“Án sai phải sửa, oan phải đền, không thể lẩn trách nhiệm”
“Có người nói VKS, tòa án thống nhất tái thẩm để lẩn tránh trách nhiệm. Đã xác định oan sai, sai phải sửa, oan phải đền. Về trách nhiệm pháp lý, giám đốc thẩm hay tái thẩm đều như nhau”, Trung tướng Trần Văn Độ – Phó Chánh án TAND tối cao khẳng định.
Việc hung thủ Lý Nguyễn Chung xuất hiện được Phó Chánh án TAND tối cao Trần Văn Độ đánh giá là một tình tiết mới mà trước đó, trong quá trình điều tra, xét xử vụ án, cơ quan tố tụng không biết. Nhấn mạnh quan điểm không gọi nhân vật này là “hung thủ mới” của vụ án giết người xảy ra 10 năm trước, ông Độ cho rằng đây là tình tiết mới. Nếu tình tiết đó là sự thực khách quan khi CQĐT chứng minh được là đúng với thực tế xảy ra thì sẽ làm thay đổi bản chất vụ án.
Có ý kiến cho rằng Lý Nguyễn Chung ra đầu thú không phải là tình tiết mới vì việc Chung gây án đã xảy ra cách đây 10 năm, không hề mới, chỉ là CQĐT không phát hiện ra. Bác bỏ ý kiến này, ông Độ phân tích: “Rõ ràng không có thông tin nào trong quá trình từ xét xử sơ thẩm đến phúc thẩm cho rằng Lý Nguyễn Chung là người phạm tội cả nên đây rõ ràng là một tình tiết mới”.
Trung tướng Trần Văn Độ: “Án oan sai, sai thì phải sửa, oan thì phải đền”. (Ảnh: Việt Hưng)
“Yếu tố quyết định ở đây là bản tự thú của anh Chung. Qua đó, các cơ quan chức năng xem xét lại, có thể có những vi phạm nhất định về tố tụng mà lúc này chưa thể khẳng định được sai phạm ở khâu nào. Nhưng tất cả những sai sót đó, về nguyên tắc, tòa án phải hủy đi để điều tra lại một cách rõ ràng, cẩn trọng” – ông Độ nhận định.
Về băn khoăn khả năng “xóa án” cho ông Chấn khi phiên xử tái thẩm cũng chỉ là tuyên hủy án để điều tra lại chứ không tuyên ngay là người ngồi tù oan 10 năm không phạm tội, ông Độ trấn an: “Đã xác định anh Chung là người phạm tội thực sự, có bản tự thú như thế, nếu chứng minh được thông tin đúng khớp với sự thật thì rõ là ông Chấn vô tội”.
Tuy vậy, với giả thiết, nếu Lý Nguyễn Chung không đầu thú, ông Chấn sẽ không có cơ hội được giải oan, tướng Độ vẫn cho rằng có thể có những ngoại lệ, phát sinh các tình tiết mới khác mà cơ quan tố tụng có thể xem xét. Ví dụ như có nhiều đơn từ nói về việc thủ phạm là người khác. Ông Độ khẳng định, nếu có những việc phát sinh như vậy đều có thể xem xét lại án vì việc minh oan cho một người bị kết tội không có hạn định, có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào.
Video đang HOT
Trung tướng Trần Văn độ cũng gạt thẳng nghi ngại hướng kháng nghị tái thẩm dẫn đến cách hiểu ông Chấn chịu án oan không phải do lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng mà do yếu tố khách quan, bất khả kháng. Theo ông Độ, đã là án oan thì việc xác định oan sai như thế nào, chỗ nào là trách nhiệm của các cơ quan, không thể chối bỏ.
Khẳng định vấn đề này, Phó Chánh án phân tích, hệ quả pháp lý về vấn đề trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong 2 trường hợp tái thẩm và giám đốc thẩm đều giống nhau, xác định oan sai, sai thì phải sửa còn oan thì phải đền. Án sai thì phải hủy và đình chỉ vụ án đối với người bị oan.
“Tôi thấy cũng có người ý nói rằng tái thẩm để lẩn tránh trách nhiệm thì không phải, không có chuyện đó. Về trách nhiệm pháp lý thì giám đốc thẩm hay tái thẩm đều như nhau” – ông Độ nhắc lại.
Từ vụ án oan này nhìn lại, Phó Chánh án TAND tối cao cũng cho rằng, có nhiều cách để hạn chế “rủi ro” cho công dân trong tố tụng như nâng cao trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng, nâng cao trình độ của lực lượng điều tra, kiểm soát, xét xử. Và quan trọng, mọi người dân phải luôn xác định ý thức tố giác tội phạm.
“Như trong vụ án này, một số người biết ngay từ đầu hung thủ là người khác nhưng cuối cùng không tố giác, không khai báo, không làm gì cả dẫn đến quan điểm nhận định sai lầm về vụ án” – ông Độ bày tỏ.
Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình: tái thẩm hay giám đốc thẩm, sai phạm vẫn bị xử lý
Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình: “Tái thẩm hay Giám đốc thẩm, thì những vi phạm (nếu có) của các cơ quan thực hành tố tụng vẫn bị xử lý” (ảnh: Việt Hưng).
Cũng trao đổi với báo chí về vụ việc liên quan đến án oan 10 năm tù của ông Nguyễn Thanh Chấn tại Quốc hội hôm nay, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, tái thẩm hay giám đốc thẩm, thì những vi phạm (nếu có) của các cơ quan thực hành tố tụng vẫn bị xử lý. Nhưng sai ở giai đoạn nào, đặc biệt những vụ án có kết quả cuối cùng thì việc xem xét trách nhiệm cá nhân và tập thể tham gia quá trình tố tụng đều bị xử phạt, thậm chí xử lý nghiêm.
“Như vậy, không thể có chuyện tái thẩm thì tránh được, đến giám đốc thẩm mới đặt ra (trách nhiệm tập thể, cá nhân tham gia quá trình tố tụng – PV). Còn tại sao cần phải tái thẩm vụ ông Chấn là vì có tình tiết mới và tòa không biết những tình tiết đó làm thay đổi bản chất vụ án. Cụ thể ở đây xuất hiện đối tượng Lý Nguyễn Chung và khả năng phạm tội của Chung là khá rõ ràng, dù tòa chưa tuyên”, ông Bình phân tích.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng kể cả giám đốc thẩm hay tái thẩm thì kết luận của tòa án đã được luật pháp quy định bác kháng nghị, chấp nhận kháng nghị hoặc hủy án trả lại điều tra bổ sung.
“Các kết luận của tái thẩm và giám đốc thẩm đều giống nhau. Và cũng không phải tái thẩm có thể kết luận khác, giám đốc thẩm có thể kết luận khác. Không bao giờ xảy ra chuyện đó trong luật pháp”, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định.
Theo Dantri
Từ vụ 10 năm oan sai: Chặn ngay hành vi bức cung!
Những câu nói, hành động của điều tra viên khi ép cung, bức cung, nhục hình được ông Chấn nhớ như găm vào tim.
Đó là những ngày tháng khốn nạn nhất trong cái kiếp làm người của ông Chấn
Một công dân chỉ là nghi can, điều tra viên đã nghĩ đó là tội phạm. Xưng hô như chợ búa, quát nạt mày tao rất thiếu văn hóa. Rồi bức cung, ép cung, gây áp lực tâm lý, khống chế tinh thần để bị can hoảng loạn mà nhận tội. Hình ảnh của điều tra viên đó sao?
Những người có chức trách điều tra tội phạm đã tìm ra tội phạm bằng cách như vậy đó. Những người chấp pháp lại coi thường pháp luật. Coi thường pháp luật là coi thường sinh mạng của công dân và án chung thân của Nguyễn Thanh Chấn chỉ là một ví dụ. Còn bao nhiêu Nguyễn Thanh Chấn sau song sắt các nhà tù, đó là một câu hỏi day dứt tâm can của bất cứ ai còn có lương tâm.
Phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can các cá nhân có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn ngay lập tức để trả lại sự công bằng, công lý, để chấn chỉnh kỷ cương phép nước.
Không thể chần chừ được nữa.
Nếu công tâm, điều tra nghiêm túc, sẽ tìm ra nhiều chứng cứ chứng minh có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp trong vụ án này. Nhưng vấn đề không chỉ xử lý những cá nhân, tập thể gây ra oan sai, mà phải hạn chế được oan sai để không còn những bản án kết tội cho người vô tội.
Từ thập niên 60 của thế kỷ trước, phạm nhân Ernesto Miranda ở bang Arizona (Mỹ) đã đưa ra cảnh báo về "Quyền im lặng", và "sáng kiến" rất văn minh của phạm nhân này trở thành một quy định mang tính pháp lý, đó là người bị bắt giữ, trước khi bị thẩm vấn phải được thông báo một cách rõ ràng rằng họ có quyền giữ im lặng và phải được thông báo rõ ràng người đó có quyền tư vấn luật sư hoặc có luật sư bên cạnh khi bị điều tra, thẩm vấn.
Một bị can chỉ đối diện với cán bộ điều tra trong quá trình điều tra thì sẽ bị bất lợi về mặt pháp lý. Tình trạng bức cung, xâm phạm hoạt động tư pháp cũng từ sự "độc quyền" khai thác nghi phạm mà ra.
Con người có nhiều quyền, im lặng cũng là quyền. Không ai có thể nhân danh quyền lực để bức ép người khác nói ra điều bất lợi cho họ, đưa ra những bằng chứng chống lại họ.
Theo Xahoi
10 năm tù oan, 3 lần tìm cái chết Sau 10 năm bị giam giữ, ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, ở xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã được trả tự do. Đoàn tụ cùng gia đình, nhưng ông Chấn vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại những tháng ngày khổ cực trong tù. Tự sát bất thành Suốt 10 năm trong tù, ông Chấn đếm từng...