Án oan 10 năm: Tuổi thơ bão tố của sát thủ nhí
Những ngày qua, câu chuyện về người tù oan sai trở về sau 10 năm (ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), và việc hung thủ thật sự của vụ thảm án được hé lộ đã khiến cho người dân đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Sự khổ nhục vì oan sai của một đàn ông chất phác cùng với vô số câu hỏi lo ngại về những lỗ hổng trong hệ thống tư pháp dường như đã che mờ những điều đau xót và rất đáng phải suy nghĩ về chuyện một đứa trẻ 15 tuổi gây nên vụ thảm án.
PV đã tìm về nơi chôn nhau cắt rốn của Lý Nguyễn Chung để mong tìm được sự lý giải cho tội ác mà hung thủ gây ra.
Mẹ chết, cha bỏ đi khi còn trứng nước
Lần theo câu chuyện của vụ án oan sai, chúng tôi tìm về bản Nà Pán, xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn trong một chiều mưa khi mà vụ án oan ở Bắc Giang vẫn còn râm ran dư luận. Căn nhà được làm bằng đất, nơi gắn bó tuổi thơ, niềm hạnh phúc một thời của Lý Nguyễn Chung giờ đây có vẻ hoang tàn và lạnh lẽo. Nó hoang tàn không chỉ bởi lâu lắm rồi chưa được chăm sóc, sửa sang mà bởi ngay cạnh đó là một ngôi nhà mới khang trang hơn đang dần được hình thành.
“Gia đình nó (Lý Nguyễn Chung – PV) trước đây nghèo lắm, đến cái ăn còn chẳng đủ huống chi là cho con cái đến trường. Mấy anh, chị, em nhà nó lớn lên thiếu vắng sự chăm sóc của cả cha và mẹ. Thằng Chung thì còn may mắn hơn, được bố mang theo về sống với bà vợ hai. Nhưng dù sao cũng là “dì ghẻ, con chồng”, nên vào độ tuổi cần sự quan tâm giáo dục nhất nó lại không có, chính vì vậy nó mới gây nên tội khi tuổi đời chưa đến 15 tuổi”, ông Lý Văn Khòng, cậu ruột của Lý Nguyễn Chung chia sẻ.
Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, Lý Nguyễn Chung là con út trong gia đình có 5 anh, chị em. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn không chỉ khiến gia đình Chung lúc đó phải lao đao với cơm, áo, gạo, tiền mà mẹ của Chung là bà Lý Thị Hặng phải đau đớn bội phần, khi chứng kiến người chồng của mình thường xuyên rượu chè, chửi bới vợ con, thậm chí còn lao vào những cuộc tình chớp nhoáng.
Ông Khòng kể lại: “Trước đây, ông Chúc làm ở hợp tác xã, nên cũng có của ăn, của để. Nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy ông ấy mang tiền về cho vợ con gì cả. Mỗi lần có tiền, ông ấy lại đi đâu đó vài hôm, khi hết tiền lại về”. Ông Khòng nói tiếp: “Tôi còn nhớ, ngày đó mẹ thằng Chung mới sinh nó được một tháng tuổi nhưng nhà hết gạo mà ông Chúc thì bỏ đi đâu không thấy có ở nhà. Chị tôi lúc đó phải vào rừng hái lá chuối mang ra tận chợ ngoài Lộc Bình bán, rồi đổi gạo cho các con ăn đến tối mịt mới về. Thằng Chung ở nhà khát sữa nên khóc to lắm. Đúng lúc chị Hặng đi chợ về thì ông Chúc cũng về tới nhà. Nghe con khóc, ông Chúc không nói năng gì mà đi thẳng ra chỗ chị tôi tát bà ấy mấy cái, chỉ vì cái tội để con khóc. Trong mấy đứa con, có lẽ ông Chúc thương thằng Chung nhất đấy”.
Cuộc sống lam lũ vất vả khiến bà Hặng qua đời không lâu sau khi sinh Lý Nguyễn Chung. Bi kịch ập đến ngôi nhà này khi chỉ một ngày sau cái chết của bà Hặng, chị gái của Lý Nguyễn Chung là Lý Thị Lương cũng từ giã cõi trần vì không có tiền chữa bệnh. Trong khi gia đình đang quay cuồng vì tang tóc thì Lý Văn Chúc lại tỏ ra khá bình thản. Bà Lý Thị Mắn (vợ ông Lý Văn Khòng – PV) nhớ lại: “Vợ và con chết khoảng 2 hoặc 3 tháng thì Chúc bỏ nhà đi đâu không ai biết. Lúc ấy, thằng Chung mới chỉ được gần 2 tuổi. Trước khi đi nó không nói vói các con nó là đi đâu, mà nó gọi tôi ra rồi nói: “Tôi đi làm ăn xa, vì thằng Chung còn nhỏ quá không mang theo được tôi để nó ở nhà, có gì bà để ý nó cùng với bọn trẻ giúp tôi”. Rồi mấy hôm sau thì tôi không thấy nó ở nhà nữa, mà chỉ có mấy đứa con tự chăm sóc cho nhau”.
Ngôi nhà Lý Nguyễn Chung sống cùng với anh chị em khi mẹ ruột còn sống
Cũng theo bà Mắn, thì Lý Văn Chúc đi biền biệt từ đó thỉnh thoảng mới về thăm nhà và các con được một hai hôm. Trong khi ấy Lý Nguyễn Chung lớn lên trong sự thiếu thốn vật chất, thiếu thốn tình cảm. “Ông Chúc đi làm ăn được một thời gian thì trở về mang thằng Chung đi theo, khi chúng tôi hỏi thì ông Chúc không nói gì, mà chỉ bảo đi tìm mẹ cho thằng Chung. Trong khi đó, ba đứa con còn lại thì nó không cho đi theo. Nó bảo cứ ở nhà, nó đi làm có tiền sẽ gửi về cho chúng nó ăn tiêu. Nó đi khoảng hơn một năm thì gia đình chúng tôi mới biết tin nó lấy vợ hai ở tận dưới Bắc Giang, tên là Lành và thằng Chung được nó mang về dưới đó nuôi”, bà Mắn kể.
Video đang HOT
“Gia đình nhà ông Chúc trước đây nghèo lắm, đã vậy cuộc sống lại không gặp được may mắn. Trước khi về bản Nà Pán này dựng nhà sinh sống, nhà đấy phải chuyển 4 đến 5 cái nhà thì mới ổn định được. Tôi nghe ông Chúc nói, có lẽ nhà ông ấy bị ma ám. Bởi từ khi lấy chị gái tôi làm vợ, nhà đấy có đến 5 – 6 đứa con bị chết ấy. Mà đứa nào trước khi chết cũng bị đau bụng hết, ngay cả bà Hặng chết cũng vì cái bệnh này. Sau mỗi cái chết, nhà ông Chúc lại gọi thầy cúng ma, nhưng mãi chẳng thấy hết. Nhà đó nghèo cũng vì cúng ma đấy”, ông Khòng nói rồi chỉ cho chúng tôi bàn thờ “ma gác” trên nóc nhà. “Trước đây nhà ông Chúc phải làm nhiều bàn thờ “ma gác” như thế này lắm, để con ma nó không về bắt người nhà nó đi và không làm hại những người khác nữa, thế mà nó cũng có hết đâu”, ông Khòng thở dài giải thích.
Những đứa trẻ bế nhau xin ăn khắp xóm
Mất mẹ từ sớm, chị gái cũng mất ngay sau đó một hôm, cha thì bỏ đi biền biệt, Lý Nguyễn Chung lớn lên trong sự yêu thương, che chở của các anh, chị em trong gia đình, cùng sự cảm thông, sẻ chia của bà con hàng xóm. Tuổi thơ của Chung không có người chăm sóc và dạy dỗ nên từ nhỏ Chung đã trở nên vô cảm, sống khép kín và giản đơn.
Chị Lý Thị Xướng (là vợ của Lý Văn Phúc, anh trai cả của Lý Nguyễn Chung – PV) nói: “Từ ngày về làm dâu cho đến khi biết thông tin là em chồng mắc mắc tội giết người, tôi cũng ít có thời gian tiếp xúc với Chung. Nhưng nghe chồng tôi kể lại, ngày trước bố bỏ đi, mấy anh em phải đi xin ăn hàng xóm, nhiều hôm nửa đêm thấy Chung khóc, anh Phúc phải bế em ra tận đầu làng để xin sữa. Đến lúc lớn hơn một chút, vì bố chưa kịp gửi tiền về, với lại mấy anh em còn nhỏ chưa kiếm được ra tiền, nên gia đình nghèo đói lắm, có hôm anh Phúc và cô Yến (chị gái Lý Nguyễn Chung) phải ăn trộm cháo của nhà cậu ruột là ông Khòng để cho các em ăn nữa”, chị Xướng tâm sự.
Cũng bởi hiểu được sự khó khăn vất vả của gia đình, cũng như tình thương yêu của một người anh cả lo lắng cho các em và không hiểu biết nhiều về pháp luật nên khi biết Chung gây ra án mạng nên Lý Văn Phúc đã bảo Chung bỏ trốn vào Tây Nguyên. Cuộc sống khó khăn, cùng những bi kịch gia đình, cứ thế liên tiếp xảy ra với những con người bất hạnh này. Sau khi giúp người em chạy trốn khỏi sự việc chấn động trong vụ án với chị Nguyễn Thị Hoan, thì không lâu sau đó, năm 2005, Lý Văn Phúc cũng bị một người cùng làng của mình giết chết một cách dã man. Câu chuyện anh em Lý Nguyễn Chung dẫn nhau đi xin ăn và cái chết oan nghiệt của người anh và đứa em gây thảm án giờ đây với người dân Nà Pán có lẽ không ai là không biết.
Vụ án ở Bắc Giang đã trở nên nổi tiếng cả nước vì một người dân bình thường phải chịu nỗi oan và khổ nhục gần 10 năm trời. Nó cũng khiến dư luận đặt ra muôn vàn câu hỏi về những lỗ hổng trong hệ thống tư pháp.
Tuy nhiên, đối với người dân ở cái bản nhỏ này, nhiều người lấy làm tiếc vì không được chăm sóc đã biến một đứa trẻ thành một sát thủ máu lạnh. Rõ ràng việc vắng cha, mất mẹ, cuộc sống vất vả khiến Chung cùng các anh, chị, em hình thành tính tự lập một cách hoang dại. Không được học hành, không nhận được sự giáo dục, sự dạy dỗ của cha mẹ, nên họ sống rất tự phát và không có kỷ luật.
Thậm chí đến ngay người cha của họ là Lý Văn Chúc, khi bỏ những đứa con thơ dại của mình để lấy người thứ hai cũng theo kiểu không có cưới hỏi. Đó là một trong những nguyên lí giải tại sao Lý Nguyễn Chung trở thành một con người máu lạnh giết người man rợ khi chỉ mới là một đứa trẻ 15 tuổi. Và từ đó đã khởi nguồn cho nhiều bi kịch khác tiếp nối.
Theo Nguyễn Đỗ
Vụ Nguyễn Thanh Chấn: Người bình thường cũng biết là ép cung...
Người bình thường cũng có thể biết là ép cung, tuy nhiên việc đưa ra được bằng chứng chứng minh việc ép cung là rất khó." - luật sư Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Bỏ qua bằng chứng
Tại phiên họp Quốc hội sáng 21/11, Chánh án TAND Tối cao - Trương Hòa Bình trả lời chất vấn của Đại biểu về vụ ông Nguyễn Thanh Chấn: "Vụ án có oan hay không phải được xem xét kịp thời thấu đáo nhưng phải theo quy định pháp luật. Nếu đúng là để xảy ra oan sai, người liên quan trực tiếp, người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm. Việc ép cung, dùng nhục hình nếu có là điều không chấp nhận được, cần phải xử lý nghiêm. Nhưng cần phải chứng minh được việc đó."
Về trách nhiệm của tòa án nhân dân tối cao trong các án oan nói chung và vụ Nguyễn Thanh Chấn nói riêng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết: Đối với tòa án, các hội đồng xét xử dựa trên tài liệu chứng cứ, hồ sơ, tòa án thụ lý theo đúng quy định pháp luật. Nếu hồ sơ vụ án khép kín, tòa án giải quyết theo hồ sơ. Việc hội đồng xét xử phát hiện ra ép cung hay không là rất khó. Nếu bị can có yêu cầu thì mới phát hiện được.
Ông Nguyễn Thanh Chấn được trả tự do để điều tra lại vụ án sau 10 năm thụ án tù chung thân.
Phần trả lời chất vấn của Chánh án TAND Tối cao - Trương Hòa Bình đã vấp phải sự phản ứng của dư luận. Bởi, trong hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông Nguyễn Thanh Chấn đều không nhận tội, đồng thời ông cũng tố cáo việc Điều tra viên ép cung mình. Tuy nhiên, HĐXX đã bỏ qua, không xem xét thấu đáo yêu cầu của ông Chấn. Như vậy, phần trả lời của Chánh án Trương Hòa Bình đã mâu thuẫn trong vụ việc của ông Chấn.
Từ đây, dư luận đặt ra câu hỏi: Vậy việc phát hiện ép cung là khó hay dễ?
Trao đổi với PV về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Cty luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết: Việc ép cung, dùng nhục hình là vi phạm pháp luật, Hành vi ép cung là phạm tôị. Cụ thể, hành vi đó phạm vào điều 299 Bộ luật Hình sự, nếu vi phạm ở mức độ nghiêm trọng phải xử lý hình sự.
Việc cảm nhận có ép cung hay không, không đòi hỏi người cảm nhận được phải có khả năng khác thường. Tuy nhiên, việc chứng minh ép cung là rất khó vì các quy định về lấy cung trong quá trình điều tra còn rất hạn chế. Rất khó để có nhân chứng hoặc bằng chứng chứng minh cho việc có ép cung.
Để hạn chế vấn đề này, cần phải xây dựng các quy định cụ thể về thủ tục và điều kiện lấy cung. Ví dụ như về điều kiện và thủ tục phải có luật sư, kiểm sát viên hoặc người làm chứng; hay quá trình lấy cung phải ghi hình, việc này vẫn bảo đảm bí mật điều tra và cung cấp được bằng chứng khi cần thiết.
Trong vụ Nguyễn Thanh Chấn, bị cáo đã 2 lần kêu oan và tố điều tra viên ép cung trước tòa, tuy nhiên bị cáo không có bằng chứng để chứng minh điều đó ( vì rất khó với cách lấy cung hiện tại của các điều tra viên) nên hội đồng xét xử đã bỏ qua.
Việc ép cung, dùng nhục hình trong quá trình điều tra tại nước ta không phải mới xảy ra mà trước đó đã có tiền lệ. Đơn cử như vụ việc: Hai cảnh sát dùng nhục hình ép cung Osin tại Nha Trang, Cảnh sát ép cung xe ôm... đều xảy ra năm 2012 và còn rất nhiều vụ việc khác.
HĐXX suy diễn một cách chủ quan
Trong vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, luật sư Nguyễn Anh Tuấn cũng chỉ ra nhiều điểm bất cập như việc 3 Cơ quan; CSĐT, Tòa án, Viện kiểm sát đáng nhẽ phải độc lập với nhau, nhưng trước khi xét xử người ta đều tổ chức cuộc họp của 3 nghành với nhau để thống nhất quan điểm về vụ án. Điều này làm hạn chế rất lớn tính độc lập của các thẩm phán trong phiên tòa, cũng như làm vô hiệu các tình tiết mới không có trong hồ sơ vụ án tại tòa.
Nên dễ hiểu, việc Ông Chấn kêu oan và tố điều tra viên ép cung trước tòa nhưng đã không được Hội đồng xét xử xem xét một cách có trách nhiệm mà đã suy diễn một cách chủ quan.
Cùng quan điểm với luật sư đồng nghiệp, Luật sư Vũ Thị Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam phân tích: Việc các điều tra viên lấy lời khai cũng chỉ diễn ra giữa họ và bị cáo chứ không có người khác chứng kiến. Vả lại có những vụ án thời gian điều tra là mấy tháng, thậm chí là cả năm trời, đến khi ra tòa để tố cáo được hành vi của điều tra viên thì các dấu vết của việc dùng nhục hình bức cung, ép cung cũng ko còn.
Rất khó có thể tin được nếu một người hoàn toàn bình thường về mặt tâm thần lại tự dưng đi nhận một tội ác "tày đình" không do mình gây ra. Kể cả trong trường trường hợp thiếu hiểu biết nhất, khi đã trưởng thành thì ai cũng hiểu được rằng hành vi "giết người" là đặc biệt nghiêm trọng, có thể phải chịu hình phạt nghiêm khắc nhất của pháp luật.
Trách nhiệm, để oan sai trong vụ ông Chấn trước hết thuộc về Cơ quan điều tra đã làm sai lệch hồ sơ vụ án; tiếp đó là Viện kiểm sát vì với chức năng giám sát quá trình điều tra đã không phát hiện ra các sai phạm của Cơ quan điều tra cũng như các điều tra viên. Cuối cùng thuộc về Hội đồng xét xử vì quá trình xét xử có bước thẩm vấn tại tòa, hơn nữa ông Chấn đã kêu oan và và tố mình bị ép cung tại ngay phiên tòa với Hội đồng xét xử. - luật sư Tuấn cho biết thêm.
Điều tra viên phủ nhận ép cung
Đại tá Phạm Văn Minh - Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang sau đó cho biết các điều tra viên trực tiếp điều tra, xét hỏi ông Chấn hơn 10 năm trước đã hoàn tất việc giải trình mà theo đó "không thấy có vấn đề gì".
Tất cả các điều tra viên trong vụ án của ông Chấn trước đây (hiện nay đều đang giữ chức vụ lãnh đạo tại các đơn vị - PV) đều phủ nhận việc ép cung, đánh đập và hướng dẫn ông Chấn khai vào bản cung.
Theo Ngươi đưa tin
Người tù oan lóng ngóng làm người... bình thường Cho đến nay, ông Nguyễn Thanh Chấn, người vừa được minh oan sau 10 năm trong tù ở Bắc Giang đã về nhà được gần 2 tuần. Tuy nhiên, khi ngồi trao đổi với chúng tôi, ông Chấn cho biết vẫn chưa quen... làm người bình thường. Sức khỏe bị giảm sút nghiêm trọng, ngoài chứng đau đầu kinh niên, ông cũng không...