Angela Merkel – đường từ tiến sĩ tới nữ thủ tướng Đức
Với cương vị là thủ tướng Đức, bà Angela Merkel giữ vai trò như một trung gian hòa giải, góp phần xoa dịu các căng thẳng và hàn gắn nhiều xung đột trong khu vực và trên toàn thế giới.
Angela Merkel có tên khai sinh là Angela Dorothea Kasner. Bà sinh ngày 17/4/1954 tại Hamburg, Đức, là con gái của ông Horst Kasner, mục sư Giáo hội Luther, và bà Herlind, giáo viên. Bà lớn lên tại một vùng nông thôn cách Berlin khoảng 80km về phía bắc. Ảnh: Business Insider
Bà tốt nghiệp ngành vật lý và hóa học vật lý tại Đại học Leipzig năm 1978, đạt học vị tiến sĩ ngành hóa học lượng tử vào năm 1986. Bà làm việc tại Viện nghiên cứu Hóa Lý Trung ương, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Đức từ năm 1978 đến 1990. Trong ảnh là lần bà tham dự cuộc thi toán quốc tế tại Teterow, Đức, năm 1971. Ảnh: AFP
Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, bà Merkel tham gia phong trào dân chủ, gia nhập đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU). Trong cuộc tổng tuyển cử tháng 12/1990, khi Đông Đức và Tây Đức đã sáp nhập, bà được bổ nhiệm vào nội các của thủ tướng Helmut Kohl với chức danh bộ trưởng phụ nữ và thanh niên.
Năm 1994, bà chuyển sang làm bộ trưởng môi trường và an toàn hạt nhân. Vị trí này giúp bà Merkel trở thành một chính trị gia được nhiều người biết đến và tạo điều kiện thuận lợi để bà xây dựng sự nghiệp. Trong ảnh bà Merkel và ông Kohl ngồi cạnh nhau trong một phiên họp diễn ra tại Bonn, Đức, năm 1992. Ảnh: Photothek
Năm 2000, sau vụ bê bối tài chính liên quan đến nhiều lãnh đạo đảng CDU, bà Merkel được lựa chọn để thay thế chủ tịch đảng Wolfgang Schauble, trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ cương vị này. Ảnh: TPO
Tháng 5/2005, bà Merkel được liên minh CDU/CSU cử làm đại diện đứng ra tranh cử thủ tướng. Đảng của bà bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử, dẫn trước đảng đối lập với tỷ lệ 21%, bất chấp việc uy tín cá nhân của bà Merkel được đánh giá thấp hơn thủ tướng đương nhiệm là ông Gerhard Schroder.
Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi bà hai lần lẫn lộn giữa khái niệm lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng trong một cuộc tranh luận trên truyền hình. Khi đó, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Đức được bà đưa ra làm trọng điểm cho lập trường của CDU. Ảnh: Time
Video đang HOT
Tuy nhiên, bà Merkel đã giành lại lợi thế khi tuyên bố sẽ bổ nhiệm ông Paul Kirchhof, cựu thẩm phán Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức, đồng thời là một chuyên gia về chính sách tài chính, vào vị trí bộ trưởng tài chính. Bà chính thức nhậm chức thủ tướng Đức vào ngày 22/11/2005. Trong ảnh, bà Merkel đang tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: DW
Năm 2013, bà giành ghế thủ tướng Đức lần thứ ba liên tiếp. Ảnh: Reuters
Uy tín của Thủ tướng Merkel liên tục gia tăng trong những năm qua không chỉ bởi lập trường ngoại giao kiên định mà còn vì bà là một người hoạt động rất tích cực với vai trò như một trung gian hòa giải mâu thuẫn, bất đồng, đặc biệt là giữa các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Trong cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine, bà đã nỗ lực không ngừng nghỉ để thuyết phục các lãnh đạo của cả Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán tiến tới thống nhất một bản hiệp ước hòa bình cho khu vực.
Trong ảnh, từ trái qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 11/2/2015 có mặt tại Cung điện Độc lập ở thủ đô Minsk của Belarus. Ảnh: Ria Novosti
Bà Merkel cũng là nhân tố chủ chốt góp phần định hình phản ứng của châu Âu đối với cuộc khủng hoảng nợ khởi phát ở Hy Lạp cách đây 6 năm và tiếp tục trở nên trầm trọng hơn trong năm nay. Ảnh: Reuters
Cuộc khủng hoảng di cư châu Âu có lẽ là thách thức lớn nhất mà bà Merkel phải đối mặt. Dòng người tị nạn từ các nước như Syria, Afghanistan, Iraq tìm đến Đức tăng mạnh sau khi bà Merkel hồi tháng 9 quyết định mở cửa biên giới, tiếp nhận những người di cư đang mắc kẹt ở Hungary. Đức là một trong số ít những quốc gia đón tiếp người di cư nồng hậu trong khi nhiều nước khác đóng sập cánh cửa ngay trước mắt họ. Ảnh: Welt
Nhờ những đóng góp nổi bật của mình trong việc giải quyết nhiều vấn đề khu vực và thế giới, bà Merkel được tạp chí Time bầu chọn là “Nhân vật của năm”. Bà là cá nhân phụ nữ đầu tiên được bầu chọn là “Nhân vật của năm” kể từ khi Time thay đổi danh hiệu “Người đàn ông của năm” vào năm 1999. Bà cũng là phụ nữ thứ 4 xuất hiện một mình trên bìa tạp chí Mỹ. Ảnh: IBTimes
Vũ Hoàng
Theo VNE
Thủ lĩnh IS là á quân 'Nhân vật của năm'
Time bầu chọn thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo Abu Bakr al-Baghdadi là á quân trong danh sách "Nhân vật của năm" vì đã "truyền cảm hứng cho người ủng hộ tham gia nhóm phiến quân và tấn công khủng bố nhiều quốc gia".
Abu Bakr al-Baghdadi. Ảnh: al-Furqaan Media/BBC.
Thủ tướng Đức Angela Merkel được tạp chí Time bầu chọn là "Nhân vật của năm" nhờ vai trò nổi bật trong việc giải quyết nhiều vấn đề khu vực và thế giới, trong đó có cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu.
Tạp chí bầu chọn thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi là á quân bởi "với tư cách chỉ huy nhóm phiến quân, (hắn) đã truyền cảm hứng cho những kẻ ủng hộ tham chiến trong 'đế chế' tự xưng ở Iraq và Syria, tổ chức tấn công các quốc gia như Tunisia, Pháp", IB Times đưa tin.
Trong bài viết đăng tải sau thông báo danh sách "Nhân vật của năm", phóng viên Massimo Calabresi nhắc đến khả năng tập trung phiến quân bằng lời kêu gọi của al-Baghdadi, "sát hại hàng trăm người vô tội tại nhiều khách sạn, nhà thờ Hồi giáo, nhà hát từ Paris đến Sinai, từ Beirut đến San Bernardino".
Năm 2015, al-Baghdadi biến IS từ nhóm tách khỏi al-Qaeda thành một "thương hiệu khủng bố xuyên quốc gia", sát hại hơn 1.600 người bằng hơn 80 vụ tấn công tại 20 quốc gia trong 18 tháng.
Những con số trên khiến IS trở thành nhóm khủng bố gây chết chóc nhiều nhất thế giới, đặc biệt là sau khi nhóm phiến quân Boko Haram thề trung thành với IS vào tháng 3.
Al-Baghdadi có tên thật được cho là Awwad Ibrahim Ali al-Badri al-Samarrai, sinh ra tại Samarra, phía bắc thủ đô Baghdad, Iraq, năm 1971 và gia nhập phong trào nổi dậy bùng phát ngay sau khi Mỹ can thiệp quân sự vào nước này năm 2003. Hắn có bằng về Nghiên cứu Hồi giáo, gồm thơ ca, lịch sử và phả hệ, tại Đại học Hồi giáo Baghdad.
Al-Baghdadi lãnh đạo AQI, tức al-Qaeda tại Iraq, năm 2010, sau khi các thủ lĩnh của tổ chức bị tiêu diệt trong một đợt tấn công do Mỹ và Iraq triển khai. Ba năm sau đó, hắn công bố một đoạn ghi âm, thông báo hai nhóm khủng bố AQI với Jabhat al-Nusra chính thức nhập lại dưới cái tên Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận đông (ISIL).
Thủ lĩnh IS nổi danh là có khả năng tổ chức tốt, một kẻ có chiến thuật tàn nhẫn trên chiến trường và ít xuất hiện trên truyền thông cũng như lộ diện, ngay cả với các phiến quân. Do đó, hắn được gọi là "chúa tể vô hình". Mỹ từng treo thưởng 10 triệu USD cho người lấy được đầu tên này.
Danh sách "Nhân vật của năm" 2015:
1. Angela Merkel - Thủ tướng Đức từ năm 2005, lãnh đạo đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU).
2. Abu Bakr al-Baghdadi - Thủ lĩnh nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo.
3. Donald Trump - Tỷ phú Mỹ, ứng viên đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống.
4. Black Lives Matter - Nhóm nhà hoạt động chống bạo lực đối với người da màu.
5. Hassan Rouhani - Tổng thống Iran từ năm 2013.
6. Travis Kalanick - Doanh nhân Mỹ sáng lập công ty vận tải Uber.
7. Caitlyn Jenner - Tên khai sinh Bruce Jenner, vận động viên điền kinh vô địch Olympic 1976, chính thức công khai đổi tên và chuyển giới năm 2015.
Tổng thống Nga Vladimir Putin lọt vào danh sách 8 ứng viên nổi bật của Time nhưng không xuất hiện trong danh sách cuối cùng được tạp chí công bố hôm qua.
Như Tâm
Theo VNE
Thủ tướng Merkel là nhân vật của năm 2015 Tạp chí TIME của Mỹ ngày 9.12 đã vinh danh Thủ tướng Đức Angela Merkel là "Nhân vật của năm 2015". Thủ tướng Đức Angela Merkel được tạp chí TIME vinh danh là nhân vật của năm 2015 - Ảnh: AFP Tạp chí TIME ngày 9.12 đã tôn vinh nữ thủ tướng 61 tuổi của Đức, bà Angela Merkel là "Nhân vật của...