Ảnh: Các “cô bò” trên sàn “catwalk” dự thi Hoa hậu bò sữa Mộc Châu
Các thí sinh bò được tập đi “catwalk”, ngày nào cũng được tắm táp sạch sẽ, chải lông mượt mà, cắt tỉa móng chân, massage bầu vú để thêm to và căng tròn,… là những bước “tập dượt” cho các thí sinh bò trước khi tham gia cuộc thi Hoa hậu bò sữa Mộc Châu 2019.
Sáng ngày 15/10, tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, đã diễn ra Hội thi “ Hoa hậu bò sữa Mộc Châu” năm 2019 với chủ đề “Thiên đường bò sữa trên đất Việt” – chuỗi các hoạt động mang dấu ấn đậm nét văn hóa đã diễn ra tại vùng đất cao nguyên Mộc Châu.
Những “cô bò” chuẩn bị bước lên sàn “catwalk” tại hội thi. Ảnh: Nguyễn Chương
Đây là lần thứ 16 liên tiếp Hội thi Hoa hậu bò sữa được Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu tổ chức. Sự kiện nhằm tôn vinh những người nông dân chăn nuôi bò sữa, đồng thời là ngày hội truyền thống với nét đẹp văn hóa độc đáo, ý nghĩa của vùng đất Mộc Châu. Theo đó, Hội thi 2019 hướng đến đẩy mạnh việc phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh, hướng tới thị trường xuất khẩu.
Ông Trần Công Chiến – Tổng Giám đốc Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu cho biết: “Mục đích chính của hội thi nhằm tôn vinh những hộ làm nghề chăn nuôi bò sữa ở Mộc Châu, qua đó khuyến khích, động viên những người chăn nuôi bò sữa tạo ra phong trào thi đua mạnh mẽ, sôi nổi để giành những phần thưởng cao nhất. Hội thi Hoa hậu bò sữa đã trở thành một nét đẹp văn hóa đặc sắc và là ngày hội được chờ đợi nhất của vùng đất Mộc Châu”.
Cho đến nay, Mộc Châu Milk đang có 3 trang trại chăn nuôi tập trung, cùng 548 hộ nông dân chăn nuôi bò sữa liên kết với công ty, với quy mô tổng đàn bò gần 25.500 con, sản lượng sữa bình quân đạt gần 100.000 tấn/năm. Quy mô hộ chăn nuôi bình quân 45 con/hộ, hộ nhiều nhất nuôi 230 con.
Các “cô bò” được chăm sóc kỹ càng trước khi vào cuộc thi. Ảnh: Nguyễn Chương
Video đang HOT
Vòng chung kết của Hội thi Hoa hậu Bò sữa năm nay, có 106 cô bò sữa đến từ 70 hộ tham gia tranh giải ở các hạng mục: Bò vắt sữa, bò cạn sữa, bò hậu bị, bê cai sữa và bê sữa ăn. Trong khi đó, các hộ nông dân có bò dự thi sẽ tham gia thi phần thi kiến thức về chăn nuôi.
Ngay từ sáng sớm, dù thời tiết có mưa nhỏ nhưng hàng nghìn du khách từ khắp nơi đã đổ về sân trung tâm của Công ty sữa Mộc Châu để dự Hội thi bò sữa Mộc Châu 2019, mọi người ai cũng háo hức để tận mắt được chứng kiến những màn trình diễn của các “cô bò”.
“Vương miện” của cuộc thi Hoa hậu bò sữa Mộc Châu 2019 thuộc về “cô bò” mang số hiệu 16316, sinh năm 2015, trọng lượng 738kg của hộ gia đình ông Lê Xuân Tiến, thuộc đơn vị tiểu khu 19/5. Ảnh: Nguyễn Chương
Trên sàn diễn ra Hội thi bò sữa Mộc Châu 2019, các “ông bầu”, “bà bầu” chăm sóc rất cẩn thận, trang điểm kỹ càng cho các “cô bò” của mình để chuẩn bị tham gia Hội thi. Để thêm phần duyên dáng và tạo điểm nhấn, các “cô bò” được chủ nuôi đeo thêm một chiếc nơ đỏ, massage bầu vú để căng đầy, cắt tỉa móng chân trau chuốt, sấy lông đuôi cho bông mượt trước khi bước ra sân khấu trình diễn.
Điều thú vị trước khi khai mạc Hội thi bò sữa Mộc Châu, trước đó ngày 14/10, “cô bò” mang số hiệu HF13478 của chủ nuôi là bà Nguyễn Quỳnh Liên, thuộc đơn vị vườn đào 2, thị trấn Nông trường Mộc Châu đã “vượt cạn” thành công khi sinh ra một bê con với cân nặng 45kg. Đây là một điềm may mắn với hộ gia đình chúng tôi trước khi tham gia Hội thi. Từ nhiều tháng trước, tôi đã phải có chế độ chăm sóc riêng cho bò từ chế độ dinh dưỡng, hình thể… để tham gia Hội thi.
Theo Ban Giám khảo, tiêu chí để tuyển chọn “Hoa hậu bò sữa” rất nghiêm ngặt, đó là phải hội tụ đầy đủ những đặc điểm đặc trưng của giống bò Holstein Friesian thuần chủng, có ngoại hình đẹp, cơ thể khỏe mạnh, kết cấu cơ thể cân đối hài hòa, bốn chân vững chắc, tầm vóc to lớn, đặc biệt các chỉ tiêu về sinh trưởng, sản xuất sữa phải nổi trội hơn các con bò khác.
Cũng có “thí sinh” bò tham dự hội thi năm nay, hộ chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Cừ, đến từ đơn vị 77 chia sẻ: “Hiện nay, quy trình chăm sóc bò ngày càng được thực hành tốt hơn, bởi vậy chất lượng của các thí sinh bò tham dự Hội thi năm nay có thể hình to, đẹp và cho sản lượng sữa nhiều hơn so với các năm trước”. Ông Cừ cho biết, đây là lần thứ 3 gia đình ông tham gia Hội thi. Theo ông Cừ, ý nghĩa của Hội thi đem lại rất thiết thực, giúp các hộ chăn nuôi giao lưu kiến thức, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc bò và chất lượng sữa được tốt nhất”.
Sau một buổi sáng căng thẳng của hội thi, cuối cùng “vương miện” của cuộc thi Hoa hậu bò sữa Mộc Châu 2019 thuộc về “cô bò” mang số hiệu 16316, sinh năm 2015, đạt trọng lượng 738kg của hộ gia đình ông Lê Xuân Tiến, thuộc đơn vị tiểu khu 19/5. Đây là năm thứ 2 liên tiếp “cô bò” của hộ gia đình ông Tiến giành được ngôi vị cao nhất của cuộc thi Hoa hậu bò sữa Mộc Châu.
Giải Á hậu 1 Hội thi hoa hậu bò sữa 2019: Bò mang số hiệu 13394 được nuôi tại chủ hộ Phạm Văn Chuyên thuộc đơn vị Vườn Đào 1. Bò sinh năm 2014 có nguồn gốc bố từ Mỹ, mẹ là Australia. Thành tích của bò đạt được như sau : Trọng lượng cơ thể 727 kg. Bò đã đẻ 4 lứa tháng 10 năm 2019. Sữa 305 ngày đạt 13.889 kg.
Giải Á hậu 2 Hội thi hoa hậu bò sữa 2019: Bò mang số hiệu 8221 được nuôi tại chủ hộ Phạm Thị Thắm thuộc đơn vị Chăn nuôi 2. Bò sinh năm 2012 có nguồn gốc bố từ Mỹ, mẹ là Autralia. Thành tích của bò đạt được như sau : Trọng lượng cơ thể 720 kg. Bò đẻ 6 lứa. Lứa 6 đẻ tháng 8 năm 2019. Sữa 305 ngày đạt 13.656 kg.
Theo Danviet
Nuôi bò bò sữa ở Mộc Châu chuồng trại sạch, bò khỏe, sữa nhiều
Những năm gần đây, nhiều nông dân nuôi bò sữa ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã mạnh dạn đầu tư công nghệ xử lý chất thải, giúp các trang trại luôn sạch sẽ, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giúp cho nghề nuôi bò sữa phát triển bền vững. Tiêu biểu như trang trại nuôi bò sữa của ông Bùi Duy Minh, đơn vị 77 (thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu).
Dẫn chúng tôi đi một vòng thăm quan khu nuôi bò sữa rộng khoảng 2.000 m2 nhưng chứa đến 90 còn bò. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi vào trang trại bò sữa của ông Minh đó là đường ra, lối vào khu chăn nuôi luôn sạch sẽ.
Thế nhưng điều khiến chúng tôi ngạc nhiên, từng ấy con bò và hàng tấn chất thải ra mỗi ngày nhưng không có chút mùi hôi khó chịu nào, không giống như những trang trại nuôi lợn ở một số nơi khiến cả làng bịt mũi vì ô nhiễm môi trường không khí.
Công nghệ tách nước ép phân tươi thành phân khô của gia đình ông Minh góp phần đảm bảo môi trường nuôi bò sữa.
Ông Minh chia sẻ: Tôi bắt đầu nuôi bò cách đây hơn 20 năm, mới đầu chỉ nuôi có vài con bò khoán của công ty (nay là Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, Mộc Châu Milk), đến nay đàn bò đã tăng lên 90 con. Hiện trong đó có 35 con đang cho sữa, hàng tháng thu từ 15 - 20 tấn sữa. Trung bình mỗi năm thu hơn 300 tấn sữa, trừ chi phí lãi được hơn 1 tỷ đồng.
Nhờ làm tốt khâu vệ sinh môi trường nên đàn bò luôn khỏe mạnh.
"Xác định nuôi bò là nghề làm giàu nên tôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại một cách khoa học, khép kín, các dãy chuồng rộng rãi thoáng mát, sạch sẽ. Bởi ngoài chăm sóc cho đàn bò khỏe mạnh, phát triển tốt, sản xuất sữa chất lượng thì yếu tố môi trường luôn là một trong những vẫn đề được gia đình tôi quan tâm. Nếu làm môi trường ô nhiễm sẽ tạo ra nhiều vi khuẩn gây bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn bò và sức khỏe của con người", ông Minh cho hay.
Nước thải sau tách phân sẽ chảy về bể chứa để xử lý bằng men vi sinh theo phương pháp hiếm khí. Khi đạt tiêu chuẩn sẽ được đem làm phân tưới cỏ hoặc tưới rau.
Để môi trường chăn nuôi sạch sẽ, an toàn, ông Minh đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, máy ép phân, khép kín. Theo đó, tất cả các chất thải của bò được gom dẫn về một bể chứa. Sau đó sẽ được máy hút chất thải của bò từ bể lên để tách nước làm cho chất thải trở nên khô xốp.
Nước được ép tách ra một phần chảy vào hầm biogas, phần còn lại chảy vào các bể xử lý bằng men vi sinh theo phương pháp hiếm khí. Với cách làm này, nước và chất thải được xử lý không gây mùi khó phát ra xung quanh, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn không khi đưa ra môi trường. Sau đó, sẽ được đem làm phân bón cho cỏ, ngô hoặc tưới rau...
Máy ép chất thải của bò.
Mỗi ngày đàn bò của ông Minh thải ra hàng tấn chất thải nhưng với cách làm này, trang trại nuôi bò sữa luôn đảm bảo vệ sinh, không gây ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy nghề nuôi bò sữa phát triên bền vững. Theo đó, đàn bò khỏe mạnh, ít bệnh tật, phát triển tốt, tăng khả năng tiết sữa và hiệu quả kinh tế cũng từ đó được nâng lên.
Theo Danviet
Xe đầu kéo lật ngửa khi xuống dốc, 3 người bị thương Đang lưu thông trên QL 6 qua địa phận tỉnh Sơn La, chiếc xe đầu kéo bất ngờ lao vào tường phòng vệ bê tông ven đường rồi va chạm với người đi bộ ven đường, khiến 3 người bị thương nặng. Tối ngày 8-6, tin từ Đội CSGT 2.6 Phòng CSGT Công an tỉnh Sơn La cho biết trên Quốc lộ (QL)...