Án oan, gỡ mãi chưa xong
Từ ngày ông Đinh Quang Điền (TP Buôn Ma Thuột) nhận được quyết định đình chỉ vụ án, trả lại tự do, đến nay đã gần 4 năm. Dù Viện Kiểm sát đã tổ chức xin lỗi công khai về việc phê chuẩn quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Điền, nhưng bồi thường các thiệt hại nghiêm trọng đối với nạn nhân thế nào cho thỏa đáng, là điều vẫn chưa được thực thi!
Ông Điền trở lại xưởng gỗ hoang tàn.
Mới đây, ông Đinh Quang Điền (thường trú tại tổ dân phố 10, phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột) gửi đơn đề nghị Viện trưởng Viện KSND Tối cao xem xét kháng nghị bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Đắk Lắk, cho rằng Tòa đã xử ép, tuyên giảm hẳn số tiền bồi thường, khiến ông đã khổ vì bị bắt oan lại thêm thiệt thòi.
Ông Điền cũng gửi đơn kêu cứu đến nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và báo Tiền Phong, đề nghị các cấp có thẩm quyền phải xử lý nghiêm minh các cán bộ cố ý làm trái, khiến ông từ chỗ là một đảng viên, chủ doanh nghiệp đang làm ăn thuận lợi trở thành tù nhân gánh tội lừa đảo, sự nghiệp tan tành, cha mẹ khổ đau lâm bệnh mà chết, con cái bơ vơ gián đoạn học hành…
Căn cứ hồ sơ, có thể tóm tắt sự việc như sau: Năm 2005, ông Điền thành lập công ty TNHH Quang Điền, mở nhà máy chế biến gỗ tại Khu công nghiệp Tân An ngoại thành Buôn Ma Thuột, chuyên chế tác hàng gia dụng từ nguồn gỗ nhập khẩu từ Lào. Việc làm ăn đang thuận buồm xuôi gió thì bất ngờ, từ một lá đơn tố cáo nặc danh, theo đề nghị của Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột, ngày 22/6/2011 Viện KSND TP Buôn Ma Thuột phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Điền về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Ông Điền bị tạm giam 8 tháng, quản thúc thêm 8 tháng tại gia. Ngày 15/10/2012, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk kết luận ông Điền không phạm tội, ra các quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, hủy lệnh kê biên tài sản, trả lại các đồ vật và tài liệu tạm giữ, đồng thời thông báo để cấp ủy Đảng liên quan phục hồi lại sinh hoạt Đảng cho ông Điền.
Sáng 31/1/2015 tại UBND phường Tân An, Viện KSND TP Buôn Ma Thuột đã tổ chức buổi gặp mặt và xin lỗi công khai ông Đinh Quang Điền về việc cơ quan này đã phê chuẩn quyết định khởi tố, bắt tạm giam oan sai. Viện KSND tỉnh Đắk Lắk khẳng định để xảy ra những sai phạm như trên, trách nhiệm thuộc về một kiểm sát viên, một Phó Viện trưởng và Viện trưởng Viện KSND TP Buôn Ma Thuột. Các cá nhân này có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng bồi thường thiệt hại cho ông Điền.
Ngày 7/3/2013, ông Đinh Quang Điền có đơn gửi Viện KSND TP Buôn Ma Thuột yêu cầu bồi thường tổng cộng hơn 21 tỷ đồng thiệt hại. Ngày 8/10/2013, Viện có văn bản hồi âm chỉ chấp nhận bồi thường cho ông Điền số tiền hơn 267 triệu đồng. Ông Điền kiện ra tòa. Luật sư hướng dẫn chỉ được kê ra các thiệt hại có căn cứ, nên ông Điền giảm số tiền đòi bồi thường xuống còn 6,9 tỷ đồng.
Video đang HOT
Ngày 20/5/2015, TAND TP Buôn Ma Thuột đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, tuyên buộc Viện KSND TP Buôn Ma Thuột bồi thường cho ông Điền hơn 2,8 tỷ đồng. Cả 2 phía đều kháng cáo. Ngày 28/8/2015 TAND tỉnh Đắk Lắk xử phúc thẩm, tuyên Viện KSND TP Buôn Ma Thuột chỉ phải bồi thường cho ông Điền gần một tỷ không trăm mười bảy triệu đồng.
Ông Điền tiếp tục kháng án lên cấp Tối cao, đồng thời ông cũng tố cáo cách xử lý nhóm cán bộ cố ý làm trái trong vụ này của các cơ quan Công an, Kiểm sát là “giơ cao đánh khẽ”, không đủ tác dụng ngăn ngừa cán bộ tái phạm việc gieo rắc oan sai. Theo ông Điền, mâu thuẫn bắt đầu từ việc một điều tra viên xin 3 mét khối gỗ nhóm 1, ông không cho, cả nhóm đã gây khó bằng nhiều cách với công ty mà đỉnh điểm là lệnh bất ngờ bắt tạm giam ông, phong tỏa toàn bộ nhà máy.
Trả lời báo Tiền Phong về việc đã xử lý thế nào với các cán bộ sai phạm gây oan cho ông Điền? Trung tá Bùi Trọng Tuấn – Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Đắk Lắk xác nhận Công an tỉnh đã điều chuyển vị trí công tác 5 cán bộ Công an thành phố Buôn Ma Thuột, trong đó có 4 người bị kỷ luật cảnh cáo, 1 người bị khiển trách.
Ông Lê Quang Tiến, Viện phó Viện KSND tỉnh Đắk Lắk cho biết, các cán bộ gây oan sai cho ông Điền đều đã nhận quyết định kỷ luật, người bị cách chức, người hạ bậc lương, chuyển công tác khác. Tuy nhiên ông Điền vẫn gửi đơn lên Viện KSND Tối cao, cho rằng xử lý như vậy chưa thỏa đáng, nên Cục Điều tra của Viện KSND Tối cao đã vào Đắk Lắk và đang xem xét lại toàn bộ hồ sơ!
Giữa tháng 8/2016, đưa phóng viên đến xem xưởng chế biến gỗ tới nay vẫn hoang tàn, chất đầy máy móc các loại hư hỏng rỉ sét không phục hồi lại được, ông Điền đau xót giãi bày: Chỉ bằng một lá đơn nặc danh vu khống, cán bộ điều tra và công tố đã đẩy tôi vào tù, khiến sự nghiệp tôi tan tành, cha mẹ tôi đau khổ lâm bệnh mà chết, việc học hành các con tôi dang dở. Oan khổ này, biết đến bao giờ mới được gỡ cho xong.
Theo Hoàng Thiên Nga (Tiên Phong)
"Bước ngoặt" bất ngờ trong hành trình "gột rửa" tiếng oan
43 năm trước, ông Thêm từng mang phận tử tù. Đằng đẵng gần nửa thế kỷ, thân phận ấy tưởng sẽ theo ông đến lúc nhắm mắt xuôi tay.
Ông Thêm cùng người thân dự buổi lễ xin lỗi chiều 11/8
Chiều 11/8, cả gia đình ông Trần Văn Thêm (80 tuổi, trú xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) rưng rưng nước mắt xúc động trong lễ công bố quyết định đình chỉ bị can và xin lỗi của ngành Tư pháp. 43 năm trước, ông Thêm từng mang phận tử tù. Đằng đẵng gần nửa thế kỷ, thân phận ấy tưởng sẽ theo ông đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Nhưng rồi, pháp luật nghiêm minh đã giúp ông rửa sạch tiếng oan...
Vụ án oan lịch sử
Để hiểu rõ hơn hành trình đi tìm công lý đằng đẵng của ông Trần Văn Thêm và gia đình, cần quay trở lại mốc thời gian 46 năm trước. Đó là đêm 23/07/1970. Theo hồ sơ vụ việc, ông Thêm và người em họ là ông Nguyễn Khắc Văn cùng nhau đi bán thuốc lào và mua quả trám đen. Khi về tới địa bàn xã Đông Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phú) thì trời tối nên cả hai vào chòi ven đường để ngủ. Khoảng 1h sáng, khi đang ngủ thì ông Thêm thấy choáng váng vì ai đó đã đập búa vào đầu mình. Cùng lúc, tên cướp cũng đã kịp đập một nhát vào đầu ông Văn.
Vẫn còn chút tỉnh táo, anh em ông Thêm chống trả quyết liệt. Tên cướp thấy vậy liền lao xuống sông mất dạng. Thời điểm này, dân làng nghe tiếng kêu cứu chạy đến. Tại hiện trường, trên tay ông Thêm vẫn cầm chiếc cọc thồ dính máu. Cả hai được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng ông Văn đã tắt thở trên đường. Sau đó, ông Thêm bị cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phú cáo buộc giết em họ để cướp của.
Năm 1973, TAND tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) xét xử sơ thẩm và tuyên phạt ông Thêm tử hình về hai tội Giết người và Cướp tài sản. Bất chấp việc tại phiên tòa, ông Thêm kêu oan và trình bày ông cũng là nạn nhân như những gì đã diễn ra. Một năm sau, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội bác kháng cáo kêu oan của ông và y án tử hình. Cuối năm 1975, ông Thêm được giám thị trại giam Đức Phú gọi ra khỏi phòng biệt giam để đi thực nghiệm hiện trường. Khi ra đến hiện trường, ông mới biết là có nghi phạm khác bị bắt và khai nhận hành vi giết chết ông Văn cũng như đánh ông bị thương.
Sau đó, ông Thêm được đưa về trại giam của Bộ Công an ở Hà Nội. Hai ngày sau, ông được một cán bộ giải thích là do có vết thương ở đầu nên ông được cấp giấy miễn lao động nặng và được đưa ra Bến xe Gia Lâm để bắt xe khách về nhà ăn Tết với gia đình. Từ đó, không ai đoái hoài gì đến ông nữa.
Tại buổi lễ diễn ra chiều 11/8, ông Thêm chấp nhận lời xin lỗi từ Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Tuân (người thay mặt cơ quan tố tụng - PV). Tuy nhiên, ông không quên xúc động kể lại nỗi khổ 43 năm mang thân phận tử tù. Quãng thời gian ấy, cũng chính là chuỗi ngày dài đằng đẵng ông và gia đình vác đơn kêu oan khắp nơi. Thế nhưng hết lần này đến lần khác, câu trả lời ông nhận được đều không như mong đợi.
Lưới trời lồng lộng
Cũng trong buổi lễ xin lỗi tràn đầy những giọt nước mắt sung sướng, ông Thêm không quên dành lời cảm ơn tới luật sư Vũ Trần Lợi. Theo ông Thêm, luật sư Lợi chính là người giúp ông gỡ bỏ oan khuất đeo đẳng gần nửa thế kỷ này. Cũng từ lời cảm ơn của ông Thêm, dư luận mới biết thêm về "bước ngoặt" làm sáng tỏ một vụ án đầy oan khuất.
Theo lời kể của gia đình ông Thêm bên lề buổi lễ thì sau nhiều thập kỷ kêu oan, hy vọng của gia đình cũng dần vơi cạn. Đúng lúc ấy (năm 2014), ông Thêm gặp luật sư Vũ Văn Lợi khi vị luật sư này đang tham gia bào chữa trong một vụ án ở huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh). Sau khi nghe ông Thêm kêu oan, luật sư Lợi đã nhận hồ sơ và hứa giúp đỡ.
Sau nửa năm nghiên cứu hồ sơ, LS Lợi vẫn không tìm thêm được manh mối nào. Giữa lúc đó, tháng 9/2014, ông bất ngờ nảy ra suy nghĩ: Công an Bắc Ninh có thể còn lưu trữ tài liệu về vụ án năm xưa của ông Thêm. Ngay sau đó, LS Lợi đã gửi công văn tới giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh đề nghị xác minh và cung cấp hồ sơ liên quan đến vụ án ông Trần Văn Thêm. Cuối năm 2014, phòng hồ sơ Công an tỉnh Bắc Ninh có văn bản phúc đáp khẳng định đang lưu giữ hồ sơ vụ án Giết người mà bị can trong vụ án có tên Trần Văn Thêm.
Ngay lập tức, LS Lợi đã cử nhân viên tới Công an tỉnh Bắc Ninh để tiếp nhận, sao chụp hai bản án liên quan đến vụ án ông Thêm. Chính từ hai bản án này, nội dung vụ án đã dần dần được sáng tỏ. Các cơ quan tố tụng trung ương vào cuộc và xác định ông Thêm thật sự bị oan. Cùng có mặt trong buổi lễ xin lỗi tổ chức công khai hôm 11/8, luật sư Lơi cho biết: "43 năm mang phận tử tù, nỗi khổ ấy của ông Thêm không bút mực nào tả xiết. Buổi lễ xin lỗi và công bố kết luận chính thức về vụ oan sai này vừa giúp trả lại công bằng cho gia đình ông Thêm, vừa giúp người dân thêm tin tưởng vào sự nghiêm minh của luật pháp".
"Trước mắt, tôi cùng gia đình ông Thêm sẽ chờ công bố kết luận chính thức về vụ oan sai và buổi xin lỗi công khai đối với ông vào sáng 11-8. Tiếp đó, chúng tôi sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để yêu cầu cơ quan tố tụng bồi thường oan. Tôi thật sự mừng cho ông Thêm cùng gia đình. 43 năm mang thân phận tử tù oan khiên, tôi những nghĩ chắc không nỗi khổ nào hơn thế..." - LS Lợi nói.
Chưa quan tâm đến chuyện đòi bồi thường
Hơn 40 năm vác đơn kêu oan cũng là từng ấy thời gian ông Thêm mang tiếng tử tù, là kẻ sát nhân giết em họ cướp của. Tai tiếng ấy khiến các con cháu ông và cả dòng họ ông cũng phải chịu khổ sở theo. Cũng bởi nỗi day dứt quá nhiều năm dồn nén, nên khi biết được minh oan, con cháu và người thân của ông Thêm cũng không thể cầm được nước mắt.
Gặp mặt báo chí, ông Thêm rưng rưng bảo: "Tôi may mắn khi trước lúc nhắm mắt xuôi tay được trả lại sự trong sạch. Nhưng giá như, điều này đến sớm hơn thì vợ chú Văn (nạn nhân Nguyễn Khắc Văn - PV) không phải mang nỗi day dứt, hận thù ra đi. Càng nghĩ, tôi lại càng đau đớn. Hai gia đình xưa kia thân thiết là thế mà mấy chục năm không hề qua lại với nhau. Giờ án oan trên đầu tôi được làm rõ, tôi chỉ mong các cháu bên nhà chú Văn thấu hiểu, để hai gia đình hàn gắn tình cảm lại như xưa".
Ôm chặt vai cha, vỡ òa trong cảm xúc hạnh phúc, anh Trần Văn Thảo lại nghẹn ngào khi được chúng tôi hỏi về chuyện bồi thường: "Mấy chục năm qua ông cụ sống mà như chết. Chuyện bồi thường oan sai gia đình tôi không quá quan trọng. Mừng nhất là cha tôi được thanh thản, gia đình tôi với gia đình chú Văn hàn gắn với nhau".
Theo Trần Vĩnh (Báo Gia đình & Xã hội)
Vụ án oan Trần Văn Thêm: Vì sao lại đình chỉ bị can? Đó là thắc mắc của nhiều người khi theo dõi vụ án oan kéo dài hơn 40 năm của cụ ông Trần Văn Thêm. Cụ ông Trần Văn Thêm đã bị cấp phức thẩm, sơ thẩm tuyên án tử hình, nhưng lại được "tạm tha" hơn 40 năm mà không được công khai oan sai. Ông Trần Văn Thêm cùng luật sư đến...