An táng ngoài vũ trụ, tro cốt lóe sáng như ngôi sao, giá 42 triệu
Giờ đây, với mức giá khoảng 42 triệu VND, người ta có thể gửi lọ tro thi hài của người thân ra ngoài không gian vũ trụ. Lọ tro sẽ bay vòng quanh trái đất trong vài tháng và sau đó tự động phát nổ như một ngôi sao lóe sáng lần cuối.
Thay vì chôn cất người thân theo cách truyền thống, trong tương lai, con người sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, chẳng hạn như nhờ một con tàu không gian đưa lọ tro thi hài bay vào vũ trụ.
Kế hoạch này hoàn toàn không phải một ý tưởng bất khả thi. Thực tế, đó chính là dịch vụ mà sắp tới một công ty có tên Elysium Space sẽ cung cấp.
Theo thông tin quảng cáo mà Elysium Space đưa ra, những lọ tro thi hài sẽ được phóng vào không gian vũ trụ, bay quanh quỹ đạo trái đất trong vòng vài tháng và đến một thời điểm nhất định, nó sẽ tự bốc cháy trong khí quyển tựa như “một ngôi sao phát nổ”.
Video đang HOT
Công ty này cho biết họ còn xây dựng một chương trình phần mềm để người thân của người đã khuất có thể theo dõi quỹ đạo bay của lọ tro qua các thiết bị điện tử như máy tính hay điện thoại.
Người thân sẽ có thể dõi theo chuyến hành trình của tên lửa, biết được chính xác vị trí của tên lửa và thậm chí còn có thể quan sát được trái đất từ góc quay của camera gắn trên tên lửa. Chuyến bay đầu tiên được dự kiến sẽ diễn ra trong năm 2014 này.
Người sáng lập ra công ty Elysium Space – ông Thomas Civeit vốn là một kỹ sư hàng không vũ trụ của NASA. Ông Civeit chia sẻ: “Một chuyến bay ra ngoài không gian dành cho người đã khuất sẽ là một trải nghiệm đặc biệt dành cho gia đình và bạn bè, để họ có thêm một kỷ niệm đáng nhớ về người mà họ yêu quý”.
Ở kỷ nguyên vũ trụ, việc di chuyển ra ngoài không gian đã không còn là ước muốn xa vời. Việc đưa tro của người đã khuất ra ngoài vũ trụ, theo ông Civeit, sẽ giúp chúng ta mỗi khi nhìn lên bầu trời đều có thể mỉm cười và tin chắc rằng, một người thân của mình đang ở trên bầu trời kia.
Việc phóng lọ tro ra ngoài không gian sẽ do một tên lửa tự động kích thước nhỏ đảm nhiệm. Elysium Space tuy vậy không phải là công ty đầu tiên đưa ra gói dịch vụ đặc biệt này.
Trước đây, từ năm 1997, một công ty có tên Celestis đã từng đưa tro của người quá cố vào vũ trụ. Chuyến bay đầu tiên mà Celestis thực hiện là dành cho lễ tang của người đã sáng tạo ra loạt phim truyền hình và sau đó là loạt tác phẩm điện ảnh “Star Trek” – ông Gene Roddenberry.
“Star Trek” kể về những chuyến hành trình ngoài không gian vũ trụ của biệt đội phi hành gia Starfleet. “Star Trek” cũng là loạt tác phẩm nổi tiếng nhất trong suốt sự nghiệp của biên kịch – nhà sản xuất phim Gene Roddenberry.
Là một con người có những ý tưởng vượt tầm thời đại, luôn bị “ám ảnh” bởi những gì hiện đại đến siêu thực của tương lai, Gene Roddenberry muốn lễ tang của mình cũng phải mang phong cách hiện đại khác thường.
Sau khi vợ của Roddenberry qua đời hồi năm 2009, tro của bà cũng được phóng vào không gian theo chồng. Sau này, công ty Celestis còn thực hiện thêm hai cuộc an táng ngoài không gian vũ trụ cho nam diễn viên James Doohan – người từng tham gia diễn xuất trong “Star Trek” phiên bản truyền hình và phi hành gia từng đặt chân lên sao Thủy – Gordon Cooper.
Khi khách hàng mua dịch vụ của Elysium, họ sẽ nhận được một món quà khuyến mại, đó là những viên nang nhỏ, nén một phần tro của người đã khuất trong đó. Trên thân viên nang còn có khắc tên người đã khuất để người thân trong gia đình có thể giữ lại làm kỷ niệm. Hiện tại, giá của một chuyến bay như vậy vào khoảng 1.990 đô la (tương đương hơn 42 triệu VND).
Ngoài ra, những lời nhắn gửi của người thân tới người đã khuất cũng sẽ được khắc lên những tấm kim loại mỏng gắn trên thân tên lửa.
Sau vài tháng quay quanh quỹ đạo trái đất, tên lửa sẽ bay trở lại vào vùng khí quyển và bốc cháy hoàn toàn thành tro bụi, đảm bảo sẽ không còn một mảnh vỡ nào “lang thang” ngoài không gian.
Elysium Space cho biết hiện tại khách hàng của công ty chủ yếu đến từ Mỹ và Nhật Bản. Việc bay qua dải Ngân hà và sau đó trở thành một ngôi sao nhỏ bốc cháy trên bầu trời có lẽ là một hình ảnh đẹp mà nhiều người muốn dành tặng cho người thân quá cố của mình.
Theo Datviet