Ăn rau dớn giữa ‘mùa vàng’ Tú Lệ
Buổi sáng đầu tiên ở Tú Lệ, thung lũng lúa thơm bát ngát này đón tôi bằng ánh nắng vàng mọng như mật ong rừng. Nhưng mệt và đói, chẳng còn tâm trí đâu ngắm cảnh đẹp, tôi lân la xuống gian bếp của một nhà hàng nằm ở con dốc thoai thoải ngay đầu Tú Lệ.
Thịt gà vàng óng, cá hấp thơm nức, nhưng tôi chú ý ngay đến mấy bó rau rừng xanh rờn đang được hai cô gái trẻ thoăn thoắt ngắt bỏ phần non thả vào chiếc rổ tre.
Ấy là rau dớn, một loại rau chẳng lạ lẫm gì mấy với những ai sinh ra ở miền rừng. Trong ký ức của tôi, nó là loại rau có những chiếc vòi dài xanh nõn như vòi voi, từa tựa dương xỉ, thường mọc ở những nơi ẩm ướt bên bờ suối.
Thế nhưng hỏi cô bé phục vụ trong bếp của nhà hàng, cô lại bảo gùi rau dớn mướt mắt mà tôi đang thấy được hái trên núi đá, có khi đi rất xa mới hái được đầy một gùi. Mỗi chiều, nhà hàng thu mua lại của người dân trong bản với giá khoảng 10.000 đồng/bó. Một bó ấy cũng chưa chắc làm được một đĩa rau vì phải ngắt bỏ phần già đi nhiều lắm.
Sáng hôm sau, tôi tẩn mẩn lội ra bờ suối, hình như cũng chẳng thấy bụi rau dớn nào. Ngước nhìn lên những ngọn núi cao vợi, tôi cứ thầm nghĩ chẳng hiểu thứ rau điệu đà ấy đang trổ lá ở vách núi nào trước mặt.
Video đang HOT
Còn trưa hôm nay, những ngọn rau lúc lỉu vòi dài này đang được chuẩn bị để chế biến thành món nộm. Đã từng ăn rau dớn nhiều lần, nhưng chủ yếu là rau xào với thịt trâu, bò, tôi háo hức khi nhìn thấy cả rổ rau được cho vào chõ – một dụng cụ nấu xôi của người Thái, đồ lên hay theo cách nói của người dân nơi đây là “xôi” lên cho chín tới. Rau chín được dỡ ra rổ, để nguội bớt.
Chị Hoàng Thị Ngọc, đầu bếp của nhà hàng chìa cho tôi xem rổ rau húng quế thơm lừng, thứ sẽ được dùng trộn cùng món nộm. Húng quế Tú Lệ rất lạ, cọng và lá nhỏ xíu nhưng mùi thơm thì ngất ngây điếc mũi. Ngắt ngọn húng quế thành từng đoạn ngắn, lạc rang thơm giã dập, tỏi đập dập, tất cả trộn đều với rau dớn rồi tắm mình trong nước cốt chanh.
Bóp nhè nhẹ tay đến khi rổ rau tỏa lên mùi thơm quyến rũ của húng quế, ngầy ngậy của lạc rang và thoáng chút hăng hăng của tỏi. Tôi được mời nếm thử một miếng rau vừa trộn. Kỳ lạ thật, dù đã được “xôi’ lên và “chần” lại lần nữa bằng cốt chanh nhưng cọng rau xanh non vẫn giòn ngọt lạ lùng. Tôi thích nhấm nháp phần vòi tỏa ra từ mỗi ngọn rau, vừa bùi vừa sần sật tựa như ăn râu mực vậy.
Chị Ngọc kể, chẳng phải hôm nào cũng có rau dớn đãi khách. Ngày hôm nay khách vào nhà hàng có tới hai, ba đoàn, nhưng cả mấy gùi rau chỉ làm được năm đĩa nộm. Vui chuyện, tôi hỏi chị về món rau dớn xào, hóa ra người Tú Lệ không xào rau dớn với thịt trâu, bò như ở những nơi khác, chỉ đơn giản xào cùng cơm mẻ như rau lang.
Chẳng ngờ, miếng nộm rau dớn tôi nếm thử trong nhà bếp cũng là miếng rau duy nhất tôi được ăn trong ngày. Với những du khách dưới xuôi vốn luôn thèm rau sạch thì bao nhiêu cũng chẳng đủ. Tú Lệ trong tôi chuyến đi này có nhiều điều tiếc nuối, tiếc chưa được ngắm gái Thái múa xòe, chưa dám tắm suối nước nóng như gái bản. Nhưng tiếc nhất, có lẽ là đĩa nộm rau dớn buổi trưa ngày hôm ấy.
Theo Tapchiamthuc
Xôi nếp Tú Lệ
Đã hết mùa lúa chín, cũng chưa đến mùa nước đổ trên những thửa ruộng bậc thang huyền ảo, nhưng chẳng phải vì thế mà Tú Lệ (Yên Bái) không còn gì hấp dẫn để khám phá.
Bởi vào lúc trời lành lạnh thế này, được nắm trên tay một nắm xôi nếp Tú Lệ dẻo thơm nóng hổi, vừa ăn vừa hít hà thì không còn gì tuyệt bằng.
Dẻo thơm xôi nếp Tú Lệ - Ảnh: Seiya
Lúa ở Tú Lệ chín theo mùa, một năm có một vụ vào tháng 9, tháng 10, mùa nước đổ vào tháng 2, tháng 3 năm sau. Gạo nếp Tú Lệ từ lâu đã nổi tiếng trong dân gian là một trong những loại nếp dẻo thơm bậc nhất. Với điều kiện giao thông, buôn bán thuận lợi như ngày nay, gạo nếp Tú Lệ đã đi khắp các miền đất nước.
Nhưng đến Tú Lệ sau khi mùa màng đã kết thúc, thưởng thức món xôi nếp mới Tú Lệ do chính bàn tay người dân Tú Lệ đồ thì hoàn toàn khác hẳn. Ở chính nơi này mới cảm nhận được thật sâu hương vị hiếm có của nó.
Dọc thị trấn Tú Lệ, rất dễ dàng tìm được quán xôi để ăn. Tạt vào quán quen bên đường, mấy anh em gọi ngay món xôi Tú Lệ thịt nướng. Vừa ăn vừa nhẩn nha hỏi chuyện cô chủ hàng.
Truyền thuyết kể rằng xa xưa tổ tiên người Thái được các vị tiên giáng trần ban cho một loại thóc giống với lời dặn phải tìm nơi khí hậu, đất đai phù hợp gieo trồng để có loại lúa nếp thơm ngon đặc biệt. Vâng lời, người Thái đã du cư khắp các vùng Tây Bắc tìm đất gieo hạt mà không nơi nào như ý.
Chỉ đến khi gặp thung lũng phì nhiêu dưới chân đèo Khau Phạ, nhờ dòng nước mát trong từ con suối Mường Lống nuôi dưỡng, giống lúa nếp "trời ban" ấy mới khoe hết những phẩm chất của mình. Người ta còn kháo nhau gạo nếp Tú Lệ phải ngâm và đồ bằng nước suối trong vắt chảy ra từ những con suối đầu nguồn trên đỉnh Khau Phạ mới là thứ xôi nếp ngon nhất...
Thực hư thế nào trong những câu chuyện thần tiên truyền miệng không thể kiểm chứng được, mấy anh em cứ ngồi gật gù đáp lễ cô chủ hàng, nhưng thấy xôi nếp mình đang thưởng thức trên tay đã đủ kỳ diệu lắm rồi...
Hạt gạo nếp Tú Lệ trứ danh đều, dài, căng mẩy, hạt nào hạt nấy nhìn trong veo rất ngon mắt. Cầm một nắm gạo nếp Tú Lệ trên tay, thấy nặng mà mát mượt như nhung. Thứ gạo ấy đồ lên, chẳng cần thêm nước dừa nước yến gì mà xôi vẫn cứ thơm, dẻo, ngọt từng hạt một. Dẻo mềm mà không bị ướt, bị dính. Ngọt mà càng nhai kỹ thì lại thấy bùi. Bùi mà không béo, không ngấy, ăn vào không thấy ngán, không thấy đầy đầy, ứ ứ như các loại xôi nếp thông thường khác.
Làm nên "danh tiếng" của xôi Tú Lệ còn phải kể đến các hương thơm của nó. Cái hương thơm cứ ngạt ngào như thể hương hoa ban, hoa trẩu, hoa sở... của núi rừng Tây Bắc đọng lại mà thành; dạt dào, khoáng đạt như thể hương của đồng nội, của núi rừng Tây Bắc kết tinh lại mà ra. Hương thơm ấy cứ nhẹ nhàng lan tỏa khắp không gian... ít loại xôi nếp nào có thể sánh kịp.
Nhấn nhá trong miệng một miếng xôi, rồi lại đổi vị bằng miếng thịt lợn nướng thơm phức thì cứ gọi là, thấy cuộc đời mình thật quá đỗi sung sướng. Nhưng ấy là mùa này không có măng ngọt - một loại măng rừng đặc sản của Yên Bái, chứ lên Tú Lệ tầm tháng 8 tháng 9, ăn xôi với măng ngọt xào thì không còn gì bằng. Cái tươi ngon, giòn ngọt của măng đưa đẩy, cái mùi hăng hăng, tươi mới của măng rừng nâng đỡ làm du khách ăn tới no căng mà vẫn không thấy chán, miệng vẫn còn thòm thèm...
Theo tuổi trẻ
Tú Lệ đẹp sững sờ khi mùa lúa chín Là một thung lũng thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, Tú Lệ là một trong những điểm dừng chân yêu thích của nhiều du khách yêu vẻ đẹp thiên nhiên. Giữa tiết trời thu, khi mùa lúa chín, chúng tôi quyết định đến Tú Lệ theo cung đường 32, đoạn Than Uyên (Lai Châu) - Văn Chấn (Yên Bái), nơi có những...