Anadolu: Vẫn tồn tại ‘kênh bán vũ khí bí mật’ cho Israel
Trong khi các quốc gia châu Âu chịu áp lực phải ngừng cung cấp vũ khí cho Israel thì sự phức tạp của chuỗi cung ứng quốc tế và các liên minh địa chính trị khiến việc này trở nên khó khăn hơn.
C ảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel tại Beirut, Liban, ngày 11/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 21/10, trong khi Israel mở rộng cuộc tấn công ở Trung Đông, các quốc gia phương Tây vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho Tel Aviv bất chấp tình hình thương vong và nhân đạo ngày càng tồi tệ ở khu vực này.
Anadolu cho rằng áp lực đối với các đồng minh của Tel Aviv nhằm ngăn chặn việc cung cấp vũ khí chỉ tăng cường sau các cuộc tấn công gần đây của quân đội Israel vào trụ sở lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc tại Liban (UNIFIL) ở phía Nam nước này, khiến nhiều người bị thương.
Tổ chức Ân xá Quốc tế đã bày tỏ quan ngại về việc châu Âu tiếp tục bán vũ khí cho Israel trong bối cảnh xảy ra các cuộc tấn công vào Gaza và Liban, kêu gọi “cấm vận vũ khí” hoàn toàn do “ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”.
Patrick Wilcken, cố vấn chính sách kiểm soát vũ khí và nhà nghiên cứu nhân quyền của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Anadolu: “Các quốc gia nên đơn phương áp đặt lệnh cấm vận đối với Israel, bao gồm không chỉ vũ khí và hệ thống đến từ quốc gia của họ, mà còn phải ngăn chặn sự tham gia vào chuỗi cung ứng các hệ thống vũ khí cuối cùng sẽ đến Israel”.
Các nước châu Âu là thành viên của Hiệp ước buôn bán vũ khí năm 2013, trong đó cấm các nước này cho phép chuyển giao vũ khí có thể được sử dụng để tấn công mục tiêu dân sự. Nhà nghiên cứu Wilcken nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế, bao gồm Hiệp ước Buôn bán Vũ khí, nhằm ngăn chặn việc chuyển giao vũ khí đến các khu vực xung đột và duy trì các nguyên tắc nhân quyền.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Israel chủ yếu nhận vũ khí từ Mỹ, chiếm tới 69% tổng lượng vũ khí nhập khẩu từ năm 2019 đến 2023. Tuy nhiên, Đức cũng là một đối tác quan trọng, cung cấp khoảng 30% lượng vũ khí cho Israel trong cùng thời kỳ. Con số này tăng lên đáng kể sau ngày 7/10 năm ngoái, khi Berlin chuyển giao vũ khí trị giá lên tới 326,5 triệu euro (356,5 triệu USD) cho Tel Aviv.
Đồng thời, Italy cũng tham gia vào việc cung cấp vũ khí với giá trị 2,1 triệu euro trong quý IV/2023 cho Israel. SIPRI lưu ý rằng kể từ năm 2015, Anh đã cung cấp vũ khí trị giá hơn 576 triệu USD cho Israel.
Kênh bán vũ khí bí mật
Hiện tại các quốc gia như Pháp và Tây Ban Nha đã lên tiếng kêu gọi dừng cung cấp vũ khí cho Israel. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra lời kêu gọi chính thức vào đầu tháng 10 năm nay, trong khi Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã lên án các cuộc tấn công vào lực lượng UNIFIL, nhấn mạnh sự cần thiết của việc ngừng bán vũ khí.
Tuy nhiên, hành động thực tế từ phía châu Âu vẫn còn rất hạn chế. Đức và Anh vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí thông qua các chuỗi cung ứng phức tạp. Việc phát triển và chuyển giao máy bay chiến đấu F-35 là một ví dụ điển hình về cách các quốc gia tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế, góp phần hỗ trợ chiến dịch quân sự của Israel.
Một trong những điểm nóng trong tranh cãi về việc cung cấp vũ khí cho Israel là máy bay chiến đấu F-35. Đan Mạch hiện đang vướng vào một vụ kiện pháp lý có thể buộc họ dừng xuất khẩu các bộ phận của F-35 sang Mỹ, khi Washington tiếp tục bán các máy bay hoàn thiện cho Israel. Những chiếc F-35 này đã được quân đội Israel sử dụng trong các cuộc tấn công ở Gaza, gây ra thiệt hại nặng nề về nhân mạng và làm trầm trọng thêm tình hình xung đột.
Theo chuyên gia Wilcken, các quốc gia cần phải đảm bảo rằng các bộ phận, linh kiện không được tích hợp vào hệ thống vũ khí cuối cùng sẽ đến tay Israel. Ông nhấn mạnh rằng chuỗi cung ứng phức tạp khiến việc truy xuất nguồn gốc các bộ phận trở nên khó khăn, và đây là điều mà các quốc gia phải xử lý thông qua thẩm định chặt chẽ.
Các thỏa thuận bán vũ khí cho Israel luôn được bao phủ bởi sự bí mật và thiếu minh bạch. Ông Wilcken nhấn mạnh rằng các quốc gia không nên sử dụng lý do an ninh quốc gia để che giấu sự thật về các hoạt động buôn bán vũ khí.
Về phần mình, Ian Overton, Giám đốc điều hành của tổ chức Action on Armed Violence, cũng chỉ trích việc một số nước phương Tây vừa cung cấp vũ khí cho Israel vừa viện trợ nhân đạo cho Gaza. Ông Overton gọi đây là hành động “đạo đức giả” và “phi logic,” khi một quốc gia vừa cung cấp công cụ cho xung đột, lại vừa can thiệp để khắc phục hậu quả.
Israel bắn phá 3.200 mục tiêu Hezbollah, oanh tạc bệnh viện công lớn nhất Beirut
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố đã tấn công hơn 3.200 mục tiêu Hezbollah kể từ khi bắt đầu chiến dịch tấn công trên bộ ở miền nam Lebanon vào đầu tháng này.
Đài CNN trích dẫn thông cáo hôm 21/10 của IDF cho biết, trong số hàng nghìn mục tiêu thuộc nhóm vũ trang Hồi giáo Hezbollah bị quân đội Israel tập kích ở Lebanon kể từ ngày 1/10 có "hàng trăm cơ sở lưu trữ vũ khí, bệ phóng tên lửa, cứ điểm chống tăng, cơ sở hạ tầng khủng bố cũng như trung tâm chỉ huy và kiểm soát".
Lính biệt kích Israel tham gia chiến dịch tấn công trên bộ chống Hezbollah ở miền nam Lebanon. Ảnh: IDF
Theo IDF, chỉ trong vòng 24 giờ qua, binh lính Israel đã nhắm bắn gần 300 mục tiêu Hezbollah ở nước láng giềng. IDF cũng khẳng định đã trừ khử hàng chục thành viên của nhóm vũ trang Hồi giáo này kể từ đầu tháng 10, bao gồm "7 chỉ huy lữ đoàn, 21 chỉ huy tiểu đoàn và 24 chỉ huy đại đội".
Trong khi đó, hãng thông tấn quốc gia Lebanon (NNA) đưa tin, các máy bay chiến đấu của Israel đã thực hiện 13 vụ không kích vào vùng ngoại ô Dahiyeh phía nam thủ đô Beirut của Lebanon tối 21/10.
Bộ Y tế Lebanon thống kê, ít nhất 4 người, bao gồm một trẻ em đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương khi IDF oanh tạc một khu định cư gần bệnh viện công Rafik Hariri lớn nhất Beirut tối cùng ngày.
Các đội xe cấp cứu ở gần bệnh viện Rafik Hariri tối 21/10. Ảnh: EPA
Vụ ném bom xảy ra sau khi quân đội Israel phát đi cảnh báo yêu cầu người dân địa phương di chuyển ít nhất 500m khỏi một số địa điểm nhất định tại Dahiyeh, bao gồm cả bến tàu ở Ouzaieh, nơi vẫn còn người sinh sống. Sau khi nhận được cảnh báo, các cư dân Ouzaieh bắt đầu tháo chạy khỏi khu vực
Chỉ 2 giờ trước đó, IDF thông báo đã phát hiện Hezbollah đang giấu hàng trăm triệu USD tiền mặt dưới một bệnh viện tại khu phố Haret Hreik ở Dahiyeh. Giám đốc bệnh viện đã phủ nhận cáo buộc, nhưng vẫn nhanh chóng cho sơ tán cơ sở này sau đó.
Hezbollah hiện chưa lên tiếng bình luận trước các thông tin do Israel công bố.
Mỹ cảnh báo Israel Tờ The Times of Israel ngày 15.10 đưa tin Mỹ đã cảnh báo Israel có một tháng để cải thiện tình hình hỗ trợ nhân đạo tại Gaza, nếu không Washington sẽ ngừng viện trợ vũ khí cho Tel Aviv. Theo đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã gửi thư đến quan chức Israel trong...