Ăn Tết hay Tết “ăn”?
Dân gian mình thường nhắc đến dịp nghỉ Tết âm lich bằng một từ rất dân dã: “Ăn Tết!”. Nhưng kèm theo cái Tết truyền thống trong xã hội hiện đại ngày nay cũng có lắm bi hài và người viết có cảm tưởng như chúng ta đang bị Tết… “ăn”. Và trong Tết, người phụ nữ bỗng trở thành “con mồi” truyền thống.
Khi còn nhỏ xíu, tôi cứ nhớ mãi hình ảnh bà nội tôi lưng còng như đòn gánh lúi húi bắc bếp để chuẩn bị nấu bánh tét (thứ bánh đặc trưng Nam bộ ngày Tết, chỉ khác hình dáng bánh chưng ngoài Bắc). Mọi công đoạn nấu bánh gần như bà nội tôi lo hết, việc canh lửa canh nồi thì đám cháu chắt gọi là coi để mà coi. Gà gáy khuya thì chỉ còn lại những người phụ nữ trong nhà tỉ mẩn lùa than, thêm củi để nồi bánh tét đều lửa.
Ba tôi, một người đàn ông “của xã hội” khi ông luôn đi sớm về khuya vì tính chất công việc. Hình như hơn 10 năm nay ông không có bữa giao thừa nào tại nhà trừ một lần bất ngờ đổ bệnh, cũng là vì công việc. Con gà, tô cháo, mâm cúng rước ông bà một tay mẹ tôi lo hết vì lúc ấy thằng con trai là tôi đây đang bận đi dạo phố phường bên lũ bạn hoặc sánh bước cùng một cô gái mình thầm thương đi hái lộc. Khoảnh khắc giao thừa là khoảng khắc tôi bưng tô (bát) cháo lên ăn sảng khoái, nghe trên tivi lời chúc Tết năm sau giống nhau năm trước, rồi yên tâm đi ngủ để sáng mồng Một vui vẻ đến tìm. Tất cả mọi công việc, mẹ tôi là người chu tất. Âm thầm và đều đặn, như mọi năm…
Năm nào cũng như năm nào. Tết truyền thống gắn với những truyền thống. Cây niêu giờ vắng bóng, câu đối đỏ dần ít đi, tràng pháo thì bị cấm nhưng bánh chưng xanh vẫn còn và thịt mỡ, dưa hành vẫn hiện diện ở mỗi nhà. Trong cái Tết truyền thống của người Việt, sự mắc định về việc dựng cây niêu, đốt tràng pháo, viết câu đối thường do người đàn ông thực hiện. Nấu nồi bánh chưng, kho mớ thịt mỡ, ngâm hũ dưa hành là chuyện của đàn bà.
Bỗng dưng ngẫm phận đàn bà thấy buồn quá (dù Mai Cồ tôi là đàn ông chính hiệu)!
Cuộc sống như một vòng bánh xe, càng hiện đại càng lăn nhanh. Bánh chưng, dưa hành, thịt mỡ đều có thể mua sau khi được chế biến nên người phụ nữ cũng đỡ vất vả hơn. Nhưng cái sự vất vả đó đâu chỉ nằm ở khâu chuẩn bị mà còn ở khâu phục vụ. Họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp của chồng, con đến chơi nhà thì y như rằng chỉ có người phụ nữ lại bày biện, chăm nom, tiếp đãi và dọn dẹp. Sau một trận say của đức ông chồng hay cậu con quý tử, người phụ nữ đâu đã được nghỉ ngơi mà còn phải tất bật xoa dầu cho chồng, đắp chăn cho con kẻo trận gió độc nào đấy làm người say nhập viện.
Cái gánh nặng trách nhiệm đó mấy ai thấu hiểu?
Lỉnh kỉnh đồ đạc cùng chồng con về quê nội chúc Tết cũng là một thứ mệt mỏi của người phụ nữ Việt Nam, tôi nghĩ vậy. Cả năm chỉ có một cái Tết! Đó là thứ lý do thô thiển để yêu cầu người phụ nữ phải thể này thế nọ như họ phải luôn thế nọ, thế kia để phục vụ các quý ông. Tin tôi đi, có những cô, những chị của tôi chỉ mong ngày Tết được rảnh rang để… ngủ. Họ mất ngủ cả năm vì chồng con đấy các bạn ạ! Và nhiều khi giấc ngủ “cho đã” cũng chỉ là thứ để mơ ước vì đám đàn ông lười biếng chúng tôi hay những phụ nữ đã “quen” với truyền thống hầu hạ muốn thế…
“Ăn Tết!” là một câu cửa miệng nhưng tại sao lại là “Ăn Tết!” mà không là nghỉ Tết? Hay cái Tết bây giờ đang “ăn” chúng ta bằng những cách hành xử lỗi thời khi để những điều được cho là truyền thống đè nặng lên suy nghĩ và cách hành xử của mình.
Mà ở đó, phụ nữ là người chịu thiệt…
Theo NTD
Trộm vàng nhà quan và chuyện tìm nguồn tài sản
Từ chuyện dzô dzô đến chuyện... đô, đô, thật ra, là vấn đề của nền luật pháp, trước sau phải hướng tới sự thượng tôn, sự công khai minh bạch trong thiết chế quản lý.
Chỉ khi đó, văn minh, văn hóa mới có cơ ngự trị.
I-Tuần này, giữa lúc thế giới, các bên có liên quan đang "say máu" tranh cãi kịch liệt, đổ lỗi cho nhau về thảm họa hàng khôngrơi máy bay MH 17- tại miền đông Ukraina, làm gần 300 hành khách vô tội trên máy bay thuộc các quốc gia thiệt mạng. Thì báo chí, giới truyền thông ở ta cũng say bàn đến chữ... say, nhưng là chuyện say rượu, say bia. Ai đó kêu lên:Chuyện cũ, biết rồi, khổ lắm, nói mãi!
Video đang HOT
Rõ là chuyện cũ. Vì báo chí, giới truyền thông đã bao lần đưa tin các vụ việc, từ tai nạn giao thông đến tệ nạn xã hội, tội ác cưỡng hiếp, xâm hại tình dục xảy ra ngay cả với trẻ vị thành niên, mà thủ phạm là... ma men dẫn lối, quỷ dữ đưa đường.
Nhưng cái mới lần này là Bộ Y tế vừa trình làng dự thảo Luật về phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia, lấy ý kiến xã hội trước khi trình QH.
Bởi xã hội mình rất lạ, hội nhập về kinh tế, văn minh, văn hóa hơi bị chậm, nhưng hội nhập say bia, say rượu lại hơi... bị nhanh. Nếu không, thì làm gì có việc, dự thảo Luật mới đưa ra đã rôm rả như... trong cuộc nhậu?
Ai cũng thấy đó là một chủ trương đúng. Người viết bài này, không biết uống bia rượu, nhưng từng nhiều lần đi công tác các tỉnh miền núi phía bắc, Tây Nguyên, chứng kiến nạn uống rượu tràn cung mây của người dân, và "lệ" chuốc rượu, ép rượu khách đến phát sợ. Không uống thì không đồng cảm với cái sự hiếu khách của chủ nhà. Nể quá mà "nâng lên đặt xuống". Nên rất đồng cảm với tinh thần dự thảo. Nhưng khi đọc các quy định của dự thảo trên báo chí, cũng lại phải... nâng lên đặt xuống không kém, hệt trước mặt là ly rượu mạnh.
Các quán bar có được bán rượu bia sau 22h? Ảnh: Dân trí
Không phải vô cớ báo chí đồng loạt lên tiếng, phân tích những cái "vô lý không có lẽ" của những quy định. Người viết không bàn đến cái "tính xung đột lợi ích kinh tế", mà dự thảo dù muốn dù không cũng "đụng chạm" với định hướng phát triển của ngành bia- rượu- nước giải khát đã được TT CP phê duyệt (TS, ngày 23/7). Bởi đó là chuyện của vĩ mô, Nhà nước phải tính đến.
Chỉ xin bàn những quy định cụ thể, những điều kiện bảo đảm luật được thực thi, nhưng lại đang biến thành chuyện hài ngay trên bàn nhậu.
Đó là việc cấm "bán rượu bia từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau", việc "người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người bị bệnh lý, người tham gia giao thông không được sử dụng rượu bia". Việc "tất cả người từ 60 tuổi trở lên uống hơn 02 đơn vị rượu/ngày; người dưới 60 tuổi là hơn 03 đơn vị rượu/ngày đều được coi là lạm dụng rượu bia".
Nghe thì có vẻ rất hợp lý và cần thực hiện. Nhưng vì sao những điều nghiêm túc đó lại biến thành chuyện của sự đàm tiếu?
Ở nhiều nước châu Âu người viết bài có dịp đi công tác hoặc du lịch, nhất cử nhất động, đúng 08 giờ tối, các cửa hàng, siêu thị đều đóng cửa. Và họ tuân thủ nghiêm ngặt.
Vì sao? Vì tinh thần tôn trọng luật pháp, ý thức tự giác tuân thủ luật pháp của người dân ở đó rất cao, biến thành nếp sống thường trực, bình thường. Điều này chỉ có được trên nền tảng pháp luật thực sự được thượng tôn, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Chính cái sự nghiêm cẩn và thượng tôn pháp luật đó, đã điều chỉnh mọi hành vi, lối sống thường trực mỗi người dân, biến thành sự tự giác, thành nếp sống tôn ti.
Nhưng còn ở VN, lực lượng chức năng nào sẽ kiểm soát, kiểm tra để bảo đảm tất cả mọi quy định nêu trên, từ việc mỗi nhà hàng, khách sạn, cho đến mức độ uống rượu, bia của mỗi người già trẻ, phụ nữ có thai, không có thai, được tuân thủ? Ai bảo đảm từ những quy định trên sẽ không nảy sinh sự "lách luật" của các nhà hàng vì đồng tiền? Sẽ không nảy sinh sự "nhũng nhiễu vô lối", hoặc thỏa thuận kiểu anh rút chân giò, tôi thò chai rượu.Khi mà đâu đâu cũng có... tham nhũng vặt? Tham nhũng vặt, thực chất đã dung dưỡng cho sự vi phạm pháp luật một cách phổ biến.
Mặt khác, luật này có áp dụng cho các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi người dân giao tiếp, giao lưu hầu như chỉ duy nhất là rượu? Hay chỉ áp dụng cho vùng đồng bằng, đô thị? Đã là luật, hẳn không có vùng cấm. Vậy, lực lượng chức năng nào sẽ kiểm tra ở những vùng đặc biệt này?
Một văn bản luật khi được ban hành, phải bảo đảm tính khả thi, để mọi công dân phải tôn trọng thi hành. Không thể ban hành một cách hình thức, dễ bị "vô hiệu hóa" bởi những quy định bất cập như dự thảo này. Rút cục, luật đi đằng luật, bợm nhậu đi đằng ... bợm nhậu.
Ngay như Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2013, đến nay hơn một năm, hiệu lực ra sao?
Theo báo tintuc.vn ngày 26/5/ 2014, mức thuế thuốc lá của VN thấp gần nhất so với các nước trong khu vực và rất thấp so với các nước phát triển như Pháp (80%), Đức (73%), Úc (60%)... Các nghiên cứu về sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên cho thấy tỷ lệ hút thuốc trong thanh thiếu niên đang tăng và độ tuổi bắt đầu hút thuốc ngày càng trẻ (có tới 21,6% nam thanh niên từ 16-24 tuổi là người hút thuốc). Ngạc nhiên chưa?
Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã phải đề xuất lộ trình tăng thuế thuốc lá, theo mức thuế tiêu thụ đặc biệt từ 65% lên 105% vào thời điểm năm 2015, hy vọng hạn chế sức tiêu thụ thuốc lá trong xã hội. Nếu không luật lại đi đằng luật, ông nghiện đi đằng... ông nghiện.
Tại cuộc trao đổi với TS, ngày 24/7, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: Trước mắt việc cấm bán rượu bia sau 22h dự kiến áp dụng đối với các điểm bán lẻ để uống ngay tại chỗ, theo danh mục, lộ trình. Tại các điểm bị cấm bán thì khách cũng sẽ bị cấm uống sau 22h.
Nhưng vì sao dư luận xã hội vẫn hoài nghi tính khả thi của dự thảo này?
Trước hết, cho dù mức thuế đánh vào rượu, bia là mức thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng chưa đủ sức nặng hạn chế các chú "sâu rượu, sâu bia"?
Bản thân văn bản luật, mới ở mức dự thảo, đã chưa đủ sức thuyết phục người dân tâm phục, khẩu phục, tin vào các điều kiện bảo đảm sự thi hành luật thành công.
Nhưng đây mới là điều quan trọng, luật pháp trong xã hội chưa tương xứng với đòi hỏi của người dân. Sự thiếu nghiêm minh của luật pháp hiện hành, phản ánh ở các vụ án cụ thể gây bất bình trong dư luận xã hội. Vô tình, pháp luật không đủ sức nặng, uy tín điều chỉnh hành vi, nếp sống của người dân. Ngược lại, người dân khi có điều kiện, lập tức giẫm đạp lên pháp luật. Họ đối phó với pháp luật, hơn là tự giác tuân thủ như một văn hóa hành xử, văn hóa sống.
Vì sao như thế? Câu trả lời, thuộc về các quan chức, những nhà quản lý xã hội.
IIChưa biết dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia, có biến thành hiện thực nay mai không, nhưng có thông tin trong tuần được báo chí cho là ly kỳ, gây sự chú ý. Đó là tại tỉnh Gia Lai miền núi còn khó khăn, Tòa án ND tỉnh vừa tuyên phạt tổng cộng 72 năm tù cho 04 bị cáo là kẻ trộm.
Đối tượng bị trộm là gia đình ông Đặng Xuân Thọ- Giám đốc Sở Tài chính Kon Tum, vợ là bà Trần Thị Xuân Lan- Trưởng phòng tổ chức Cục thuế Gia Lai, toàn nghề dính đến chuyện tiền bạc. Tổng cộng tài sản của gia đình này bị bọn trộm khoắng lên tới 65 lượng vàng, trị giá khoảng gần 2,8 tỷ đồng.
Trộm cắt khóa cuỗm ô tô tiền tỷ tại nhà 1 quan chức ở Đồng Nai.
Điều xã hội chú ý và lấy làm lạ, không rõ vì sao, gia đình ông bà này khi trình báo lên cơ quan chức năng nhà bị trộm đột nhập, lúc thì kêu không mất tài sản, lúc thì kêu mất 05 cây vàng. Nhưng con số mà bọn trộm khai tại cơ quan điều tra là tới 65 lượng. Chả lẽ bọn trộm mắc bệnh thần kinh, thích "nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại" (một ngày tù bằng ngàn năm ở ngoài)?
Thiên hạ bàn loạn về thái độ hai phía, nạn nhân và thủ phạm, chả biết ai thật thà, hay gian dối hơn ai? Còn báo chí nhân vụ việc này, liệt kê một loạt vụ "Trộm vào nhà, quan chức lộ ra vàng khối, tiền tỉ" (TS, ngày 24/7).
Nào là nhà GĐ Sở GTVT Bắc Kạn bị trộm khoắng hơn 01 tỷ. Nào là trộm "hỏi thăm" 57 lượng vàng trong nhà cán bộ văn phòng UBND tỉnh Nghệ An, mà ông chủ nguyên là cảnh sát giao thông tỉnh. Nào là nhà trưởng ban quản lý dự án huyện Đông Hải (Bạc Liêu), bị khoắng 1,5 tỷ đồng. Nào là nhà cán bộ thuế quận Bình Tân, t/p HCM bị trộm hơn 06 tỷ đồng v.v... và v.v...
Cũng chả thấy các nạn nhân đáng thương lên tiếng đến một câu. Có điều, một tên trộm, thủ phạm vụ khoắng hơn 06 tỷ đồng, dù mang tiếng trộm đạo, cũng còn thật thà hơn khối kẻ khi hắn tự nhận: Nhà quan chức thì mới lắm tiền nhiều của, chứ nhà dân thường lấy đâu tiền mà đột nhập cho mất công!
Kẻ phạm tội đã bị pháp luật xử lý thích đáng. Có điều, dư âm của những vụ trộm vẫn dai dẳng trong xã hội, nhất là ở địa phương có các quan chức mất trộm, vì một mất, mười ngờ...
Được biết, liên quan đến vụ án trộm khoắng 65 lượng vàng, UBKT Tỉnh ủy Kon Tum đang tiến hành kiểm tra lại việc kê khai tài sản của ông Nguyễn Đình Thọ và sẽ có báo cáo gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum.
Giữa lúc đó, mới đây, UB Kiểm tra TƯ quyết định cử đoàn cán bộ đến Bến Tre, xác minh toàn bộ tài sản của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng thanh tra CP.
Quyết định này dựa trên những thông tin gây ồn ã trên báo chí về khối tài sản khủng của ông Truyền. Ngoài ra là việc ông này đã ký bổ nhiệm tới 60 cán bộ lãnh đạo các cục, vụ, trực thuộc cơ quan TTCP trước lúc hạ cánh. Trong số đó, có những người không thuộc diện quy hoạch, năng lực lại hạn chế.
Cho dù việc này từng được biện hộ, "đây là thực tế do yêu cầu công tác cán bộ, tuy nhiên cũng có sơ suất..." thì dư luận xã hội vẫn có quyền đặt dấu hỏi, tại sao lại sơ suất gấp gáp thế? Nhất là trong bối cảnh, nạn mua quan bán tước, nạn "đi đêm" chạy ghế, chạy chức trầm trọng.
Ngày 1/7, tiếp xúc với các cử tri tại quận Ba Đình (Hà Nội), trước những bức xúc, và đề nghị thẳng thắn của cử tri với Tổng Bí thư, đồng thời cũng là Trưởng ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng, người đứng đầu tổ chức Đảng đã phát biểu: Dù đã về hưu cũng không choqua! Và ông cho biết, ngoài 07 đoàn kiểm tra của TƯ, sẽ tiếp tục thành lập các đoàn kiểm tra ở các địa phương.
Trước đó, theo TS, ngày 12/6, UB Kiểm tra TƯ cũng vào cuộc điều tra vụ tài sản khủngcủa Phó Tổng TT Ngô Văn Khánh, do báo chí thông tin.
Những động thái này cho thấy quyết tâm chống tham nhũng của nước Việt khá mạnh mẽ. Nhưng một câu hỏi cần đặt ra? Liệu những kết quả điều tra có phản ánh thực chất được sự thật mà báo chí, lòng dân đang nghi vấn, và đòi hỏi làm rõ trắng đen trước công luận hay không?
Liệu công cuộc chống tham nhũng có thành công, khi mà hiện nay:
Cơ chế quản lý, thanh toán tài chính, trừ việc trả lương bằng tài khoản, hầu hết các thanh khoản, giao dịch trong xã hội vẫn là tiền mặt. Điều đó, cho thấy rất khó xác định được nguồn gốc tài chính của các nhân sự trong diện kê khai là do đâu, từ đâu, ở đâu?
-Mặt khác, việc công khai tài sản của các nhân sự cấp cao, mới chỉ đạt tiêu chí... kê khai, chứ chưa phải là công khai và minh bạch. Sự công khai và minh bạch chỉ có nghĩa, khi xã hội quản lý được tận nguồn gốc các nguồn tiền, nguồn tài sản cá nhân có được.
Sự kiểm tra của cấp trên với những khối tài sản khủng của các nhân sự nêu trên, xét cho cùng, cũng mới chỉ đạt ở mức độ, căn cứ vào bản kê khai tài sản, tài chính của nhân sự, chính vì phụ thuộc vào hai điểm "thiếu" nói trên.
Có câu nói, một nửa bánh mì vẫn là bánh mì, còn một nửa sự thật không phải là sự thật
Chính vì thế, mà xã hội ta vẫn tiếp tục phải sống chung với ... một nửa sự thật. Là vậy!
Từ chuyện "dzô dzô đến chuyện... đô, đô", thật ra, là vấn đề của một nền luật pháp, trước sau phải hướng tới sự thượng tôn, sự công khai minh bạch trong thiết chế quản lý.
Chỉ khi đó, văn minh, văn hóa mới có cơ ngự trị.
Theo Vietbao
Khi "một dân thường cũng làm rung động chính trường" Một người dân bình thường cũng có thể chụp một bức ảnh, đưa thêm ít thông tin và đôi ba câu bình luận trên Facebook. Sức lan truyền của thông tin trong xã hội bây giờ là vô tận. Sức mạnh và áp lực mà truyền thông bây giờ tạo ra so với truyền thông trước đây có khác không, thưa ông? Ông...