Anh cần thêm nửa năm để xác định thương vong vụ cháy tháp chung cư
Anh cho biết chỉ có thể xác định được thương vong vụ cháy chung cư Grenfell khi chiến dịch tìm kiếm cứu hộ kết thúc, dự kiến vào cuối năm.
Tháp Grenfell sau vụ hỏa hoạn hôm 14/6. Ảnh: Reuters.
Tháp chung cư Grenfell 24 tầng ở London, Anh, bốc cháy dữ dội vào sáng sớm 14/6, khi nhiều cư dân còn đang ngủ, làm ít nhất 80 người chết, mất tích hoặc được cho là đã thiệt mạng. Thương vong dự kiến còn tăng thêm.
Reuters dẫn lời Fiona McCormack, sĩ quan phụ trách cuộc điều tra của cảnh sát, cho biết chỉ xác định được thương vong chính xác khi hoạt động tìm kiếm và cứu hộ hoàn tất, dự kiến vào cuối năm nay.
“Chúng tôi cần nhiều tháng trước khi có thể cung cấp chính xác số người thiệt mạng tại tháp Grenfell”, McCormack nói.
Theo McCormack, danh sách cư dân do công ty quản lý tòa nhà cung cấp không chính xác. Cảnh sát đang sử dụng “mọi nguồn tin có thể hình dung được”, từ các cơ quan chính quyền đến công ty giao đồ ăn nhanh, để xác định có ai ở trong tháp.
Do nhiệt độ đám cháy quá cao, thi thể của một số nạn nhân có thể không bao giờ được tìm thấy hay nhận dạng. Một số căn hộ vẫn chưa đủ an toàn để các nhà điều tra xem xét.
Ngọn lửa bắt đầu từ một tủ lạnh rồi lan nhanh, nhấn chìm gần như toàn bộ tòa nhà. Cảnh sát nói các tấm nhôm và cách nhiệt phủ ngoài tòa nhà đã không vượt qua được kiểm tra an toàn hỏa hoạn.
Nhà chức trách đang xem xét cáo buộc giết người trong hàng loạt cáo buộc hình sự đối với những người chịu trách nhiệm quản lý và tân trang tháp Grenfell, hoàn thành năm 2016. 60 công ty có liên quan đến hoạt động tân trang đang hỗ trợ cảnh sát điều tra.
Như Tâm
Theo VNE
Tức giận, đau xót bao trùm khi tháp chung cư ở London tàn lửa
Khi ngọn lửa bao trùm tòa tháp chung cư 24 tầng ở London lụi tàn dần, cơn giận dữ của cư dân bắt đầu bùng phát.
Video đang HOT
Mọi người an ủi người đàn ông da màu có thân nhân trong tòa tháp bị cháy. Ảnh: CNN
Trên những con đường ở Bắc Kensington, phía tây London, nơi tòa tháp chung cư 24 tầng bị cháy sớm 14/6, những người từng cảnh báo thảm họa này sẽ xảy ra đứng nhìn chằm chằm vào cột khói bốc lên từ tháp Grenfell, theo CNN.
Trong lúc xe cứu thương, cứu hỏa xếp hàng trên đường Bramley gần đó, một gia đình tập trung với nhau khi những mảnh vụn rơi xuống quanh họ.
Một phụ nữ tên Susan đang khóc. Gia đình cô sống ở tầng 22 tháp Grenfell. Khi ngọn lửa bùng lên ngay trước một giờ sáng, Susan đang ở nhà bạn là Suzanne. Ba con của Susan ở trong tháp, cô chưa nghe được tin tức gì từ các con.
"Lý do duy nhất Susan không ở trong tháp là vì cô ấy ăn cùng gia đình tôi trong lễ Ramadan. Nếu cô ấy không ở cùng chúng tôi, có lẽ cô ấy ở trong tháp và tôi không muốn nghĩ về điều gì sẽ xảy ra. Bây giờ, chúng tôi chỉ biết chờ đợi và cầu nguyện", Suzanne nói.
Susan và Suzanne đã dành nhiều giờ vào sáng sớm 14/6 để tới các bệnh viện, nơi trú ẩn để tìm kiếm hy vọng. Chuông điện thoại của Susan không ngừng reo. Tất cả mọi chuyện xảy ra trong bầu không khí dày đặc khói, mùi nhựa cháy lan khắp một con phố vắng vẻ ở London.
"Các cư dân đã nói điều này có thể xảy ra, nhưng hội đồng thành phố London không làm gì hết. Tòa tháp đã được tân trang nhưng mọi người không thích thú gì, bởi nó không an toàn", Suzanne nói.
Sợ hãi
Trong khi Susan khóc, những đứa trẻ ở một ban công tòa nhà gần đó đang cười đùa, nghịch với quả bóng. Một người đi xe đạp dừng lại để chụp ảnh cảnh này trước khi tiếp tục đi.
Khi mặt trời mọc, các cư dân địa phương bắt tay vào hành động sau cả đêm ở ngoài đường. Mang theo các túi đựng thực phẩm và nước, họ bước đi trên con đường đầy mảnh vụn màu đen xa hút tầm mắt.
Các cửa hàng trong khu vực đưa những chiếc xe đẩy chất đầy hàng cứu trợ tới những trung tâm quyên góp, họ cũng dừng lại ven đường để đưa hoa quả, nước cho cảnh sát, lính cứu hỏa đang chiến đấu với ngọn lửa. Vụ hỏa hoạn làm ít nhất 12 người thiệt mạng.
Bên ngoài câu lạc bộ Harrow, một trong những trung tâm cung cấp điểm trú ẩn cho cư dân tòa tháp Grenfell, các tình nguyện viên vội vã chạy tới tìm cách giúp đỡ.
Jade, một cư dân địa phương, cho biết cô đã ở đây suốt buổi sáng để giúp những người chạy thoát khỏi đám cháy và những mảnh vỡ rơi từ tòa tháp xuống đất.
Các cư dân tòa nhà có vẻ mệt mỏi và vẫn mặc đồ ngủ, song vẫn cố gắng giúp đỡ lẫn nhau khi số người tới tị nạn ngày càng đông. "Tôi đã ở đó với những người lính cứu hỏa để đưa nước cho họ. Họ nói chưa bao giờ nhìn thấy điều gì tương tự. Họ đã khóc", Jade kể.
"Mọi người đều sợ hãi, không có chỗ nào để đi. Ai cũng cố gắng giúp đỡ những người xung quanh. Đây là một cộng đồng thực sự tình cảm với nhau. Chúng tôi làm thế bởi vì đó là điều cần làm", Jade nói.
Jade cho biết cô rất đau lòng vì các nạn nhân của vụ cháy, nhưng cũng cảm thấy tức giận. Không chỉ có mình Jade như vậy.
Không biết khi nào được về nhà
Trẻ em đeo khẩu trang chống khói độc sau vụ cháy ở London. Ảnh: CNN
Kensington là một trong những khu vực giàu có nhất ở London, sân chơi của những người nhiều tiền và nổi tiếng. Tuy nhiên, một số nơi trong khu vực này lại cực kỳ khó khăn. Ở một vài con phố, các tòa nhà trị giá nhiều triệu bảng Anh nằm đối diện với những khu nhà do chính phủ xây dựng, sự tương phản khiến ranh giới giàu-nghèo càng thêm rõ nét.
"Đây là một trong những quận giàu nhất London, nhưng vì sao không giúp đỡ mọi người? Họ có tiền, nhưng người giàu chỉ lo cho bản thân họ, không quan tâm chúng tôi", Jade nói.
Jade cho biết các nạn nhân vụ cháy đã mất tất cả và phải dựa vào những người như cô để được giúp đỡ. "Những người có trách nhiệm ở đâu? Có ai thấy họ xuống đây không?", Jade đặt câu hỏi.
"Trẻ em không nên sống trong những tòa nhà thế này. Hội đồng thành phố có tiền và họ có thể giúp đỡ các gia đình này, song họ đã không làm gì hết", Jade nói.
Bitte và Harry, sống ở một tòa nhà bên kia đường của tháp Grenfell, bị đánh thức lúc 2h30 sáng 14/6 khi cảnh sát gõ cửa nhà họ và sơ tán mọi người do lo sợ các mảnh vỡ từ tòa tháp đang cháy có thể làm hỏa hoạn lan rộng.
Trong cả đêm ở khu vườn công cộng và theo dõi đám cháy ở tháp Grenfell, họ được những người hàng xóm Hồi giáo phục vụ trà, bánh sandwich. Bitte nói các cư dân rất thiếu thông tin từ nhà chức trách và đây là điều "đáng kinh hãi".
"Không có ai ở đây để nói với chúng tôi bất cứ điều gì. Chúng tôi không biết khi nào có thể về nhà. Ở đây còn có nhiều người không còn chỗ để đi", Bitte nói.
Đau lòng
Bé gái 5 tuổi thoát nạn sau đám cháy tháp chung cư Grenfell. Ảnh: CNN
Harry kể anh nghe thấy tiếng trẻ em kêu khóc cầu cứu. "Các nạn nhân vẫy khăn cầu cứu. Tôi thấy một người nhảy xuống, có rất nhiều tiếng hét kêu cứu", Harry nói.
Anh kể rằng một số tấm phủ trông như làm bằng nhựa rơi xuống từ tòa tháp. "Nó rẻ tiền, đó là lý do họ sử dụng. Họ không quan tâm đến những người như chúng tôi. Người ta không thể làm những tấm phủ rẻ tiền như thế ở Đức hay Scandinavia, nhưng ở đây thì họ làm mà không bị vấn đề gì", Harry nói.
Harry và nhiều cư dân khác đều cho biết họ đã phàn nàn về tính an toàn của tòa tháp từ vài năm trước.
Tháng 11/2016, một nhóm của cư dân mang tên Nhóm Hành động Grenfell (GAC) đã nhấn mạnh lo ngại về tính an toàn với Tổ chức Quản lý Nhà cho thuê Kensington và Chelsea (KCTMO).
GAC đã chỉ rõ "một thảm họa sẽ phơi bày sự vô lý và thiếu năng lực của chủ tòa tháp... mang đến sự kết thúc cho những điều kiện sống nguy hiểm, sức khỏe và an toàn bị bỏ mặc mà họ gây ra cho những người thuê nhà".
Robert Black, Giám đốc điều hành KCTMO, cho biết việc có nhiều người thiệt mạng ở tháp Grenfell là "đau lòng" và các nhân viên của tổ chức này đang hỗ trợ cư dân. "Chúng tôi sẽ đưa ra tuyên bố vào đúng thời điểm", ông Black nói. Trong thông báo sau thảm họa, các cáo buộc của cư dân tháp Grenfell về sự thiếu an toàn không được nêu ra.
Những tấm phủ bị thiêu cháy nằm rải rác trên vài con đường xung quanh tháp Grenfell. Nhiều trẻ em đeo khẩu trang để tránh khói độc, chúng dừng lại và nhìn chằm chằm vào những vật thể lớn màu đen nằm lộn xộn trên đường.
Nhiều người London đã quyên góp đồ ăn nhẹ cho trẻ em gặp nạn sau thảm họa cháy tòa tháp chung cư.
Tháp Grenfell được cải tạo theo gói 8,7 triệu bảng Anh (gần 12 triệu USD) năm 2016. Quá trình bao gồm thay lớp phủ ngoài, thay các cửa sổ nhằm cải thiện khả năng cách nhiệt và cách âm.
Việc đặt các lớp cách nhiệt bên ngoài tòa nhà khá phổ biến nhưng một số chuyên gia kiến trúc và xây dựng coi đây là nguy cơ gây cháy. Lớp cách nhiệt, thường nằm giữa lớp phủ ngoài và tường có thể trở thành đường dẫn lửa dọc theo tòa nhà.
Sở cứu hỏa London cho biết họ chưa xác định được nguyên nhân hỏa hoạn.
Văn Việt
Theo VNE
Dân London nổi giận với người chụp ảnh tự sướng ở chung cư bị cháy Hành động chụp ảnh "tự sướng" của công chúng hiếu kỳ tại hiện trường vụ cháy chung cư cao tầng ở London khiến cư dân phẫn nộ. Tấm biển yêu cầu công chúng không chụp ảnh tại hiện trường vụ cháy, nói rằng đây không phải địa điểm du lịch. Ảnh: SWNS Các cư dân vừa trải qua vụ hỏa hoạn kinh hoàng...