Ăn ngon không sợ ‘đau ví’ ở thiên đường ẩm thực Phượng Hoàng cổ trấn
Không chỉ có khung cảnh sơn thủy hữu tình, Phượng Hoàng cổ trấn còn là thiên đường ẩm thực với đủ món ngon đặc sắc của người Trung Quốc như đậu phụ thối, xôi táo đỏ hay gà đắp đất.
Đậu phụ thối là món ngon truyền thống của người Trung Quốc, xuất hiện tại nhiều điểm du lịch nổi tiếng. Tại Phượng Hoàng cổ trấn (Trung Quốc), món ăn này có mặt ở hầu hết gian hàng tại chợ đêm hay những nhà hàng trong khu phố trung tâm. Đậu phụ thối có mùi khó ngửi, khiến không ít người bịt mũi tránh xa. Tuy nhiên, sau khi được chiên giòn, nêm gia vị cay, trộn kèm rau củ muối, món ăn lại mang hương vị hấp dẫn với vị cay nồng, chua chua của nước sốt quyện miếng đậu vỏ giòn, ruột mềm, kích thích vị giác.
Nếu dạo chơi cổ trấn vào buổi tối, bạn không thể bỏ qua món tôm hùm đất bắt mắt. Tôm được tẩm ướp gia vị cay, thơm nồng, hấp dẫn. Mỗi khay tôm khoảng 15 con có giá từ 45-50 nhân dân tệ (160.000-170.000 đồng). Du khách nên lưu ý hỏi giá và mặc cả trước khi mua để tránh “cháy túi”.
Vào buổi sáng, bạn nên thưởng thức món xôi nếp cẩm táo đỏ nóng hổi, thơm phức. Xôi được bán nhiều trong những ngõ nhỏ ven sông Đà Giang. Món ăn có phần xôi nếp mềm, dẻo, bùi bùi, quyện cùng táo đỏ ngọt thanh dễ ăn, phù hợp khẩu vị của nhiều du khách Việt.
Ngoài xôi nếp cẩm táo đỏ, du khách có thể thưởng thức các loại bánh bao vào bữa sáng ở Phượng Hoàng cổ trấn. Bánh bao tại đây có nhiều loại nhân và kiểu dáng đa dạng, đẹp mắt. Đây là món ăn truyền thống Trung Quốc phù hợp với hầu hết du khách, giá lại bình dân.
Video đang HOT
Mì tươi cũng là một món ăn truyền thống Trung Quốc được nhiều du khách yêu thích khi ghé thị trấn cổ. Món ăn có phần sợi mì được chế biến tại chỗ để đả bảo độ tươi, dai. Những đầu bếp ở Phượng Hoàng cổ trấn có cách vắt mì độc đáo. Du khách sẽ được thưởng thức mì, đồng thời quan sát những đầu bếp khéo léo vắt sợi mì, uốn éo cơ thể theo điệu nhạc.
Một món ngon đặc trưng khác bạn không thể bỏ qua khi ghé cổ trấn này là gà đắp đất. Du khách nên thưởng thức món ăn này vào bữa trưa, tại các nhà hàng nhỏ trong những khu phố ven sông. Gà đắp đất có phần da vàng ươm nhờ nướng trên than hồng, phần thịt mềm, ngọt, lấp đầy chiếc dạ dày đói. Một con gà đắp đất có giá khoảng 100-120 nhân dân tệ (350.000-420.000 đồng).
Các loại côn trùng nướng như bọ cạp, đuông dừa, rết… là món đặc sản nổi tiếng Phượng Hoàng cổ trấn. Tuy nhiên, hầu hết du khách nước ngoài không dám thưởng thức những xiên nướng đáng sợ này. Mỗi xiên côn trùng nướng có giá khoảng 5-10 nhân dân tệ (17.000-35.000 đồng).
Nếu không ăn được côn trùng, bạn có thể thưởng thức các loại xiên nướng khác như cua nướng, hồ lô, chả, dồi… Ngoài xiên nướng còn có bánh tép chiêncũng là món ngon đình đám ở thị trấn cổ. Bánh có phần tép được bắt từ sông Đà Giang, trộn cùng bột mì, trứng, hành thơm phức. Mỗi chiếc bánh tép có giá khoảng 5 nhân dân tệ (17.000 đồng).
Nếu đang tìm mua đặc sản Phượng Hoàng cổ trấn đem về nhà làm quà sau chuyến đi, bạn nên mua các loại hoa quả tươi. Kiwi ruột đỏ, dưa hấu, dưa chuột vỏ vàng, đào… là một số loại nông sản nổi tiếng ở trấn. Trái cây tại đây rất tươi, sạch sẽ, giá lại “hạt dẻ”. Mỗi kg kiwi ruột đỏ có giá khoảng 36 nhân dân tệ (136.000 đồng).
Theo Zing
Loại đậu phụ trông "bẩn bẩn" nhưng lại có vị ngon xuất sắc không ai ngờ
Không phải đậu phụ thối nổi tiếng Trung Quốc, loại đậu phụ này có mùi vị rất ngon nhưng khi nhìn thấy quy trình chế biến, ai cũng phải thốt lên kinh ngạc.
Nhắc tới đậu phụ ở Trung Quốc, người ta thường nghĩ ngay tới món đậu phụ thối kinh điển trong ẩm thực. Bên cạnh đó, tại đây còn có món đậu phụ lông và đậu phụ vùi tro cũng ngon không kém.
Đậu phụ lông thì có lẽ nhiều người cũng đã từng nghe qua, nhưng ở tỉnh Quý Châu còn có loại đậu phụ vùi tro mà rất ít khách du lịch nào nghe qua, bởi cứ mỗi mẻ làm xong là người dân lại mua rất nhanh và nó cũng không được bán rộng rãi.
Đậu phụ vùi tro hay còn được gọi là đậu phụ xám là một món ăn đặc biệt của người Yi ở Quý Châu làm ra. Nếu đến Quý Châu mà không tìm mua ăn thử loại đậu phụ này thì bạn sẽ hối tiếc cả đời.
Tại sao đậu phụ vùi tro này lại ngon? Nguyên do là bởi quá trình sản xuất đậu phụ thủ công truyền thống được kế thừa hơn 400 năm. Người Yi đã sử dụng loại đậu trồng tại địa phương cùng với một loại men chua được làm từ một loại lá bí mật. Điều ấn tượng nhất là người ta thêm tro cỏ được đốt cháy từ hơn 10 loại thuốc thảo dược của Trung Quốc vào. Các loại thảo dược đó là gì thì không ai có thể biết được.
Loại đậu nành được sử dụng cũng rất khác biệt, nó có lớp vỏ màu xanh lá cây và đây cũng là một đặc sản địa phương. Sau khi ngâm đậu 1 ngày sẽ được cho vào máy nghiền đá thủ công có từ thời xưa, tiếp theo là nấu qua một chảo sắt lớn rồi lọc thủ công và trộn với men.
Sau khi cho đậu vào khuôn, đậu sẽ được lăn trong nhiều lớp tro thuốc thảo dược trong suốt 12 tiếng. Bí quyết hương vị ngon chính là ở chỗ này.
Thông qua quá trình chế biến phức tạp như vậy, đậu phụ có hương vị rất đặc biệt, có mùi thơm hấp dẫn của thảo dược, của thiên nhiên hoa cỏ nên ngon hơn hẳn so với những loại thông thường.
Để đậu ngon hơn thì nó thường được đem chiên vàng giòn, chỉ cần chấm với một chút nước tương là cũng đủ khiến người ăn cảm thấy ngây ngất.
Theo Sohu
Bỏ túi 5 món ngon phải thử khi đến Phượng Hoàng cổ trấn Đến Phượng Hoàng cổ trấn, bạn đừng chỉ ngắm nhìn mà hãy nếm thử. Các món đặc sản giản dị của người dân nơi đây sẽ giúp chuyến dạo chơi về "quá khứ" của bạn thêm trọn vẹn. Bánh tép: Chiếc bánh nhỏ giòn tan này là món ăn vặt phổ biến nhất với du khách khi đến với thị trấn cổ xinh...