An ninh tài chính ngân hàng cuộc chiến không có điểm dừng
Tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng – nguồn cơn gây lên những bất ổn trong hoạt động ngân hàng nói riêng và thị trường tài chính nói chung đang trở thành nỗi ám ảnh với nền kinh tế toàn cầu cũng như mỗi quốc gia. Có thể khẳng định “ Sức khỏe” của nền kinh tế đang có vấn đề là do một phần không nhỏ của hoạt động tội phạm trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng gây ra.
Với khoảng 100 tổ chức tín dụng, ngân hàng trong và ngoài nước đang hoạt động, thị trường tài chính – ngân hàng của nước ta được xem là một trong những thị trường lớn, hấp dẫn và sôi động bậc nhất trong khu vực. Nhưng cũng chính vì vậy, thị trường tài chính – ngân hàng của nước ta vốn đang trong quá trình hoàn thiện cơ chế, pháp luật… đã trở thành mục tiêu tấn công của bọn tội phạm ngân hàng.
Tiền không có chân nhưng luôn luôn biết chạy nhờ các “cao thủ” tội phạm ngân hàng.
Hàng loạt các vụ án lớn đã bị phát hiện, điều tra, xử lý như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyễn Đức Kiên, Hà Văn Thắm, Phạm Thị Bích Lương, Phạm Công Danh… Chỉ tính riêng vụ Huỳnh Thị Huyền Như – nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Chi nhánh Nhà Bè Vietinbank lừa đảo đã gây thiệt hại đến 4.600 tỷ đồng, vụ Hà Văn Thắm – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng OceanBank vi phạm các quy định về cho vay gây thiệt hại gần 5.000 tỷ đồng và vụ Phạm Thị Bích Lương – Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Nam Hà Nội cố ý làm trái, vi phạm các quy định về cho vay gây thiệt hại 3.900 tỷ đồng; ngoài ra còn nhiều vụ án lừa đảo khác gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng… Đây là những con số rất đau xót trong điều kiện kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, đặc biệt số doanh nghiệp phải giải thể, dừng hoạt động ngày càng gia tăng….
Đặc biệt, theo thống kê mới nhất 70% bị can là cán bộ nhân viên ngân hàng trong các vụ án trong lĩnh vực ngân hàng và từ các vụ án nổi bật trên, có thể thấy tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng có chiều hướng gia tăng và đang dẫn tới tình trạng trực tiếp phá hoại, tổ chức và làm tha hóa, biến chất một bộ phận cán bộ, đảng viên.Thậm chí trong nhiều vụ án, các đối tượng phạm tội đã thao túng, chi phối toàn bộ hoạt động của ngân hàng.
Điển hình như vụ án tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh Bà Rịa – Vũng Tàu có tới 23 cán bộ phạm tội, gây thiệt hại 5 tỉ đồng. Hay như vụ tham ô 9 tỉ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Chi nhánh Chợ Mai… Đáng chú ý, đây đều là những vụ án tham ô có tổ chức, từ lãnh đạo đến kế toán, thủ quỹ ngân hàng tham gia tạo thành đường dây khép kín, hoạt động và che giấu tội phạm rất tinh vi.
Khi tham nhũng và chống tham nhũng hợp tác với nhau!
Điều nguy hiểm nhất là, loại tội phạm này không chỉ gây thiệt hại về mặt kinh tế mà còn làm gia tăng mức độ rủi ro và nguy cơ mất an toàn hệ thống của các ngân hàng. Điều này đã gián tiếp đẩy các ngân hàng vào tình trạng mất khả năng chi trả, đóng băng tín dụng, hoạt động gặp nhiều khó khăn.
Nghiêm trọng hơn khi những thông tin liên quan đến hoạt động phạm tội bị rò rỉ, các tổ chức cá nhân ồ ạt rút tiền gửi sẽ đẩy các ngân hàng vào tình trạng mất thanh khoản và nếu không có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước thì rất có thể sẽ xảy ra đổ vỡ dây truyền toàn hệ thống ngân hàng và tác động trực tiếp tới an ninh tiền tệ quốc gia.
Ví dụ cụ thể có thể kể đến vụ Nguyễn Đức Kiên khi chỉ trong vòng ít ngày sau khi thông tin đối tượng này bị bắt, hàng ngàn tỉ đồng đã bị rút khỏi Ngân hàng ACB khiến ngân hàng này đối diện với nguy cơ mất thanh khoản nghiêm trọng.
Video đang HOT
Thậm chí, hoạt động của loại tội phạm này còn đã khiến hệ thống ngân hàng hoạt động không đúng định hướng, làm cho khâu điều hành, quản lý của Ngân hàng Nhà nước không có tác dụng, kém hiệu quả, gây mất lòng tin của nhân dân, dẫn tới những bất ổn về kinh tế. Nó cũng được xem là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ xấu gia tăng trong những năm gần đây của nước ta. Thông qua những thủ đoạn kiểu như trên và đặc biệt là những “ma trận” được hình thành bởi sự móc nối từ nhóm đối tượng này, một lượng lớn tài sản, vốn của ngân hàng đã “chảy” vào túi của các “nhóm lợi ích”.
Một lượng lớn tài sản, vốn của ngân hàng đã “chảy” vào túi của các “nhóm lợi ích”.
Để rồi, bằng chính dòng tiền này, chúng mang đi đầu cơ thao túng thị trường khác như chứng khoán, bất động sản, vàng… gây lũng đoạn nền kinh tế mà biểu hiện của nó chính là hiện tượng sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng, sự chi phối của các “đại gia” trên thị trường tài chính – ngân hàng. Nguy hại hơn, nợ xấu và đặc biệt là nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản cũng đang được nhắc tới là một trong những thủ phạm chính cản trở quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Giới chuyên gia khi phân tích nguồn cơn của nợ xấu ở nước ta cũng đã nhiều lần lên tiếng khẳng định, phần lớn nợ xấu của nền kinh tế nói chung và nợ xấu ngân hàng nói riêng là do sự chi phối của “nhóm lợi ích”, mà bản chất là hoạt động của tội phạm ngân hàng gây ra.
Chúng đang sinh xôi, phát triển và phá hủy những thành quả mà nền kinh tế đã nỗ lực nhiều năm mới gây dựng lên, làm tổn thương “nguyên khí” của quốc gia. Nguy hại hơn, để khắc phục, trị tận gốc những hậu quả mà loại tội phạm này gây ra là vô cùng phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị mà ở đó, lợi ích quốc gia, lợi ích của nhân dân bị suy giảm nghiêm trọng.
Không manh động, liều lĩnh, nguy hiểm như tội phạm hình sự hay tội phạm ma túy song tội phạm kinh tế lại là những đối tượng có trình độ, có quan hệ xã hội và có cả khả năng về kinh tế. Vì vậy, đấu tranh với loại tội phạm này thường được xem như những cuộc đấu trí về bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần chủ động của các cán bộ chiến sĩ lực lượng cảnh sát kinh tế.
Những đối tượng phạm tội này đều có chức sắc và am hiểu tường tân pháp luật.
Theo nhận định của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, diễn biến của loại tội phạm này hiện đang rất phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi, xảo quyệt hơn.
Đặc biệt, trong nhiều vụ việc, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng còn mang tính quốc tế, hoạt động xuyên quốc gia như: Tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo qua mạng Internet, lắp đặt thiết bị máy ATM để sao chép, trộm cắp dữ liệu, thông tin thẻ tín dụng sau đó làm giả thẻ rồi rút tiền hoặc làm giả các lệnh chuyển tiền, buộc các ngân hàng trong nước phải thanh toán…
Sau khi một số vụ án lớn trong lĩnh vực ngân hàng như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyễn Đức Kiên, Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh… bị phát hiện, điều tra, xử lý đã có tác dụng răn đe tội phạm trong…
Nếu như năm 2014 vụ Huỳnh Thị Huyền Như và Nguyễn Đức Kiên – 2 “đại án” của ngành ngân hàng đã được đưa ra xét xử đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Thì đến năm 2016, vụ án Trần Công Danh cũng đang làm nóng dư luận bởi hành vi thao túng ngân hàng của Phạm Công Danh là đặc biệt nghiêm trọng, gây chao đảo hoạt động của hệ thống ngân hàng, lũng đoạn thị trường tài chính tiền tệ và có thể trở thành cơn “sóng thần” đe dọa phá nát nền kinh tế nếu các cơ quan công an không kịp thời phát hiện điều tra và bóc gỡ toàn bộ mạng lưới này.
Phạm Công Danh đang bị xét xử từ ngày 19/07.
Phạm Công Danh cùng các đồng phạm của y phải bị nghiêm trị để làm gương cho những ai đang có ý định lợi dụng chức vụ và quyền lực, lợi dụng sự tín nhiệm của người dân để làm trái pháp luật và trục lợi cho bản thân. Như lời khẳng định của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong buổi tiếp xúc cử tri sáng ngày 10/05/2016: “Đây là việc đang được nhà nước chỉ đạo rất kiên quyết. Tôi cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng nhằm đạt được mục tiêu, yêu cầu mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mong muốn. Xử lý tham nhũng là không có vùng cấm”.
Qua đó để thấy rằng, hậu quả của các vụ án liên quan đến lĩnh vực tài chính – ngân hàng là hết sức nặng nề và việc khắc phục hậu quả mà nó gây ra là hết sức khó khăn. Thậm chí, nó còn đe dọa đến vấn đề an ninh kinh tế của đất nước, là mầm mống gây bất ổn chính trị, cản trở quá trình phát triển, tái cơ cấu nền kinh tế và điều dễ nhận thấy nhất, vì mục đích cá nhân hay “nhóm lợi ích”, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng sẽ tìm mọi cách “bóp méo”, làm sai lệch nhiều chính sách, pháp luật của Nhà nước để trục lợi.
Thu An
Theo NTD
Chiêu trò thao túng Ngân hàng Xây dựng
Qua các vụ án ngân hàng đã và sắp đưa ra xét xử cho thấy càng ngày số tiền thất thoát từ các ngân hàng ở vụ sau "khủng" hơn vụ trước và hành vi rút ruột của các "ông chủ" ngân hàng cũng táo tợn hơn. Và, ông Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, là một trong những trường hợp điển hình.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử Phạm Công Danh và 35 bị cáo khác về vi phạm xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng dự kiến bắt đầu vào ngày hôm nay - 19/7
"Con voi chui tọt lỗ kim"
Phiên tòa sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử Phạm Công Danh và 35 bị cáo khác xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) dự kiến bắt đầu hôm nay (ngày 19/7) và sẽ kéo dài đến ngày 18/8. Một trong những vấn đề dư luận quan tâm tại Phiên tòa là lỗ hổng nào đã giúp Phạm Công Danh và đồng bọn thao túng mọi hoạt động của VNCB một cách dễ dàng?
Đọc kỹ phần kết luận trong bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về vụ án, có thể thấy, hành vi phạm tội của Phạm Công Danh như "con voi" nhưng vẫn chui tọt một cách dễ dàng qua "lỗ kim" của Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại VNCB.
Đơn cử như hành vi "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế", tổng thiệt hại mà Phạm Công Danh gây ra ở VNCB đã là hơn 7.000 tỷ đồng. Cụ thể, Danh đã chỉ đạo, tổ chức lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại cho VNCB 63,276 tỷ đồng; lập hồ sơ khống về việc thuê trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP.HCM gây thiệt hại 581,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, Danh đã chỉ đạo rút 5.190 tỷ đồng tại VNCB nhưng không được sự đồng ý và không có chữ ký của chủ tài khoản Trần Ngọc Bích tại VNCB trên các Ủy nhiệm chi và rút 300 tỷ đồng tại VNCB không có hồ sơ vay (liên quan đến 6 sổ tiết kiệm của 3 cá nhân thuộc Nhóm Trần Ngọc Bích). Mặt khác, Phạm Công Danh còn chỉ đạo việc phát hành, ủy thác đầu tư trái phiếu trái quy định, gây thiệt hại cho VNCB 903 tỷ đồng.
Về hành vi "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", với vai trò là Chủ tịch HĐQT VNCB, Danh đã tổ chức nhiều cuộc họp để chỉ đạo cấp dưới là Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB), Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn, Hoàng Đình Quyết và các đồng phạm sử dụng pháp nhân của 14 công ty để xây dựng các bộ hồ sơ kinh doanh mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống, lập các biên bản họp HĐQT không có thật.
Phạm Công Danh đã sử dụng các lô đất thuộc Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) và lô đất tại 209 Trường Chinh, Đà Nẵng (thực chất là đất của Tập đoàn Thiên Thanh), chỉ đạo định giá nâng giá trị các lô đất lên nhiều lần làm tài sản đảm bảo; chỉ đạo sử dụng tiền vay trái với phương án và mục đích kinh doanh.
Danh còn chỉ đạo 15 cá nhân chuyển khoản hoặc rút tiền mặt trái phép bằng các hồ sơ vay VNCB với số tiền là 4.700 tỷ đồng để trả nợ cho Ngân hàng BIDV 2.600 tỷ đồng (thay cho các công ty của Tập đoàn Thiên Thanh vay trong khoản vay 4.700 tỷ đồng của BIDV); trả 500 tỷ đồng cho Nhóm Trần Ngọc Bích (của cá nhân Danh); trả Nhóm Phú Mỹ 135 tỷ đồng (cho việc mua cổ phần). Số còn lại 1.465 tỷ đồng, Phạm Công Danh khai chi chăm sóc khách hàng nhưng không giải trình được cụ thể.
Ẩn khuất Tổ giám sát
Hậu quả để lại từ lỗ hổng giám sát ở VNCB là cực kỳ nghiêm trọng, nếu chỉ truy cứu hành vi thiếu trách nhiệm của các thành viên Tổ giám sát cũng chưa thể thuyết phục được dư luận về những chuyện ẩn khuất ở phía sau.
Trong những hành vi phạm tội của Danh, có điểm rất đáng để lưu ý. Thứ nhất, như trong bản cáo trạng có nêu rõ, sau khi được NHNN chấp thuận chủ trương Phương án tái cơ cấu TrustBank (ngày 6/9/2012), Phạm Công Danh đã nắm quyền kiểm soát, chi phối TrustBank (sau này đổi tên là VNCB), trong khi ngân hàng này đang bị NHNN đặt vào tình trạng kiểm soát và mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát - NHNN (theo Quyết định số 12/QĐ-NHNN ngày 14/2/2012).
Vậy thì lý do gì mà Tổ giám sát của NHNN lại không thể hiện được vai trò giám sát, để cho Phạm Công Danh và các đồng phạm vô hiệu hóa, mặc sức thao túng trong vòng hơn một năm rưỡi khi họ tiếp quản VNCB?
Lẽ đương nhiên là một số thành viên trong Tổ giám sát thuộc NHNN cũng đã bị cơ quan điều tra Bộ Công an "sờ gáy". Trong bản cáo trạng cũng có nêu về Quyết định tách vụ án hình sự số 5 ngày 11/3/2016 đối với hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" của 4 bị can (Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Ngô Văn Thanh) là thành viên Tổ giám sát của NHNN đặt tại VNCB và các cá nhân có liên quan để tiếp tục điều tra.
Do đó, để hiểu sâu hơn những khuất tất về Tổ giám sát của NHNN tại VNCB có thể sẽ còn phải chờ đợi thêm diễn biến ở một phiên tòa khác. Chỉ biết rằng, hậu quả để lại từ lỗ hổng giám sát ở VNCB là cực kỳ nghiêm trọng, nếu chỉ truy cứu hành vi thiếu trách nhiệm của các thành viên Tổ giám sát cũng chưa thể thuyết phục được dư luận về những chuyện ẩn khuất ở phía sau.
Theo Đấu Thầu
Cựu phó phòng ngân hàng giúp siêu lừa Huyền Như chiếm đoạt gần 700 tỷ đồng VKSND Tối cao cáo buộc, được trả riêng gần 4 tỷ đồng tiền hoa hồng, Huỳnh Thị Bảo Ngọc (nguyên phó phòng Quản lý quỹ Ngân hàng ACB) đã tổ chức nhận tiền uỷ thác trái phép giúp siêu lừa Huyền Như chiếm đoạt gần 700 tỷ đồng. Ảnh minh họa VKSND Tối cao đã uỷ quyền cho VKSND thành phố Hà Nội...