Án oan ở Yên Bái: Số phận những người trong cuộc
Trải qua hơn 30 năm, những người liên quan đến vụ án oan của ông Đặng Thuật – sinh năm 1933, trú tại tổ 18, phường Nguyễn Thái Học, thị xã Yên Bái, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Yên Bái) đều có những số phận riêng. Người phải bỏ quê đi biệt xứ, người sống trong men rượu vì chán nản, người thì qua đời được gần 5 năm mới “biết” được sự thật ngỡ ngàng.
Giám đốc thẩm tuyên “án oan” vẫn không được bồi thường
Ông Đặng Thuật, nguyên là Phó Ban Tài chính quản trị Tỉnh ủy Yên Bái. Vào tháng 11/1982 ông Đặng Thuật cùng 3 người khác là các ông Phùng Bích (Trưởng Ban Tài chính); Nguyễn Ngọc Lân (SN 1930, chức vụ Trưởng phòng Tài chính Ban Tài chính); Đặng Giang Đông (SN 1934, chức vụ Trưởng phòng vật tư Ban Tài chính) liên quan đến vụ án “Tham ô tài sản XHCN” vì liên quan đến việc mua bán vật tư.
Trong những lần mua vật tư đó, ông Đặng Thuật đều có giấy tờ viết tay, có chữ ký và lưu lại tại phòng kế toán, thậm chí có nhiều khoản đã được thanh toán trước.
Thấy việc tuyên án của TAND tỉnh Yên Bái là hết sức vô lý, ông Thuật đã làm đơn kêu oan khắp các nơi. Đến tháng 8/1989, trong Bản án Giám đốc thẩm do ông Phạm Hưng – Chánh án TAND Tối cao ký đã nói rõ: “Áp dụng khoản 3 điều 8 Bộ luật hình sự tuyên bố Đặng Thuật không phạm tội tham ô tài sản XHCN…”.
Bản án Giám đốc thẩm năm 1989 tuyên ông Đặng Thuật không phạm tội Tham ô tài sản XHCN.
Những tưởng sau quyết định tuyên vô tội này, ông Thuật sẽ được minh oan và phục hồi danh dự, quyền lợi. Vậy nhưng, các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái đã không làm như vậy.
Hơn 20 năm ròng, ông Thuật liên tục đề nghị được cơ quan tố tụng xin lỗi công khai, bồi thường danh dự, vật chất, tinh thần, nhân phẩm. Tuy nhiên, đến tháng 10/2008, ông Thuật vẫn không gột rửa được nỗi oan cho mình và đành ngậm ngùi đi xuống “suối vàng”.
Sự việc minh oan cho người cha, người ông của mình tưởng chừng sẽ rơi vào bế tắc cho đến trước lần giỗ thứ 5 của ông Đặng Thuật vào năm 2013, con cháu của ông mới phát hiện ra có 1 công văn của VKSND Tối cao gửi VKSND tỉnh Yên Bái vào tháng 7/2008 (trước khi ông Đặng Thuật mất 3 tháng – PV) yêu cầu hướng dẫn ông Đặng Thuật làm thủ tục bồi thường oan sai.
Theo người nhà của ông Đặng Thuật, công văn này đã bị lãnh đạo VKSND tỉnh Yên Bái (thời năm 2008) “giấu nhẹm” đi mà không cho gia đình biết. Chỉ đến khi có một nhân viên trong VKSND tỉnh Yên Bái biết chuyện và luôn cảm thấy bứt rứt trong lương tâm nhiều năm nên đã quyết định cho gia đình biết trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.
“Nếu như cha tôi, gia đình chúng tôi biết được công văn này vào thời điểm năm 2008, chắc hẳn cha tôi đã được bồi thường và ra đi thanh thản”, một người con của ông Đặng Thuật đau đớn thốt lên.
Gần 5 năm sau ngày mất của ông Đặng Thuật, con cháu ông mới ngỡ ngàng biết được văn bản yêu cầu VKSND tỉnh Yên Bái hướng dẫn ông làm thủ tục bồi thường oan sai.
Số phận những người trong vụ án oan bây giờ ra sao?
Video đang HOT
Những hình thức kỷ luật áp dụng đối với bốn lãnh đạo của Ban Tài chính quản trị Tỉnh ủy Yên Bái do liên quan đến vụ “tham ô tài sản XHCN” được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra quyết định đã khiến những người này rơi vào tình cảnh lao đao trong một thời gian dài.
Sau phiên tòa sơ thẩm, ngày 01/4/1985, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái ra quyết định giải tán Ban Tài chính, giải tán chi bộ; giao cho Chánh văn phòng Tỉnh ủy trực tiếp quản lý ngân sách Đảng về các cơ sở vật chất của Ban đang sử dụng không cần bàn giao, đồng thời giao cho các cơ quan văn phòng Tỉnh ủy ra quyết định buộc thôi việc ông Nguyễn Ngọc Lân, Đặng Giang Đông, trả về địa phương nơi đang cư trú.
Trong số bốn nguyên lãnh đạo của Ban Tài chính bị truy tố về tội tham ô tài sản XHCN, ông Đặng Thuật là người duy nhất kiên trì đấu tranh 20 năm đòi công lý cho mình. Sự kiên trì của ông đã khiến ông trở thành “gương mặt quen thuộc” với các cơ quan công quyền ở Yên Bái, khi mỗi lần ông mang đơn, thư kêu oan gửi đến.
Bà Đỗ Thị Lợi – vợ ông Đặng Thuật tâm sự với PV về án oan của chồng mình.
Cũng bởi vì án oan này mà ông Đặng Thuật bị “thân bại danh liệt”. Đau khổ tủi nhục bao trùm lên cả gia đình suốt hàng chục năm qua. Ông Thuật cũng là người đầu tiên trong bốn người, đã qua đời khi bản án minh oan cho mình chưa được thi hành án.
Ba đồng nghiệp của ông cũng mỗi người một số phận. Ông Đặng Giang Đông đã cùng vợ con chuyển lên Lào Cai sinh sống. Ông Phùng Bích – thời gian cuối đời già yếu, bị mù lòa. Ông Nguyễn Ngọc Lân một thời gian dài chìm trong men rượu vì chán nản, và ông không có được niềm may mắn là được vợ con cảm thông…
Bà quả phụ Đỗ Thị Lợi, nhắc đến nỗi oan khiên của người chồng quá cố, lần nào cũng không kìm được dòng nước mắt. “Khi trút hơi thở cuối cùng, điều mà ông ấy dặn dò ở lại, đó là nỗi day dứt mà ông ấy mang theo sang bên kia thế giới, day dứt với tâm nguyện được minh oan bằng việc thực thi bản án công khai, lúc đó ông ấy mới được ngậm cười…
Điều gia đình tôi mong mỏi, đó là tâm nguyện của ông ấy được thực hiện. Chúng tôi không phải đặt mục tiêu đòi tiền đền bù, mà quan trọng, nó là hiện hữu của danh dự và công lý đối với cả gia đình”, vợ ông Thuật cho biết.
Theo Đất Việt
30 năm tìm công lý, xuống suối vàng chưa được minh oan
Người oan sai trong vụ án kéo dài từ những năm 80 của thế kỷ trước đã trút hơi thở cuối cùng trong niềm đau đáu bản án được thi hành công khai để được minh oan, tìm lại danh dự cho mình và cho gia đình.
Vụ án oan đã có kết luận Giám đốc thẩm của TAND Tối cao; VKSND Tối cáo đã có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản để hướng dẫn bồi thường oan sai cho người bị hại. Thế nhưng, một thời gian đằng đẵng bản án vẫn chưa được thi hành.
Oan
Người bị oan sai trong vụ án "Tham ô tài sản XHCN" xảy ra vào thời điểm đầu những năm 1980 là ông Đặng Thuật, nguyên Phó ban Tài chính quản trị Tỉnh ủy tỉnh Hoàng Liên Sơn cũ.
Bà quả phụ Đỗ Thị Lợi (75 tuổi) tiếp tục đi đòi công lý thay chồng.
Ngoài ông Đặng Thuật còn có các ông: Phùng Bích (Trưởng Ban Tài chính); Nguyễn Ngọc Lân (SN 1930, chức vụ Trưởng phòng Tài chính Ban Tài chính); Đặng Giang Đông (SN 1934, chức vụ Trưởng phòng vật tư Ban Tài chính).
Ngày 15/11/1982, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn thành lập đoàn kiểm tra Ban Tài chính theo nội dung đơn tố cáo tập thể lãnh đạo Ban Tài chính tham ô tài sản XHCN.
Kết luận báo cáo lên Thường vụ Tỉnh ủy cho thấy, 4 cán bộ của Ban đã "tham ô số tiền 1.700.000 đồng".
Từ kết luận này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã khai trừ Đảng đối với 4 người nói trên; cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án tham ô chiếm đoạt tài sản; Giám đốc Công an tỉnh ra quyết định khởi tố bị can, khám nhà bắt giam hai ông Nguyễn Ngọc Lân và Đặng Giang Đông; ban hành lệnh tước quyền công dân đối với ông Đặng Thuật, Phùng Bích và quản thúc tại cơ quan.
Tháng 12/1984, VKSND tỉnh Hoàng Liên Sơn tống đạt cáo trạng với bốn bị can; buộc tội ông Đặng Thuật "tham ô 3.000kg xi-măng mua của xí nghiệp xi măng địa phương giá cao bán giá tự do 01 đồng/1kg; 1.200 viên gạch xi-măng lát nền giá 0,37 đồng/1 viên thừa bán thanh lý; 06 tấm kính xây dựng; 1.600kg xăng dầu giá 1,1đồng/kg...".
Điều đáng nói, đây đều là những vật tư thừa được Tỉnh ủy cho chủ trương bán thanh lý cho các cán bộ trong khối Đảng ủy và UBND tỉnh Hoàng Liên Sơn thời kỳ đó.
Ngoài 4 cán bộ lãnh đạo của Ban Tài chính còn có hơn 200 cán bộ, Đảng viên khác cũng được mua bằng hình thức mua chịu, trừ dần vào lương hoặc tạm ứng/vay phiếu của cơ quan thanh toán một phần, cũng tiếp tục trừ dần vào lương khoản vay này.
Phiên tòa sơ thẩm ngày 11/01/1985, TAND tỉnh Hoàng Liên Sơn đã tuyên các bị cáo Nguyễn Ngọc Lân 30 tháng tù; Đặng Giang Đông 24 tháng tù; phạt bị cáo Đặng Thuật 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 24 tháng đều về tội tham ô tài sản XHCN.
Ngoài ra, các bị cáo còn chịu trách nhiệm dân sự về việc bồi thường, án phí và xử lý tang vật.
Tại bản án hình sự phúc thẩm số 591 ngày 30, 31/12/1986, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã áp dụng điều 133 Bộ Luật hình sự về tội tham ô tài sản XHCN, phạt bị cáo Nguyễn Ngọc Lân 12 tháng tù; Đặng Giang Đông 9 tháng tù; phạt bị cáo Đặng Thuật 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Ngày 10/4/1989, Chánh án TAND Tối cao ban hành bản kháng nghị đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND Tối cao xét xử lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, theo hướng hủy bản án phúc thẩm nói trên; giao hồ sơ vụ án cho TAND cấp phúc thẩm xét xử lại nhằm xem xét lại trách nhiệm hình sự đối với ba bị cáo Nguyễn Ngọc Lân, Đặng Giang Đông và Đặng Thuật.
Ngày 10/8/1989, TAND Tối cao đã xét xử giám đốc thẩm; tuyên Nguyễn Ngọc Lân 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; miễn hình phạt cho Đặng Giang Đông về tội tham ô tài sản XHCN; tuyên ông Đặng Thuật 'không phạm tội tham ô tài sản XHCN", chuyển hồ sơ Đặng Thuật cho cơ quan Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn xử lý bằng biện pháp khác.
20 năm gõ cửa để được... thi hành án
Với bản án Giám đốc thẩm của TAND Tối cao, ông Đặng Thuật đã được minh oan, không phạm tội "tham ô".
Điều lớn hơn nữa, đó là ông đã được minh oan, đã dám đứng thẳng, nhìn thẳng, dám tiếp xúc và rửa được hàm oan đối với những đàm tiếu của dự luận trong một thời gian dài; xóa bỏ được sự kỳ thị do những hệ lụy của thời kỳ đó đối với gia đình, con cái mình.
Thế nhưng, bản án tuyên nhưng việc thi hành án lại không được thực hiện.
Bà Lợi bên bàn thờ chồng.
Ròng rã từ thời điểm cuối năm 1989 đến tận ngày 31/10/2008, 20 năm trời với 268 lá đơn được ông Đặng Thuật miệt mài, kiên nhẫn đạp xe gõ cửa các cơ quan nhà nước. Nhưng, cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, nguyện vọng của ông vẫn chưa được thực hiện...
Điều "an ủi" dành cho ông, đó là ngày 02/11/2004, tòa phúc thẩm TAND Tối cao có công văn gửi cho ông về việc yêu cầu ông cung cấp các tài liệu để Tòa tối cao làm cơ sở xem xét, bồi thường thiệt hại cho việc ông bị oan sai theo Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngày 22/11/2004, ông Thuật đã liệt kê 98 mục với các tài liệu kèm theo để bàn giao cho TAND Tối cao theo yêu cầu.
Tuy nhiên, 6 tháng sau, Chánh tòa phúc thẩm TAND Tối cao có công văn trả lời: trường hợp của ông Thuật không nằm trong diện của NQ 388?
Đau đớn vì việc xử oan đã được TAND Tối cao tuyên vô tội, nhưng bồi thường oan sai theo kết luận bản án không được thi hành, ông Thuật lại bền bỉ đi gõ cửa các cơ quan công quyền.
Sau khi ông qua đời, vợ ông, bà quả phụ Đỗ Thị Lợi (75 tuổi) tiếp tục thay chồng đi kêu oan để đòi bồi thường oan sai theo quy định pháp luật cho người chồng quá cố.
Theo Ủy ban thẩm phán TAND Tối cao: Tòa án cấp phúc thẩm xác định cơ quan tỉnh ủy (Ban tài chính quản trị Hoàng Liên Sơn) cố tình trạng nhượng bán nguyên vật liệu xây dựng và một số mặt hàng khác cho nhiều người trong và ngoài cơ quan tỉnh ủy; phần lớn hàng hóa được xuất bán bằng giấy viết tay (lệnh bướm) của trưởng phòng vật tư hoặc trưởng phòng tài chính) và chưa thu được tiền, trong đó có cả bốn lãnh đạo của Ban tài chính là các ông Nguyễn Ngọc Lân, Đặng Giang Đông, Đặng Thuật. Tòa phúc thẩm kết luận các bị cáo này đã tham ô tài sản XHCN núp dưới danh nghĩa mua chịu.
Theo Ủy ban thẩm phán TAND Tối cao: kết luận như thế là có phần chưa khách quan vì: các tài liệu hồ sơ cho thấy có rất nhiều người chứ không riêng các ông Thuật, Lân, Đông... mua tài sản chịu của Ban tài chính.
Những giấy tờ này (ghi nợ, vay phiếu, thậm chí có nhiều khoản đã được thanh toán trước...) của các bị cáo đều được thủ kho, kế toán của Ban Tài chính lưu giữ.
Đây là cơ sở quan trọng để Hội đồng thẩm phán tuyên ông Đặng Thuật không phạm tội tham ô tài sản XHCN.
Theo VietNamNet
Lừa bán thiên thạch, lãnh 10 năm tù Ngày 24.9, TAND TP.HCM xử sơ thẩm, tuyên phạt Bùi Minh Phụng (38 tuổi, ngụ huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) 10 năm tù về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Bị cáo Phụng tại tòa Trước đó, ngày 15.5, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Võ Quang Trực (47 tuổi) 10 năm tù và Phạm Trọng Duân (37 tuổi) 7 năm tù...