Ảnh: Bốn mẹ con bán hàng rong mắc kẹt trong nhà trọ tồi tàn 6m2 giữa đại dịch
Khi Hà Nội chưa giãn cách, chị Ngoan cho 3 con vào xe đẩy rồi rong ruổi khắp ngõ phố để bán hàng rong, nhưng 2 tháng nay 4 mẹ con chỉ biết quanh quẩn trong khu trọ.
Khu trọ Vườn Cau nằm lọt thỏm giữa những khu đô thị sầm uất trên đường Phạm Văn Đồng (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Đây là nơi sinh sống của những người lao động tự do từ quê lên thành phố bươn trải mưu sinh.
Dịch bệnh kéo dài khiến những người lao động nghèo ở đây rơi vào cảnh thất nghiệp. Suốt 2 tháng Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, họ chỉ biết bám trụ lại nhà trọ, không biết đi đâu về đâu.
Nằm cuối dãy nhà cấp 4 là căn phòng trọ khoảng 6m2 của 4 mẹ con chị Chu Thị Bích Ngoan (quê ở Phú Thọ). Do chồng ở quê không có việc làm nên chị phải mang theo 3 con nhỏ xuống Hà Nội mưu sinh.
“4 năm trước, vẫn biết khi quyết định mưu sinh ở chốn thị thành sẽ có nhiều điều trắc trở và khó khăn, tuy nhiên chỉ còn cách đó tôi mới có thể bảo vệ và cho 3 đứa con của mình có cuộc sống tốt hơn”, chị Ngoan chia sẻ.
Ngày rời quê hương lên Hà Nội mưu sinh, 2 con gái song sinh của chị vừa tròn 1 tuổi, còn con trai út mới 20 ngày tuổi.
Khi Hà Nội chưa giãn cách, chị Ngoan cùng các con dậy từ 5h sáng để bắt đầu một ngày đi bán hàng. Chị tận dụng chỗ trống của xe đẩy hàng và đưa cả 3 con nhỏ đi khắp các ngóc ngách, phố phường để bán tăm bông, bút bi, đế giày… “Do không đủ tiền cho con đi mẫu giáo, ở nhà thì không có ai trông nên bất đắc dĩ tôi phải mang các con đi theo. Nhiều người bảo tôi là lừa đảo, chỉ là con nuôi, con mượn mới tha lôi đi như thế. Có người độc mồm còn bảo tôi mượn 3 đứa nhỏ để lấy lòng thương của mọi người. Nhưng có ai biết được hoàn cảnh của mình đâu, bỏ con ở nhà nhỡ con làm sao tôi không sống nổi, ở nhà trông con thì không có tiền lo cho chúng nó”, người mẹ bán hàng rong nghẹn ngào.
Video đang HOT
Tần tảo sớm hôm, mỗi tháng chị cũng chỉ kiếm được 5-6 triệu/tháng. Với số tiền này, chị dành ra một khoản để đóng tiền thuê nhà, số còn lại để lo việc ăn uống cho các con, chứ không để dành được đồng nào.
Chiếc xe đẩy được một người bà con tặng chính là phương tiện duy nhất hỗ trợ chị mưu sinh. Hơn 2 tháng Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16 cũng là khoảng thời gian chiếc xe nằm yên trong một góc của xóm trọ.
Trong 4 năm mẹ con chị lăn lộn mưu sinh ở Hà Nội, có lẽ đây chính là giai đoạn khó khăn, vất vả nhất. Ước mơ cho các con được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa chưa biết bao giờ mới thành hiện thực.
“Ở đây toàn những hoàn cảnh khó khăn, chủ trọ cũng không có điều kiện dư dả nên cũng chỉ hỗ trợ được mỗi tháng 100.000 đồng tiền phòng mà thôi. Trong xóm trọ này, ai cũng thương 4 mẹ con chị Ngoan lắm. Nhìn sáng nào cũng thấy 4 mẹ con cắp nách nhau đi mà thương không kìm nổi nước mắt. Tôi coi 3 đứa nhỏ như con cháu của mình, cứ lúc nào rảnh là tôi lại sang chơi với bọn trẻ, lúc thì bát canh, khi thì hộp sữa… gọi là tình cảm hàng xóm thôi chứ mình cũng không có nhiều”, chị Phạm Thị Vân (43 tuổi, quê ở Hưng Yên) nói.
Ở cùng khu trọ Vườn Cau, chị Bùi Thị Huấn (36 tuổi, ở Kim Bôi, Hoà Bình) là người khuyết tật bẩm sinh. Chị không thể làm được những công việc bưng bê, bốc vác như những người bình thường. Xuống Hà Nội, chị làm việc ở đoàn hát của người khuyết tật.
Trong một lần đi hát, chị Huấn gặp và quen với anh Chu Văn Nguyện (quê Ba Vì, Hà Nội). Sau một thời gian tìm hiểu, hai người quyết định dọn về ở chung để có thể đỡ đần nhau trong cuộc sống hàng ngày.
Thời gian dịch COVID-19 chưa bùng phát, hàng ngày, anh Nguyện chở chị Huấn tới các điểm đoàn hát dừng chân, còn anh sẽ vào các chợ ở Hà Nội bán tăm bông. Mỗi tháng, bình quân mỗi người kiếm được 3-4 triệu đồng, cũng đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày.
“Từ ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, đoàn hát của Huấn dừng hoạt động, bản thân tôi cũng không thể tiếp tục công việc bán tăm bông. Hơn 2 tháng, cuộc sống của hai chúng tôi chỉ quanh quẩn trong căn phòng trọ vỏn vẹn 8m2, thiếu thốn mọi bề. Cũng may mắn vì đợt vừa rồi, Hà Nội triển khai chiến dịch tiêm chủng cho toàn dân nên tôi đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Sắp tới, nếu Hà Nội hết giãn cách và người lao động được đi làm trở lại, tôi cũng an tâm phần nào”, anh Nguyện chia sẻ.
Bữa cơm chỉ có lạc rang, ít canh bí luộc của những người lao động nơi xóm trọ nghèo. Từ ngày giãn cách, ngoài sự chắt chiu, tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu, họ chỉ biết trông cậy vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các mạnh thường quân.
Ảnh: Xóm trọ nghèo bên bãi đất ven sông Hồng lao đao trong đại dịch COVID-19
Hai tháng nay, người lao động nghèo ở xóm trọ bãi bồi sông Hồng "mắc kẹt" trong những căn phòng ẩm thấp vỏn vẹn 3m2, cuộc sống của họ trở nên bế tắc vì đại dịch.
20 năm qua, những căn gác trọ vỏn vẹn khoảng 3m2 trên bãi đất sông Hồng ở phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội là nơi ở của hàng nghìn dân ngụ cư, có người đã sống tại đây quá nửa đời người.
10 năm trước, sau khi trải qua biến cố mất đi người con trai vì bệnh suy thận, vợ chồng bà Hoàng Thị Guôm (63 tuổi, trú tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) khăn gói lên Hà Nội để mưu sinh. Hai ông bà thuê một căn gác nhỏ tại xóm trọ nghèo ở phố An Xá (phường Phúc Xá, quận Ba Đình).
"Tôi mất con cách đây hơn chục năm, đó cũng là khoảng thời gian đau đớn tột cùng của một người mẹ. Những năm tháng sau ấy tôi quyết định cùng chồng đi khỏi quê hương để đến một vùng đất khác, bắt đầu một cuộc sống mới, một hành trình mới mà ở đấy không còn những kí ức của biến cố năm nào. Tôi lên Hà Nội và bắt đầu đi bán hoa quả từ năm 2011. Rong ruổi gần hết một kiếp người nhưng vẫn chẳng đủ ăn. Thời gian gần đây dịch bệnh ập đến càng làm cho cuộc sống của tôi cũng như những người ngụ cư ở đây trở nên khốn khó bội phần", bà Guôm thở dài.
Khi Hà Nội chưa giãn cách, bà Guôm thường dậy từ 5h sáng ra chợ để lấy các mặt hàng rau củ quả mang đi bán. Phương tiện duy nhất hỗ trợ bà là chiếc xe đạp cũ. Nhưng 2 tháng nay, chiếc xe nằm gọn trong góc nhà vì dịch bệnh. "Do tuổi đã cao nên tôi không còn đủ sức khoẻ để có thể làm cửu vạn, hay buôn bán lớn ở chợ Long Biên như những người khác. Tôi chỉ có thể bấu víu vào cái nghề buôn hoa quả nhỏ lẻ này để rau cháo qua ngày mà thôi. Chồng tôi ông ấy ngót nghét gần 70 rồi, cũng bệnh tật ốm đau liên miên nên tôi là lao động chính trong nhà. Hôm nào trời thương thì được 100.000 đồng, còn hôm nào trời mưa, chỉ kiếm được 30.000-50.000 đồng mà thôi", bà Guôm chia sẻ.
Không có việc làm, những người lao động nghèo như bà Guôm mắc kẹt trong sự thiếu thốn trăm bề.
Bữa cơm chỉ có quả trứng, ít rau xanh và lạc rang của vợ chồng bà Guôm.
"Cuộc sống mình nghèo mãi, bất hạnh mãi nên cũng quen rồi. Đợt Hà Nội bắt đầu giãn cách cũng là lúc tôi nhận được tin đứa con gái còn lại của mình bị tai nạn giao thông ở Hưng Yên. Còn gì đau hơn khi con bị gãy chân mà bố mẹ chỉ biết nghe giọng con qua cái màn hình điện thoại. Không thể về vì sợ công an phạt, tôi cố gắng vay mượn gửi cho em nó mấy triệu để có thể trang trải viện phí", người phụ nữ gần 70 tuổi nghẹn ngào.
Khuôn mặt không giấu nổi sự lo lắng và bất an của bà Guôm khi gọi điện về hỏi thăm sức khoẻ của người con gái mới bị tai nạn hồi tháng 7 vừa qua.
Ông Phan Văn Vinh (68 tuổi, chồng bà Guôm) là thương binh hạng 3/4 nên sức khỏe yếu. Hàng ngày, ông ở nhà phụ bà công việc bếp núc, đến đêm thì ra chợ hoa quả Long Biên làm nghề tẩm quất cho những thương lái ở đây.
"Chủ trọ ở đây cũng nghèo khổ nên không thể hỗ trợ được nhiều cho chúng tôi trong giai đoạn giãn cách xã hội. Trong đợt Hà Nội triển khai chiến dịch tiêm chủng cho toàn dân, 2 vợ chồng tôi may mắn cũng nằm trong danh sách nên đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Nhận được thông tin Hà Nội đề xuất cho người lao động nghèo về quê, tôi vui lắm. Tôi muốn về để lo cho con gái, nó ở nhà một mình chẳng biết dựa dẫm vào ai. Hơn nữa ở quê còn vườn chuối đang đến giai đoạn thu hoạch, tôi không về thì không có ai thu hoạch, bỏ thì phí lắm", bà Guôm cho biết.
Kế bên phòng trọ của vợ chồng bà Guôm là căn phòng trọ của bà Kim Thị Thành. Căn phòng tồi tàn nằm lọt thỏm giữa khu tập thể cũ, cửa gỗ ra vào mục nát. Để sống được trong không gian ẩm thấp vỏn vẹn chưa đầy 3m2, bà Thành phải tận dụng từng góc trong nhà để chứa đồ đạc.
Bà Thành làm nghề thu gom phế liệu, thành quả mỗi ngày lao động cực nhọc đều được tập kết ngay tại dưới nơi bà đặt lưng ngủ nghỉ. Ảnh hưởng của dịch COVID-19, hơn 1 tháng nay, bà không thể đem bán phế liệu.
Bà Thành cho biết: "Tôi mất chồng từ năm 27 tuổi, đến năm 2009 lại thất lạc 5 người con, cháu do đi làm ăn xa bị kẻ gian lừa. Suốt hàng chục năm qua, tôi vẫn luôn tìm kiếm thông tin về các con, các cháu. May mắn thay, nhờ sự giúp sức của các cơ quan chức năng nên tôi đã có được thông tin từ những người thân của mình. Hiện các con, cháu tôi đang ở Thanh Hóa và Tuyên Quang".
Mọi sinh hoạt của bà đều diễn ra trong căn phòng 3m2.
"Hàng ngày tôi đi nhặt phế liệu, mỗi tháng thu nhập được khoảng 700.000 đồng, tôi dành 500.000 đồng đóng tiền trọ, số còn lại để mua đồ ăn. Cũng may có sự giúp đỡ của chính quyền, các nhà hảo tâm và bà con trong xóm trọ nên cuộc sống cũng đỡ gánh nặng hơn", bà Thành rưng rưng nước mắt chia sẻ.
Chị Hoàng Như Thuỳ ( 43 tuổi, quê Hưng Yên) cho biết: "Nhiều lúc, nghĩ đến bà Guôm, bà Thành là tôi lại chảy nước mắt vì thương. Dịch bệnh tất cả người lao động như chúng tôi trong xóm trọ này đều thất nghiệp, cũng may xung quanh còn có hàng xóm, đỡ đần nhau những lúc hoạn nạn thế này. Mong sao cho "bão dịch" sớm qua đi để chúng tôi có thể đi buôn bán trở lại".
Người nước ngoài ở TP Hồ Chí Minh sẽ được tiêm vaccine ở đâu? Sở Ngoại vụ TP Hồ Chí Minh vừa có thông báo về việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho công dân nước ngoài theo nơi cư trú tại địa phương. Người nước ngoài sẽ được tiêm vaccine COVID-19 theo nơi cư trú tại TP Hồ Chí Minh. Theo đó, việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho công dân nước ngoài trên địa bàn...