An ninh Syria bắn vào đám đông
Trung Quốc ủng hộ kế hoạch trưng cầu dân ý của Tổng thống Assad
Hàng ngàn người Syria tham dự đám tang 3 thanh niên ở Damascus hôm 18-2. Ảnh: AFP
Lực lượng an ninh tại thủ đô Damascus, Syria hôm 18-2 đã bắn vào đám đông người phản đối Tổng thống (TT) Bashar al-Assad trong đám tang 3 thanh niên bị giết chết một ngày trước đó, làm 1 người chết và 4 người bị thương. Ngoài ra, nhiều người đã bị bắt sau đó. Một người chứng kiến kể lại rằng dân chúng đã cố chạy trốn và tìm chỗ trú ẩn.
Ủy ban Phối hợp Địa phương, một tổ chức đối lập ở Syria, cho biết lực lượng an ninh đã sát hại khoảng 20 người trên khắp Syria hôm 18-2, trong đó có 5 người tại Homs, thành trì của phe đối lập. Các tổ chức nhân quyền cho rằng đã có khoảng 7.000 người tử vong kể từ khi nổ ra cuộc nổi dậy chống lại TT Assad hồi tháng 3-2011. Bên cạnh đó, chính phủ nước này cho biết ít nhất 2.000 thành viên lực lượng an ninh đã thiệt mạng khi chiến đấu với “các băng đảng có vũ trang và bọn khủng bố”.
Sự việc kể trên diễn ra chẳng bao lâu sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Zhai Jun kêu gọi chấm dứt 11 tháng bạo lực. Nhà ngoại giao này nói Trung Quốc ủng hộ kế hoạch tổ chức cuộc trưng cầu dân ý của TT Assad vào ngày 26-2 và cuộc bầu cử đa đảng sau đó để giải quyết cuộc khủng hoảng. Ông nhấn mạnh: “Trung Quốc ủng hộ lộ trình cải tổ đang diễn ra ở Syria và những biện pháp quan trọng đã được thực hiện trong lĩnh vực này”.
Video đang HOT
TT Assad đã đánh giá tình trạng hỗn loạn trên khắp đất nước Syria là một âm mưu chia rẽ nước này. Ông tuyên bố: “Thực tế mà Syria đang đối mặt là nỗ lực chia rẽ nước này và gây ảnh hưởng đến vị trí địa chính trị cũng như vai trò lịch sử của Syria trong khu vực”.
Trong khi đó, ông Faisal al-Qudsi, một trong những doanh nhân hàng đầu ở nước này, nói với BBC rằng kinh tế Syria đã bị lệnh trừng phạt của nước ngoài làm lụn bại và chính phủ đang từ từ tan rã. Ông nhấn mạnh rằng mặc dù Iran đang gửi tiền đến nhưng điều đó không đủ. Đồng thời, ông nhận định hành động quân sự của Syria chỉ có thể kéo dài 6 tháng.
Máy bay Mỹ trên bầu trời Syria Theo hãng tin AFP, một số máy bay không người lái của Mỹ đang hoạt động trên bầu trời Syria, theo dõi các vụ tấn công của quân đội Syria nhắm vào phe nổi dậy và thường dân. Các giới chức quốc phòng Mỹ khẳng định việc theo dõi này không nhằm chuẩn bị cho sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Syria. Tuy nhiên, chính quyền TT Barack Obama hy vọng Mỹ sử dụng chứng cứ bằng hình ảnh về Syria nhằm tạo sự phản ứng lan rộng trong cộng đồng quốc tế. Đài truyền hình NBC News cho biết Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc đã thảo luận về khả năng tiến hành sứ mệnh nhân đạo ở Syria. Thế nhưng, các giới chức Mỹ lo ngại sứ mệnh này có thể gây nguy hiểm cho dân chúng và gần như chắc chắn thu hút Mỹ nắm giữ một vai trò quân sự ở Syria.
Theo Người lao động
Syria sắp trưng cầu về hiến pháp mới
Trung Quốc hy vọng về một giải pháp hòa bình và thỏa đáng cho tình hình Syria
Quân đội Syria hôm 16-2 đã tấn công vào thành phố Deraa trong nỗ lực trấn áp lực lượng nổi dậy, theo lời cư dân thành phố và các nhà hoạt động đối lập. Thành phố sát biên giới với Jordan này là nơi cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad bắt đầu vào tháng 3-2011.
Tổng thống Assad xoa dịu dư luận
Cuộc tấn công này diễn ra theo sau những nỗ lực tương tự của quân đội chính phủ tại các thành phố Hama và Homs. Nó cũng diễn ra 1 ngày sau khi ông Assad quyết định tổ chức trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp mới vào ngày 26-2 trong nỗ lực xoa dịu sự phẫn nộ trước tình trạng đổ máu đang diễn ra ở nước này.
Đài truyền hình nhà nước Syria cho biết bản dự thảo hiến pháp này đã bỏ điều 8 - tuyên bố Đảng Baath cầm quyền là "lãnh đạo của nhà nước và xã hội". Động thái này cho phép thiết lập một hệ thống chính trị dân chủ đa đảng. Ngoài ra, theo dự thảo hiến pháp mới, tổng thống Syria phải là một người Hồi giáo và chỉ được phép đảm nhận cương vị này tối đa 2 nhiệm kỳ 7 năm. Dù vậy, hiện chưa rõ quy định mới này có được áp dụng cho ông Assad, người đang trong nhiệm kỳ thứ 2 của mình, hay không.
Khói bốc lên từ một đường ống dẫn dầu bị trúng bom ở Homs hôm 15-2. Ảnh: Reuters
Ngoài ra, dự thảo hiến pháp mới quy định các chính đảng mới không thể được lập dựa trên tôn giáo hoặc lợi ích khu vực. Quy định này dường như nhằm ngăn cản phong trào Anh em Hồi giáo bị cấm hoạt động hoặc các đảng người Kurd đang đòi quyền tự trị tham gia chính trường. Các cuộc bầu cử quốc hội sẽ diễn ra trong vòng 90 ngày sau khi dự thảo hiến pháp này được thông qua.
Các thủ lĩnh đối lập ở Syria và phương Tây ngay lập tức đã lên tiếng bác bỏ việc tổ chức cuộc trưng cầu ý dân nói trên. Ông Melhem al-Droubi, một thành viên của Hội đồng Quốc gia Syria đối lập và phong trào Anh em Hồi giáo, tuyên bố: "Sự thật là ông Bashar al-Assad đã gia tăng sự giết chóc ở Syria. Ông ta đã mất tính hợp pháp và chúng tôi không quan tâm đến những hiến pháp thối rữa của ông ta, cho dù cũ hoặc mới". Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng cho rằng sự tồn tại của chế độ Assad chỉ còn tính bằng ngày.
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu
Trên mặt trận ngoại giao, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc dự kiến trong ngày 16-2 (giờ New York) bỏ phiếu về một dự thảo nghị quyết không mang tính ràng buộc về vấn đề Syria. Nghị quyết này lên án mạnh mẽ việc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Syria, đồng thời ủng hộ kế hoạch được Liên đoàn Ả Rập đưa ra để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 11 tháng qua. Những người ủng hộ hy vọng dự thảo nghị quyết này sẽ được thông qua với tỉ lệ phiếu thuận cao nhằm phát đi một thông điệp mạnh mẽ đến chế độ của ông Assad.
Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực trung gian để chấm dứt 11 tháng đổ máu ở Syria khi quyết định cử Thứ trưởng Ngoại giao Trác Quân đến Damascus trong 2 ngày 17 và 18-2. Theo hãng tin AP, ông Trác Quân chính là người đã gặp một phái đoàn đối lập Syria tại Bắc Kinh vào tuần rồi. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân cho biết lịch trình của ông Trác Quân vẫn đang được sắp xếp và hiện chưa có thông tin về việc ông sẽ gặp ai tại Syria. Ông Dân nói: "Tôi tin rằng thông điệp của chuyến thăm này là Trung Quốc hy vọng về một giải pháp hòa bình và thỏa đáng cho tình hình Syria, đồng thời phía Trung Quốc sẽ đóng một vai trò tích cực trong việc dàn xếp này".
Theo Người Lao Động
Điều gì xảy ra tiếp theo ở Syria? Các diễn biến về khủng hoảng ở Syria đang đặt ra ba câu hỏi quan trọng: Điều gì có thể sẽ diễn ra tại nước này? Mỹ sẽ hành động như thế nào và bất ổn sẽ tác động ra sao đến toàn khu vực? Nhà báo Mỹ Fareed Zakaria đã tìm lời giải cho các câu hỏi này trong một bài viết...