Ấn tượng của người cựu chiến binh về một nhà tư sản Sài Gòn
Ngày 30/4/1975, Sư đoàn 5 tiến vào giải phóng Long An và quân quản Sài Gòn. Một tháng sau, chúng tôi lại hành quân về đứng chân ở căn cứ Bến Kéo (Tây Ninh) khi biên giới Việt Nam và Campuchia đang biến động.
Để chuẩn bị cho Đại hội thi đua Sư đoàn vào cuối năm 1975, tôi được Ban tuyên huấn sư đoàn phân công trở lại Sài Gòn in tập sách “Dũng sỹ đường 4″ nói về những chiến công của Sư đoàn trong chiến dịch Hồ Chí Minh, làm nhiệm vụ cắt đứt đường 4, cô lập miền Tây, tiến vào giải phóng Sài Gòn. Tôi được Ban quản lý in ấn Thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn và giới thiệu đến in sách tại nhà in “Khắc Hạnh” số 318 Đường Trần Quý Cáp (nay là đường Võ Văn Tần) Quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Tại đây tôi được tiếp cận và làm việc nhiều với nhà tư sản trẻ Lê Hoàng.
Khác với tất cả những gì tôi đã hình dung về một nhà tư sản qua sách báo và thông tin truyền miệng là bóc lột, quan cách, ăn chơi… Lê Hoàng trước mặt tôi là một con người hiểu biết, lịch lãm, nhân từ và phóng khoáng. Là một cán bộ Tuyên huấn, tôi say sưa định hướng cho anh về CNXH và CNCS trong tương lai của Việt Nam. Anh nghe rất chăm chú, tiếp thu chứ không bình luận. Tôi cứ nghĩ là anh đã ngấm dần những nguyên lý cơ bản nhất của Chủ nghĩa Mác Lê Nin.
Sau hơn 2 tuần in sách, khi sắp chia tay để trở về đơn vị, anh mời tôi lên Lái Thiêu (Bình Dương – Thủ Dầu Một) xem một trang trại cây ăn quả khoảng 10ha của anh. Tại đây có 7 công nhân vun trồng chăm sóc. Ngồi ở tầng 2, tòa nhà 3 tầng, nằm giữa một rừng cây ăn quả; anh tâm sự với tôi nhiều điều thú vị, mà đã có lần tôi đem ra nói tại kỳ họp thứ 5 BCHTW Đảng khóa IX.
Lê Hoàng trầm tư nói: Bức tranh về CNXH và CNCS mà anh Hai (Lê Hoàng gọi tôi là anh Hai vì biết tôi là con đầu của gia đình) đã nói với tôi là một bức tranh rất đẹp, nhưng trở thành hiện thực thì không dễ. Vì hơn nửa năm sau ngày giải phóng, nền kinh tế Sài Gòn cứ sa sút mãi, chưa có điểm dừng. Đặc biệt những người giỏi, người giàu đang ngấm ngầm rủ nhau vượt biên. Một dân tộc mà người giàu không yên ổn làm ăn, tìm cách trốn chạy ra nước ngoài thì đất nước khó thịnh, dễ suy. Chế độ của anh Hai có thể trẻ em đỡ hư hơn, người già được quan tâm hơn, nhưng làm giàu trước mắt khó hơn. Vì thế nguồn lực để đóng góp cho Nhà nước và giúp người nghèo sẽ hạn hẹp hơn.
Nửa tháng làm việc và quen biết Lê Hoàng, tôi còn có thêm 3 dấu ấn khó quên:
Một hôm tôi đang ăn sáng với Lê Hoàng, thấy anh gọi một công nhân trong số hơn 70 công nhân trong nhà máy mà anh quản lý đến gặp và căn dặn: “Hôm nay là ngày giỗ cụ thân sinh của chú, tôi cho chú nghỉ một ngày để lo hương khói cho cụ, tôi có chuẩn bị một ít trái cây và chai rượu, nhờ chú đặt lên bàn thờ kính viếng cụ”. Người công nhân cảm động nhận quà và cúi gập người xuống cảm ơn cả anh và tôi. Tôi cảm động về hành vi quá đẹp của một ông chủ đối với người giúp việc.
Một kỷ niệm nữa là ngày 16/3/1976, tôi được về Bắc nghỉ phép sau gần 9 năm xa nhà. Chúng tôi chờ lịch bố trí xe ở trạm quân chính điều phối T67 (nay là nhà khách Quân khu 7). Chờ 2 ngày vẫn chưa có xe để đi, dù đã sắp xếp xong đội hình quân nhân cho từng xe một. Sang ngày thứ 3, tôi tranh thủ đến thăm Lê Hoàng, hai anh em trò chuyện rồi ăn trưa, gần 3 giờ chiều tôi mới trở về trạm thì được tin anh em đã lên xe ra Bắc từ lúc 10 giờ. Đồ đạc của tôi anh em đã đưa hết lên xe, tôi chỉ kịp hỏi số xe, rồi vẫy xe Lam một mạch chạy đến trao đổi với Lê Hoàng. Thấy tôi lo lắng, Lê Hoàng cười vui và trấn an: “Anh Hai yên tâm, chờ tôi xử lý mấy việc xong, tôi sẽ lấy xe nhà chở anh Hai đuổi kịp đoàn”. Hai anh em chạy cả ngày lẫn đêm, mãi đến gần TP. Nha Trang mới gặp đoàn. Tôi lên xe của đơn vị, chia tay Lê Hoàng trong nỗi niềm đầy cảm mến.
Một dấu ấn nữa là khi tôi in xong sách trở về đơn vị, Lê Hoàng cho xe ô tô chở cả người và sách về tận Tây Ninh, có cả hoa quả, bánh kẹo, rượu bia, thuốc lá nói là quà Sài Gòn để anh Hai vui vẻ với đồng đội sau 15 ngày đi công tác xa, trở về đơn vị.
Đó là dấu ấn của một nhà tư sản dân tộc, có trí thức thời cuộc, luôn quan tâm đến người lao động, chu đáo với khách hàng và rất quý trọng Bộ đội cụ Hồ.
Video đang HOT
Về đất Bắc bề bộn bao việc sau giải ngũ, mãi đến đầu năm 1980, biết tôi thông thạo đất và người Phương Nam, các đồng chí lãnh đạo Sở Xây Dựng Nghệ Tĩnh cử tôi đi mua gạo cải thiện đời sống cho cơ quan. Tôi mới có dịp tìm và ghé thăm Lê Hoàng, tôi đến đúng số nhà và ngỡ ngàng khi đọc dòng chữ: “Hợp tác xã tiêu thụ Quận 3″.
Tôi e ngại không dám hỏi thăm gia đình Lê Hoàng qua những người bán hàng tại đó, tôi bước sang ngôi nhà đối diện bên kia đường, nơi trước đây là quán cà phê mà tôi và Lê Hoàng thường hay ngồi với nhau vào đầu giờ mỗi buổi sáng. Tôi hỏi bà chủ về Lê Hoàng và nhà in “Khắc Hạnh” và được bà chủ cho biết: sau khi ông nội của Lê Hoàng qua đời, lo hương khói, lăng mộ cho ông xong, cả nhà Lê Hoàng đã vượt biên sang Tân Gia Ba (Singapore ngày nay) từ đầu năm 1979. Tôi lặng người đi vì hối tiếc, thế là tôi đã mất một người bạn tốt, thành phố mang tên Bác mất một nhà tư sản trẻ yêu nghề và tâm huyết đối với đất nước Việt Nam, hơn 70 công nhân không có việc làm và mất đi một ông chủ đáng quý.
Hơn 40 năm rồi, dấu ấn về một nhà Tư bản trẻ Sài Gòn vẫn hiện hữu trong tôi. Qua báo Dân trí, tôi viết mấy dòng này và nuôi hy vọng một ngày nào đó tôi được gặp lại Lê Hoàng và những người thân của anh; với tâm thế là Việt Kiều yêu nước trở về đầu tư xây dựng quê hương trong sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hôm nay.
Lê Doãn Hợp
Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam
Nguyên Cựu chiến binh Sư đoàn 5 – Quân khu 7
Theo Dantri
Chuyện người vẽ bản đồ đường Trường Sơn thuộc lòng như bàn tay (2)
Sau khi được Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên giao nhiệm vụ vẽ bản đồ tuyệt mật, tôi mang lên nộp,Tư lệnh xem qua và ra lệnh: "Về làm lại". Thấy tôi tái mặt, Tư lệnh liền giải thích: "Vì bản đồ chú vẽ đúng quá"
Bài 2: Đến người lính "tuyệt mật" của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên
Đó là một câu chuyện, một kỷ niệm đầy ý nghĩa trong nghiệp vẽ bản đồ của mình, mà đến nay, ông Nguyễn Lương Cảnh vẫn "khắc cốt ghi tâm".
Tiếp nối dòng chảy câu chuyện, ông Cảnh bắt đầu kể lại khoảng thời gian vẽ bản đồ đường Trường Sơn, một con đường đầy máu lửa trong chiến tranh chống Mỹ.
Như đã nói, đến cuối năm 1966, Ban chỉ huy thấy ông "có hoa tay" nên chuyển ông về Bộ Tư lệnh 559 để vẽ bản đồ.
Sau thời gian ngắn học việc, được sự đồng ý của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, ông Cảnh được tuyển vào Phòng Tác chiến phụ trách vẽ bản đồ với nhiệm vụ chính là vẽ, quản lý toàn bộ đường Trường Sơn từ tháng 5/1967.
Ông Nguyễn Lương Cảnh giới thiệu về bản đồ đường Trường Sơn
Ông Cảnh nhớ lại: "Công việc vẽ bản đồ trong thời chiến vô cùng gian nan, vất vả, để vẽ được một tấm bản đồ, các chiến sỹ phải tổ chức những đội khảo sát băng rừng, lội suối vượt hàng ngàn cây số qua cả nước bạn Lào, Campuchia để xác định vị trí những con đường mới và những con đường cũ.
Bởi bản đồ thay đổi liên tục, có đoạn đường mới mở đã bị bom đạn vùi lấp, rồi có những ngày vài nhánh mới được mở ra, các đơn vị luôn thay đổi vị trí đóng quân. Vì vậy, chúng tôi phải thường xuyên cập nhật, theo dõi và bổ sung vào các tờ bản đồ đã vẽ trước đó".
Theo lời ông, thời gian đầu, đường Trường Sơn chỉ có khoảng 10 tuyến đường chính như đường 16, đường 10, đường 12.... Nhưng đến tháng 2/1976, toàn bộ đường Trường Sơn có 216 con đường, dài hơn 20.000 km.
Ngày đó chúng tôi vẽ có khi phải hàng tấn bản đồ. Ngồi trong hầm, mặc cho bom đạn trên đầu vẫn cứ việc mình mình làm...", ông Cảnh nhớ lại.
Công việc vẽ bản đồ đòi hỏi sự tuyệt mật cao độ, vì vậy, ông Cảnh không được tiếp xúc với ai ngoài chỉ huy trực tiếp, ngay cả gia đình, người thân cũng không được phép biết về công việc ông đang đảm nhận.
Ông Cảnh chụp ảnh kỷ niệm cùng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên
Có một kỷ niệm mà ông Cảnh không bao giờ quên. Đó là vào đầu năm 1969, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, khi đó là Tư lệnh Đoàn 559 gọi ông lên giao nhiệm vụ chuẩn bị một bản đồ tỷ lệ 1: 500.000 để đưa ra báo cáo với Bộ Tổng Tư lệnh.
Hai tháng sau khi nhận nhiệm vụ mới, ông Cảnh vất cả thu thập tài liệu, vẽ bản đồ chi tiết từ đơn vị Đại đội đến Sư đoàn, kho hàng, nơi đóng quân của quân ta.
Hoàn thành xong, ông mang lên nộp, Tư lệnh xem qua và ra lệnh: "Về làm lại". "Khi đó, tôi tái mặt vì chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Như nắm được tâm lý, Tư lệnh đã chờ tôi lấy lại bình tĩnh rồi mới từ tốn giải thích: "Vì bản đồ chú vẽ đúng quá, cụ thể quá mới phải làm lại.
Mình đang ở thời chiến, trên đường ra Hà Nội, nhỡ bị phục kích hy sinh đã đành, nhưng nếu tấm bản đồ này lọt vào tay địch, thì chỉ vài tiếng đồng hồ sau, hàng vạn tấn bom sẽ trút chính xác xuống địa điểm bộ đội ta đóng quân, giấu hàng, tổn thương vô cùng lớn.
Vì vậy, chú vẽ lại, đánh dấu địa điểm quân ta sai lệch ít nhất 10km về phía Đông hay Tây túy chú, xong đánh ký hiệu rồi giao cho tôi", ông Cảnh nhớ lại.
Từ năm 1976, ông ra Hà Nội, về Bộ Tổng Tham mưu, tiếp tục công việc vẽ bản đồ các tuyến đường phía Bắc.
Năm 1984, ông được nghỉ hưu, trở về quê hương Quảng Bình lập nghiệp. Thời gian đầu khó khăn, ông làm đủ việc từ vẽ ảnh truyền thần, bán nước giải khát, chụp ảnh, hàn cửa sắt... để nuôi sống gia đình.
Năm 2001, sau bao nhiêu đêm trăn trở với cuộc sống của gia đình và những người cựu chiến binh không có nghề nghiệp, ông quyết định thành lập Công ty TNHH Hải Quân, chuyên sản xuất các mặt hàng về nhôm kính.
Ngay sau khi thành lập, ông đã đào tạo nghề miễn phí cho hàng trăm con em cựu chiến binh trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, tạo công ăn việc làm ổn định cho họ.
Thậm chí, khi công việc kinh doanh thuận lợi, nhớ đến những người đồng đội xưa và những người bạn Lào đã giúp đỡ mình trong thời gian làm nhiệm vụ, ông đã trực tiếp sang tỉnh Khăm Muộn làm thủ tục nhận các cựu chiến binh sang đào tạo nghề.
Trong thời chiến, người ta nhắc đến Nguyễn Lương Cảnh như một người vẽ bản đồ đường Trường Sơn tài hoa, một người lính "tuyệt mật" của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Và đến thời bình, người ta vẫn nhắc đến ông như là một người "thầy", một người chủ doanh nghiệp có tấm lòng nhân ái.
Ngô Huyền
Theo_Người Đưa Tin
Giải mã "vật thể lạ": Được làm bằng nhôm hợp kim, không có chất nổ Ông Phạm Duy Cường, Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái cho hay, chiều nay 3/1, qua báo cáo sơ bộ của lực lượng quân đội và thông tin trao đổi thì ban đầu xác định vật thể lạ rơi tại Yên Bái, Tuyên Quang sáng 2/1, được làm bằng nhôm hợp kim và không có chất nổ kèm theo. Vật thể lạ rơi...