Ấn tượng: Kim ngạch xuất khẩu rau quả 2018 cán mốc 4 tỷ USD
Một trong những điểm nhấn ấn tượng nhất của quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp 5 năm qua là sản lượng, kim ngạch xuất khẩu (XK) tăng đột biến, nhiều mặt hàng, đặc biệt là rau quả đã tiếp cận được những thị trường khó tính.
Ấn tượng với xuất khẩu rau, quả
Xuất khẩu rau quả đạt được con số vô cùng ấn tượng. Ảnh: T.L
Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), giá trị XK rau quả tháng 10.2018 ước đạt 331 triệu USD, đưa giá trị XK rau quả 10 tháng năm 2018 ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Trung Quốc là thị trương XK lớn nhất của Việt Nam. Trong 9 tháng năm 2018, XK rau quả sang thị trương này đạt 2,2 tỷ USD, tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 74% thị phần. Một số thị trương khác cũng có giá trị XK rau quả tăng mạnh là Thái Lan (tăng 35%), Úc (tăng 31,6%), Mỹ (tăng 30,8%) và Hàn Quốc (tăng 24,2%).
Dự báo các tháng cuối năm 2018, nhiều nhà máy chế biến rau quả quy mô lớn sẽ đi vào vận hành như tổ hợp dự án Doveco Tây Nguyên (công suất 30.000 tấn rau củ quả/năm), nhà máy Tanifood Tây Ninh (tổng vốn 1.500 tỷ đồng, công suất nhà máy 150.000 tấn/năm) sẽ bổ sung đáng kể vào năng lực sản xuất, chế biến rau quả XK của Việt Nam, ngành rau quả có nhiều khả năng sẽ đạt mục tiêu XK 4 tỷ USD năm 2018.
Đây được coi là một thành quả vô cùng ấn tượng của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp khi chỉ cách đây vài năm, XK rau quả vẫn vô cùng bết bát. Nhờ sự linh hoạt trong xoay trục tăng trưởng, chuyển ưu tiên từ lúa gạo sang trái cây, thủy sản, cộng với sự vào cuộc của các địa phương trong việc vận động nông dân sản xuất an toàn, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, nhiều loại trái cây của Việt Nam như thanh long, xoài, chôm chôm, chanh leo, nhãn, vải… đã được các thị trường khó tính chấp nhận.
Những thứ hạng được ghi nhận
Video đang HOT
Bên cạnh rau quả, nhiều mặt hàng nông sản XK chủ lực của Việt Nam cũng đạt được con số tăng trưởng ấn tượng. Theo Bộ NNPTNT, 3 năm gần đây (2016 – 2018), tổng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản đạt 109,21 tỷ USD, tăng bình quân 12,17%/năm (cao hơn mức tăng 9,7%/năm giai đoạn 2011 – 2015). Trong giai đoạn này, toàn ngành liên tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch XK từ 1 tỷ USD trở lên gồm: Lúa gạo, cao su, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, sắn, rau quả, tôm, cá tra, gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Trong số 10 nhóm mặt hàng XK tỷ USD, nổi bật là có 5 mặt hàng (trái cây, hạt điều, cà phê, tôm, đồ gỗ) đạt kim ngạch XK trên 3 tỷ USD. Những kết quả này so với con số 8 mặt hàng có kim ngạch XK từ 1 tỷ USD trở lên và 4 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 3 tỷ USD của năm 2013 là điều rất đáng ghi nhận.
Xét về mặt thị trường XK dễ thấy, đến nay nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 10 thị trường lớn nhất là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Hà Lan, Anh, Australia, Malaysia, Italia. Việt Nam đứng đầu thế giới về XK hồ tiêu, điều, cá tra; thứ 2 thế giới về cà phê; thứ 3 thế giới về gạo, tôm; thứ 5 thế giới về XK lâm sản…
Để thấy được sức bật, sự đổi thay trong XK nông, lâm, thủy sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đưa ra dẫn chứng: Với mặt hàng nông sản XK điển hình của Việt Nam là gạo, 5 năm trước, giá gạo Việt Nam ở rất thấp, thì hiện nay giá gạo thậm chí đã cao hơn Thái Lan, Ấn Độ… Gạo XK có sự đổi thay mạnh mẽ về cơ cấu, giá trị.
Tập trung phát triển thị trường tiêu thụ nông sản là một trong những giải pháp điển hình được Bộ NNPTNT đẩy mạnh nhằm thúc đẩy XK nông sản. Cụ thể, Bộ đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh mở rộng thị trường ngoài nước với những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao; thúc đẩy đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật trong thương mại, XK nông, lâm, thủy sản sang các thị trường “khó tính” có giá trị gia tăng cao như thị trường Mỹ (vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, vú sữa), Australia (vải thiều, xoài, xúc tiến tiếp thị quả có múi), Nhật Bản (thanh long, thịt gà)…; phối hợp với các đại sứ, cơ quan tham tán thương mại về nông nghiệp của Việt Nam tại các nước có kế hoạch cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp XK phát triển thị trường, trong đó ưu tiên duy trì thị trường có tốc độ tăng trưởng cao, ổn định như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU và thị trường mới như Thụy Sĩ, Iran, New Zealand…
Theo Danviet
Giá nông sản hôm nay 12/11: Giá tiêu giảm mạnh 2.000 đồng, giá cà phê chưa có dấu hiệu hồi phục
Mùa thu hoạch cà phê mới đang tới, nhưng không khí ảm đạm bao trùm khắp các thị trường trọng điểm về cà phê trong cả nước bởi giá cà phê vẫn chưa hề có dấu hiệu hồi phục khi chỉ quanh quẩn ở mốc 35.600-36.400 đồng/kg. Giá tiêu thậm chí còn tồi tệ hơn khi giảm mạnh tới 2.000 đồng/kg, ở mức 56.000-58.000 đồng/kg.
Cà phê và nỗi lo được mùa mất giá
Mở đầu phiên giao dịch của tuần mới, giá cà phê hôm nay 12/11 không có biến chuyển gì so với cuối tuần trước. Cụ thể, Lâm Đồng là địa phương có giá cà phê thấp nhất cả nước, ở dưới mức 36.000 đồng, chỉ 35.6000 đồng/kg.
Trong khi đó, Đắk Lắk có giá cà phê khởi sắc hơn, cao nhất là tại 2 huyện Cư M'gar và Ea H'leo đều ở mức 36.400 đồng/kg, cà phê tại Buôn Hồ có giá thấp hơn 100 đồng: 36.300 đồng/kg.
Các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch cà phê mới với nỗi lo "muôn thuở" được mùa mất giá. Ảnh: IT
Các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum cũng có chung mức giá từ 36.200-36.300 đồng/kg, không hề thay đổi so với cuối tuần trước.
Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch cà phê mới, theo kinh nghiệm của các nhà vườn, năm nay mưa nhiều nên cà phê không lo tình trạng thiếu nước và phát triển tốt; do đó sản lượng sẽ cao hơn năm trước. Thế nhưng, giá cà phê xuống thấp nhất trong 4 năm qua thì điệp khúc được mùa nhưng mất giá đang tái lặp.
Dù chắc mẩm sản lượng tăng vọt so với vụ trước nhưng anh Đặng Minh Huấn (28 tuổi, ngụ xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, Bình Phước) bất an vì giá cà phê có thể "chạm đáy". "Với giá từ 30.000 - 34.000 đồng/kg hạt khô như hiện nay thì bán ra không có lời so với công chi phí và chăm sóc khiến người dân thấp thỏm lo lắng, khi giá cà phê bán ra thị trường khó vượt ngưỡng 40.000 đồng/kg nhân khô như các năm trước", anh Huấn nói.
Còn với ông Đặng Minh Trung (48 tuổi, ngụ xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng) khu vườn 7ha là nơi gia đình trồng cà phê xen canh, là nguồn thu chính của gia đình. Sau 1 năm chăm sóc nay bắt đầu hưởng thành quả nhưng giá cà phê xuống thấp nên không dám bán mà xay lấy hạt rồi phơi khô để chờ giá. "Lúc cà phê rộ gia đình phải thuê người hái nhưng giá cả hiện nay quá thấp nên chỉ hy vọng "lấy công làm lời" vì nếu bỏ tiền thuê sẽ không bù được chi phí bỏ ra, lo nhất là giá tiếp tục xuống thấp", ông Trung nói.
Tiêu giảm tới 2.000 đồng/kg
So với cuối tuần trước, giá tiêu hôm nay 12/11 giảm ở hầu hết các địa phương trong đó mức giảm mạnh nhất là 2.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay 12/11 giảm 2.000 đồng/kg ở một số địa phương. Ảnh minh họa
Cụ thể, giá tiêu tại Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước đều giảm 1.000 đồng/kg xuống mức 57.000 đồng/kg. Tương tư giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng giảm còn 58.000 đồng/kg.
Địa phương có giá tiêu giảm mạnh nhất là Đồng Nai, từ 58.000 đồng cuối tuần trước xuống còn 56.000 đồng.
Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu, tháng 10 lượng hạt tiêu xuất khẩu đạt 16.000 tấn, trị giá 48 triệu USD, giảm 8,5% về lượng và giảm 4,9% về trị giá so với tháng 9.
10 tháng năm, xuất khẩu hạt tiêu đạt 209.000 tấn, trị giá 683 triệu USD, tăng 8,9% về lượng, nhưng giảm 32,8% về trị giá so với cùng kỳ.
Tháng 10, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng hạt tiêu ở mức 3.009 USD/tấn, tăng 3,9% so với tháng 9, nhưng giảm 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
10 tháng năm 2018, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng hạt tiêu đạt 3.269 USD/tấn, giảm 38,3% cùng kỳ.
Xét về chủng loại xuất khẩu, trong tháng 9, xuất khẩu hạt tiêu đen đạt 13.000 tấn, trị giá 35,15 triệu USD, giảm 25,3% về lượng và giảm 28,4% về trị giá.
Được biết, xuất khẩu hạt tiêu trắng tháng 9 đạt 1.200 tấn, trị giá 4,67 triệu USD, giảm 17,8% về lượng và giảm 24,7% về trị giá so với tháng 8 năm 2018. 9 tháng xuất khẩu hạt tiêu đen đạt 156.600 tấn, trị giá 487,69 triệu USD; xuất khẩu hạt tiêu trắng đạt 14.700 tấn, trị giá 66,4 triệu USD.
Theo Danviet
Người dân phải được sử dụng sản phẩm sạch Khẳng định những kết quả quan trọng trong 5 năm tái cơ cấu nông nghiệp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu, đặt doanh nghiệp ở vai trò trung tâm, coi trọng thị trường trong nước để người dân là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ thành quả...