Anh bán vũ khí trái phép cho Saudi Arabia ở Yemen
Vũ khí Anh được quân đội Saudi Arabia sử dụng gây ra cái chết cho hàng chục ngàn dân thường trong cuộc chiến tàn khốc ở Yemen suốt hơn 4 năm qua. Đó là một sự thật mới được báo chí quốc tế phanh phui nhân phiên tòa phúc thẩm liên quan đến vũ khí Anh trong cuộc chiến Yemen.
Ngày 20-6, Tòa phúc thẩm Anh đã ra phán quyết việc bán vũ khí của Anh cho Saudi Arabia là bất hợp pháp, do các quan chức Chính phủ Anh đã không đánh giá đúng về mức độ sử dụng vũ khí Anh trong các cuộc không kích bừa bãi của Saudi Arabia tại Yemen. Phán quyết được Tòa phúc thẩm đưa ra sau khi xem xét đơn thỉnh nguyện của nhóm Chiến dịch chống buôn bán vũ khí, trong đó tố cáo Anh vi phạm luật pháp nhân đạo quốc tế.
Tòa kết luận rằng quyết định bán vũ khí đã bị “sai quy trình” và yêu cầu Chính phủ Anh phải tiến hành ngay việc đánh giá lại toàn bộ hợp đồng bán vũ khí đã ký kết. Hiện, Chính phủ Anh vẫn đang tìm cách để “lách” phán quyết này hoặc kháng cáo.
Cuộc nội chiến tại Yemen bắt đầu nổ ra vào tháng 3-2015, sau đó nhanh chóng biến thành cuộc chiến giữa liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu với lực lượng phiến quân Houthi chống Chính phủ Yemen. Qua hơn 4 năm, cuộc chiến này hiện đang tạo ra một trong những thảm họa nhân đạo lớn nhất thế giới.
Theo báo cáo mới nhất của Dự án Thu thập dữ liệu về sự kiện và vị trí xung đột vũ trang (ACLED), số người chết trong cuộc chiến Yemen đã vượt mốc 100 nghìn, hàng trăm nghìn người khác bị thương và hàng triệu người mất nhà cửa, tính từ đầu cuộc chiến. Clionadh Raleigh, Giám đốc điều hành của ACLED cho biết, có đến 4,500 vụ tấn công trực tiếp nhắm vào dân thường làm chết 11.700 người, trong đó liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu chịu trách nhiệm 67%, tức hơn 8.000 người chết, phiến quân Houthi chịu trách nhiệm 16% (1.900 người chết).
Khí tài Anh được sử dụng trong cuộc chiến gây ra cái chết cho hàng chục ngàn dân thường Yemen.
Ngoài lực lượng tham chiến, đa phần cái chết của dân thường cũng do bom đạn của các cuộc không kích và tấn công của hai bên gây ra, trong đó đáng chú ý là hàng ngàn cuộc không kích bừa bãi của quân đội Saudi Arabia.
Video đang HOT
Một phóng sự dài đăng trên báo The Guardian (Anh) đưa ra đúc kết rằng, người dân Yemen hiện mang trong lòng nỗi căm thù đối với quân đội Saudi Arabia, Mỹ và Anh, bởi thảm họa chết chóc gieo rắc xuống đầu họ chủ yếu đến từ những cuộc không kích của liên quân Saudi Arabia, mà vũ khí, bom đạn lại do Anh, Mỹ cung cấp.
Bên cạnh vai trò của Mỹ đã quá rõ ràng, The Guardian đặc biệt quan tâm phân tích vai trò của nước Anh, với việc cung cấp khí tài và huấn luyện kỹ thuật điều khiển máy bay chiến đấu ném bom xuống Yemen.
Theo các tài liệu nộp tại tòa án, tính từ đầu cuộc chiến Yemen, Chính phủ Anh đã cấp phép bán vũ khí cho Saudi Arabia với giá trị tương đương 4,7 tỉ bảng Anh, trong đó hầu hết hợp đồng bán vũ khí được thực hiện trước năm 2018. Điều tra của nhóm Chiến dịch chống buôn bán vũ khí còn cho biết, vũ khí Anh bán cho Saudi Arabia chủ yếu do hãng vũ khí hàng đầu nước Anh BAE Systems cung cấp.
Các vũ khí này được sản xuất tại 3 địa phương của nước Anh là Glenrothes (Scotland), Harlow và Stevenage ở vùng đông nam nước Anh. BAE không chỉ cung cấp máy bay chiến đấu mà còn cả bom để trang bị cho các phi vụ không kích ở Yemen.
Trang bị vũ khí thôi chưa đủ, người Anh còn cung cấp cả kỹ thuật và công nghệ quân sự, cung cấp nhân sự để huấn luyện, hướng dẫn và chỉ đạo triển khai các loại vụ khí, điều khiển chiến dịch, trong đó có việc chọn lựa các mục tiêu tấn công từ xa. Hồ sơ tại tòa án cho biết có 80 quân nhân thuộc biên chế Không lực Hoàng gia Anh thường xuyên làm việc tại Saudi Arabia để hỗ trợ kỹ thuật, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ cam kết trong hợp đồng mua bán vũ khí.
Trong các cuộc điều trần trước Quốc hội, Chính phủ Anh luôn biện minh rằng mình không có vai trò gì trong các cuộc không kích làm chết nhiều dân thường ở Yemen. Các hành động quân sự tại Yemen chủ yếu do quân đội Saudi Arabia trực tiếp thực hiện và quân đội Anh cũng như nhân sự của nhà thầu quốc phòng không trực tiếp tham gia. Tuy vậy, việc vũ khí Anh trực tiếp gây ra cái chết cho hàng chục ngàn dân thường tại Yemen bị xem như đã vi phạm luật pháp nhân đạo quốc tế đối với các cuộc xung đột vũ trang.
Từ năm 2016, hàng loạt quốc gia châu Âu như Áo, Bỉ, Đức, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển và Thụy Sĩ đã ngưng cung cấp vũ khí cho Saudi Arabia do lo ngại chúng có thể được sử dụng cho cuộc chiến tại Yemen. Chỉ riêng nước Anh và đồng minh Mỹ bất chấp mọi rủi ro, tiếp tục cung cấp khí tài cho Riyadh.
Ngoài ra, hồ sơ tòa án cũng cho thấy khi Saudi Arabia nhận thấy chỉ không kích thì không thể thắng được quân Houthi nên đã tung chiến dịch trên bộ tại miền Bắc Yemen. Tham gia chiến dịch này không chỉ có quân đội Chính phủ Yemen và các nước đồng minh mà còn có cả lực lượng đặc nhiệm của quân đội Anh. Sự hiện diện của đặc nhiệm Anh tại Yemen không được chính thức thừa nhận nhưng giới quân sự các nước đều biết.
Tờ The Guardian dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Anh cho biết quyết định hỗ trợ quân sự cho Saudi Arabia trong cuộc chiến tại Yemen bắt đầu hình thành từ cuộc gặp giữa các bộ trưởng Anh với Thái tử Mohammed Bin Salman trong chuyến thăm nước Anh hồi tháng 3-2018. Tại chuyến thăm đó, Bin Salman đã hội kiến Nữ hoàng Anh và ký một bản ghi nhớ mua 48 chiếc máy bay chiến đấu trị giá 10 tỉ bảng nhằm tăng cường năng lực cho cuộc chiến tại Yermen.
2 tháng sau, vào ngày 23-5-2018, Ngoại trưởng Anh khi đó là ông Boris Johnson đã ra một tuyên bố trong đó thận trọng cam kết cử một lực lượng quân sự sang Saudi Arabia để “hỗ trợ về mặt thông tin, cố vấn và trợ giúp ngăn chặn hiểm họa” từ phiến quân Houthi.
An Châu (tổng hợp)
Theo CAND
Iran dọa sẽ bắn hạ thêm máy bay không người lái của Mỹ
Người đứng đầu Hải quân Iran cảnh báo rằng Tehran đủ khả năng bắn hạ các máy bay không người lái khác của Washington.
Tuyên bố này được Chuẩn Đô đốc Hossein Khanzadi đưa ra trong một cuộc họp với các quan chức quốc phòng Iran chỉ 4 ngày sau khi lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắn hạ 1 máy bay không người lái trị giá 100 triệu USD của Hải quân Mỹ tại Eo biển Hormuz.
Máy bay trinh sát không người lái RQ-4 Global Hawk của Mỹ. Ảnh: AFP
Hãng thông tấn Tasnim của nước này dẫn lời ông Khanzadi nhận định Iran luôn sẵn sàng khả năng "đáp trả mạnh mẽ... và kẻ thù hiểu rõ điều này".
Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước đã hoãn cuộc không kích vào Iran sau khi Tehran bắn hạ máy bay RQ-4A Global Hawk của Mỹ ngày 20/6 với cáo buộc máy bay này vi phạm không phận của Iran song Mỹ đã phủ nhận điều này.
Tuy nhiên, ông Trump cũng khẳng định rằng ông đánh giá cao quyết định của Iran khi không bắn hạ máy bay có người lái của Mỹ đang chở 30 hành khách tại cùng một khu vực với địa điểm máy bay không người lái bị bắn hạ.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã hạ cánh ở Jeddah, Saudi Arabia ngày 24/6 để thảo luận với các đồng minh khu vực về tình hình hiện nay. Ông Pompeo cũng nhận định với báo giới trước đó rằng Washington muốn đàm phán với Tehran, thậm chí cả khi Mỹ đã có kế hoạch áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế mới lên Iran.
"Chúng tôi sẽ thảo luận với Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) về việc làm thế nào để đảm bảo chúng tôi có thể sắp xếp mọi thứ một cách chiến lược và xây dựng một liên minh toàn cầu có thể hiểu rõ thách thức này".
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi khẳng định ngày 24/6 rằng Tehran chào đón mọi nỗ lực giảm căng thẳng ở Vùng Vịnh.
"Chúng tôi chào đón mọi nỗ lực giảm căng thẳng trong khu vực. Chúng tôi không muốn leo thang căng thẳng", hãng thông tấn ISNA dẫn lời ông Abbas Mousavi./.
Theo Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
Independent
Ngoại trưởng Mỹ: Bằng chứng của Iran về vụ bắn hạ máy bay không người lái chỉ là 'trò trẻ con' Ngày 23/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng, tấm bản đồ do Iran công bố cho thấy máy bay không người lái của Mỹ đã xâm phạm không phận nước này chỉ là "trò trẻ con". Phản ứng của Mỹ về bằng chứng của Iran liên quan đến vụ bắn hạ máy bay không người lái. (Nguồn: AFP) Phát biểu với báo...