Anh chồng ly hôn vì đến chuyện chăn gối vợ cũng hỏi ý thầy bói
Nghe thầy bói, chị Trinh buộc chồng chỉ được “yêu” lúc 10h sáng và tối để làm ăn phát đạt, việc gì cũng hỏi ý thầy, anh Kiệt (TP HCM) hết chịu nổi.
Vợ chồng anh Kiệt, chị Trinh, làm nghề kinh doanh tự do ở phường 24, quận Bình Thạnh (TP HCM). Kết hôn 20 năm và đã có chung 3 mặt con, càng ngày, anh Kiệt (48 tuổi) càng thấy như mình sống trong “lồng”, ngột ngạt vì người vợ sùng tín đến mê muội.
Từ vài năm trước, theo chân bạn, chị Trinh (46 tuổi) bắt đầu tìm thầy bói để tư vấn những lúc gia đình có việc lớn. Dần dần, đến việc “lông gà vỏ tỏi” trong nhà chị cũng tham khảo ý kiến “thầy”, như chọn màu nhà, treo tranh ảnh ở đâu, hay tủ quần áo kích thước bao nhiêu…
Ban đầu, hai vợ chồng thống nhất cho con học trường công gần nhà tiện đưa đón, con có nhiều không gian chơi vì trường rộng, có nhiều cây xanh. Nhưng “thầy” bảo chị muốn làm nên ăn ra phải chọn ngôi trường nào cách nhà xa một chút. Vậy là chị gửi con đi học cách nhà 4 cây số, buộc anh ngày nào cũng tất bật băng đường đưa đón.
“Thầy” can thiệp cả vào chuyện phòng the của hai người, dặn muốn đường làm ăn thuận lợi thì vợ chồng phải canh giờ quan hệ. Cụ thể, chỉ vào lúc 10 giờ sáng và tối là phù hợp. Ban đầu, anh phản đối dữ dội, vì đó là thời gian vợ chồng bận làm việc và cho con ngủ, nhưng với quyết tâm của chị, anh bấm bụng thực hiện theo.
Ảnh: Thư viện hoa sen.
Có đợt, nghe “thầy” nói mình có người âm theo, phải tìm nơi hóa giải và kiêng quan hệ để giữ điều lành, chị Trinh thực hiện răm rắp. Ngày đêm chị thắp hương cầu khấn, liên hệ với bạn bè, lên mạng tìm địa chỉ của các thầy hay để tìm lời giải, bỏ bê nhà cửa, chăm sóc chồng con.
Sống với nhau mà đến chuyện gần gũi cũng phải phụ thuộc vào người khác, vợ bỏ lơ ý kiến của mình, anh Kiệt rất ức chế. Anh nhiều lần góp ý, nhờ bố mẹ hai bên và chính quyền phân tích cho vợ tỉnh ngộ mà không được.
Giọt nước tràn ly là cuối năm 2016, con trai mới sinh bị bệnh, anh nói đưa đến bệnh viện nhưng chị thuê thầy về nhà làm lễ cúng bái, khói hương nghi ngút suýt cháy nhà, may lửa được dập kịp thời. Phải đưa con đi nhập viện giữa đêm khuya, anh nổi xung và đã bỏ về nhà bố mẹ ở Bình Dương sống. Hơn một năm sau, anh làm đơn ra tòa xin ly hôn.
“Ai cũng tin vào yếu tố tâm linh, nhưng tin và làm theo như cô ấy thì không thể chấp nhận được. Nếu cứ sống mà nửa đêm mở mắt ra nhìn vợ cầm cây hương khấn vái khắp nhà tôi sẽ bị tổn thọ mất”, anh Kiệt chia sẻ.
Yêu cầu của anh được TAND quận Bình Thạnh (TP HCM) chấp nhận hồi tháng 4 vừa qua, dù chị một hai giải thích làm vậy chỉ “muốn tốt cho gia đình và muốn công việc làm ăn thuận lợi”.
Từng tư vấn cho nhiều trường hợp muốn thoát ra khỏi mê tín dị đoan, thạc sĩ tâm lý Lê Thị Minh Hoa, Viện tâm lý và Giáo dục Pháp luật TP HCM, cho rằng hiện có rất nhiều người quá tin vào thế giới tâm linh như chị Trinh. Họ làm việc gì cũng hỏi ý kiến thầy bói. Có người cứ nửa tháng đi gặp “thầy” một lần để xin lời khuyên hoặc nhờ đoán trước tương lai. Cho đến khi bị lừa hoặc mất gia đình họ mới tỉnh.
Theo chuyên gia, chuyện những người quá mê tín như chị Trinh nằm ở góc độ tâm lý và nhận thức, không trừ một ai. Trong quá khứ họ từng gặp chuyện gì đó quá tin tưởng nên cứ thế đi theo và nhận thức rằng, làm vậy sẽ giúp giải quyết mọi việc thuận lợi hoặc sẽ lường trước được các hậu quả sẽ xảy ra. Thế nhưng, họ đã sai khi quá tin và vô tình tạo điều kiện cho các phần tử xấu lợi dụng, làm ăn bất chính khi đánh trúng tâm lý của họ.
Thạc sĩ Hoa cho rằng, để giúp những người như chị Trinh thoát ra khỏi các suy nghĩ tiêu cực, tốt nhất là nên lấy độc trị độc. Nghĩa là hãy lấy chính các ông thầy mà họ tin để trị thì mới có kết quả. Còn không, chỉ khi gặp điều tiêu cực họ mới tỉnh ngộ.
Video đang HOT
* Tên nhân vật đã thay đổi.
Thảo Nguyên
Theo Vnexpress
Nữ đại gia chi bộn tiền mua 'chân dài' đốt cho chồng ở cõi âm
Tin lời thầy bói, người phụ nữ giàu có chi số tiền lớn làm lễ, đặt mua 20 hình nhân nữ đốt cho người chồng quá cố.
Chúng tôi về làng nghề Phúc Am (Thường Tín, Hà Nội) những ngày cuối tháng sáu âm lịch. Ngay từ cổng làng, xe ô tô hối hả chở vàng mã đi khắp các tỉnh thành.
Cơ sở cung cấp vàng mã lớn của làng Phúc Am.
Chị Phạm Thị Phương (30 tuổi) về làm dâu ở đây từ mấy năm trước. Mặc dù có công việc ổn định nhưng chị vẫn tiếp nối công việc sản xuất vàng mã truyền thống của gia đình.
"Vào mùa cao điểm, nhà tôi thuê khoảng 10-15 nhân công làm thời vụ", chị Phương nói.
Người phụ nữ này cho hay, gia đình chị làm tất cả từ tiền vàng, quần áo, giầy dép, mũ nón, hình nhân đến rừng cây, ngựa, voi... đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho dân buôn vàng mã.
Ngựa giấy chuẩn bị cho lễ mở phủ được dân làng sản xuất.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Công (60 tuổi) chia sẻ, vài năm trở lại đây, các chùa bắt đầu cấm đốt vàng mã nên vào dịp Rằm tháng Bảy (âm lịch), lượng vàng mã phục vụ đi chùa giảm đáng kể. Hiện nay, làng Phúc Am chủ yếu cung cấp đồ lễ cho việc hầu đồng, mở phủ, lập đàn và các tiệc hầu thánh quanh năm.
Ông Công đang dựng khung ngựa.
"Người nào mở phủ, lập đàn, số đồ lễ phải chuẩn bị lên đến hàng chục triệu. Một bộ mở phủ cơ bản bao gồm 1 cặp voi ngựa, 1 thuyền rồng, 1 tòa chúa, 1 mũ quan, 5 ngựa ngũ sắc có giá 10 triệu đồng. Ai biết, tìm về đây mua được giá rẻ, còn mua qua trung gian giá có thể bị hét cao hơn", ông Công nói.
Cũng theo ông, dân làng làm theo dây chuyền công nghiệp, mỗi nhà một khâu. Ví dụ nhà ông dựng khung cho ngựa đứng, sau đó chuyển sang nhà khác dán giấy phủ, gia công và hoàn thiện.
Nguyên liệu sản xuất vàng mã là tre, luồng và giấy.
Chỉ tay vào con ngựa có kích thước trên 2 mét, ông Công giới thiệu, trung bình 30 phút mình dựng được một khung. Ngày nắng, chúng được mang ra vệ đường phơi khô, sau đó chuyển đi dán giấy. Khi hoàn thiện, nó được bán với giá từ 400 - 500 nghìn đồng/con.
Công việc này tuy đơn giản, chỉ cần quan sát một buổi là có thể bắt tay vào làm nhưng cũng đòi hỏi người làm sự tỉ mỉ, cẩn thận.
Hồ dán vàng mã.
Thợ sản xuất này kể, đầu năm 2018, một người chủ tiệm vàng đặt hàng chục con ngựa cỡ lớn.
"Họ tự đưa xe tải đến chở vào đền quan Hoàng Mười (Nghệ An) dâng. Ngoài ngựa, người này còn đặt một xe tải thuyền rồng. Số tiền vàng mã hôm ấy cũng lên tới vài chục triệu đồng, chưa kể lễ vật, hoa quả khác" - ông Công nhớ lại.
Vẫn theo lời ông, nghề chính của dân làng vẫn là cày ruộng. Công việc làm vàng mã chỉ là nghề tay trái, mang lại cho người dân khoản thu nhập 4 - 5 triệu đồng/tháng. Hộ nào bán buôn hay sản xuất lớn trong làng mới có thu nhập lớn.
Theo khảo sát của phóng viên, các sản phẩm vàng mã không những cần đa dạng về chủng loại mà còn yêu cầu cả kích cỡ.
Nhiều người dân có tâm lý, lễ cúng càng lớn, vàng mã càng phải to.
Theo đó, nhiều mô hình bằng vàng mã có chiều dài, rộng, cao lên tới cả mét. Tất nhiên, sản phẩm chi tiết tinh xảo, cầu kỳ giá thành sẽ không hề rẻ. Cũng là một kiệu hoa nhưng giá dao động từ 300 nghìn đồng đến 3 triệu đồng. Kiệu to như thật có khi lên tới 5 triệu đồng. Muốn đồ đẹp, số lượng lớn, người mua phải đặt tối thiểu trước một tuần.
Bà Phạm Thanh Hòa (50 tuổi) nhân công tại một xưởng sản xuất vàng mã lớn của làng, cho biết, cách đây nhiều năm, từng có công ty kinh doanh tàu biển về đặt tám con rồng lễ tạ cuối năm.
Mỗi con có chiều dài 3 mét, đường kính bằng vòng tay đứa trẻ. Khách yêu cầu các chi tiết mắt mũi, vảy rồng đều phải hoàn hảo. Họ hẹn một tuần sau sẽ lấy.
Do đặt gấp nên chủ cơ sở đó phải huy động thêm nhân công trong làng làm từ sáng sớm cho đến khuya mới kịp tiến độ giao cho khách.
Vào mùa cúng Rằm tháng Bảy năm nay, các mặt hàng hình nhân, biệt thự, xe hơi và các đồ vàng mã "hàng hiệu" như điện thoại iphone, ipad, son phấn,... vẫn khá hút khách, đáp ứng cho nhu cầu cúng Rằm tại nhà cho các gia đình.
Ipad, mỹ phẩm bằng vàng mã.
Chị Lương Thị Hiên (27 tuổi) nhân công làm thuê cho cở sản xuất hình nhân, kể thêm, cách đây ít ngày, một khách nữ nhà ở phố cổ, lái ô tô riêng về đây lấy hàng.
"Bà là khách quen ở đây. Người phụ nữ này đi xem bói, thầy phán chồng bà dưới âm đang cô đơn muốn "đưa" bà theo. Muốn yên ổn, bà phải làm lễ, gửi cho ông nhà một hình nhân thế mạng.
Một cơ sở sản xuất hình nhân.
Tin lời thầy, người phụ nữ giàu có đã không tiếc tay chi tiền đặt 20 hình nhân nữ màu đỏ, đốt gửi cho chồng quá cố", chị này nói.
Mặc dù Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đã có công văb cấm đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự nhưng lượng vàng mã được tiêu thụ hàng năm vẫn rất lớn.
Về vấn đề này, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, cho biết: "Giáo hội đã có công văn cấm đốt vàng mã tại các chùa chiền nhưng việc cấm đốt vàng mã muốn triệt để phải bắt đầu từ việc cấm sản xuất, kinh doanh vàng mã.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư 2014, sản xuất, kinh doanh vàng mã không thuộc diện ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Pháp luật hiện hành vẫn công nhận vàng mã là một mặt hàng được phép kinh doanh và vẫn nằm trong Danh mục đóng thuế. Vì vậy việc này chủ yếu vẫn là giáo dục ý thức người dân".
Theo vietnamnet.vn
Thầy bói dự đoán đội vô địch World Cup 2018 chính xác 100% Có 5 ông thầy bói nổi tiếng nhất vùng về việc dự đoán World Cup 2018, sáng ngày có trận thi đấu bán kết đầu tiên, một gã nhà giàu mới đến quán của 5 thầy để nhờ xem. 5 thầy bói mù sau khi đã... hạ mục kỉnh he hé mắt nhìn thấy gia chủ đặt quẻ, lúc bấy giờ mỗi thầy...