Ấn tượng xứ Thanh trong lòng du khách quốc tế
Để quảng bá hình ảnh đất và người xứ Thanh tươi đẹp, thân thiện và mến khách đến đông đảo du khách trong và ngoài nước, thì việc tổ chức các đoàn presstrip (khảo sát điểm đến du lịch dành cho báo chí) đang là một giải pháp được Thanh Hóa lựa chọn.
Đoàn presstrip quốc tế tham quan Lam Kinh.
Thanh Hóa là địa phương có tốc độ tăng trưởng lượng khách thuộc top đầu cả nước. Tuy nhiên, chi phí của du khách khi lưu lại Thanh Hóa còn rất thấp. Điều này xuất phát từ chất lượng dịch vụ và phân khúc khách hàng vẫn ở tầm trung và thấp. Do đó, thu hút phân khúc khách hàng cao cấp, trong đó có khách quốc tế, là mục tiêu được du lịch Thanh Hóa đặt ra, thông qua việc đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá.
Giữa tháng 9-2019, một đoàn presstrip gồm nhiều phóng viên nhà báo quốc tế, đến từ các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Phillipines, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga đã có chuyến tham quan, trải nghiệm 2 điểm đến nổi bật nhất của Thanh Hóa là Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ và Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Chuyến đi chỉ gói gọn trong thời gian 1 ngày, song ấn tượng và những chia sẻ chân thành của những vị khách quốc tế này về Thanh Hóa, thiết nghĩ, cũng rất đáng để suy ngẫm.
Chuyến đi của đoàn bắt đầu với Lam Kinh – di tích có tuổi đời ngót 600 năm và đang được đầu tư nguồn lực lớn để trùng tu, tôn tạo nhằm trả lại diện mạo vốn có. Bước qua Bạch Kiều, cây cầu bắc qua lạch nước nhỏ chảy trước điện và ôm vòng lại như cánh cung, Lam Kinh mở ra trước mắt những vị khách quốc tế là một không gian xanh, thư thả và trầm mặc. Để rồi, ấn tượng về Lam Kinh hằn lên tâm tưởng của họ là nét Á Đông đậm đặc, thể hiện trong lối kiến trúc nghệ thuật truyền thống. Đồng thời, những trò chơi, trò diễn đặc trưng của dân tộc Mường, như múa Pồn Pôông, múa sạp, đánh mảng và nổi bật hơn cả là Trò Xuân Phả, cũng đã mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị.
“Lam Kinh rất đẹp và những điệu múa truyền thống của các bạn cũng rất đặc biệt, rất thu hút”, đó là nhận xét của nữ nhà báo người Ấn Độ De Rupanjana. Còn với nữ nhà báo Gurdal Yaprak (Thổ Nhĩ Kỳ), việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể, song song với di sản Lam Kinh, đã khiến bà ngạc nhiên, tán thưởng và để lại cho bà ấn tượng sâu sắc.
Theo bà, điều này chứng tỏ người dân địa phương rất trân trọng gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống và điều này là vô cùng đáng quý. Cảm nhận của hai nữ nhà báo cũng là cảm nhận của những vị khách trong đoàn presstrip. Sự ngạc nhiên và thích thú mà Lam Kinh cùng những điệu dân vũ truyền thống, dường như đã tạo ra một “chất xúc tác” văn hóa đặc biệt, có thể kéo gần khoảng cách về quốc gia, dân tộc, về thế giới quan, nhân sinh quan và lắng đọng trong lòng mỗi người nhiều tình cảm đẹp.
Tiếp tục chuyến trải nghiệm di sản, các vị khách cũng đồng thời là những cây viết về du lịch đã dừng chân tại Thành Nhà Hồ. Tòa thành đá này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2011, nhờ bởi những giá trị độc đáo, nổi bật toàn cầu của nó.
Thành Nhà Hồ là công trình “biểu hiện sự giao lưu quan trọng các giá trị ảnh hưởng Nho giáo Trung Hoa đối với một biểu tượng vương quyền tập trung ở cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV”. Đồng thời, kiến trúc tòa thành đã “thể hiện những bước phát triển mới trong phong cách kiến trúc trên phương diện kỹ thuật và quy hoạch đô thị trong môi trường Đông và Nam Á”. Di sản này đang giữ kỷ lục “vô tiền khoáng hậu”, khi thời gian hoàn thành các hạng mục chính chỉ vẻn vẹn 3 tháng, với khối lượng đá xây thành ước tính trên 25.000m3, khối lượng đất đắp trên 100.000m3. Nhờ đó, Thành Nhà Hồ được đánh giá là “hiện tượng đột khởi” về kỹ thuật khai thác, chế tác và xây dựng tòa Hoàng thành bằng đá, không chỉ ở Việt Nam mà cả khu vực Đông và Nam Á.
Video đang HOT
Những thông tin về lịch sử hình thành, tồn tại hơn 6 thế kỷ của di sản thế giới này, đã khiến nữ nhà báo người Thổ Nhĩ Kỳ Gurdal Yaprak rất xúc động. Là cây viết của nhiều tạp chí chuyên về du lịch, bản thân bà đã đi qua nhiều quốc gia, song, được đến Thanh Hóa và tham quan những di sản giàu giá trị lịch sử, văn hóa, vẫn là một trải nghiệm thú vị và rất đáng nhớ đối với bà. Tuy nhiên, để có thể khai thác hiệu quả các di sản phục vụ du lịch, theo nữ nhà báo này, Thanh Hóa cần phát triển nhiều ứng dụng kết nối các điểm đến.
Bởi lẽ, du khách hiện nay thường có nhu cầu tìm hiểu thông tin điểm đến trên Internet, trước khi quyết định có lựa chọn hay không. Do đó, việc cung cấp thông tin một cách đầy đủ là vô cùng cần thiết. Ngoài ra, không phải du khách nào cũng đi du lịch theo tour, mà muốn tự trải nghiệm, khám phá điểm đến.
Chính vì vậy, địa phương nên có thêm nhiều thông tin bằng tiếng Anh, kể cả trên các website về du lịch và tại các điểm đến, nhằm giúp du khách nắm bắt và hiểu sâu hơn về di sản. Ngoài ra, việc mang đến cho khách du lịch những trải nghiệm ẩm thực mới là cần thiết, song cũng cần có thêm những món Tây để du khách lựa chọn. Đồng thời, có thêm các tiện nghi, dịch vụ tạo các điểm đến nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch.
Cùng chung quan điểm với nữ nhà báo Gurdal Yaprak, bà De Rupanjana (Ấn Độ) cho rằng, Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ có cảnh quan tự nhiên rất thu hút. Tuy nhiên, du khách không thể di chuyển một đoạn đường khá xa chỉ để ngắm cổng thành, do đó, địa phương cần có thêm các hoạt động trải nghiệm hoặc dịch vụ mang tính văn hóa để hấp dẫn du khách.
Còn ông Kreis Werner – nhà báo người Đức thì nhấn mạnh, những điểm đến của Thanh Hóa đều khá thú vị và rất phù hợp để gắn kết với loại hình du lịch MICE ( du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị, hội thảo). Du khách khi đến Thanh Hóa tham dự các sự kiện có thể nghỉ lại 2-3 ngày và đến tham quan, tìm hiểu các di sản. Đặc biệt, văn hóa bản địa còn giữ nhiều nét tự nhiên, độc đáo và rất khác với các điểm đến hiện đại ví như TP Hồ Chí Minh.
Đây là điều Thanh Hóa nên tập trung khai thác và phát triển. Là người có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các tour du lịch quốc tế, ông Kreis Werner cũng cho biết, các điểm đến của Thanh Hóa chỉ phù hợp cho việc tổ chức các đoàn nhỏ chừng 17-18 người. Vì nếu tổ chức đoàn lớn thì các điều kiện cơ sở vật chất chất lượng cao sẽ khó đáp ứng…
Lê Dung
Theo baothanhhoa.vn
Châu Đốc tập trung phát triển du lịch
TP. Châu Đốc được xem là cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh, khu vực ĐBSCL với Vương quốc Campuchia và các nước ASEAN bằng đường bộ lẫn đường thủy.
Đặc biệt, nơi đây có ngã 3 sông thơ mộng, danh lam thắng cảnh hữu tình và các di tích, như: miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, lăng ông Thoại Ngọc Hầu, chùa Phước Điền, chùa Tây An, đình thần Châu Phú... Bên cạnh đó, Châu Đốc còn có nhiều địa danh gắn liền với lịch sử thời kỳ mở đất, trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, như: kênh Vĩnh Tế, pháo đài núi Sam...
Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam - điểm đến thu hút hàng triệu du khách mỗi năm
Châu Đốc là trung tâm kinh tế, văn hóa, trung tâm du lịch của tỉnh và vùng ĐBSCL; có đường biên giới tiếp giáp huyện Boray Chulsa, tỉnh Takeo (Vương quốc Campuchia); là đầu mối đến 4 cửa khẩu quốc tế và quốc gia, như: Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông (An Phú), Vĩnh Xương (TX. Tân Châu) và cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên.
Vào dịp Tết Nguyên đán đến cuối tháng 4 âm lịch hàng năm, Châu Đốc bước vào cao điểm đón khách hành hương. Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn, hàng năm, Châu Đốc đón trên 4 triệu lượt du khách trong và nước đến tham quan du lịch, hành hương, nghiên cứu, nhất là vào dịp lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Xác định lĩnh vực dịch vụ - thương mại - du lịch là kinh tế mũi nhọn, có thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố
. Trong đó, du lịch là thế mạnh, khâu đột phá trong phát triển kinh tế. Những năm qua, bằng nhiều giải pháp, địa phương đã tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có để thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch.
Rước kiệu Bà Chúa Xứ núi Sam. Ảnh: T.H
Đặc biệt, địa phương đã tập trung đầu tư, cải thiện cảnh quan, môi trường. Tăng cường quản lý, bảo đảm an ninh trật tự; kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh việc kinh doanh, mua bán lấn chiếm lòng, lề đường, hàng rong... nhằm đảm bảo an toàn cho du khách.
Địa phương còn xây dựng "Điểm thông tin và hỗ trợ khách du lịch" nhằm kịp thời hỗ trợ thông tin, giải quyết các yêu cầu, kiến nghị cần thiết, chính đáng cũng như ghi nhận góp ý của du khách về những hạn chế trong hoạt động du lịch của địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng thương mại, dịch vụ, du lịch Châu Đốc.
Chị Trần Hồng Thắm (du khách đến từ Sóc Trăng) chia sẻ: "Mỗi năm, nhà tôi đến Châu Đốc 1-2 lần, chủ yếu là cúng Bà Chúa Xứ, chùa Tây An, chùa Phước Điền, lăng Thoại Ngọc Hầu. Nếu còn nhiều thời gian, gia đình sẽ đến núi Cấm chơi. Điều đáng khen là những năm gần đây, tình trạng chèo kéo, bán chim phóng sinh đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn.
Để du khách đến Châu Đốc ngày càng nhiều hơn thì tôi nghĩ chính quyền, cơ quan chức năng địa phương cần quyết liệt, dần khắc phục tình trạng cò mồi, chèo kéo khách mua nhang, chim phóng sinh... để Châu Đốc thật sự là điểm đến an toàn, hấp dẫn đối với du khách".
Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam thu hút đông đảo du khách đến tham quan
Châu Đốc phấn đấu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Để đạt mục tiêu trên, địa phương đã - đang và tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng; khai thác và phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có, để ngành du lịch ngày càng phát triển và thực sự hấp dẫn du khách.
Theo đó, bên cạnh phát triển du lịch tâm linh, Châu Đốc sẽ tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, chú trọng đầu tư khai thác các tuyến, điểm du lịch, trong đó ưu tiên phát triển một số dự án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng nhằm thu hút, "giữ chân" du khách...
Song song đó, địa phương tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch; đẩy mạnh, đổi mới công tác quảng bá du lịch. Tăng cường mời gọi đầu tư, nhất là đầu tư về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Tập trung đầu tư các dự án trọng điểm, điển hình là dự án Công viên Văn hóa núi Sam với tượng Phật Thích Ca ngồi thiền cao 81m, hệ thống cáp treo phục vụ du khách... Trước mắt, địa phương tiếp tục khai thác, phát huy những tiềm năng sẵn có.
Tập trung thực hiện các giải pháp nhằm phát triển du lịch và xây dựng đô thị văn minh xanh - sạch- văn minh - hiện đại gắn với tăng trưởng xanh. Triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển du lịch thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Châu Đốc lần thứ XI, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
THU THẢO
Theo baoangiang.com.vn
Đài quan sát 360 độ cao nhất Thái Lan khiến du khách run chân Ghé Bangkok (Thái Lan), du khách sẽ có dịp ngắm toàn cảnh thành phố tại đài quan sát MahaNakhon. Địa điểm này có lối đi bằng kính, hấp dẫn du khách mê độ cao. Bích Phương Theo news.zing.vn