An ninh nguồn nước: Cơ quan nào phải chịu trách nhiệm trước hàng triệu dân uống nước “bẩn”?
Nước quan trọng tới cuộc sống mỗi người dân như thế nào có lẽ không cần phải nói rõ.
Nhưng sau vụ nước sạch sông Đà bốc mùi mới thấy cả chính quyền và đơn vị cung cấp nước không hề có một quy trình xử lý khủng hoảng nào để người dân có thể an tâm.
Nhìn cách xử lý khủng hoảng mà… hoang mang
Người dân Hà Nội không thể quên đường ống nước sông Đà tính tới nay đã 21 lần bị vỡ, rò rỉ do chất lượng ống và việc thi công không đảm bảo yêu cầu. Với việc thiếu hụt nước sinh hoạt cho người dân Thủ đô, năm 2015, Hà Nội đã khởi công dự án cấp nước sông Đà giai đoạn 2, nâng công suất lên 600.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành.
Mỗi lần vỡ, rò rỉ đường ống, hàng chục tới hàng trăm ngàn hộ dân Hà Nội lại khốn đốn.
Tới vụ nước Sông Đà bốc mùi như lần này đã biến thành một cuộc khủng hoảng về nước thực sự nhưng nhìn lại, chúng ta chưa hề có một quy trình để đảm bảo an ninh nguồn nước như thế nào cho người dân mặc dù để vận hành được một nhà máy nước, quy trình phải thông qua nhiều cơ quan chức năng của ngành Tài nguyên môi trường, Xây dựng, Khoa học- Công nghệ…
Người dân Hà Nội chờ lấy nước từ Công ty nước sạch Hà Nội. Ảnh: Bảo Trung
Theo lãnh đạo Hà Nội một số cán bộ của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) có phát hiện dầu loang từ sáng ngày 8/10/2019, nhưng đã không có bất cứ báo cáo nào với cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình, cũng như thành phố Hà Nội.
Đồng thời, cũng không có bất cứ hành vi ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định, cứ để mặc kệ, dẫn đến váng dầu đã chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân phía Tây Nam Hà Nội.
Video đang HOT
Tổng giám đốc Công ty nước sạch Sông Đà Nguyễn Văn Tốn khi trả lời báo chí cho rằng, trước đây nhiều lần đường ống dẫn nước sông Đà bị vỡ khiến người dân Hà Nội thiếu nước nghiêm trọng. Vì vậy, việc ông KHÔNG đưa ra quyết định ngưng cấp nước là “có trách nhiệm với người dân”.
Khi mọi việc vỡ lở, cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình mới yêu cầu công ty này xử lý triệt để ô nhiễm để bảo vệ chất lượng nguồn nước cấp cho nhà máy; khoanh vùng ngay khu vực ô nhiễm, thu gom dầu thải, bùn đất, cây cỏ nhiễm dầu; khẩn trương đem toàn bộ chất thải nhiễm dầu đang để trong khuôn viên nhà máy chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định. Bởi việc chôn lấp tạm thời cát lẫn dầu thải là không đúng quy định về quản lý chất thải nguy hại.
Còn lãnh đạo Hà Nội thì tuyên bố, trong trường hợp thiếu nước cục bộ, Hà Nội sẽ tạm thời điều hòa nước cấp từ trạm Dương Nội, Nhà máy nước sông Đuống và kiến nghị nhà máy lắp camera để giám sát toàn bộ việc bảo vệ nguồn nước, đồng thời thay đổi công nghệ để nâng cao, đảm bảo chất lượng nguồn nước.
Cuộc khủng hoảng về nước khiến hàng chục ngàn người dân phải tìm mọi cách từ việc đi ở nhà, khách sạn, nhà nghỉ, tới mua nước sạch đóng chai về dùng… cuộc sống hoàn toàn đảo lộn, thiệt hại không thể đo đếm. Xong cách xử lý khủng hoảng của các đơn vị thì rất bị động và lúng túng.
Phải đảm bảo an ninh nguồn nước cho người dân
Thông tin trên trang của Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên môi trường thì chất lượng nước ở Việt Nam suy thoái một cách đáng lo ngại, với dấu hiệu của độc tính phát sinh từ các thành phố, khu công nghiệp và nông nghiệp.
Trong đó nước thải đô thị là góp phần lớn nhất đối với ô nhiễm nguồn nước, với chỉ 12,5% nước thải đô thị được xử lý trước khi xả vào môi trường.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp bên hành lang Quốc hội chiều 21/10 cho rằng, từ vụ việc đổ dầu thải vào nguồn nước mặt sông Đà đã đặt ra câu hỏi với nguồn nước mặt trên cả nước. Và liệu rằng an ninh nguồn nước có được đảm bảo khi ô nhiễm nguồn nước đang trực tiếp đe dọa sức khỏe của hàng triệu người dân.
Ông nhận xét, việc xử lý vụ việc của cơ quan quản lý chính quyền địa phương còn chậm trễ, gây bức xúc trong dư luận, hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
“Sự cố là bài học kinh nghiệm chung cho cá nhân, tổ chức, các cấp chính quyền phải quan tâm nhiều hơn với sức khỏe của người dân trên tất cả các lĩnh vực” – Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương- đoàn Quảng Bình cũng cho hay, vấn đề an ninh nguồn nước hiện nay chưa được quản lý nhất là nguồn nước mặt được sử dụng sản xuất nước sạch.
Thực tế cho thấy, nguồn nước ô nhiễm từ hệ thống nước thải của các hộ gia đình, chất thải từ trâu bò, động vật có nhiều cơ hội xâm nhập vào hệ thống nước mặt nếu như không được kiểm soát tốt.
“Cần có nhiều giải pháp mang tính đồng bộ, đúng quy trình mới hạn chế được những sự cố đáng tiếc như vừa cho. Nguồn nước cung cấp nước sạch cho người dân phải được quản lý, bảo vệ chặt chẽ” – Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nêu.
Vị đại biểu này cũng cho rằng, các đơn vị kinh doanh nước sạch phải có giải pháp tích cực đảm bảo tuyệt đối an toàn nguồn nước; xây dựng hệ thống nước đảm bảo mới được cung cấp cho người dân. Với những cá nhân, tổ chức xả thải vào nguồn nước, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cũng yêu cầu phải xử lý nghiêm minh, có tính răn đe với các đối tượng khác./.
Theo Toquoc
Vụ nước sạch Sông Đà: Người Hà Nội có "con kiến kiện củ khoai"?
Cuộc sống của người dân Hà Nội bị xáo trộn và ai cũng phải lo sợ trước việc nguồn nước, nguồn sống của mình lại dễ dàng bị "đầu độc" như vậy.
Hàng vạn hộ dân Hà Nội bị cắt nước, phải mua nước sạch để dùng vì sự việc nước đầu nguồn đổ vào Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) bị nhiễm dầu thải. Đến nay, cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra 3 nghi phạm thực hiện hành vi đổ trộm dầu thải, nhưng trách nhiệm bảo vệ an ninh nguồn nước; trách nhiệm kiểm tra, đảm nguồn nước đầu vào thì vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Người dân xếp hàng lấy nước sạch.
Thiệt hại trước tiên là người dân. Họ mong chờ lời xin lỗi, sự lên tiếng có trách nhiệm của Viwasupco cũng như của cơ chức năng. Song thay vào đó, cùng sự chậm trễ trong giải quyết là thái độ bàng quan trước nguồn sống của cả hàng vạn hộ dân. Từ phản ứng chậm đó, người dân có quyền đặt câu hỏi về việc có hay không sự giấu giếm về chất lượng nước, sự thiếu tinh thần trách nhiệm, hay có vấn đề về cung cấp dịch vụ công hay không?
Tại buổi tọa đàm chiều 21/10, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, chuyên gia quản trị công, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu thực tế không thể chấp nhận: "Người dân đã uống nước bẩn rồi, ảnh hưởng sức khỏe rồi thì UBND Hà Nội và công ty mới đưa ra khuyến cáo. Như vậy phản ứng với sức khỏe người dân, sinh mệnh khách hàng của mình rất chậm".
Trong trường hợp nước sạch sông Đà này, có cơ chế nào về mặt pháp lý bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng hay không?
Trả lời câu hỏi này, luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng, về vấn đề môi trường, vụ việc lại không xảy ra tại Hà Nội mà xảy ra ở khu vực thượng nguồn nước trên Hòa Bình và thực tế vụ việc có liên quan đến 3 đối tượng vừa bị bắt giữ vì hành vi đổ trộm dầu thải. Hiện Công an đã khởi tố về vấn đề môi trường với vụ việc này, tuy nhên xét về góc độ quản trị đô thị của chính quyền Hà Nội, thì đó là vấn đề xử lý khủng hoảng chậm.
"Tất cả các sự cố xảy ra gây tác động tới hàng ngàn, hàng vạn người thì là khủng hoảng thực sự. Nếu không giải quyết vấn đề quản trị công và xử lý khủng hoảng hiệu quả thì những sự cố như "Rạng Đông" và "Sông Đà" sẽ còn lặp lại và người dân sẽ còn lãnh đủ. Như vậy gốc rễ vấn đề sẽ vẫn là quản trị công", ông Lập nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng (trái) và Luật sư Nguyễn Tiến Lập (phải) tại buổi tọa đàm Thị trường hóa dịch vụ công nhìn từ "Nước sạch sông Đà" chiều 21/10.
Cũng theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, về vấn đề pháp luật, liệu có ai trong những người bị ảnh hưởng bởi sự cố nước sông Đà kiểm tra lại hợp đồng mua nước của mình và tìm trong hợp đồng có điều khoản nào về việc bảo vệ người dân trong tình huống vừa rồi không?
"Thực tế, dựa vào hợp đồng, người dân khó kiện công ty cấp nước. Tuy nhiên, theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng thì không cần căn cứ theo hợp đồng, miễn là người tiêu dùng sản phẩm nào đó gây hại thì người dân có thể kiện. Chúng ta còn có luật về bảo vệ sức khỏe của nhân dân, theo đó quy trách nhiệm cho Nhà nước. Luật này được ban hành từ năm 1989 và rất giống với hiến pháp về sức khỏe nhân dân. Trong đó, tất cả các ngành, các cấp, các cơ quan, các bên đều phải có trách nhiệm chăm lo bảo vệ sức khỏe của người dân. Và liên quan đến nước có Điều 8 nói rằng, đã cung cấp nước cho nhân dân thì phải cung cấp nước vệ sinh, nếu không sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật", ông Lập nói.
Hiện nay, vụ việc mới được khởi tố hình sự theo góc độ môi trường còn những vấn đề khác vẫn đang phải xem xét chưa được làm rõ.
Người dân là bị hại đầu tiên và câu hỏi "Ai sẽ phải chịu trách nhiệm với sức khỏe người dân, chịu đền bù thiệt hại cho người dân?" vẫn đang bỏ ngỏ./.
Theo Nguyễn Quỳnh, Thiên Bình/VOV.VN
An ninh nguồn nước sông Đà: Vá gấp lỗ hổng Sự cố mang tên "nước sạch sông Đà" thể hiện lỗ hổng lớn trong quá trình khai thác, vận chuyển, cung cấp nước sạch. Đã đến lúc hàng triệu người dân Thủ đô cần được bảo vệ tốt hơn trước những sự cố bất ngờ về nước sinh hoạt. Kênh dẫn nước hở từ sông Đà vào hồ Đầm Bài - nguồn nước...