Ấn tượng với lối sống truyền thống và biểu tượng ngựa độc lạ của bộ lạc “người khổng lồ” vẽ thân thể
Vườn Quốc gia Torres del Paine rộng lớn ở Patagonia của đất nước Chile thường đón hơn 250. 000 khách du lịch mỗi năm.
Sức cuốn hút của thắng cảnh tuyệt đẹp này có đóng góp đáng kể của bộ lạc Tehuelche từng được mệnh danh là những “người khổng lồ” vẽ thân thể.
Ấn tượng tuyệt vời của khách du lịch với cảnh quan độc đáo của Vườn Quốc gia Torres del Paine ở Patagonia, Chile.
Bộ lạc Tehuelche từng nổi tiếng là những “người khổng lồ” vẽ thân thể
Bộ lạc Tehuelche là thổ dân Nam Mỹ mà Tehuelche là tên gọi chung cho các cộng đồng sắc tộc chính, vốn sinh sống tại vùng đồng bằng Patagonia trải dài từ eo biển Magellan đến sông Negro từ hơn 1.000 năm trước. Để không chỉ tồn tại mà còn phát triển thịnh vượng đòi hỏi sự khéo léo và khả năng thích ứng cao của các cộng đồng cư dân bản địa nơi đây.
Tranh vẽ cảnh một khu trại của thổ dân Tehuelche ở Patagonia thời thập niên 1800.
Bộ lạc Tehuelche được phân chia thành các nhánh phương bắc (là dân du mục cưỡi ngựa) và phương nam (dân đi bộ), mỗi nhánh có phương ngữ và truyền thống riêng. Mỗi nhánh bao gồm các mối quan hệ người thân khác nhau và có những “lãnh thổ” cụ thể để săn bắn, hái lượm. Xã hội bộ lạc Tehuelche bao gồm các đơn vị gia đình rất có tổ chức và theo chế độ phụ hệ, đàn ông thường có 2 hoặc 3 vợ.
Bộ lạc Tehuelche có cả kho tàng tín ngưỡng dựa trên thần thoại và nghi lễ riêng, được các pháp sư truyền lại và bổ sung thêm. Pháp sư cũng thực hành các nghi thức tâm linh để chữa bệnh.
Đàn ông thổ dân Tehuelche thường có 2 hoặc 3 vợ tùy thuộc vào địa vị của anh ta. Người cha sau này có quyền gả con gái để đổi lấy nhiều vật dụng cho gia đình.
Bộ lạc Tehuelche chính là những cư dân bản địa đã khiến các nhà thám hiểm Tây Ban Nha lần đầu tới Patagonia rất lo sợ, bởi lầm tưởng là họ sắp đụng độ với người khổng lồ như trong thần thoại sau khi phát hiện những dấu chân lớn bất thường trên bùn.
Thực ra bộ lạc Tehuelche chỉ cao hơn người châu Âu thời đó một chút. Còn dấu chân “khổng lồ” là do họ đi những đôi giày Moccasin làm bằng da Guanaco (1 trong 2 loài lạc đà hoang dã Nam Mỹ) to sụ để giữ ấm. Sau đó bộ lạc Tehuelche trở nên nổi tiếng trong văn học châu Âu nhờ tầm vóc cao lớn và sức mạnh thể chất rất đáng nể, cùng cả cách họ vẽ lên thân thể mỗi khi tham gia các nghi lễ truyền thống.
Video đang HOT
Cách vẽ thân thể của những người đàn ông thuộc một nhánh của bộ lạc thổ dân Tehuelche.
Dù khí hậu ở Patagonia khá khắc nghiệt, nhưng bộ lạc Tehuelche vẫn sống trong những túp lều tạm sơ sài dựng bằng khung gỗ, lợp những tấm da động vật không thấm nước. Để giữ ấm vào mùa đông, bộ lạc Tehuelche mặc Kais (còn gọi là Quillangos) – loại áo khoác may bằng da Guanaco, bên trong có trang trí các hoa văn hình học sáng màu.
Biểu tượng ngựa đặc sắc của bộ lạc Tehuelche
Thời thế kỷ 18, thổ dân Tehuelche đã thành thạo kỹ năng bắt ngựa hoang rồi thuần dưỡng chúng để nhân giống thành vật nuôi. Nhờ vậy họ có thêm nguồn thịt ngựa, còn da và xương ngựa làm thành các dụng cụ gia đình và làm lều.
Việc sở hữu ngựa giúp thổ dân Tehuelche mở rộng hơn phạm vi săn bắn.
Khi đi săn bộ lạc Tehuelche cưỡi ngựa, sử dụng chó săn, cung tên và Bolas (dây quăng có buộc những những quả cầu đá). Thú săn chính của bộ lạc Tehuelche là Guanaco và andú (loài chim lớn không biết bay, trông giống như đà điểu).
Cũng nhờ có ngựa, bộ lạc Tehuelche có thể đi xa hơn để thiết lập các mối liên hệ với bộ lạc Mapuche lân cận và cả với những người châu Âu định cư. Qua đó bộ lạc Tehuelche thiết lập được các thỏa thuận trao đổi và giao thương thường xuyên.
Văn hóa chăn nuôi ngựa và các trại nuôi ngựa mang đậm nét đặc trưng của thổ dân Tehuelche vẫn được họ gìn giữ cho đến nay.
Vì thế ngựa trở thành một biểu tượng địa vị quan trọng của bộ lạc Tehuelche. Khi một người đàn ông Tehuelche chết, tất cả ngựa và chó săn của người đó đều bị diệt theo, toàn bộ tài sản riêng cũng bị đốt cháy.
Tuy nhiên, Guanaco vẫn rất quan trọng với đời sống của bộ lạc Tehuelche. Guanaco cung cấp nguồn thịt bổ dưỡng, da để may chăn đắp và may quần áo ấm.
Ngày nay vẫn có thể dễ dàng chiêm ngưỡng cảnh các chàng Baqueanos (cao bồi ở Chile) tham gia dẫn những tour cưỡi ngựa thám hiểm hàng đầu cho khách du lịch tại Patagonia.
Cưỡi ngựa hiện là một xu hướng dã ngoại được nhiều khách du lịch ưa thích, bởi tại vùng Patagonia nói chung và Vườn Quốc gia Torres del Paine nói riêng có rất nhiều đường mòn và tuyến đi bộ cuốn hút khách du lịch tới trải nghiệm lối sống truyền thống thổ dân.
Tuy nhiên sau nhiều biến động, chỉ còn lại rất ít bộ lạc Tehuelche sống tại Patagonia của Chile. Số đông hơn sống tại Argentina.
Khách du lịch thích thú với những trải nghiệm khác lạ tại Vườn Quốc gia Torres del Paine.
Thổ dân Martu độc đáo với nghệ thuật kể ước mơ và lối sống sẻ chia hào phóng
Thổ dân Martu của Australia được mệnh danh là "Thổ dân thông thái". Họ nổi tiếng về sự hào phóng bởi luôn sẻ chia cùng cách "kể ước mơ" cuốn hút khách du lịch qua các màn hát múa truyền thống.
Thổ dân Thổ dân Martu là chủ sở hữu truyền thống vùng đất rộng lớn ở miền trung bang Tây Australia, trải dài từ sa mạc Great Sandy đến vùng xung quanh Vườn Quốc gia Karlamilyi.
Thổ dân Martu: Càng chia sẻ nhiều thịt cho cộng đồng càng nâng cao uy tín
Thổ dân Martu là một trong số những bộ lạc thổ dân cuối cùng đến từ sa mạc, tiếp xúc với người Australia gốc Âu. Ngày nay hơn 1.000 người (chiếm khoảng 1/2 dân số bộ lạc thổ dân Martu) sống trong 3 cộng đồng tại vùng đất truyền thống của họ xung quanh Vườn Quốc gia Karlamilyi lớn nhất bang Tây Australia. Số còn lại sống tại Port Hedland và Newman.
Một nhân viên kiểm lâm thổ dân Martu và con Warru - loài chuột túi nhỏ ở Australia.
Người Martu được mệnh danh là "Thổ dân thông thái" và nổi tiếng về đức tính hào phóng, với quan niệm: uy tín có được không phải bằng cách sở hữu nhiều hơn người khác, mà bằng cách sẵn sàng sẻ chia những gì mình có từ tiền bạc tới đồ ăn, thuốc hút... Đặc biệt ai có thể chia sẻ càng nhiều thịt cho người khác thì càng có uy tín trong cộng đồng.
Cùng với đà phát triển chung, các thế hệ trẻ của thổ dân Martu dần phương Tây hóa.
Đa số thổ dân Martu vẫn gìn giữ truyền thống văn hóa mạnh mẽ mà tổ tiên họ đã thực hành từ hơn 5.000 năm trước. Đặc biệt là về cách săn bắt và tìm kiếm thức ăn, với mỗi ngày có ít nhất một nhóm thổ dân Martu đi săn trên những vùng đất truyền thống cách khu định cư của họ hơn 50km.
Đoàn làm phim tài liệu về lịch sử Australia của đài ABC quay cảnh phim "Contact and First Footprints" (tạm dịch "Liên hệ và những dấu chân đầu tiên") tại vùng đất của thổ dân Martu năm 2008.
Thổ dân Thổ dân Martu vẫn duy trì lối săn bắt có truyền thống từ hơn 5.000 năm trước
Nhóm thợ săn trẻ thổ dân Martu chuẩn bị xê thịt con lạc đà hoang dã vừa săn được, để chia sẻ cho cộng đồng.
Đàn ông thổ dân Martu thích săn những con thú lớn, chạy nhanh như Kangaroos (chuột túi), Emus (đà điểu châu Úc), lạc đà hoang dã, gà tây và Bustard (chim Ô tác lớn). Còn phụ nữ thổ dân Martu cũng đi săn thú nhỏ, dễ bắt, chủ yếu là thằn lằn cát.
Nguồn thịt săn bắt được sau đó do phụ nữ hoặc những người đàn ông có uy tín cao phân chia cho những người khác trong bộ lạc.
Thổ dân Martu bảo tồn tri thức và văn hóa truyền thống thông qua nghệ thuật.
Về chế độ ăn uống, cho tới nay từ 20-50% tổng khẩu phần ăn của thổ dân Martu vẫn bao gồm các "thực phẩm bụi" - thực phẩm có nguồn gốc Australia.
Điều cốt lõi trong tín ngưỡng truyền thống của thổ dân Martu là Dreaming stories (Thời kỳ Mơ ước) - là thời kỳ mà cuộc sống được tạo ra theo đức tin, cũng là cơ sở của truyền thuyết và văn hóa thổ dân Martu.
Khi thổ dân Martu hát và nhảy là họ đang kể lại những câu chuyện về Thời kỳ Mơ ước, đồng thời bổ sung thêm những ước mơ mới.
Gia đình có ý nghĩa rất quan trọng trong văn hóa và lối sống của thổ dân Martu - những người có hệ thống quan hệ người thân được chia thành 4 nhóm, với chỉ 2 nhóm có thể kết hôn với nhau. Mỗi nhóm đều phải tuân thủ quy định hướng dẫn hành vi: từ quan hệ cởi mở, có thể "đùa cợt" tới tôn trọng, nghiêm túc thậm chí cần tránh né (cấm tiếp xúc cả về thể xác và lời nói).
Một cảnh trong bộ phim Rabbit-Proof Fence (tạm dịch "Hàng rào chống thỏ") nổi tiếng năm 2002, nói về truyền thống gắn bó với vùng đất tổ tiên của thổ dân Martu.
Con trai của bộ lạc thổ dân Martucó thể ở cùng cha mẹ cho đến khi kết hôn, nhưng nay đa số chọn cách sớm tách ra ngoài sống riêng. Con gái sau khi kết hôn vẫn có thể sống cùng cha mẹ đẻ trong những năm đầu sau khi sinh nở để được giúp đỡ.
Thổ dân Bundjalun - hậu duệ của Ba Anh Em huyền thoại với Vòng Bora bí ẩn Ngày nay vùng đất tổ tiên xưa từng là "quốc gia" Bundjalun đã trở thành những điểm đến du lịch cuốn hút bởi vẻ đẹp nguyên sơ của cảnh quan cùng nét thần bí, ma mị của truyền thuyết gắn liền với các bộ lạc thổ dân có truyền thống lâu đời. Thổ dân thị tộc Arakwal (một nhóm thuộc "quốc gia" Bundjalun)...