‘Angel’s Face’ của Lý Nhã Kỳ: Phụ huynh thời hiện đại có phải quá vô tâm với con trẻ hay không?
Thời gian là hữu hạn, thời gian cùng con khôn lớn lại càng hữu hạn, đừng để đến khi xông xênh thời gian một tí đã không thấy bóng dáng con của mình đâu!
Là một trong những phim có buổi công chiếu tại Liên hoan phim Cannes 2018(LHP Cannes 2018), đồng thời cũng là một trong sản phẩm chỉn chu trong khâu sản xuất, bộ phim Angel’s Face mang trong mình câu chuyện sâu lắng khiến nhiều khán giả sau khi xem xong phải suy ngẫm.
Marion Cotillard – nữ chính trong bộ phim.
Bộ phim lấy bối cảnh tại miền Nam nước Pháp, trong một căn hộ ven bờ biển. Tại đây có một gia đình không mấy bình thường sinh sống. Người mẹ đơn thân nghiện rượu Marlene (Marion Cotillard thủ vai) và người con gái Eili ( Ayline Aksoy-Etaix) là hai trong số ba nhân vật tuyến chính của cả mạch phim. Eili là một đứa trẻ cực kỳ thông minh, cho dù chỉ mới mười tuổi, cô bé bỗng trở nên chững chạc hẳn khi phải trông nom ngược lại cho người mẹ vô trách nhiệm và bốc đồng của mình. Trong một lần đi chơi, người mẹ quái đản này vì cặp kè với một người đàn ông xa lạ mà bỏ lại Eili một mình. Cô gái bé bỏng phải tự tìm cách sống qua hàng ngày, hàng tuần dài do thiếu vắng mẹ. Cuộc hành trình “độc lập bất đắc dĩ” đã giúp Eili tìm thấy Julio, một người thợ lặn ở gần vách đá. Từ đó Julio trở thành vị “phụ huynh thay thế” của cô bé. Đạo diễn Vanessa Filho đã tả lại giai đoạn Eili trải qua thời con gái của mình dưới sự ảnh hưởng của người mẹ “trời ơi” Marlene hết sức tinh tế.
Marlene ở đây không hề là một nhân vật phản diện, cô chỉ là một người mẹ tồi. Cô đối xử với Eili như với một người bạn đồng lứa chứ không phải đối với một đứa trẻ mới chập chững lớn. Cụ thể là cô cho phép bản thân đổ đốn trước mặt con gái, uống rượu không có điểm dừng, bắt em sử dụng những thỏi son môi màu neon lòe loẹt và đổ bóng mắt màu kim tuyến đầy diêm dúa. Sau khi biết mẹ mình không mảy may lo lắng cho mình, Eili trở về nhà trên taxi trong nỗi cô đơn. Đáng buồn thay, cô bé bắt gặp hình ảnh người mẹ của mình đang tán tỉnh một gã đàn ông qua cửa sổ xe. Đó có lẽ là cảnh buồn nhất trong cả bộ phim.
Eili học cách sinh tồn thông qua những kí ức nhớp nháp về một người mẹ nhem nhuốc, dù rằng đó là những hình ảnh ngập ngụa những sai lầm nhưng em còn biết bấu víu vào đâu nữa bây giờ. Eili cố gắng làm mọi cách để trở nên giống mẹ mình từ việc chới với đi trong những đôi guốc quá cỡ của Marlene cho đến sử dụng những thỏi son neon nham nhở và cố sức nốc rượu ừng ực để ra dáng say bí tỉ như mẹ ngày trước. Nếu bạn là một bậc phụ huynh, tin chắc khi nhìn thấy hình ảnh Eili cầm một ly rượu trắng ngây ngốc ngồi ngắm hoàng hôn trên ban công, bạn sẽ thoáng giật mình và rồi bắt đầu lo sợ. Trẻ con luôn bắt chước người lớn một cách chính xác như vậy đấy, chúng không biết rằng những hành động đó đang vô tình giết đi tuổi thơ trong sáng mà chúng đáng được tận hưởng.
Video đang HOT
Marion Cotillard (bìa trái) và Ayline Aksoy-Etaix (chính giữa)
Với Eili, việc trở nên quá giống hình bóng người mẹ bệ rạc đã đẩy em vào góc khuất của mọi người xung quanh. Bạn bè bắt đầu dùng những lời lẽ cay độc để đay nghiến em: “Mày trông thật diêm dúa”, “Mày định hóa thân thành chú hề hả đồ lòe loẹt à?”, “Mày thật đáng thương! Mày là một con sâu rượu, Eili!”.
Eili thiếu tình thương nghiêm trọng, em lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình và em chỉ còn biết bám chặt vào người gần gũi nhất, chút bản năng sinh tồn còn sót lại trong mình cho em biết nếu em không bám chặt lấy họ, họ sẽ rời bỏ em mà đi. Trước khi Julio (Alban Lenoir) xuất hiện, cuộc sống của Eili không hề có hình bóng của một người đàn ông để dựa dẫm. Một người cha, một người chú, một người anh, không một ai ở bên em cả. Tệ hại hơn nữa, em sẵn sàng nhận lấy một đồng tiền từ lũ con trai trong lớp để đổi lại một nụ hôn trong nhà vệ sinh. Đó không phải là hành vi không nên có ở một đứa trẻ hay sao?
Những diễn viên chính của bộ phim cùng ekip thực hiện.
Julio bước vào cuộc đời Eili đầy vững chãi như một người cha hoàn hảo đến từ truyện cổ tích. Con người ta khi quá thiếu vắng tình thương, bản thân họ sẽ tự động trở nên nhạy cảm với tình thương, chỉ cần ai cho họ sự ấm áp, họ sẽ không ngần ngại đáp lại bằng cả trái tim. Đó chính là cách Eili đón nhận Julio, người cho em cảm giác mình không hề lẻ loi giữa cuộc đời cay đắng này, cuộc đời mà chính em cũng muốn chối bỏ. Thế nhưng Julio đã không đáp lại Eili như cách một người cha thương yêu con gái. Khoảnh khắc bắt gặp Eili trong căn nhà di động của mình, anh đã thốt lên: “Con không nên ở đây. Ta không phải là cha của con. Con có hiểu không?”. Như một phản xạ tự nhiên, Eili ra sức níu giữ chút tình cảm gia đình mong manh này, em ném vỡ một cái ly trong nhà Julio để thể hiện sự quyết tâm của mình.
Sau đó, khi ba đứa trẻ cùng trường thấy Eili tò tò đi theo Julio ở một tiệm kem, chúng liền lên tiếng chế giễu bằng cách hỏi rằng đó có phải là cha của em không. Eili đã trả lời một cách kiên quyết: “Đúng rồi, cha của tao đấy!”. Nhưng khi Julio hỏi Eili một cách vô tâm: “Eili, tại sao con lại nói dối?”, Eili đã quay mặt đi một cách buồn tủi và nói nhỏ rằng: “Con xin lỗi…”. Phải trải qua rồi cái cảm giác lênh đênh giữ dòng số phận nghiệt ngã mới thấm thía ý nghĩa của tiếng “Cha ơi, Mẹ ơi” đáng quý thế nào.
Alban Lenoir (nhân vật Julio)
Sự thành công của nhân vật Eili không chỉ đơn giản đến từ nội dung kịch bản sâu lắng mà còn phải kể đến nét diễn xuất cực kỳ nhẹ nhàng, sắc sảo của Ayline Aksoy-Etaix. Em đã dốc hết những gì em có, làm bừng sáng lên nhân vật của mình. Eili đã thật sự sống với những cơn tức giận, đã thật sự khản cổ gào thét trong buồn bã vậy đấy. Và không ngoài mong đợi, diễn viên đoạt giải Oscar Marion Cotillard đã có màn biến hóa tuyệt vời với vai diễn Marlene. Còn diễn viên Alban Lenoir, anh đã khắc họa nên một Julio hết sức tinh xảo, hiện thân hoàn hảo cho hình ảnh người cha trong lòng Eili.
Cả bộ phim là tập hợp những minh chứng sắc nét nhất cũng như là hồi chuông cảnh báo dồn dập nhất cho những bậc phụ huynh thời hiện đại. Họ đang bỏ quên những thiên thần nhỏ của mình để chạy theo vòng xoáy cuộc sống. Họ không biết rằng bản năng sinh tồn trong người chúng chưa bao giờ ngủ yên, càng thiếu vắng yêu thương, chúng sẽ càng tìm cách khỏa lấp. Đó cũng chính là lý do vì sao con trẻ thời này nếu không yêu sớm thì sẽ cũng trải qua một thời gian lêu lổng, chơi bời. Đơn giản là bởi không có ai ở bên đồng hành cùng các em trải qua hành trình đầu đời cam go nên các em đành phải học từ mọi thứ xung quanh. Nếu nhìn nhận ở xã hội Việt Nam, có vẻ như mọi chuyện không chỉ có vậy. Thực trạng ấu dâm trẻ nhỏ đang ngày một nghiêm trọng mà nguyên nhân sâu xa và quan trọng nhất đến từ những bậc phụ huynh vô tâm. Nếu chịu theo sát con mình một chút, hỏi han, quan tâm con mình một chút có lẽ tuổi thơ của con đã không vẩn đục đến thế này. Thời gian là hữu hạn, thời gian cùng con khôn lớn lại càng hữu hạn, đừng để đến khi xông xênh thời gian một tí đã không thấy bóng dáng con của mình đâu.
Theo Saostar
Lý Nhã Kỳ lên tiếng về việc bộ phim cô đồng sản xuất bị chê ở Cannes
'Kiều nữ' cho rằng có nhiều ý kiến trái chiều về 'Angel face' là bình thường và cô thích những góc nhìn đa chiều.
Sau buổi công chiếu tại Cannes hôm 12/5, bộ phim Angel face mà Lý Nhã Kỳ đồng đầu tư sản xuất nhận được nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có khá nhiều lời chê từ các trang báo lớn của nước ngoài. Không ít khán giả Việt Nam cảm thấy hoang mang về bộ phim được Lý Nhã Kỳ PR khá rầm rộ từ trước khi đến Cannes 2018.
Chiều 14/5, Lý Nhã Kỳ đã có những chia sẻ đầu tiên. Theo nữ diễn viên, nghệ thuật thứ bảy vốn mang nặng tính tâm lý và trải nghiệm riêng của từng người, nên việc có những nhận xét khác nhau, thậm chí trái chiều là bình thường. Bộ phim Angel face nằm trong danh sách tranh giải Un certain regard - Nhãn quan độc đáo, là một giải thưởng có sức ảnh hưởng tại Cannes. Lý Nhã Kỳ trông đợi những bình luận đa chiều, vì sẽ giúp các đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên nhìn lại tác phẩm của mình mà tiến bộ.
"Quan điểm sống của tôi là dựa trên sự khách quan nên tôi luôn thích những góc nhìn đa chiều. Một bộ phim nhận được nhiều ý kiến bình luận chứng minh cho sức ảnh hưởng mà nó đang tạo được nơi khán giả. Cần khẳng định là tôi luôn quan tâm đến mọi ý kiến đóng góp, bình phẩm từ giới chuyên môn, và hiện tại những ý kiến nhận xét tích cực vẫn chiếm đa số so với nhận xét tiêu cực về bộ phim. Đặc biệt, phim nhận được sự quan tâm rất lớn của phái nữ", người đẹp bày tỏ.
Lý Nhã Kỳ tại buổi công chiếu 'Angel face' hôm 12/5.
Lý Nhã Kỳ chưa muốn nói đến sự thành công của phim vì vẫn còn quá sớm, nhưng tính nhân văn thì đã được nhìn nhận rất rõ ràng. Theo cô, tràng pháo tay kéo dài hơn 10 phút của các khách mời trong buổi công chiếu phần nào chứng minh giá trị nghệ thuật và cảm xúc mà phim mang lại. Với Lý Nhã Kỳ, phim có đoạt giải hay không cũng đã là vinh dự đối với cô và êkíp. Đây là bước khởi đầu tốt cho những dự án sau này của Kỳ trong vai trò đầu tư và sản xuất phim ở thị trường quốc tế. Lý Nhã Kỳ đang chờ đợi phản hồi của khán giả khi phim được công chiếu trên toàn nước Pháp vào 23/5 tới.
Chuyện phim Angel face xoay quanh cuộc sống của hai mẹ con người Pháp. Nhân vật người mẹ do ngôi sao Marion Cotillard đóng có lối sống phóng túng. Một hôm, cô không trở về khiến cuộc sống của con gái (Ayline Aksoy-Etaix đóng) trở nên bi kịch. Cô bé phải tự tìm cách bươn chải và bắt đầu uống rượu để quên đi nỗi đau.
Lý Nhã Kỳ cho rằng, câu chuyện trong phim cho chúng ta cách nhìn chân thật về tình mẫu tử, tình yêu và mối quan hệ giữa người với người, bên cạnh câu chuyện về giáo dục. Sau buổi chiếu ra mắt, Lý Nhã Kỳ rất xúc động vì cả êkíp đã ôm chầm lấy nhau, hạnh phúc đến rơi nước mắt. "Marion Cotillard - người từng đoạt giải Oscar - trước khi bước vào rạp chiếu phim vẫn hồi hộp. Khi bộ phim chiếu xong, cô ấy khóc rất lâu".
Êkíp sản xuất phim.
Ngô Trác
Theo Ngoisao.net
Phim 'Angel Face' do Lý Nhã Kỳ đầu tư và sản xuất được tạp chí Pháp dự đoán thắng giải ở LHP Cannes 2018 Lý Nhã Kỳ nhận được nhiều nhận xét có cánh khi được gọi là "Nàng công chúa đa tài" từ phía các tạp chí Pháp. Bộ phim "Angel Face" do cô đầu tư sản xuất và minh tinh Marion Cotillard thủ vai chính cũng được đánh giá cao. Liên hoan phim Cannes 2018 đang đi dần đến những ngày cuối. Các bộ phim...