Ấn tượng từ thác Đăk Ka Tiêu
Thác Đăk Ka Tiêu ở gần làng Đăk Y Pai, xã Măng Bút, huyện Kon Plông ( Kon Tum) là một trong những thắng cảnh đẹp, điểm đến cho những ai muốn trở về với thiên nhiên, tận hưởng không khí trong lành, lắng nghe núi rừng tình tự.
Nằm ở vùng Đông Trường Sơn, núi non trùng điệp, xã Măng Bút là nơi có những thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp, còn hoang sơ. Khi nghe chúng tôi tìm hiểu cảnh quan thiên nhiên, A Dân – Phó Chủ tịch UBND xã Măng Bút liền giới thiệu ngay thác nước Đăk Ka Tiêu ở suối Nước Chiêng.
Tranh thủ để sớm được chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên, chúng tôi lập tức lên đường đến thác Đăk Ka Tiêu. Theo tuyến đường bê tông từ làng Măng Bút nhằm hướng Ngọc Yêu, xe thẳng tiến. Ra khỏi làng Măng Bút, tuyến đường uốn lượn trên những sườn đồi, dãy đồi lượn sóng.
Trên đường đi, nhìn xuống các thung lũng, chúng tôi gặp người dân đang cày bừa, cấy lúa trên những thửa ruộng bậc thang, giữa cảnh quan thiên nhiên thanh bình. Nhìn khung cảnh nông thôn tươi đẹp, xa xa những đàn cò lượn lờ, bạn cùng xe với tôi luôn miệng: “Đẹp, đẹp quá!”
Nước đổ từ trên thác xuống trắng xóa.
Xe chạy khoảng 8km là đến gần khu rừng nguyên sinh của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tu Mơ Rông. Ngồi trong xe chạy dọc theo sườn đồi, chúng tôi nhìn xuống thấy suối Nước Chiêng chảy uốn lượn theo địa hình giữa một bên là rừng nguyên sinh và một bên là đất đồi người dân xã Măng Bút đang sản xuất.
Chưa đến thác, chúng tôi đã nghe tiếng suối nước róc rách, tiếng thác nước đổ, không khí mát rượi. Dừng xe ven đường, chúng tôi đi bộ xuống dốc khoảng vài chục mét là đến thác Đăk Ka Tiêu.
Cảnh vật xung quanh thác Đăk Ka Tiêu còn hoang sơ, chưa có tác động của con người. Nước ở suối thác trong vắt, chảy trên ghềnh đá dốc, khúc khuỷu. Bên tả thác là sườn đá rộng, dài có thể chứa hàng trăm người ngồi thưởng ngoạn.
Đứng ở sườn đá gần cuối thác Đăk Ka Tiêu nhìn xuống dưới thác, chúng tôi cứ tưởng như nước đang chảy vào động đá bởi ghềnh đá hai bên cao, hẹp, rêu phong và xung quanh là rừng cây bao phủ.
Video đang HOT
Ở đoạn giữa, sát thác Đăk Ka Tiêu, có những cây rừng hàng trăm tuổi cao chót vót, đổ bóng xuống thác, càng làm cho khu rừng trở nên huyễn hoặc. Đến thác giữa lúc trời nắng gắt, nhưng chúng tôi thấy hơi nước từ các tia nước bắn ra xung quanh, làm cho không khí ở đây mát rượi.
Đi dọc theo thác Đăk Ka Tiêu, lấy tay vốc nước trong vắt rửa mặt, tôi thấy nước mát lạnh. Ngả mình trên các ghềnh đá ở thác, tôi như được tiếp thêm nguồn năng lượng mới từ không khí trong lành ở thác, thấy trong người tươi tỉnh, khỏe khoắn lạ thường.Hết ngược rồi xuôi, chúng tôi ngắm thác Đăk Ka Tiêu không biết chán. Giữa tiếng thác đổ ào ào xen lẫn với tiếng róc róc giữa không gian tĩnh mịch, tôi lại nghe từ trong rừng sâu nhiều tiếng chim, khỉ, vượn hót vọng lại như bản hòa tấu khi trầm khi bổng.
Ngước nhìn lên những cây cao chót vót đổ bóng xuống thác, Phó Chủ tịch UBND xã A Dân thủ thỉ: “Những năm trước đây, khỉ, vượn thường hay về nhảy nhót, vui đùa trên những cây cao ở gần thác. Có lúc, khỉ còn xuống các ghềnh đá ở thác uống nước suối và giỡn nước”.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã A Dân, từ khi tuyến đường giao thông kết nối giữa xã Măng Bút với xã Ngọc Yêu được bê tông hóa, lượng người qua lại đông, quang cảnh thông thoáng hơn, không còn thấy khỉ, vượn về thác nữa.
Đúng vậy! Cảnh vật thay đổi, buộc thú rừng phải thay đổi với môi trường sống để thích ứng, để tồn tại.
Vừa trao đổi chuyện thú rừng, tôi và Phó Chủ tịch UBND xã A Dân leo lên đầu thác Đăk Ka Tiêu. Trên đầu thác, lòng suối mở rộng ra như hồ nước. Nước ở đầu thác không sâu lắm, nếu thích, có thể lội qua bên kia suối để vào thăm thú rừng tự nhiên.
“Những năm gần đây, thác Đăk Ka Tiêu ngày càng được nhiều người để ý đến. Nhất là trong những ngày nắng nóng, ngày nghỉ, ngày lễ, thanh thiếu niên trong xã thường đến đây chơi. Du khách qua đường biết thác, cũng thường đến đây thưởng ngoạn”- Phó Chủ tịch UBND xã A Dân chia sẻ.
Sau khi thưởng ngoạn thác Đăk Ka Tiêu, chúng tôi lên đường để trở về. Nhìn về hướng Tây Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã A Dân cho biết đi thẳng khoảng 15km nữa là đến xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông.Không chỉ có thác Đăk Ka Tiêu, xã Măng Bút còn là nơi có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, các thác nước còn nguyên sơ trong rừng sâu, thôn làng đồng bào DTTS còn giữ được nét xưa, các cánh đồng ruộng bậc thang đẹp… cần tiếp tục được khám phá để đưa vào quy hoạch du lịch. Cùng với đó, các cấp chính quyền địa phương cũng có thể khác thác giá trị văn hóa cồng chiêng, làn điệu dân ca, các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội; các nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, làm rượu cần, rèn, chế tác nỏ, nhạc cụ của đồng bào Xơ Đăng phát triển du lịch.
Đặc biệt, xã Măng Bút còn có Di tích lịch sử Chiến thắng Măng Bút (thuộc thôn Măng Bút) – điểm đến cho những ai muốn nghiên cứu hay tham quan Di tích lịch sử này. Tại Quyết định số 239/QĐ-UBND ngày 3/5/2024, UBND tỉnh về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ (hạng mục cắm mốc giới các khu vực khoanh vùng bảo vệ) 5 di tích lịch sử – văn hóa đã được xếp hạng trên địa bàn huyện Đăk Hà, huyện Kon Rẫy và huyện Kon Plông. Theo đó, huyện Kon Plông có 2 di tích là: Di tích lịch sử Chiến thắng Măng Bút (thuộc thôn Măng Bút, xã Măng Bút); Di tích lịch sử Căn cứ Huyện ủy H29 (thuộc xã Ngọc Tem) được quan tâm đầu tư.
Xã Măng Bút nằm trong Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đến năm 2045. Nếu gắn kết điểm đến thác Đăk Ka Tiêu với Di tích lịch sử Chiến thắng Măng Bút, các giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp khác với các điểm đến Khu du lịch Măng Đen thì Măng Bút sẽ khai thác được tiềm năng du lịch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Du lịch miệt vườn ở Long Phước
Thưởng thức sầu riêng ngay tại vườn khi đến một tỉnh có thế mạnh về du lịch biển như Bà Rịa-Vũng Tàu có lẽ là điều ấn tượng nhất khi chúng tôi đặt chân tới mảnh đất này.
Ở đây, dù không có đường bờ biển dài và đẹp như thành phố Vũng Tàu nhưng thành phố Bà Rịa gây thương nhớ cho du khách bởi những miệt vườn sầu riêng trĩu quả bên cạnh các địa danh lịch sử như núi Đất, núi Thị Vải, núi Dinh, địa đạo Long Phước...
Việt Nam là quốc gia nổi tiếng có nhiều loại sầu riêng ngon, được trồng phổ biến ở Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, được thưởng thức sầu riêng tại một thành phố biển ở Đông Nam Bộ mà cụ thể là tại xã Long Phước, thành phố Bà Rịa của Bà Rịa-Vũng Tàu thật sự là một bất ngờ...
Lối vào vườn sầu riêng của ông Tư Danh.
Bí quyết để có trái sầu riêng ngon
Theo lời giới thiệu của cô em họ đang sinh sống và làm việc tại Vũng Tàu, chúng tôi quyết định sẽ đến Long Phước mà không phải làng chài Phước Hải thuộc thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ như dự định ban đầu. Chẳng gì thì làng chài ở đâu cũng giống nhau, ăn uống hải sản cũng thế, còn thưởng thức sầu riêng ở một tỉnh ven biển như Bà Rịa-Vũng Tàu thì chắc chắn nên thử.
Quãng đường từ thành phố Vũng Tàu đến Long Phước chỉ khoảng 20 km, đường sá thuận tiện. Cũng không mất nhiều thời gian để chúng tôi tìm đến được địa chỉ vườn sầu riêng của ông Văn Văn Danh, còn gọi là ông Tư Danh hay ông Tư sầu riêng, giữa rất nhiều vườn sầu riêng gần đó, nằm trên đường 110, ấp Phước Hữu. Đón chúng tôi là người con trai út của ông Tư Danh. Dưới những hàng cây rợp bóng mát trên con đường bê-tông dẫn thẳng vào ngôi nhà mái ngói đỏ hồng, một người đàn ông có vóc dáng cao gầy đang chờ sẵn trên bậc thềm để đưa chúng tôi tham quan khu vườn.
Thế nhưng, khi mở cửa bước xuống xe, mùi sầu riêng ngào ngạt ngay lập tức đánh thức khứu giác của tôi và gợi lại kỷ niệm của sáu năm trước, khi tôi từng được thưởng thức sầu riêng trên đường di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Bến Tre. Khác biệt là lần này, tôi đang đứng giữa một vườn sầu có diện tích 1 ha, giữa biết bao nhiêu loại như sầu riêng Thái Lan, sầu riêng Ri6, sầu riêng Cái Mơn, sầu riêng Chín Hóa... Cái mùi thơm nồng quen thuộc khiến tôi không thể không sà vào đống quả được sắp xếp gọn gàng trước cửa nhà và muốn được nếm ngay một múi sầu riêng vàng rộm.
Quanh nhà ông Tư Danh, chỗ nào cũng chất đầy sầu riêng. Chỗ dành để những quả rụng, chỗ dành để những quả mới hái và có thể ăn được sau từ một đến hai ngày nữa, chỗ dành để những quả được thương lái đặt hàng từ trước. Theo người chủ vườn sinh năm 1956, trước chúng tôi, thương lái đã đến sớm gom hết số quả sầu riêng rụng, trong khi ông cũng bán hết số quả to dành cho xuất khẩu với trọng lượng mỗi quả nặng từ 1,8 kg trở lên, vỏ không bị đen, bị sâu, xanh gai tròn trái.
Ông Tư Danh chọn một quả sầu riêng Thái Lan nặng khoảng 1,2 kg, dùng mũi dao chuyên dụng nhẹ nhàng tách vỏ và lấy ra từng múi mời chúng tôi. Mặc dù quả chưa chín hẳn, như ông nói thì khoảng từ hai đến ba ngày nữa mới ăn được, nhưng phần cơm khá dày, có mầu vàng hơi nhạt, ăn vào có thể cảm nhận hương vị béo ngậy, ngọt tự nhiên không quá gắt và không hề sượng. Ông Tư Danh nói, cây sầu riêng Thái Lan trồng chỉ mất bốn năm là cho thu hoạch, năng suất cao và chống chịu được một số loại sâu bệnh. Ngoài loại sầu riêng này, trên diện tích 1 ha, ông còn trồng các loại sầu riêng khác như Ri6, Cái Mơn... cho năng suất vài chục tấn mỗi năm. Vườn nhà ông có hơn 100 cây, có cây trồng đã 18 năm, thậm chí 28 năm. Ông chỉ về phía một cây to ở ngoài cổng, cho biết thêm, trận bão năm 2006 từng khiến cây gãy đổ nhưng sau đấy, ông đã trồng lại được. Còn về năng suất, cây cho thu hoạch nhiều nhất là 6 tạ quả, còn phần lớn đều từ 2 đến 3 tạ quả/cây.
Tuy không áp dụng quy trình trồng theo tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, USDA..., nhưng ông Tư Danh vẫn lựa chọn trồng cây sầu riêng theo hướng hữu cơ một phần bởi ông khẳng định, để bán được quả sầu riêng với giá cao, thu lợi nhuận cao, ngoài mẫu mã bên ngoài phải đẹp, xanh gai, tròn trái thì phần cơm bên trong phải vàng, bột, ngọt tự nhiên, không được sượng hay cháy múi. Để đạt được những yêu cầu nêu trên, ngoài phòng nấm bệnh, chế độ tưới nước hợp lý thì phần nuôi trái cũng rất quan trọng, nhất là bón kali để hỗ trợ lên cơm...
Ông Tư Danh kể một cách say sưa cho chúng tôi về những kinh nghiệm trồng sầu riêng hơn nửa đời người của mình, về khả năng nhận biết trái sầu riêng chín hay chưa, rụng thời điểm nào, mưa nhiều hay không để có kế hoạch bón phân hợp lý... Tôi đặc biệt ghi nhớ một điều ông nói rằng, vào vườn sầu riêng, nhìn lá có thể biết được sầu riêng ngon hay không vì cây giữ được lá là cây khỏe mạnh, chất lượng trái sẽ tốt bởi lá cây là nguồn dinh dưỡng dự trữ để nuôi dưỡng quả. Hay nói cách khác, lá cây sẽ chuyển đường, làm tinh bột cho trái. Nếu không phải là người đam mê cây sầu riêng hẳn sẽ không thể đúc kết kinh nghiệm trồng sầu tỉ mỉ đến như thế.
Tiềm năng phát triển du lịch
So với Vũng Tàu hay tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung, du lịch của thành phố Bà Rịa không ấn tượng bằng, bởi nhiều du khách từ lâu đã quá quen với các địa điểm du lịch nổi tiếng ở Vũng Tàu như những bãi tắm chạy quanh thành phố, tượng Chúa Jesus, ngọn hải đăng Vũng Tàu, mũi Nghinh Phong, Bạch Dinh, Hòn Bà, Hồ Tràm, Bảo tàng vũ khí cổ Robert Taylor...
Bù lại, lượng mưa trung bình hằng năm ở Bà Rịa tương đối thấp, thổ nhưỡng tốt (đất đỏ bazan phân bổ tại hai xã Hòa Long và Long Phước), nhiệt độ không quá chênh lệch, rất thích hợp để trồng và phát triển diện tích cây sầu riêng. Vì thế, khi tới Bà Rịa, ngoài một số nơi có thể ghé thăm như núi Thị Vải, núi Dinh và nhất là địa đạo Long Phước, điều làm chúng tôi rất ấn tượng chính là chuyến ghé thăm vườn sầu riêng của ông Tư Danh. Thực ra thì không chỉ có chúng tôi bởi chỉ khoảng 45 phút sau khi chúng tôi đến, căn nhà nhỏ bé giữa vườn sầu riêng rộng lớn của lão nông 69 tuổi lúc này đã rộn rã tiếng nói cười của rất đông người ghé thăm.
Ông Tư Danh cho biết thêm, ông vẫn thường xuyên đón các đoàn khách tới tham quan. Họ đến đây để thưởng thức sầu riêng tại vườn và mua về làm quà, nhất là vào mỗi dịp cuối tuần. Thường thì người nọ mách người kia cho nên nếu không phải là người địa phương, sẽ không nhiều người biết được ở Long Phước có loại hình du lịch hấp dẫn như vậy. Bởi có đến đây, mới có thể hiểu rõ hơn về "vua của các loại trái cây", được nghe người chủ vườn kể về quá trình ông đến với cây sầu riêng như thế nào hay quy trình chăm sóc cây một cách đầy đủ. Những câu chuyện như thế khi thì diễn ra bên chiếc bàn nhỏ trước nhà, lúc dưới tán cây 28 năm tuổi, và tuyệt vời nhất là giữa khu vườn, như một rừng cây cổ thụ. Những cây sầu riêng trong vườn nhà ông Tư Danh giống như những cây bonsai khổng lồ vì chúng được tạo dáng uốn lượn rất đẹp.
Ông là người đầu tiên có ý tưởng tạo cây theo kiểu bonsai như vậy, sau khi quyết định từ bỏ việc chăn nuôi từng rất thành công, quay sang lập vườn cây ăn trái vào năm 1996. Vốn yêu thích cây sầu riêng từ nhỏ nên ông sớm nhận biết sầu riêng là cây nhiệt đới ưa ánh sáng. Thế nên, ngoài việc trồng cây với khoảng cách hợp lý tạo điều kiện để cây đón được nhiều ánh sáng, ông suy nghĩ cần phải chia ánh sáng bằng cách tạo tán, phân chia cành. Cành sống lâu hơn sẽ cho nhiều quả và chất lượng thơm ngon. Nhờ vậy mà hơn 30 năm qua, ông đã chăm sóc, cắt tỉa để vườn sầu riêng trở thành vườn bonsai khổng lồ, tạo sự khác biệt rất lớn giữa vườn cây của ông với những hộ khác, từ về kiểu dáng cây cho đến năng suất, chất lượng quả. Nơi đây còn trở thành địa chỉ quen thuộc để nhiều nông dân quanh vùng tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Phước Nguyễn Văn Minh, diện tích sầu riêng tại Long Phước đang cho thu hoạch là 41 ha.
Những người nông dân ở đây thường xuyên ghé thăm khu vườn của ông Tư Danh. Chúng tôi đến chỉ để thưởng thức trái sầu riêng thơm ngon nhưng rồi ai cũng cảm thấy thật sự thích thú như vừa trải qua một chuyến du lịch trải nghiệm. Chúng tôi được dẫn tham quan khu vườn, nghe kể những câu chuyện về các giống cây sầu riêng, về cuộc đời ông Tư Danh, về những kinh nghiệm tích cóp được trong hơn 30 năm trồng trọt mà ông rất muốn chia sẻ cho bạn bè nhà nông và cho các cậu con trai của mình.
Vì thế, sẽ là tuyệt vời nếu cuộc trải nghiệm đó được Hội Nông dân xã kết nối thêm với các chủ vườn và các đoàn khách du lịch, để những ai khi tới Bà Rịa-Vũng Tàu đều cảm thấy nên một lần dừng chân ở những miệt vườn sầu riêng tại Long Phước.
Khám phá Cao Bằng: Ngất ngây núi Thủng 'độc nhất vô nhị' Công viên địa chất non nước Cao Bằng ', mảnh đất nơi biên cương của Tổ quốc đẹp như một bức tranh với núi Thủng 'độc nhất vô nhị' khiến người ta mê đắm, dòng Quây Sơn và thác Nà Pheo níu giữ chân người... Bức tranh sơn thủy (đã được UNESCO công nhận ngày 12.4.2018) là tập hợp hàng nghìn tiểu cảnh...