Anh chàng thắng 1 triệu USD ở Ai là triệu phú 20 năm trước giờ ra sao
Đi vào lịch sử gameshow Mỹ với câu nói “bất hủ” và thắng 1 triệu USD, John Carpenter vẫn sống giản dị suốt nhiều năm qua và không hề coi mình là người nổi tiếng.
Khoảnh khắc ‘bá đạo’ tại Ai là triệu phú đi vào lịch sử gameshow Mỹ. “Chào bố, con không thực sự cần sự giúp đỡ của bố đâu. Con chỉ muốn báo cho bố biết rằng con sắp giành được cả triệu USD”, John Carpenter khiến cả trường quay cười ồ lên với câu nói đầy tự tin trước khi trở thành người đầu tiên thắng 1 triệu USD tại chương trình truyền hình Ai là triệu phú Mỹ năm 1999.
Tối 18/11/1999, hàng triệu người Mỹ ngồi trước tivi theo dõi gameshow đình đám Who Wants to Be a Millionaire (Ai là triệu phú) của đài ABC như thường lệ. Họ không hề biết rằng mình sắp chứng kiến một trong những cảnh tượng đáng nhớ nhất trong lịch sử truyền hình Mỹ.
Khi đó, John Carpenter – nhân viên thu thuế 31 tuổi đến từ thị trấn Hamden, bang Connecticut – ngồi đối diện người dẫn chương trình Regis Philbin.
Ở tập trước, Carpenter trả lời đúng 2 câu đầu tiên. Anh phải vượt qua 13 câu hỏi nữa để chạm đến số tiền thưởng 1 triệu USD – điều chưa người chơi nào làm được trong nhiều tháng chương trình lên sóng.
Carpenter nhanh chóng vượt qua 14 câu hỏi mà không sử dụng sự trợ giúp nào. Anh chỉ cách 1 triệu USD câu hỏi cuối cùng: “Vị tổng thống Mỹ nào xuất hiện trên phim truyền hình ‘Laugh-In’?” với 4 đáp án lựa chọn là Lyndon B. Johnson, Richard Nixon, Jimmy Carter và Gerald Ford.
Trái với sự hồi hộp, lo lắng của khán giả trong trường quay, Carpenter nở nụ cười nhẹ: “Tôi muốn gọi cho bố mẹ ngay bây giờ. Tôi sẽ nói chuyện với bố”.
John Carpenter (sinh năm 1967) thắng 1 triệu USD tại chương trình Ai là triệu phú của Mỹ phát sóng ngày 18/11/1999.
Khi cuộc gọi được kết nối tới bố, Carpenter bình thản nói một câu mà sau này trở thành kinh điển: “Chào bố, con không thực sự cần sự giúp đỡ của bố đâu. Con chỉ muốn báo cho bố biết rằng con sắp giành được cả triệu USD”.
Trong khi trường quay như muốn vỡ tung với những tràng pháo tay, reo hò chúc mừng, MC Philbin quay sang vợ Carpenter và thốt lên: “Tôi có thể nói gì đây ngoại trừ: Debbie, bạn sẽ đến Paris, và xin thông báo với toàn thế giới, anh ấy đã thắng 1 triệu USD!”.
John Carpenter trở thành người đầu tiên vượt qua 15 câu hỏi của Ai là triệu phú Mỹ, đồng thời lập kỷ lục người chiến thắng số tiền lớn nhất trong lịch sử gameshow nước này cho đến năm 2000. Anh cũng là người chiến thắng giải thưởng cao nhất trong số tất cả phiên bản quốc tế của series Ai là triệu phú cho tới năm 2001.
“Mọi chuyện như trong mơ”
Nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Washington Post đầu năm nay từ nhà riêng ở Connecticut, Carpenter gọi toàn bộ trải nghiệm 20 năm trước là “một cơn lốc”.
Dù lên sóng rất lâu trước khi có mạng xã hội, đoạn trích phần thi của anh vẫn thu hút hàng triệu lượt xem trên YouTube trong những năm qua. Mọi người vẫn tìm kiếm Carpenter trên Twitter để nhắn tin hỏi thăm về chiến thắng nổi tiếng một thời.
“Đó là một sự bộc phát. Tôi là người có chút thông minh”, Carpenter nói đùa.
Nhớ lại mọi chuyện diễn ra sau đó, anh nói thêm: “Mọi chuyện như trong mơ”.
Ngay sau khi thắng 1 triệu USD, Carpenter lập tức được đưa vào hậu trường. Rất đông nhà báo xuất hiện ở đó. Anh được yêu cầu giữ bí mật cho đến khi tập phim lên sóng vào tối hôm sau.
Thế nhưng, bằng cách nào đó, thông tin đã bị rò rỉ ra ngoài. Tuy nhiên, điều đó càng khiến người xem hồi hộp và nóng lòng chờ đợi.
Carpenter ôm hôn vợ Debbie sau khoảnh khắc đi vào lịch sử gameshow Mỹ.
Carpenter tiết lộ trước khi MC Philbin đọc câu hỏi thứ 15, anh đã nghĩ sẽ sử dụng một sự trợ giúp nào đó. “Tôi nghĩ mình sẽ trông rất tự mãn nếu tôi không sử dụng bất kỳ quyền trợ giúp nào. Vì vậy tôi vờ dùng nó”, anh giải thích.
Anh không biêt vì sao mình nói với bố theo cách “bá đạo” như vậy, nhưng rất thích thú khi cảnh quay được chia sẻ liên tục trên mạng xã hội. Thậm chí, người dùng Twitter còn gọi đó là “khoảnh khắc truyền hình mọi thời đại”.
Thậm chí rất nhiều năm trôi qua, Carpenter vẫn nhớ rõ về dấu mốc đó. Một ngày sau khi chiến thắng Ai là triệu phú, anh được mời xuất hiện trên gameshow nổi tiếng Saturday Night Live.
Ngoài ra, Carpenter còn tham gia nhiều phiên bản của Ai là triệu phú, cũng như rất nhiều trò chơi truyền hình khác và rinh về nhiều giải thưởng. Anh cũng tham gia một vai diễn trong series kịch nổi tiếng ở Mỹ – OZ.
Điều thú vị là mọi thứ đến với Carpenter rất bất ngờ vì ban đầu anh không quan tâm đến Ai là triệu phú. Sau bữa ăn tối cùng bạn bè ở nhà mình, anh nhận thấy quá nhiều người chơi không vượt qua 15 câu hỏi.
Sau đó, Carpenter quyết định gọi vào đường dây nóng của chương trình để có cơ hội trở thành thí sinh. Sau khi trả lời chính xác tất cả câu hỏi phía ban tổ chức yêu cầu, anh được chương trình gọi lên ghi hình trong vòng 2 ngày.
Sau khi nộp thuế, John Carpenter kiếm được khoảng 600.000 USD tiền thưởng.
Cuộc sống giản dị dù đã là triệu phú
Sau khi nộp thuế, Carpenter nhận được khoảng 600.000 USD tiền thưởng. Nhiều người sốc khi biết anh tiếp tục làm việc tại Cơ quan Thuế vụ Mỹ.
“Đó là cả núi tiền, nhưng tôi sống ở New England và không thể dựa vào số tiền đó mà ăn cả đời. Nếu sống ở một nơi khác, có lẽ lựa chọn của tôi sẽ khác”, anh nói với Washington Post.
Và đúng như thế, suốt 20 năm qua, Carpenter sống cuộc đời giản dị. Anh hiện làm quản lý tại một nhà máy bia địa phương. Thậm chí, một đồng nghiệp gần đây mới biết anh là “anh chàng triệu phú” nổi tiếng một thời.
Trong bài phỏng vấn với New Haven Register năm 2009, Carpenter tiết lộ dù đã là triệu phú, vợ chồng anh không đi ăn nhà hàng thường xuyên, có khi chỉ 1 lần/tháng. Nơi họ chọn cũng chỉ là nhà hàng bình dân.
“Đó không phải lối sống của tôi”, anh giải thích với phóng viên khi được hỏi sao không chọn nhà hàng đắt tiền hơn.
Carpenter khẳng định chiến thắng năm nào không giúp anh đổi đời. Anh cũng không muốn nói nhiều về vấn đề tiền bạc.
Carpenter sống giản dị sau khi thắng giải thưởng 1 triệu USD ở gameshow Ai là triệu phú.
Thậm chí, 10 năm sau khi trở thành triệu phú, Carpenter – khi đó vẫn làm nhân viên thu thế – vẫn mang cơm trưa từ nhà tới cơ quan, vẫn kêu ca tắc đường mỗi ngày.
Nhiều thập kỷ trôi qua, câu chuyện của Carpenter đã lắng xuống. Thỉnh thoảng, vẫn có người nhận ra anh hoặc ngờ ngợ: “Anh trông giống như ai đó”.
Những lúc như thế, Carpenter thích nhận mình là người bí ẩn, thay vì một nhân vật từng gây bão truyền hình Mỹ.
Với phần thưởng thắng được từ gameshow, John Carpenter không hề vung tiền phung phí. Anh chỉ mua 1 chiếc BMW mới, thay thế chiếc Honda cũ đã tàn tạ, méo mó.
Carpenter và vợ Debbie cũng rời khỏi ngôi nhà nhỏ ở khu phố Spring Glen thuộc thị trấn Hamden để chuyển tới sống tại khu vực núi Carmel. Năm 2007, họ lại chuyển nhà đến Ridge Hill để gần bố mẹ vợ.
Dù sống ở nơi nào, Carpenter cũng luôn tự mình cắt cỏ và sửa chữa mọi thứ, thay vì thuê người dọn dẹp.
Carpenter cũng đóng góp nhiều cho các tổ chức từ thiện. Tuy nhiên, anh vẫn nhận mình là người tiết kiệm. Carpenter cũng thấy mừng khi nhiều thứ không hề thay đổi, ví như khi đi chơi với bạn bè, anh vẫn thoải mái chia đều hóa đơn với họ.
Thiên Nhi
Bán đấu giá tranh, học sinh thu 55,5 triệu đồng ủng hộ chống dịch Covid-19
Về Việt Nam sớm, không thuộc diện bắt buộc nhưng để tránh nguy cơ lây bệnh cho người khác Phạm Thiệu Bảo đã tự cách ly. Trong thời gian này, em cũng tổ chức bán đấu giá tranh, góp tiền ủng hộ chương trình chống dịch Covid-19.
Phạm Thiệu Bảo quyết định tổ chức bán đấu giá tranh để góp tiền ủng hộ chương trình chống dịch Covid-19 - NVCC
Muốn góp một phần nhỏ cho cuộc chiến chống dịch
Phạm Thiệu Bảo (16 tuổi, Hà Nội), là du học sinh lớp 10 tại Kent School thuộc bang Connecticut của Mỹ. Hai tuần trước, khi số ca nhiễm Covid-19 bắt đầu tăng mạnh tại Mỹ, trường học của cậu đóng cửa và khuyến khích du học sinh về nước để tránh dịch.
Bảo quyết định về Việt Nam theo khuyến nghị của trường. Ngày 15.3 cậu đã có mặt ở Hà Nội, không về từ vùng dịch, Bảo không thuộc diện cách ly bắt buộc. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng mình có thể lây bệnh trong quá trình di chuyển nên thay vì về nhà, cậu quyết định chuyển đến sống một mình ở căn hộ gần nhà để tự cách ly.
Mỗi ngày, Bảo tự xoay xở cuộc sống của mình, mẹ sẽ hỗ trợ những thực phẩm cần thiết trong thời gian này. Nhưng Bảo cũng ra quy định là mẹ chỉ để đồ ăn ở cửa và cậu sẽ tự ra lấy.
"Thực ra, em không có nhiều nguy cơ hay có biểu hiện gì của bệnh nhưng mình vẫn nên cẩn trọng thì hơn, cách ly không chỉ bảo vệ gia đình em mà còn cho cả cộng đồng", Bảo nói về lý do tự cách ly của mình.
Trong thời gian cách ly, đọc nhiều bài viết về cuộc chiến dịch chống đại dịch toàn cầu Covid-19, Bảo nhận thấy Việt Nam đang làm rất tốt và cũng mong muốn làm việc gì đó để góp một phần nhỏ của mình cùng Việt Nam trong cuộc chiến này.
Bảo sau đó đã nói chuyện với bố mẹ về mong muốn bán một số tranh trong bộ sưu tập của gia đình để làm quỹ ủng hộ chương trình chống dịch. Được mẹ đồng ý, chàng trai lớp 10 đã chọn hai bức tranh của họa sĩ Bùi Văn Tuất và Lương Văn Tiến, là những tác phẩm mà bố mẹ rất yêu thích để bán đấu giá. Bảo cũng liên lạc với một số hoạ sĩ về ý tưởng của mình và được họa sĩ Bùi Văn Tuất ủng hộ thêm hai bức tranh khác cho chương trình đấu giá.
Nói về lý do chọn đấu giá tranh, Bảo cho biết có mẹ là nhà sưu tập tranh, hồi tháng 12 năm trước, Bảo cũng đã có kế hoạch tổ chức đấu giá tranh để hỗ trợ xây nhà cho học sinh ở miền núi, nhưng vì chưa có kinh nghiệm nên kế hoạch này của Bảo vẫn chưa hoàn thành được.
Tác phẩm Khoảnh khắc - một trong những bức tranh thuộc chương trình bán đấu giá của Bảo được mua với giá 22 triệu đồng
Lần này cậu muốn tiếp tục chương trình đấu giá, nhưng rút kinh nghiệm lần trước, Bảo bàn bạc kỹ với mẹ, sau đó lên kế hoạch cụ thể rồi mới phát động chương trình trên Facebook của mình.
Tuy nhiên, Bảo cũng cho biết, đang trong mùa dịch, việc bán tranh trong thời gian này khá khó khăn nên cậu đã quyết định giảm 10-30% giá trị thực của mỗi bức tranh.
"Bên cạnh việc đấu giá tranh ủng hộ chiến dịch chống dịch Covid 19, em cũng muốn lan tỏa tình yêu nghệ thuật tới bạn bè và những người trẻ", nam học sinh lớp 10 nói.
Quyên góp tất cả tiền thu được từ đấu giá tranh để chống dịch Covid-19
Điều đặc biệt, chỉ sau một ngày kêu gọi, 4 bức tranh của Bảo được rất nhiều người chia sẻ và có người mua ngay sau đó.
Trong đó, tác phẩm Khoảnh khắc của họa sĩ Bùi Văn Tuất được bán với giá cao nhất là 22 triệu đồng; tiếp đó tác phẩm Mùa hoa cải cũng của hoạ sĩ này được bán với giá 13,5 triệu đồng; tác phẩm Tĩnh vật của hoạ sĩ Lương Văn Tiến được bán với giá 10 triệu đồng; và cuối cùng tác phẩm Bông xuyến chi của hoạ sĩ Nguyễn Minh được bán với giá 5 triệu đồng.
Ngoài ra, chương trình đấu giá của Bảo cũng nhận được ủng hộ 5 triệu đồng từ một người quen. Kết thúc chương trình chàng trai thu được tổng 55,5 triệu đồng và cậu đã nhờ mẹ chuyển đến tài khoản của Ban cứu trợ Trung ương.
Phạm Thiệu Bảo (phải), hiện là du học sinh lớp 10 tại Kent School thuộc bang Connecticut của Mỹ
"Lúc đầu lên kế hoạch em khá là hồi hộp, không biết có bán được tranh không. Nhưng chỉ sau một ngày em đã hoàn thành chương trình nên đã cảm thấy rất vui và ngạc nhiên vì được mọi người ủng hộ. Đây cũng là một trải nghiệm đáng nhớ của em khi lần đầu tiên tổ chức đấu giá, lại là bán online mà thành công", cậu học sinh lớp 10 chia sẻ.
Bảo cũng cho biết, rất mong muốn được chia sẻ với mọi người nên cậu thường xuyên tham gia các chương trình từ thiện. Ở Việt Nam, Bảo từng tham gia chương trình phát cháo từ thiện ở các bệnh viện, còn ở Mỹ cậu cùng bạn bè thực hiện nhiều chương trình như hỗ trợ người già, người vô gia cư...
"Thật ra em không nghĩ là mình đã làm được điều gì đó to tát, em còn là học sinh nên không có nhiều điều kiện về kinh tế, nếu có chương trình gì có thể hỗ trợ mọi người thì em sẵn sàng tham gia", Bảo nói.
Chia sẻ về chương trình đấu giá của con, chị Đặng Hồng Ngọc cho biết trước đó gia đình cũng có ý định quyên góp ủng hộ chương trình chống dịch Covid-19 nhưng chưa biết làm thế nào, nên khi nghe con nói về mong muốn thực hiện bán đấu giá tranh để gom tiền làm từ thiện chị đã vui vẻ ủng hộ.
"Thời điểm này đấu giá tranh khó khăn hơn trước, những bức tranh do Bảo bán cũng có giá thấp hơn nhiều so với giá thực tế của nó nhưng gia đình mình rất vui vì buổi đấu giá đã thành công, được mọi người ủng hộ và con trai đã làm được việc tốt", chị Ngọc chia sẻ.
Đang chùi chiếc bình cổ trong nhà thấy có tiếng "lạo xạo" liền đổ ra xem, nào ngờ phát hiện "âm mưu" của chồng lén lút cất giấu bao năm Trong lúc lau chùi chiếc bình quý trong nhà, người vợ đã phát hiện ra sự thật choáng váng mà chồng giấu kín suốt thời gian dài... Việc các ông chồng bị vợ phát hiện giấu "quỹ đen" đã không ít lần được hội chị em chia sẻ lên mạng. Đa phần những chỗ được các ông chọn để giấu "quỹ đen" đều...