An toàn hồ, đập – Bài 1: Nhiều công trình xuống cấp
Hiện cả nước có khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp hoặc thiếu khả năng xả lũ. Các hình thái xuống cấp của các hồ chứa thủy lợi này chủ yếu là thấm thân đập, nứt tràn xả lũ, hư hỏng cống lấy nước, xói lở tiêu năng…
Hệ thống thân đập Nhà máy thủy điện Buôn Kuốp, tinh Đăk Lăk. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Hiện nay, trên cả nước có gần 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang hoạt động, đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, phần lớn các hồ thủy lợi vừa và nhỏ đã được xây dựng từ nhiều năm trước, trong điều kiện thiếu kinh phí, số liệu tính toán, kinh nghiệm thiết kế, kỹ thuật thi công hạn chế, đặc biệt đa số hồ chứa nhỏ được thi công bằng thủ công, nhiều đập, hồ chứa nước không phù hợp với điều kiện mưa, lũ cực đoan hiện nay.
Trước thực tế một số hồ đập trong nước và quốc tế đã xảy ra sự cố thời gian qua, Chính phủ đã yêu cầu cần các ngành chức năng triển khai các biện pháp cấp bách để bảo đảm an toàn. Đồng thời, chủ động xây dựng phương án ứng phó trong mọi tình huống, bảo đảm an toàn cho đập và vùng hạ du.
Khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp
Hiện cả nước có khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp hoặc thiếu khả năng xả lũ. Các hình thái xuống cấp của các hồ chứa thủy lợi này chủ yếu là thấm thân đập, nứt tràn xả lũ, hư hỏng cống lấy nước, xói lở tiêu năng… Phần lớn các đập tạo hồ chứa thủy lợi đều là đập đất, xây dựng từ những năm 70 – 80 của thế kỷ trước. Do hạn chế về kỹ thuật và vốn đầu tư, tuổi đời đã quá lâu nên đã xảy ra hoặc tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố.
Theo thống kê của Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với các đập, hồ chứa lớn hiện có 73 đập đất trong tình trạng thấm và 82 đập bị biến dạng mái đập; 188 hồ tràn xả lũ bị hư hỏng thân tràn hoặc xói lở tiêu năng hạ lưu tràn ở các mức độ khác nhau.
Hầu hết các hồ chứa thủy lợi lớn đã dược lắp đặt thiết bị quan trắc lún, thấm. Nhưng, các thiết bị lắp đặt là dạng đơn giản chủ yếu là các thiết bị quan trắc công trình và hiện tại đang hoạt động bình thường.
Về năng lực chống lũ, theo thống kê, cả nước có 280 trong số 702 hồ chứa lớn được xây dựng sau năm 2000 hoặc đã được sửa chữa nâng cấp đảm bảo an toàn công trình. Hiện còn 422 trong số 702 hồ chứa lớn xây dựng từ trước những năm 2000, chưa được kiểm định, đánh giá khả năng chống lũ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.
Với các đập, hồ chứa nhỏ, hiện có hàng nghìn công trình bị thấm, hư hỏng thân tràn hoặc xói lở tiêu năng, hư hỏng thân cống lấy nước ở cả mức độ nặng, nhẹ. Hầu hết các hồ chứa nhỏ chưa được lắp đặt các thiết bị quan trắc.
Về năng lực chống lũ, các hồ chứa nhỏ chưa có số liệu đánh giá cụ thể, tuy nhiên hầu hết các hồ chứa nhỏ đều được xây dựng từ những năm 70 – 80 của thế kỷ trước trong điều kiện kinh tế khó khăn, việc khảo sát, thiết kế và thi công còn hạn chế. Trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thường gây mưa, lũ lớn bất thường, cực đoan xảy ra ở nhiều nơi như hiện nay nên có rất nhiều hồ chứa không đảm bảo khả năng chống lũ, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố mất an toàn công trình chứa và vùng hạ du đập.
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu
Trong những năm qua, mặc dù đã được Chính phủ hết sức quan tâm, các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực trong bảo đảm an toàn cho hồ chứa nước nhưng, trong những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã tác động ngày càng rõ nét đến an toàn đập hồ chứa ở nước ta. Mưa, lũ cực đoan diễn biến phức tạp, bất thường, mưa, lũ với cường độ lớn, cục bộ thường xuyên xảy ra ở nhiều nơi ảnh hưởng nghiêm trọng an toàn hồ chứa.
Từ năm 2008 đến nay đã xảy ra 50 sự cố về đập, hồ chứa. Cụ thể, năm 2010 với 5 hồ, năm 2011 có 5 hồ, năm 2012 có 2 hồ, năm 2013 có 10 hồ… Riêng năm 2017 do ảnh hưởng của liên tiếp những trận mưa lớn đã xảy ra sự cố vỡ, sạt lở nặng có nguy cơ vỡ ở 23 hồ, đập trên địa bàn 11/45 tỉnh có hồ.
Nguyên nhân do ảnh hưởng của mưa, lũ dòng chảy về hồ vượt tần suất thiết kế; các hồ chứa bị nước tràn qua đỉnh đập như: hồ Rộc Cốc, Rộc Cầu, Cành, Ông Già, Trại Gà, Cự Lễ, Mỹ Đức… Đối với các công trình được xây dựng từ lâu, chất lượng công trình xuống cấp nhất là các hạng mục cống, tràn xả lũ, các cấu kiện xây đúc bị nứt, vỡ suy giảm cường độ chịu lực. Đập yếu do mái đập bị sạt lở, bào mòn lâu ngày, tổ mối trong đập đất… khi mực nước dâng cao, lượng nước thấm qua các vị trí nứt hoặc tổ mối tăng lên gây vỡ đập như Đồng Đẻn, Đá Bàn, Khe Làng, hồ 271…
Trong quản lý, hầu hết các hồ chứa nước nhỏ trong nhưng năm năm đây đều được giao cho UBND các huyện, xã quản lý. Song lực lượng cán bộ, công nhân quản lý vận hành không đáp ứng yêu cầu dẫn đến không phát hiện được và kịp thời xử lý các hư hỏng (thấm, nứt, tổ mối trong thân đập).
Theo ông Trần Thế Hoan, Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, tỉnh hiện có hơn 600 hồ chứa và các hồ chứa này đa phần đều xây dựng trong thời kỳ bao cấp, hiện đã xuống cấp và không có kinh phí để đầu tư. Thời tiết biến đổi khí hậu nhiều, đặc biệt là mưa lũ ngày càng khắc nhiệt hơn, thảm bảo vệ thực vật không giống như ngày xưa, do đó dòng chảy về mùa lũ thay đổi. So với hồ thủy điện, hồ thủy lợi nguy cơ mất an toàn nhiều hơn do được đầu tư từ những năm 70 của thế kỷ trước.
“Vấn đề kiểm định an toàn đập để bảo đảm cho công trình phải thực hiện. Chúng tôi luôn ưu tiên bảo đảm an toàn tuyệt đối cho an toàn đập và tính mạng người dân ở vùng hạ lưu”, ông Hoan nói.
Theo thống kê, cả nước đã đầu tư xây dựng 6.648 hồ chứa thủy lợi; trong đó, có 702 hồ chứa lớn, 5.946 hồ chứa nhỏ. Có 3 hồ là Cửa Đạt, Tả Trạch, Dầu Tiếng là hồ chứa quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Hồ chứa nước thủy lợi đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, góp phần ổn định phát triển bền vững tài nguyên nước.
Nhiều năm qua, Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt để đảm bảo nhiệm vụ an toàn đập. Chúng ta đã có Chương trình an toàn hồ chứa, cùng với đó là dự án sửa chữa và nâng cấp an toàn hồ đập vay vốn Ngân hàng thế giới gần 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ chương trình tại 35 tỉnh thành phố cả nước. Trong khoảng 10 năm, có trên 600 hồ đập được nâng cấp, nhất là hồ đập lớn. Chương trình này đang đảm bảo sửa chữa, nâng cấp khoảng 450 hồ đập, số còn lại đang tiếp tục để thực hiện.
Mới đây Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ 500 tỷ đồng để các địa phương gia cố nâng cấp các hồ thủy lợi xuống cấp để đưa vào sử dụng trong mùa mưa bão năm nay.
“Dự kiến sẽ có 83 hồ chứa của 28 tỉnh thành được nâng cấp sửa chữa ngay. Vì vậy, các địa phương cần tập trung chỉ đạo quyết liệt để đảm bảo thời gian thi công ngắn nhất, đưa công trình vào sử dụng. Đồng thời trong quá trình thi công phải đảm bảo về chất lượng, kỹ thuật và hiệu quả đầu tư”, ông Nguyễn Đăng Hà, Vụ trưởng Vụ An toàn đập, Tổng cục Thủy lợi cho biết.
Theo Bích Hồng (TTXVN)
Sau thảm hoạ vỡ đập ở Lào, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi nói gì về an toàn hồ đập ở Việt Nam?
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi thừa nhận vấn đề đảm bảo an toàn đối với các hồ chứa nhỏ đang là thách thức lớn, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ có đập là đập đất và hiện giao cho các địa phương ở các thôn, bản quản lý.
Chiều 25/7, thông tin về việc vỡ đập thủy điện ở Lào có ảnh hưởng thế nào đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau khi nhận được thông tin đập thủy điện ở Lào bị vỡ, đơn vị này lập tức giao các cơ quan khoa học phối hợp với các cơ quan liên quan tính toán và dự báo cụ thể.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi.
Theo tính toán ban đầu của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, ngày 27/7, mực nước tại Tân Châu và Châu Đốc (An Giang) tăng lên so với bình thường từ 3-5cm. Như vậy, việc vỡ đập ở Lào sẽ ảnh hưởng không đáng kể đến Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là đối với vụ hè thu năm nay.
"Tất nhiên có thể nói đây là tính toán nhanh ban đầu và chúng tôi cũng đang tiếp tục giao các cơ quan khoa học phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt với nước bạn Lào để có những thông tin chính xác hơn về vấn đề này" - ông Tỉnh thông tin.
Ông Tỉnh cũng cho hay, đối với các tỉnh như Long An, Đồng Tháp, An Giang, đơn vị đã giao các cơ quan khoa học nghiên cứu cụ thể.
"Chúng tôi đã giao cụ thể cho các cơ quan nghiên cứu vùng nào có đê bao an toàn, vùng nào không có đê bao để khuyến cáo cho các địa phương. Đặc biệt, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An.. để khi mưa lũ, vụ Thu Đông an toàn tuyệt đối", ông Tỉnh khẳng định.
Tuy nhiên, ông Tỉnh cũng cho biết, những đợt mưa lũ gần đây ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề an toàn hồ chứa, đặc biệt là ở vùng miền núi phía Bắc và vùng Bắc Trung Bộ.
Hiện nay, các hồ chứa nhỏ ở phía Bắc và Bắc Trung Bộ đã đầy nước. Nhiều hồ chứa nhỏ được xây dựng cách đây từ 30-40 năm, trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, công nghệ lạc hậu, lại được giao cho các thôn, bản quản lý.
Ông Tỉnh cũng thừa nhận vấn đề đảm bảo an toàn đối với các hồ chứa nhỏ đang là một thách thức lớn.
"Chúng tôi lo nhất là các hồ chứa nhỏ có đập là đập đất và hiện giao cho các địa phương ở các thôn, bản quản lý" - ông Tỉnh nói.
Ông Tỉnh cho biết thêm, trong mấy ngày tới, lượng mưa ở các tỉnh miền núi có thể đạt 100 - 200mm, về cơ bản các hồ chứa vẫn đáp ứng được.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi lý giải ngoài mức độ an toàn cũng như khả năng chống chọi của đập thì Tổng cục Thủy lợi cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, nhất là hồ chứa ở vùng sâu vùng xa.
Video: Thảm hoạ vỡ đập ở Lào ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam?
TÙNG LÂM
Theo VTC
Chương Mỹ vẫn chìm trong nước, dân chắt chiu nước sạch nấu ăn Nước rút chậm, nhiều nơi ở Chương Mỹ, Hà Nội vẫn đang bị cô lập, đi lại rất khó khăn, người dân phải dùng nước trong bình để nấu ăn, sinh hoạt một cách dè xẻn. Ông Nguyễn Văn Thiệu, Phó trưởng thôn Hạnh Bồ đi thuyền từ trong nhà ra sân để ra nhận mì tôm và nước của đoàn cứu trợ...