Ảnh-clip: Công viên 50 tỷ bị bỏ hoang ở Đà Nẵng
Dự án Công viên Thanh niên Đà Nẵng có tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng. Nhiều năm qua, dự án chậm tiến độ, chưa bàn giao cho địa phương quản lý nên đã xuống cấp, nhếch nhác.
Công viên Thanh niên 50 tỷ ở Đà Nẵng nhìn từ flycam
Công viên Thanh niên ở Đà Nẵng có vốn đầu tư 50 tỷ đồng. Công trình này đã khởi công gần 14 năm nhưng vẫn chưa xong, khiến người dân bức xúc.
Người dân quận Cẩm Lệ và Hải Châu (TP.Đà Nẵng) phản ánh về việc chủ đầu tư chậm hoàn thành dự án Công viên Thanh niên. Theo họ, việc dự án này chậm tiến độ khiến giới trẻ thiếu nơi vui chơi.
Năm 2004, UBND TP.Đà Nẵng quyết định đầu tư 50 tỷ đồng để triển khai Công viên Thanh niên. Tuy nhiên, đến giữa năm 2016, dự án mới được khởi công.
Lãnh đạo địa phương kỳ vọng khi dự án này hoàn thành sẽ là nơi sinh hoạt cộng đồng, giới trẻ có không gian vui chơi, giải trí. Theo quy hoạch ban đầu, dự án này rộng hơn 32ha, nằm trên địa bàn 2 quận Hải Châu và Cẩm Lệ. Trong công viên có nhà sinh hoạt cộng đồng, ghế đá, nơi dạo bộ, sân tập thể dục…
“Khi biết có công viên, người dân nơi đây rất phấn khởi và hy vọng dự án này hoàn thành sẽ có chỗ để mọi người vui chơi. Thế nhưng, dự án triển khai được thời gian thì dừng lại khiến chúng tôi rất thất vọng”, bà Nguyễn Thị Tới (trú quận Cẩm Lệ) nói.
10 năm qua, do có sự điều chỉnh về quy hoạch chung nên dự án này liên tục bị thu hẹp diện tích để nhường đất cho chính quyền Đà Nẵng xây dựng các công trình khác như: Khu tái định cư, trường Nguyễn Khuyến, trụ sở Thành đoàn… Đến nay, diện tích công viên bị thu hẹp còn khoảng 20ha, trong đó có 9ha hồ nước.
Lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng, đơn vị quản lý điều hành dự án, cho biết theo kế hoạch công trình này hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2016.
Tuy nhiên, do thiếu vốn nên công trình còn một số hạng mục chưa làm xong. Đơn vị này chũng chưa bàn giao công trình cho quận Hải Châu và Cẩm Lệ khai thác. Hơn 2 năm qua, dự án rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”, không người trông coi, bảo quản.
Bên trong tòa nhà cộng đồng của công viên có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp. Bàn, ghế và một số đồ dùng bám đầy cát, bụi, thậm chí đã hư hỏng.
Các công trình phụ như nhà vệ sinh, hành lang, kính cửa sổ… bị hỏng không sử dụng được. “Không có ai trông coi nên nó nhếch nhác, mất vệ sinh. Tối đến, mấy tên nghiện thường đến đây tụ tập, chích hút gây mất an ninh trật tự”, ông Nguyễn Minh Trai (ngụ quận Hải Châu) cho hay.
Ông Võ Đức Lâm, Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu), thừa nhận do công trình không được quản lý, ít thùng rác nên vệ sinh rất kém, ban đêm không có đèn, nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp.
Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, kiến nghị lãnh đạo thành phố đốc thúc đơn vị thi công sớm hoàn thành dự án để bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng. “Quận đã nhiều lần kiến nghị thành phố bàn giao để quản lý, duy tu bảo dưỡng nhưng chưa có kết quả”, ông Sơn nói.
Công viên Thanh Niên nằm trên địa bàn 2 quận hải Châu và Cẩm Lệ. Ảnh: Google Maps.
Theo Đoàn Nguyên (Zing)
Bỏ lương 20 triệu, liều cầm nhà vay tiền trồng lan, lãi hơn 2 tỷ/năm
Đang làm việc cho một resort lớn với mức lương 20 triệu đồng/tháng, anh Lê Thành Trung (35 tuổi, ở phường Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) quyết định bỏ ngang về đánh liều cầm sổ đỏ vay tiền đầu tư trồng hoa Mokara. Từ mô hình trồng hoa lan Mokara, anh Trung mỗi năm lãi hơn 2 tỷ đồng.
Anh Lê Thành Trung bên mô hình lan Mokara tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng
Bỏ việc lương 20 triệu đồng về trồng lan
Anh Trung cho biết, cơ duyên đến với nghề trồng hoa của mình cũng khá bất ngờ. "Trước đây, mình làm kế toán cho nhiều khách sạn, resort ở Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam) thấy các khách sạn đặt hoa Mokara với số lượng rất lớn, đôi khi thị trường không đủ cung cấp. Sau thời gian tìm hiểu trên mạng, mình nhận thấy mô hình trồng hoa lan Mokara cắt cành thích hợp với khí hậu nóng của miền Trung và nhu cầu tiêu thụ rất cao nếu thành công sẽ nhanh chóng lấy lại vốn...Từ đó mình bắt đầu học hỏi, làm mô hình", anh Trung chia sẻ.
Tìm hiểu được biết mô hình đang phát triển tại huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Với quyết tâm làm giàu, cuối năm 2015 anh quyết định bỏ việc xin vào một vườn lan Mokara lớn ở huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh học nghề. Sau hai tháng học nghề, với chút kinh nghiệm trong tay, anh quyết định trở về đầu tư trại trồng hoa ngay tại địa phương.
Đầu năm 2016, không có đất sản xuất, anh đến UBND phường Hoà Xuân, Hội Nông dân phường đề đạt nguyện vọng và được hỗ trợ cho mượn 2.000 m2 đất sản xuất. Với chút ít vốn liếng để dành, anh quyết định 100 triệu đồng vào việc xây dựng hệ thống nhà lưới, hệ thống tưới phun sương và mua 700 cây giống hoa lan từ Thái Lan về trồng.
Sau 4 tháng trồng lứa lan đầu tiên bắt đầu ra hoa hoa đủ màu sắc đỏ, hồng, vàng, tím... và cho thu nhập. Anh bắt đầu chào bán tại các shop hoa, resort với giá 10.000-15.000 đồng/cành.
"Loại phong lan này trổ bông quanh năm. Khi bông đã bung cánh là cắt bán. 4.000 cây lan Mokara được trồng với 9 màu sắc khác nhau, thời điểm đó có 1.500 cây đang ra hoa, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng mình thu về 25 triệu đồng", anh Trung cho biết.
Lấy ngắn nuôi dài, từ nguồn cây, anh bắt đầu nhân giống và bán cho các hộ nông dân có nhu cầu. Cuối năm 2017, anh nhân giống trồng thêm 17.000 cây trên diện tích 2000m2. "Doanh thu bán hoa năm 2017 đạt gần 2 tỷ đồng/năm, doanh thu cây giống đạt 1,2 tỷ đồng năm. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận còn lại năm 2017 đạt được hơn 2 tỷ đồng", anh Trung nói.
Liều cầm nhà vay tiền trồng hoa
Mỗi năm sau khi trừ chi phí anh Trung lãi hơn 2 tỷ đồng từ mô hình trồng hoa Mokara.
Không dừng lại, anh Trung tiếp tục vừa trồng vừa rút kinh nghiệm. Đến nay, anh trồng được 25.700 cây trên diện tích 4.500m2 và đang mở rộng thêm diện tích 3.000 m2, nâng tổng diện tích trồng lên 7.500 m2.
Vừa giới thiệu mô hình, anh Trung vừa chia sẻ kinh nghiệm trồng hoa lan Mokara, "Thực tế hoa lan Mokara rất dễ trồng và rất phù hợp khí hậu ở miền Trung. Mỗi tháng ra một lần hoa, mỗi cây cho ra 2-3 hoa/ lần. Khi trồng dùng giá thể vỏ đậu để trồng. Trước hết rải vôi giá thể, khử trùng, phun thuốc nấm rồi tiến hành trồng cây hoa...".
Theo anh Trung, cây giống hoa lan Mokara phải cắt những lá, rễ gãy rồi khử trùng thuốc nấm mới trồng. Khi trồng hai tháng đầu tiên nên phun phân tỷ lệ đạm cao 30 NPK -10 lân -10 kali để kích thích ra rễ. Khi cây ra rễ nhiều nên phun phân với tỷ lệ đạm-lân-kali đồng đều 20-20-20 để cây sinh trưởng tốt.
Khi cây trưởng thành, phun phân với tỷ lệ lân, kaly cao để kích thích ra hoa. Mỗi tuần phun phân 1 lần. Đồng thời, mỗi tháng phun nấm 2 lần để cây sinh trưởng phát triển tốt và ra hoa đều. Đặc biệt loại lan Mokara này không có sâu, rầy gây hại. Hoa rất lâu tàn, khoảng 2 tháng mới tàn nên hiện nay các Khách sạn, Resort và các Shop hoa ở miền Trung và cả nước với nhu cầu tiêu thụ rất cao. Tuy nhiên, mô hình này lại cần nguồn vốn đầu tư rất cao...".
"Đặc biệt, loài hoa này thường hay bị nấm. Mùa nắng cây hoa ít bị, nhưng mùa mưa cây hay bị nấm lá, nấm rễ. Để khắc phục cũng rất dễ, theo kỹ thuật một tháng phun ngừa 2 lần năm định kỳ. Nếu mùa mưa 3-5 ngày phải phun một lần. Nếu để cây hoa phát triển bệnh nấm, sẽ lan rất nhanh, cây hoa sẽ suy không ra bông hiệu quả. Đối với nghề này cần phải chịu khó, siêng năng, bản thân mình có thể nhịn ăn uống, nhưng đối với loài hoa này phải phun nước, tưới phân đúng giờ...", Trung chia sẻ thêm.
Lãi hơn 2 tỷ đồng từ lan Mokara
Hiện với tổng 25.700 cây hoa lan Mokara được trồng, với 6.000 cây ra hoa, 8 tháng đầu năm 2018 cho doanh thu 1,5 tỷ đồng từ bán hoa. Doanh thu từ cung cấp giống đạt khoảng 1,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí anh Trung đã lãi hơn 2 tỷ đồng.
Chia sẻ ưu điểm mô hình, anh Trung cho biết, "vườn tôi luôn cháy hàng không đủ cung cấp cho các shop hoa. Trồng loại lan Mokara này ít tốn đất, 100 m2 trồng được 800 cây. Đầu tư một lần đầu có thể thu hoạch nhiều năm, nếu trồng 1.000 cây mỗi tháng sau khi trừ chi phí thu về khoảng 20 triệu đồng. Sau khoảng một đến một năm rưỡi sẽ lấy lại vốn, các năm tiếp theo chúng ta thu mãi. Khoảng 1,5 năm trồng có thể bắt đầu nhân giống...".
Ngoài ra, ưu điểm của hoa lan Mokara này rất lâu tàn nên hiện nay các khách sạn, resort và các shop hoa ở miền Trung có nhu cầu tiêu thụ rất cao. Với nhu cầu tiêu thụ cao, "Mình đang mở rộng quy mô, phát triển mô hình trồng thêm diện tích 3.000 m2. Ngoài cung cấp giống cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn, mình cũng đang cung cấp nguồn giống cho các tỉnh, thành của cả nước như Huế, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Lào Cai, Tây Ninh...", anh Trung chia sẻ,
Được biết, hiện mô hình anh Trung đang tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên với mức lương 200.000 đồng/ngày.
Theo Danviet
Ký túc xá sinh viên trăm tỷ xây dang dở, bỏ hoang 4 năm Dự án ký túc xá sinh viên phía tây thành phố ở phường Hoà Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đang xây dang dở thì dừng từ năm 2014 đến nay. Công trình bỏ hoang đã 4 năm nay đang xuống cấp nghiêm trọng, rất lãng phí. Công trình dự án ký túc xá sinh viên phía tây TP Đà Nẵng đang...