Anh ấy lấy tôi vì cái nhà…
Anh là đàn ông nhưng cực kỳ chi li, anh tính toán từng đồng với vợ, với gia đình nhà vợ. Mẹ tôi lúc nào cũng nói chồng tôi là kiểu “đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành”.
ảnh minh họa
32 tuổi tôi gặp anh ở nhà người quen. Lúc đó, tôi bị cuốn hút bởi người con trai tuy không đẹp nhưng nói chuyện có duyên. Tình yêu của chúng tôi nhanh chóng nảy nở và kết thúc bằng một đám cưới. Yêu nhau thời gian ngắn mà quyết định cưới nhiều người đã khuyên tôi nên tìm hiểu kỹ. Lúc đó, tôi đang vui trong tình yêu mới nên bỏ ngoài tai tất cả. Tôi biết anh khá kỹ tính trong vấn đề tiền bạc, anh khá chặt nhưng lại rất sòng phẳng. Khi đó tôi nghĩ tính cách anh như vậy, chấp nhận thôi.
Nhưng ngay sau đám cưới, đêm tân hôn anh khiến tôi hơi sốc khi ngồi kiểm phong bì. Anh tỉ mỉ ghi tên từng người, từng số tiền mừng. Ai mừng nhiều thì anh hỉ hả, cười nói. Ai mừng ít thì anh chê luôn. Thậm chí, bạn của anh anh cũng không tha: “Thằng Bình này keo. Lúc trước đi đám cưới nó mình mừng 500 ngàn. 2 năm rồi mà nó vẫn chỉ mừng có vậy, trong khi tiền trượt giá, xăng lên không biết bao nhiêu lần”.
Những chuyện nhỏ nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày như thế cứ tích tụ dần khiến tôi thấy bực bội, khó chịu. Anh là đàn ông nhưng cực kỳ chi li, anh tính toán từng đồng với vợ, với gia đình nhà vợ. Mẹ tôi lúc nào cũng nói chồng tôi là kiểu “đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành”. Ra ngoài xã hội, nơi công sở, siêu thị, hàng chợ… cái tính keo kiệt, tính toán của anh cũng bộc lộ rõ, nhiều lúc khiến người là vợ như tôi phải xấu hổ.
Video đang HOT
Sau đám cưới bố mẹ tôi có cho tôi 1 căn nhà nhỏ làm của hồi môn. Trước khi lấy nhau, anh và em gái ở trọ. Sau đám cưới, em gái anh chuyển về sống với chúng tôi. Lúc đầu, tôi cũng rất vui vẻ nhưng sống chung một thời gian thì tôi không thể chấp nhận kiểu sống ích kỷ của cô ấy, cô ấy giống hệt anh trai mình, chi li tính toán.
Nhà bố mẹ tôi và nhà tôi ở gần nhau nên thi thoảng con anh trai tôi chạy sang chơi. Hôm đó, tôi đang ở trong bếp nấu cơm thì nghe thấy tiếng em chồng tôi bảo: Cháu về đi cho nhà cô ăn cơm. Nghe vậy, tôi bực lắm nhưng cố kìm lại, chạy ra bảo cháu: Thôi, Long cứ ở đây ăn cơm, để cô gọi điện xin bố mẹ cho ở đây.
Bé nhà tôi được 2 tuổi, ngoài ăn cháo thì còn có thể ăn được thêm nhiều loại bánh trái nên em chồng tôi cũng có mua cho cháu. Nhưng khi có con anh trai tôi thì không bao giờ cô ấy cho cháu một miếng bánh dù trong tủ vẫn còn. Đồ ăn không phải do mình mua nên tôi cũng không tiện nói nhưng thực sự tôi thấy cô ấy không biết điều chút nào.
Nhưng cú sốc lớn nhất mà tôi nghe được lại là chuyện vì sao chồng tôi lấy tôi. Lúc đó, anh đang uống bia với đám bạn nhưng không biết là tôi vẫn chưa ra khỏi nhà. Tôi nghe thấy anh nói với bạn: Không có tao thì ai thèm lấy, vợ tao khi đó là gái lỡ thì rồi. Chẳng qua là có cái nhà thôi. Tôi nghe xong mà choáng váng. Từ trước đến giờ, dù có nhiều bất đồng trong cách sống, nhưng tôi vẫn luôn nhẫn nhịn vì con. Đôi khi, tôi vẫn tự bào chữa cho anh ta bằng lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên việc phải tính toán, tiết kiệm đã ăn vào máu. Nhưng đến giờ này, tôi nhận ra công sức của mình trở thành công cốc.
Câu nói đó khiến sự bức xúc vốn đã tích tụ từ bao lâu của tôi bùng lên. Chúng tôi đã tranh cãi nảy lửa. Nhiều ngày nay, tôi không nói chuyện với anh ta. Tôi cảm thấy coi thường anh ta vô cùng. Có lẽ, tôi sẽ ly dị…
Theo VNE
Nỗi niềm dâu trưởng
Dâu trưởng hay dâu thứ đều quan trọng nếu biết dung hòa các mối quan hệ và trách nhiệm gia đình.
"Thời xưa, vợ chồng con trai trưởng luôn được cha mẹ, dòng họ xem trọng và đặt nhiều kỳ vọng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ phải gánh trọng trách và nghĩa vụ nặng nề, đặc biệt là nàng dâu trưởng. Trong xã hội hiện đại, trách nhiệm của dâu trưởng đã bớt nặng nề hơn nhưng chưa phải là đã hoàn toàn được xóa bỏ" - bà Hoàng Thị Mỹ Vân, Trung tâm Tư vấn tình cảm tình yêu và giới tính T&K (TP HCM), nhận định.
Trăm dâu đổ đầu... dâu trưởng
Tán đồng ý kiến của bà Vân, chị Thư (ngụ tại quận Tân Bình, TP HCM) tâm sự: Hơn 10 năm về nhà chồng, chị chưa ngày nào được ung dung, nhàn tản chỉ vì làm dâu trưởng. Gia đình chồng là trưởng tộc, chồng chị là cháu đích tôn. Vì thế, chị phải chung vai với cha mẹ chồng gồng gánh việc gia đình, dòng họ. Quanh năm không tháng nào không có giỗ, thậm chí có tháng tới 3-4 đám, nên chỉ cần nghĩ đến là chị đã thấy "oải". "Vợ chồng tôi là công nhân viên, kinh tế eo hẹp nên cứ nghĩ đến các khoản đóng góp, giỗ chạp là xanh xám cả mặt mày" - chị Thư thổ lộ.
Tuy không sống cùng gia đình chồng nhưng chị Uyển (ngụ tại quận Bình Thạnh, TP HCM) cũng không thoát khỏi trách nhiệm của nàng dâu trưởng. Là con trưởng nên mọi khoản đóng góp để lo việc gia đình, bao giờ vợ chồng chị cũng phải chủ động và gánh phần nhiều nhất. Mới đây, cha chồng chị ở Nghệ An gọi điện thoại báo tin chuẩn bị xây nhà thờ họ, dự trù kinh phí trên 200 triệu đồng. "Chi phí mua gỗ hết 70 triệu đồng, bố mẹ sẽ lo. Phần còn lại, bố nhờ vợ chồng con và 2 em hỗ trợ. Bố mẹ già rồi, không làm gì ra tiền nhưng xây nhà thờ họ là việc đại sự không thể không làm con ạ"- bố chồng chị nhắn nhủ.
Sau những năm làm dâu vất vả, hiện cuộc sống của chị Thủy (ngụ tại quận 11, TP HCM) đã dễ thở hơn vì nhận được sự cảm thông của gia đình chồng. (ảnh minh họa)
"Nói khéo là 3 anh em đóng góp nhưng bố chồng tôi thừa biết 2 người em chồng không có khả năng, chủ yếu đẩy trách nhiệm cho vợ chồng tôi bởi đây không phải là lần đầu. Vợ chồng tôi chẳng dư dả gì nên vừa cúp điện thoại, bực quá tôi phán luôn: "Người sống còn chưa có chỗ ăn ở đàng hoàng mà lo cho người chết. Không có tiền thì làm vừa phải thôi, ông bà cứ đua đòi cho con cái khổ". Nghe xong, chồng tôi lên tiếng bênh bố, thế là xảy ra trận cãi vã kịch liệt" - chị Uyển nhớ lại.
Hóa giải khó khăn
Với chị Thi - nhân viên kế toán của một doanh nghiệp nhà nước tại quận 3, TP HCM - điều khiến cô dâu trưởng như chị cảm thấy áp lực nhất chính là chuyện phải sinh được con trai "nối dõi tông đường". Sau nhiều lần cố gắng "canh me" con trai, kết quả anh chị thu được 2 "ả vịt trời". Đều là viên chức nhà nước, nếu tiếp tục sinh con thì con đường sự nghiệp của vợ chồng chị coi như "đứt gánh". "Chúng tôi thuyết phục các cụ chỉ cần nuôi dạy tốt, 2 đứa con gái hơn hẳn cả thằng con trai. May mà các cụ hiểu ra, không còn thúc ép nữa" - chị Thi bày tỏ.
Sau những năm làm dâu vất vả, hiện cuộc sống của chị Thủy (ngụ tại quận 11, TP HCM) đã dễ thở hơn vì nhận được sự cảm thông của gia đình chồng. Chị Thủy tâm sự: Ngày đầu làm dâu, đứng trước cả núi việc và trọng trách nặng nề của dâu trưởng, chị rất sốc nhưng rồi không còn cách nào khác là phải cố gắng hòa nhập và làm thật tốt để ghi điểm với nhà chồng.
Vốn giỏi nội trợ từ thời con gái, chị Thủy tổ chức các mâm cỗ giỗ chạp một cách gọn gàng khiến gia đình chồng hài lòng. Khi giành được sự tin tưởng của nhà chồng, chị nhờ cả chồng vào cuộc để thuyết phục gia đình thỉnh thoảng thuê người nấu nướng để chị và mọi người trong nhà đỡ vất vả. Với cách nói thấu tình đạt lý, chị đã nhận được cái gật đầu của cả gia đình nhà chồng.
Theo NLD
Chồng không đưa tiền lại cứ đòi ăn ngon Thi thoảng, chồng trúng được con lô, vui vẻ vì em được cho 500.000 đồng hoặc 1 triệu nhưng điều đó rất hiếm. ảnh minh họa Em sinh năm 1992, đã lấy chồng được hai năm nay và có một con trai được tuổi rưỡi. Cuộc sống gia đình sống chung với bố mẹ chồng trong căn nhà 2 tầng 15m2 ở Hà...