Ẩn ý của ông Trump đằng sau cái bắt tay dài 19 giây
Người ta đang theo dõi các động thái đằng sau cái bắt tay dài 19 giây giữa Trump và Abe cùng với việc việc ông Trump đột ngột đổi khẩu khí: Liên minh Mỹ-Nhật “không gì phá vỡ nổi”.
Tâm lý bất an
Trong quá trình tranh cử, ông Trump đã làm cho các đồng minh lâu đời của Mỹ trong NATO, Nhật Bản, Hàn Quốc… “thất kinh” khi thẳng thừng yêu cầu các đồng minh của Mỹ phải chia sẻ gánh nặng tài chính, quân sự nhiều hơn để bảo vệ an ninh cho chính mình.
Lập luận của Trump khá đơn giản và cũng rất thuyết phục người đóng thuế Mỹ: Các đồng minh của Mỹ giờ giàu có ngang ngửa Mỹ. Nếu họ muốn đảm bảo an ninh thì phải chia sẻ gánh nặng nhiều hơn, san sẻ bớt gánh nặng cho Mỹ. Tại sao Mỹ phải sốt sắng, hy sinh nhân mạng lính Mỹ để bảo vệ an ninh cho những nước đồng minh này khi mà bản thân họ cũng chẳng “thiết tha” bảo vệ an ninh của chính mình!!?
Nhật Bản là một trong những đối tượng được Trump “ưu ái” nhắc đến nhiều nhất. Điều này đã tạo ra tâm lý cực kì bất an trong giới lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do, giới tinh hoa chính trị và giới tài phiệt. Các lãnh đạo Nhật không bao giờ quên bài học quá khứ cách đây chưa lâu khi Nhật phải cùng lúc đối mặt với 3 cú sốc (Nixon Shocku) do chính quyền Nixon tạo ra, còn Nhật thì bị động đối phó. Do đó ưu tiên số 1 của lãnh đạo Nhật lúc này là phải bằng mọi cách nhận được sự đảm bảo an ninh của chính quyền Trump, duy trì sự ổn định của quan hệ an ninh Mỹ-Nhật.
Tổng thống Mỹ Trump (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Abe gặp gỡ tại Nhà Trắng hôm 10/2. Ảnh: AP.
Lạt mềm buộc chặt
Tuy là một cường quốc kinh tế, nhưng do không có vũ khí hạt nhân răn đe hiệu quả, lại ở bên cạnh hai cường quốc quân sự Trung-Nga với mối quan hệ cơm không lành, canh chẳng ngọt, rồi bên cạnh là thùng thuốc súng trên bán đảo Triều Tiên… Nhật thấy được cái giá phải trả sẽ rất đắt khi liên minh quân sự Mỹ-Nhật và ô an ninh của Mỹ rạn nứt.
Video đang HOT
Kiên trì thuyết phục, nhẫn nhịn và không chọn giải pháp đối đầu, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng Thủ tướng Shinzo đã liên tục đi Mỹ chỉ để lấy lòng giới lãnh đạo và công chúng Mỹ rằng Nhật là đồng minh tin cậy nhất của Mỹ và liên minh Mỹ – Nhật có lợi cho chính nước Mỹ chứ không chỉ có Nhật.
Đầu tiên là chuyến đi Mỹ gặp Trump tại Trump Tower ngày 17/11/2016 tức chưa đầy 10 ngày sau khi Trump thắng cử để xây dựng quan hệ cá nhân ban đầu. Với cuộc gặp này, ông Abe đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp Tân Tổng thống đắc cử ngay sau cuộc bầu cử ngày 8/12/2016. Đó là chưa kể trước đó ông Abe cũng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gọi điện thoại chúc mừng ông Trump ngay sau khi có kết quả bầu cử Tổng thống.
Tiếp đó là chuyến thăm thứ hai của Abe đến Hawaii gặp Tổng thống Obama ngày 28/12/2016 và trở thành lãnh đạo đầu tiên của Nhật đặt vòng hoa tưởng nhớ binh lính và người dân Mỹ chết nhân kỷ niệm 75 năm cuộc chiến Trân Châu Cảng.
Và trong chuyến thăm Mỹ thứ ba chỉ cách chuyến thứ nhất chưa đầy 3 tháng từ 10-12/2/2017, ông Abe đã có được những thứ mình muốn, những thứ mà lãnh đạo và người dân Nhật Bản muốn nghe: “Liên minh Mỹ-Nhật không gì phá vỡ nổi”, “Tôi sẽ thông báo cho ông biết nếu có sự thay đổi trong liên minh Mỹ-Nhật, nhưng tôi không nghĩ sẽ có thay đổi”.
Ông Trump tuyên bố như vậy trong khi chưa có đàm phán lại về các điều khoản mới của liên minh quân sự. Kỳ thực, nếu có đàm phán lại chưa chắc Mỹ đã được gì thêm. Trên thực tế, theo Hiệp định an ninh mới được gia hạn, Nhật Bản đã chi trả toàn bộ các chi phí hoạt động quân sự của Mỹ trên đất Nhật. Tuy nhiên, Nhật Bản không thể chi trả lương, bảo hiểm cho lính Mỹ vì điều này được quy định và điều chỉnh bởi luật pháp Mỹ.
Còn giá trị của các căn cứ quân sự Mỹ trên đất Nhật thì không chỉ giúp đảm bảo an ninh cho nước Nhật, mà còn là một bộ phận quan trọng cấu thành mạng lưới triển khai quân sự trên phạm vi toàn cầu của quân đội Mỹ.
Ngoại giao đẳng cấp
Để xây dựng mối quan hệ mới với Tổng thống và nội các Trump – người vẫn đang thích nghi trong vai trò mới và trong khi vẫn đang có những đánh giá khác nhau về các tuyên bố, chính sách của Tổng thống mới – và để ông Trump có những phát ngôn có lợi cho Nhật như vậy chỉ trong một thời gian rất ngắn cho thấy sự khác biệt và đẳng cấp của ngoại giao Nhật Bản.
Không chỉ nhấn mạnh đến các lợi ích song trùng giữa hai quốc gia, ngoại giao Nhật còn biết sở thích đánh golf của ông Trump để thu xếp cuộc đánh golf giữa 2 nguyên thủ mà tại đó không chỉ các vấn đề quan trọng được bàn thảo, mà quan hệ cá nhân cũng được củng cố. Đáng chú ý, golf không phải là sở trường của ông Abe.
Điểm này cho thấy ngoại giao Nhật “làm bài tập” rất giỏi khi tìm hiểu rất kỹ sở trường của đối tác. Trước đó, trong chuyến thăm Mỹ 6/2006, ngoại giao Nhật đã bố trí để Thủ tướng Nhật khi đó là Junichiro Koizumi cùng Tổng thống George Bush, 2 “fan ruột” của Elvis Presley, đi thăm Graceland ở Memphis, Tennessee, Quê hương của Ông hoàng nhạc Rock “n” Roll và tại đó ông Koizumi đã nhảy theo kiểu Elvis Presley và hát bản nhạc nổi tiếng “Love Me Tender” của Ông hoàng.
Hoàng Anh Tuấn, Nguyên Viện trưởng Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao.
Theo Vietnamnet
Ông Trump khuyên Thủ tướng Nhật Bản tăng cường trao đổi với Tổng thống Nga
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 13/2 cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hối thúc ông tăng cường quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ tồn tại từ lâu giữa hai nước.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trò chuyện tại sân golf ở West Palm Beach, Florida, Mỹ hôm 11/2 (Ảnh: Reuters)
"Tổng thống Trump hiểu chính sách của Nhật Bản trong việc thúc đẩy đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ", Thủ tướng Shinzo Abe nói trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình NHK sau khi trở về từ chuyến thăm tới Mỹ vào cuối tuần trước. Ông Abe cũng khen ngợi ông chủ Nhà Trắng là người sẵn sàng mở lòng để lắng nghe những ý kiến mới.
"Một điều đáng ngạc nhiên đó là Tổng thống Trump là một người rất biết lắng nghe. Ông ấy sẵn sàng nghe người khác nói, ông ấy cũng rất thân thiện và cởi mở", Thủ tướng Abe nhận xét về tân tổng thống Mỹ.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, Thủ tướng Abe cho biết ông đồng tình với Tổng thống Trump về sự cần thiết của việc tăng cường đối thoại với Tổng thống Putin nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu nổi cộm hiện nay, bao gồm cuộc chiến ở Syria và Ukraine.
Tại cuộc gặp diễn ra hôm 10/2, ông Trump và ông Abe đã khẳng định sức mạnh của liên minh song phương Mỹ-Nhật. Theo đó, Tổng thống Trump đã nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Nhật Bản, kể cả trong trường hợp quần đảo Senkaku, nơi Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là quần đảo Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, bị tấn công.
Trong cuộc gặp trên sân golf ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của gia đình Tổng thống Trump tại Palm Beach, bang Florida hôm 11/2, Thủ tướng Abe cho biết hai nhà lãnh đạo đã có "cuộc trao đổi thẳng thắn về liên minh song phương và các vấn đề khu vực".
Không chỉ đề cập tới quan hệ song phương, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản cũng trao đổi về nhiều vấn đề khác trong cuộc gặp đầu tiên kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức.
"Chúng tôi đã trao đổi về nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm cả các lệnh trừng phạt (chống Nga). Ngoài ra, chúng tôi cũng trao đổi về vấn đề Syria, Iran và Ukraine. Những vấn đề này không thể giải quyết được nếu Tổng thống Trump và Tổng thống Putin không duy trì các cuộc đối thoại trực tiếp, đúng không?", Thủ tướng Abe nói.
Ông Trump được cho là đang theo đuổi cách tiếp cận mềm mỏng hơn với Nga so với chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Barack Obama. Mặc dù từng tuyên bố sẽ tìm cách cải thiện quan hệ với Moscow trong chiến dịch tranh cử của mình, ông chủ Nhà Trắng hồi tháng 1 cho biết vẫn còn "quá sớm" để bàn đến chuyện dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga.
Nga và Nhật Bản đến nay vẫn chưa ký hiệp ước hòa bình từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 do những tranh chấp chủ quyền liên quan tới 4 đảo tại quần đảo mà Nga gọi là Nam Kuril còn Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phía Bắc. Căng thẳng liên quan tới vấn đề này đã gây ảnh hưởng tới quan hệ song phương Nga - Nhật từ nhiều năm qua.
Thành Đạt
Theo RT
Vợ Trump đăng tweet đầu tiên sau lễ nhậm chức của chồng Bà Melania Trump lần đầu sử dụng tài khoản Twitter Đệ nhất phu nhân sau lễ nhậm chức của chồng để đăng bài về chuyến thăm của vợ thủ tướng Nhật Bản. Bà Melania lần đầu chia sẻ ảnh và cảm nghĩ khi đưa vợ thủ tướng Nhật Bản tham quan bảo tàng và vườn ở Florida. Ảnh: Twitter Sử dụng tài khoản...