triệu đồng.
Một du khách tới từ Hà Nội hồ hởi mua được một cành đào rừng ưng ý với giá 2 triệu đồng chia sẻ: “Năm nay giá đào rừng tại Sa Pa cao hơn những năm trước, tôi có nghe thông tin là do những năm trước người dân ồ ạt vào rừng chặt phá nên năm nay nguồn cung khan hiếm mới đẩy giá đào tăng”.
Tại khu vực trung tâm thị xã Sa Pa, rất nhiều người từ các bản nổi tiếng về đào rừng như: Tả Phìn, Ô Quý Hồ, Trung Chải… đã bắt đầu tập trung đông dần. Họ dựng lều, canh xuyên đêm để bán đào.
Theo ước tính của các nhà chuyên môn, hiện hàng trăm hec-ta đào rừng đã bị tàn phá, tận diệt, bật gốc ùn ùn đổ về các thành phố lớn. Với lượng đào bị chặt bán ra hiện nay thì chẳng ai dám chắc chỉ vài cái Tết nữa, những cây đào mốc cổ thụ, phủ trắng rêu phong sẽ còn tồn tại.
Một hình ảnh giao dịch đào rừng nhộn nhịp phổ biến tại trung tâm thị xã Sa Pa. Cành đào rừng được chủ nhân quảng cáo có tuổi đời 50 năm, trắng mốc, rêu phong, còn có cả hoa phong lan bám đang được giao bán với giá 10 triệu đồng.
“Thực ra chúng tôi biết lên rừng chặt cây thế này là vi phạm pháp luật, các cán bộ Kiểm lâm cũng đến vận động từng nhà nhắc nhở rồi, nhưng vì cây đào nó giá trị lắm mà người dân thì nghèo, cả năm có mỗi dịp Tết nên tranh thủ kiếm chút tiền nuôi gia đình thôi. Nếu bị cán bộ Kiểm lâm bắt thì cứ khẳng định đào nhà trồng, không bắt hết được đâu”, Giàng A Phéo, một người dân bán đào cho biết.
Hiện nay, giống đào mốc nguyên chủng tại Sa Pa đang hiếm dần. Nguyên nhân chính là do việc khai thác bừa bãi để phục vụ cho nhu cầu chơi Tết của một bộ phận dân thành thị đã vô tình tiếp tay cho việc hủy hoại môi trường và làm cho trẻ em nơi đây bỏ học, theo bố mẹ lên rừng tìm đào về bán.
Thực trạng đào rừng Sa Pa cạn kiệt đang dần bộc lộ rõ hơn qua việc nguồn cầu tăng và nguồn cung giảm, dẫn đến giá đào rừng tăng theo từng năm. Thiết nghĩ, giữa lợi ích kinh tế trước mắt người dân bản địa và lợi ích mang tính bền vững của cả một hệ sinh thái môi trường thì đây là một thực trạng rất khó giải quyết, nhất là ở những vùng người dân còn gặp nhiều khó khăn như Sa Pa. Nếu những hình ảnh ngược xuôi chở đào rừng về thành phố còn tiếp diễn thì chắc chắn trong tương lai, chúng ta sẽ không còn được thấy đào nở hoa trên chính mảnh đất khởi nguyên ra nó.
Theo danviet.vn
Miền Bắc tiếp tục rét, Nam Bộ nguy cơ triều cường
Tuần này, Bắc Bộ duy trì nền nhiệt dưới 15 độ C. Nam Bộ nguy cơ xảy ra triều cường khi mực nước trên các sông lên nhanh.
Đầu tuần, thời tiết tại Bắc Bộ chủ yếu quang mây, ban ngày trời nắng. Nền nhiệt thấp nhất tại đồng bằng phổ biến 10-13 độ C, vùng núi 6-9 độ C và vùng núi cao dưới 5 độ C. Các khu vực như Sa Pa, Mẫu Sơn khả năng cao xảy ra băng giá và sương muối.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trạng thái rét khô sẽ còn duy trì tại Bắc Bộ đến hết ngày 12/12. Thời gian này, nền nhiệt giữa ngày và đêm có sự chênh lệch lớn, độ ẩm thấp. Người dân cần chú ý giữ ấm cơ thể, uống nhiều nước để tăng cường sức đề kháng.
Dự báo thời tiết khu vực Hà Nội trong các ngày 10-14/12. Ảnh: Mỹ Hà.
Cùng lúc, Trung Bộ cũng duy trì kiểu thời tiết ít mưa, ngày nắng. Ban đêm, các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mức nhiệt thấp nhất là 16-19 độ C. Riêng Thanh Hóa và Nghệ An, nền nhiệt dao động trong khoảng 12-15 độ C, vùng núi 9-11 độ C.
Trong khi đó, khu vực Tây Nguyên ít mưa, ban đêm trời trở rét với mức nhiệt xuống ngưỡng 14 độ C, ban ngày hửng nắng. Tại Nam Bộ, nền nhiệt ban đêm dao động 19-23 độ C, ban ngày nhích lên 31 độ C.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước đỉnh triều tại các vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai tiếp tục lên theo kỳ triều cường ngày Rằm (Âm lịch). Đỉnh triều có thể xuất hiện vào ngày 12-14/12.
Trong đợt triều cường này, mực nước tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long dưới mức báo động 1. Trạm Phú An, Nhà Bè đạt mức 1,5-1,55 m với khả năng xuất hiện đỉnh triều cao vào các khung giờ 4h-6h và 17h-19h.
TP.HCM có nguy cơ xảy ra triều cường trong các ngày 12-14/12, mực nước đạt đỉnh vào khung giờ 4h-6h và 17h-19h. Ảnh: An Huy.
Về thời tiết biển, trong tuần này cơ quan khí tượng dự báo Biển Đông chưa ghi nhận sự xuất hiện của các xoáy thuận nhiệt đới có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và bão.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của không khí lạnh khiến khu vực bắc và giữa Biển Đông, phía tây của nam Biển Đông, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8, biển động mạnh.
Từ ngày 10/12, cường độ gió đông bắc trên các vùng biển giảm xuống cấp 5.
Theo Zing
Tình nguyện viên Israel dạy học cho trẻ vùng cao Lào Cai Trong các ngày từ 18 - 28/11, tại huyện vùng cao Sa Pa (tỉnh Lào Cai), đoàn tình nguyện viên Heroes for Life của Israel gồm 22 thành viên phối hợp với 10 sinh viên của Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai tổ chức dạy học và thực hiện những công việc tình nguyện giúp đỡ trẻ em địa phương....