Android và nỗi bất an của Google
Sự yếu kém của các đối tác phần cứng cùng sự lớn mạnh của iOS, Windows… đã khiến Google không thể đứng ngoài cuộc chiến trên thị trường smartphone.
Mặc dù Android có thị phần lớn nhất nhưng điều đó vẫn không khiến Google an tâm, đơn giản vì các đối tác của hãng đang ngày một hụt hơi so với đối thủ.
Kể từ khi ra đời, Nexus luôn mang tới trải nghiệm Android thuần khiết. Thiết bị không có giao diện hay cài sẵn ứng dụng bên thứ ba, thay vào đó là sự chắt lọc giữa vô vàn những chiếc điện thoại Android khác.
Nhưng có một thực tế, dòng điện thoại thông minh Nexus không do chính Google sản xuất. Hãng phải nhờ tới một công ty khác gia công sản phẩm. Trong những năm gần đây, người dùng thấy xuất hiện nhiều cái tên khác nhau như HTC, Samsung, LG, Motorola và gần đây nhất là Huawei.
Google vẫn chưa thể đảm bảo thế độc tôn của Android.
Các đời Nexus đã phục vụ rất tốt Google trong việc thử nghiệm phiên bản Android mới. Nhưng đã tới lúc gã khổng lồ cần hướng tới việc nắm giữ vai trò lớn hơn để phát triển dòng sản phẩm này.
Khoảng một tuần trước, khắp các mặt báo xuất hiện thông tin Google đang quan tâm tới việc thiết kế chip xử lý của riêng mình. Xa hơn, công ty muốn xây dựng chiếc smartphone “cây nhà lá vườn”.
Nhìn thoáng qua, ý tưởng đó tưởng chừng như bất thường nhưng lại trở thành xu thế của các ông lớn. Microsoft giới thiệu chiếc máy tính xách tay đầu tiên Surface Book và nhận được nhiều lời khen ngợi. Nó minh chứng cho nhận định, một công ty muốn có tính cạnh tranh ở cấp độ cao nhất của thị trường cần tham gia vào quá trình sản xuất phần cứng trong chừng mực có thể.
Các chuyên gia đã nêu lý do tại sao Google cần xem xét nghiêm túc tới ý tưởng tham gia vào khâu sản xuất phần cứng. Trong số đó, họ đem thành công của Apple ra so sánh và làm chuẩn mực cho thị trường công nghệ.
Đầu tiên, phần mềm và phần cứng ngày càng hòa quyện vào nhau. Hệ điều hành sẽ phát huy tối đa sức mạnh của nó nếu được bổ trợ đúng mức bởi nền tảng phần cứng. Đây là bí quyết tạo nên thành công của Apple và là động lực thúc đẩy Microsoft quyết định thay đổi sau nhiều năm đứng ngoài.
Video đang HOT
Cảm biến vân tay trên các thiết bị Android tụt hậu so với Touch ID của iOS.
Một lần nữa, Apple lại khiến binh đoàn Android theo sau về mặt công nghệ. Tưởng chừng những Note 5, Galaxy S6 bắt kịp thì hãng đã giới thiệu iPhone 6S với Touch ID thế hệ thứ hai, cho thấy sự bất lực của các nhà sản xuất thiết bị Android trong nỗ lực cạnh tranh công nghệ cảm biến vân tay với Apple. Theo các thống kê, người dùng thường xuyên gặp tình trạng nhận diện sai, tính năng hoạt động khá chậm và phải rê bàn tay thay vì chỉ cần đặt vào phím Home hình tròn như trên iPhone.
Trải nghiệm người dùng không tốt từ một ông lớn như Samsung ảnh hưởng tới thương hiệu của Android nói chung. Mấu chốt nằm ở việc phần cứng mà nhà sản xuất Hàn Quốc tạo ra chưa thật sự tốt, trong khi phần mềm lại do Google quyết định.
Gã khổng lồ tìm kiếm đang dần chứng tỏ khả năng phối hợp với các nhà sản xuất để đạt những mục tiêu nhất định. Nexus 5X và Nexus 6P vừa lên kệ tháng trước đi kèm bộ cảm biến dấu vân tay được đánh giá là hoàn chỉnh.
Nhưng người dùng Android đã phải đợi hơn 2 năm để có thể chứng kiến màn đuổi kịp Touch ID đời đầu. Google có đủ lợi ích để cân nhắc tới quyết định làm chủ phần cứng của mình.
Nexus 6P vẫn là sản phẩm do đối tác bên thứ ba sản xuất.
Samsung là một ví dụ nhãn tiền. Họ ngày càng khó cạnh tranh với Apple ở phân khúc smartphone cao cấp. Điều đó kéo theo sự sụt giảm đáng kể lợi nhuận, đến mức một nhà phân tích uy tín đã mạnh dạn tuyên bố rằng, công ty có thể rời bỏ thị trường kinh doanh điện thoại thông minh trong 5 năm nữa. Thêm một lý do thuyết phục Google đầu tư để tự sản xuất thiết bị thay vì đặt niềm tin vào các OEM.
Mặc dù Android là nền tảng thống trị thế giới và vượt xa iOS về khía cạnh thị phần, Google vẫn chỉ có duy nhất Samsung có thể làm đối trọng với Apple. Cuộc chiến giữa Android và iOS biến thành cuộc chiến giữa các thiết bị Galaxy và iPhone.
Và khi tình hình kinh doanh của gã khổng lồ xứ Hàn sụt giảm trong những quý gần đây, điều đó đã rung lên hồi chuông báo động. Một chiếc điện thoại do chính mình tạo ra có thể là giải pháp giúp Google đảm bảo vị thế của Android trên thị trường di động.
Trong khi Samsung được đồn đoán sẽ bỏ thị trường smartphone, Apple đã học cách đứng vững trước những biến cố, trở thành công ty duy nhất thực sự “bay trên đôi cánh” của chính mình. Và dường như, hãng điện tử Hàn Quốc đã nhận thấy mối nguy hiểm khi nằm kẹp giữa Google và Apple. Samsung tự tạo ra cho mình đường lùi với Tizen OS.
Với ngành công nghiệp có tốc độ phát triển và chuyển dịch nhanh “chóng mặt” như công nghệ, đó không phải là ý tưởng tồi để Google cởi bỏ lối suy nghĩ cũ của mình nhằm tiến tới việc kiểm soát toàn bộ mọi phương thức mang tới trải nghiệm Android tốt nhất, đặc biệt là phân khúc cao cấp.
Thêm lần nữa, một báo cáo gần đây cho biết, gã khổng lồ tìm kiếm đang lên kế hoạch sử dụng vi xử lý do mình thiết kế trên các dòng sản phẩm sắp tới, tương tự những gì Apple thực hiện với hàng loạt chip Ax.
Rủi ro lớn nhất của Google khi sản xuất điện thoại di động riêng là sự xa lánh của các đối tác. Microsoft cũng từng hứng chịu không ít những lời chỉ trích từ chính “bạn đồng hành” vì ra mắt dòng máy tính bảng Surface.
Nhưng vấn đề có thể được giải quyết nếu Google nhắm tới phân khúc và thị trường cụ thể, nơi mà hầu hết các đối tác của họ đang tỏ ra đuối sức. Hãng phải cân đối làm sao vừa giữ vị thế của Android trong bối cảnh iOS phát triển mạnh và sự trỗi dậy của những nền tảng mới.
Xét cho cùng, Google gần như được nhiều hơn là mất khi tham gia vào công việc phát triển điện thoại thông minh của riêng mình. Các đời Nexus đã đặt nền móng vững chắc trong nhiều năm và không bị phản ứng quá gay gắt từ các đối tác. Nhưng hãng cần mạo hiểm và dốc hầu bao thêm nữa nếu muốn tạo được thế đứng vững chắc ở phân khúc smartphone cao cấp.
Minh Minh
Theo Zing
Những điện thoại Android ít tùy biến giao diện nhất
Ngoài dòng Nexus của Google, người dùng có thể tìm đến smartphone của Motorola hoặc BlackBerry Priv để trải nghiệm giao diện Android thuần khiết nhất.
Nếu theo dõi thị trường di động những năm gần đây, người dùng sẽ nghe thấy ngày một nhiều hơn cụm từ "Android gốc" (stock Android hoặc vanilla Android). Nó được dùng để miêu tả những chiếc điện thoại chạy phiên bản Android có giao diện, trải nghiệm, tính năng gần giống nhất với cách Google thiết kế ra.
Nhiều điện thoại khác vẫn chạy Android nhưng sở hữu hàng loạt điểm khác biệt. Các nhà sản xuất có xu hướng bổ sung các tính năng mới, widget, chế độ tiết kiệm pin hoặc tùy biến các icon trên màn hình chủ để phù hợp với phong cách của họ. Về cơ bản, số lượng máy chạy các bản Android tùy biến sâu giao diện lớn hơn gấp nhiều lần so với các bản chạy Android gốc.
Ưu điểm của việc tùy biến giao diện là nó mang lại sự mới mẻ, bổ sung tính năng nhưng đi kèm với đó sẽ khiến máy giật lag hơn. Trong khi đó, Android gốc mang lại sự mượt mà nhưng đôi khi hơi nhàm chán.
Do đó, nếu ưu tiên sự ổn định, mượt mà với một giao diện ổn định, người dùng có thể chọn những smartphone dưới đây.
Dòng Google Nexus
Nexus là dòng điện thoại do Google phát hành. Dễ hiểu khi muốn tìm một chiếc smartphone chạy Android gốc, đây là model người dùng nên tìm đến đầu tiên. Mục đích ra đời của dòng Nexus là nhằm mang đến cho người dùng trải nghiệm thuần khiết nhất của hệ điều hành Android. Dòng máy này cũng được Google hỗ trợ cập nhật phần mềm lâu dài nhất.
Năm nay, Google ra mắt 2 chiếc Nexus" model giá mềm Nexus 5X (giá từ 379 USD), do LG phát triển phần cứng và Nexus 6P cao cấp hơn (từ 499 USD), do Huawei sản xuất. Cả 2 đều chạy phiên bản Android mới nhất - 6.0 Marsmallow, hỗ trợ nhận diện vân tay và camera chất lượng cao. Khi có bản cập nhật mới, các máy Nexus sẽ nhận cập nhật trực tiếp từ Google. Do đó, người dùng những smartphone này sẽ là những người đầu tiên được trải nghiệm các tính năng mới nhất của Android.
Điện thoại Motorola
Motorola là một trong số ít nhà sản xuất cung cấp những chiếc máy Android gần với giao diện gốc. Tất nhiên, máy vẫn có hàng loạt tính năng riêng của hãng sản xuất, chẳng hạn tính năng nhận diện giọng nói, lắc điện thoại để khởi động camera. Tuy nhiên, về cơ bản đây vẫn là những smartphone có giao diện thuần chất nhất.
Smartphone của Motorola bán ở nhiều tầm giá, từ Moto G giá 180 USD, Moto X Play (384 USD), Moto X Style (399 USD) hay mới nhất là model có màn hình chống va đập Droid Turbo 2 (624 USD). Motorola cũng rất nhanh trong việc tung ra các bản cập nhật phần mềm sau khi Google ra mắt nó.
BlackBerry Priv
Nhiều người ngạc nhiên bởi trong danh sách điện thoại chạy Android gốc lại có tên một chiếc smartphone từ BlackBerry. Đây là sản phẩm mới nhất của dâu đen và nó chạy phiên bản Android 5.1 Lollipop gần với Android gốc.
Priv sở hữu thiết kế cao cấp với màn hình trượt, bàn phím vật lý có hỗ trợ cảm ứng trượt giống với Passport, màn hình cong và camera ấn tượng. Để sở hữu sản phẩm này, người dùng quốc tế phải bỏ ra khoảng 699 USD trong khi ở Việt Nam, giá bán của máy có thể ở mức 18,5 triệu đồng.
Priv là một sản phẩm thú vị, kết hợp thiết kế mới mẻ với các tính năng bảo mật hàng đầu từ BlackBerry và sự đang dạng của nền tảng Android.
Đức Nam
Theo Zing
Google sẽ tự sản xuất smartphone? Nếu thông tin này chính xác, Google có thể sẽ tự mình phát triển cả phần cứng lẫn phần mềm mà không cần đến các nhà sản xuất OEM. Tuần trước, thông tin Google sẽ sản xuất chip cho các thiết bị Android đã xuất hiện. Nguồn tin từ The Information cho biết, gã khổng lồ tìm kiếm đang cân nhắc việc tự...