Án treo cổ ở Nhật Bản gây tranh cãi
Nhật Bản hiện vẫn duy trì án tử hình bằng hình thức treo cổ, làm nảy sinh nhiều tranh cãi trong dư luận trong nước và quốc tế.
Nhật Bản vừa mới thi hành án treo cổ đối với một tử tù phạm tội cướp giật và dùng súng giết hại một chủ nhà hàng ở khu phố Tàu ở tỉnh Yokohama năm 2004.
Tội phạm Tokuhisa Kumagai, 73 tuổi đã bị đưa lên giàn treo cổ sau khi Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Sadakazu Tanigaki ký sắc lệnh phê chuẩn việc thi hành án tử hình này. Đây là vụ xử tử thứ sáu được thi hành kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền từ tháng 12 năm ngoái.
Một buồng thi hành án treo cổ ở Nhật Bản
Theo cáo trạng, một tháng sau khi gây ra vụ cướp và giết này, Kumagai còn thực hiện một vụ cướp táo tợn khác, trong đó ông ta đã nổ súng bắn một công nhân ở Tokyo khiến người này bị liệt nửa người vĩnh viễn.
Trong vụ việc này, Kumagai bị kết tội cố sát và cướp tài sản. Hắn cũng bị kết tội phóng hỏa và cướp giật trong các vụ án trước đó.
Phát biểu trong một cuộc họp báo được tổ chức sau vụ treo cổ, Bộ trưởng Tanigaki tuyên bố những tội ác của Kumagai là “cực kỳ trắng trợn” với động cơ xuất phát từ những toan tính vụ lợi cá nhân gây ra nỗi đau không thể đo đếm được cho gia đình các nạn nhân.
Ông Tanigaki khẳng định: “Tòa án đã xem xét rất kỹ lưỡng các hành động của tên tội phạm này, và bản thân tôi cũng nhiều lần đưa ra các khuyến nghị trước khi ký vào sắc lệnh cuối cùng.”
Video đang HOT
Các tổ chức hoạt động nhân quyền ở Nhật Bản đã ngay lập tức lên án vụ xử tử này và cho rằng nó thể hiện sự phớt lờ nỗ lực quốc tế nhằm xóa bỏ án tử hình.
Hiện Nhật Bản và Mỹ là hai quốc gia duy nhất trong khối G-8 vẫn còn duy trì án tử hình. Vụ xử tử này được thực hiện chỉ 5 tháng sau khi một loạt các vụ xử treo cổ được thi hành hồi tháng Tư.
Với việc thi hành án treo cổ đối với Kumagai, số tù nhân bị tử hình đang chờ thi hành án ở Nhật Bản hiện nay là 132 người. Bộ trưởng Tư pháp Tanigaki nhấn mạnh rằng không có lý do gì để xem xét lại sắc lệnh thi hành án tử hình này của ông, và chính quyền cũng không hề có ý định cân nhắc lại án tử hình vì “không cần thiết phải làm vậy trong thời điểm hiện nay”.
Một số nhà phê bình ở Nhật Bản cho rằng những sắc lệnh tử hình của ông Tanigaki gợi nhớ đến cựu Bộ trưởng Tư pháp Kunio Hatoyama, người trong nhiệm kỳ 2007-2008 của mình đã ký sắc lệnh treo cổ 13 tù nhân. Đây là số lượng tù nhân bị treo cổ lớn nhất kể từ năm 1993, khi án treo cổ được thực hiện trở lại sau 40 tháng gián đoạn.
Trong suốt 3 năm cầm quyền của đảng Dân chủ Nhật Bản bắt đầu từ năm 2009, số vụ án tử hình được thực hiện tương đối ít với tổng cộng 9 vụ, và không có tù nhân nào bị treo cổ trong năm 2011.
Tổ chức Ân xá Quốc tế ở Nhật Bản cũng đã ra tuyên bố phản đối việc “hướng tới thi hành án tử hình rộng rãi” của Nhật Bản.
Tổ chức này nhấn mạnh rằng với việc giành quyền đăng cai Olympic 2020, “cách làm phi nhân đạo” này của Nhật Bản đi ngược lại với tôn chỉ “tôn trọng nhân phẩm và xã hội hòa bình” của sự kiện thể thao lâu đời này.
Mặc dù vậy, tổ chức này cho rằng quyền tranh luận công khai đối với án tử hình ở Nhật Bản hiện nay còn khá hạn chế, khi chỉ có một số ít quan chức được quyền đưa ra các quyết định liên quan đến sinh mạng con người, và cả hệ thống thi hành án tử hình đều được thực hiện bí mật. Tổ chức này yêu cầu chính phủ Nhật Bản công khai thông tin hơn nữa để đảm bảo rằng những người dân bình thường cũng được biết về án treo cổ ở nước này.
Hiệp hội Luật sư Nhật Bản cũng đã lên tiếng chỉ trích vụ treo cổ này là “không thể tha thứ được.” Hiệp hội này cho biết trước đây Kumagai đã bị tuyên án chung thân, tuy nhiên tòa phúc thẩm đã lật lại bản án và phán quyết án tử hình đối với bị can này, thể hiện những quan điểm trái ngược ngay trong chính các thẩm phán.
Trong một báo cáo hồi tháng 5, Ủy ban nhân quyền chống Tra tấn thuộc Liên Hợp Quốc đã hối thúc Nhật Bản báo trước cho các tử tù về thời gian họ bị thi hành án. Theo quy định hiện hành ở Nhật Bản, tử tù chỉ được thông báo rằng họ sẽ bị thi hành án chỉ vài giờ trước khi bước lên giá treo cổ.
Theo khampha
Ấn Độ: Sẽ treo cổ 4 kẻ hiếp dâm trên xe buýt
Tòa án Ấn Độ tuyên án tử hình đối với 4 hung thủ gây ra vụ hiếp dâm tập thể trên xe bus gây chấn động dư luận, và người dân hy vọng bọn chúng sẽ bị treo cổ sớm.
Ngày 13/9, một tòa án Ấn Độ đã đưa ra một trong những phán quyết được quan tâm nhất ở đất nước này khi kết án tử hình đối với 4 hung thủ gây ra vụ hiếp dâm tập thể và sát hại một nữ sinh viên 23 tuổi hồi tháng 12 năm ngoái.
Trái ngược với bản cáo trạng dài tới 237 trang cách đây vài ngày, bản phán quyết mà thẩm phán Yogesh Khanna đọc tại tòa chỉ dài đúng một đoạn, trong đó viết: "Ngày nay khi tội phạm chống lại phụ nữ đang gia tăng, tòa án không thể ngoảnh mặt làm ngơ."
Người dân chờ nghe phán quyết của tòa bên ngoài phòng xử án
Nạn nhân trong vụ hiếp dâm tập thể và tra tấn kinh hoàng gây chấn động dư luận Ấn Độ này đã qua đời 2 tuần sau vụ tấn công vì những tổn thương nghiêm trọng bên trong. Bốn bị cáo lãnh án tử hình này nằm trong số 6 hung thủ đã gây ra vụ tấn công.
Bị cáo thứ năm được cho là đã tự sát ở trong buồng giam, mặc dù gia đình tên này cho rằng hắn bị sát hại. Còn bị cáo thứ sáu phạm tội ở tuổi vị thành niên nên chỉ phải chịu án 3 năm cải tạo, mức án cao nhất đối với trẻ vị thành niên, khiến dư luận Ấn Độ phải đặt ra vấn đề yêu cầu vị thành niên phải bị xét xử như người trưởng thành trong những vụ việc cực kỳ nghiêm trọng.
Vụ hiếp dâm tập thể này đã làm bùng lên những cuộc biểu tình hối thúc các chính trị gia và nhà chức trách hành động, và kết quả là những quy trình điều tra, xét xử được sửa đổi theo hướng nhanh chóng hơn, kèm theo đó là mức án nghiêm khắc hơn đối với tội phạm hiếp dâm tập thể và các loại tội phạm tình dục khác. Tuy nhiên điều luật sửa đổi này không được áp dụng trong vụ án này vì nó được thông qua sau khi xảy ra vụ tấn công.
Tòa án Tối cao Ấn Độ đã quy định án tử hình đối với những vụ việc "hiếm hoi nhất", và đa phần các vụ việc nghiêm trọng đều chỉ phải chịu án chung thân. Mặc dù từ năm 2001 đến 2011, có 1455 tội phạm bị tuyên án tử hình ở Ấn Độ nhưng chỉ có 4 tử tù bị thi hành án trong suốt 18 năm qua.
Tuy nhiên trong vụ việc lần này phản ứng của dư luận xã hội là vô cùng gay gắt. Bên ngoài tòa án diễn ra vụ xét xử hôm thứ Sau, rất đông người biểu tình đã tụ tập kêu gọi tử hình sớm tất cả hung thủ của vụ hiếp dâm tập thể này, trong đó có cả hung thủ vị thành niên.
Những người biểu tình giơ cao khẩu hiệu: "Treo cổ bọn hiếp dâm. Hiếp dâm không phải là trò chơi của trẻ con, nên kẻ hiếp dâm không thể là trẻ em." Một người biểu tình mặc áo phông trắng vẽ hình một nhân vật đẫm máu, giải thích rằng đó là một vị thần Hindu cấu xé linh hồn của những kẻ phạm tội.
Theo tổ chức Ân xá Quốc tế, hiện Ấn Độ là một trong 58 quốc gia còn duy trì án tử hình trên thế giới, mặc dù nước này đưa ra rất ít thông tin về chính sách tử hình của mình. Năm 2007, Ấn Độ cho biết họ đã xử tử 52 người kể từ năm 1947, tuy nhiên các tổ chức hoạt động dân sự cho rằng con số này cao hơn rất nhiều.
Theo quy định luật pháp hiện hành ở Ấn Độ, người bị kết án tử hình sẽ bị treo cổ, và người thi hành án treo cổ phải là đàn ông trưởng thành cao hơn 1,62 mét. Khi chuẩn bị thi hành án treo cổ, người ta sẽ sử dụng bao cát nặng gấp rưỡi trọng lượng tử tội để đề phòng trường hợp dây treo cổ bị đứt. Chiều dài của dây treo cổ tùy thuộc vào trọng lượng tử tội, tử tội càng nặng thì dây treo cổ càng ngắn. Dây treo cổ sẽ được làm mềm bằng bơ, xà phòng hoặc vỏ chuối.
Một người dân tên là Pawan Kumar ở bang Uttar Pradesh tỏ ra rất hả hê với phán quyết này của tòa án. Ông nói: "Chúng xứng đáng bị treo cổ, và tôi sẽ rất vui nếu được trở thành người thi hành án treo cổ chúng. Tội ác này là không thể dung thứ được. Tôi đã nộp đơn xin làm người thi hành án treo cổ."
Ông Kumar nói rằng ông hy vọng phán quyết này sẽ sớm được thi hành. Ông tuyên bố: "Nếu bọn chúng được sống, tôi sẽ cho là chính quyền tắc trách và pháp luật lỏng lẻo, điều đó đồng nghĩa với việc chính quyền không quan tâm đến cuộc sống của người dân."
Theo khampha
Ấn Độ: Án treo cổ cho băng hiếp dâm nữ sinh? 4 kẻ gây ra vụ hiếp dâm và tra tấn nữ sinh trên xe bus ở Ấn Độ có thể phải lĩnh án treo cổ sau khi tòa tuyên bố cả 4 tên đều có tội. Ngày 10/9, một tòa án Ấn Độ đã tuyên bố có tội đối với 4 nghi phạm gây ra vụ hiếp dâm tập thể một cô gái...