Án mạng chết 3 người ở Tiền Giang vì ghen: Học yêu, tại sao không? (bài cuối)
Vụ án mạng chết 3 người ở Tiền Giang vì ghen gây rúng động vừa qua một lần nữa đặt ra câu hỏi: Chỉ cần bản năng yêu hay cần cả kỹ năng yêu? Bởi có ai ngờ những sự cố tình yêu – ghen tuông, chia ly, từ biệt mà phần lớn ai cũng gặp trong đời lại là mầm họa tai ương, và nối dài những bi kịch.
Con người khi đang ở trạng thái được yêu thương chuyển sang bị bỏ rơi sẽ dễ rơi vào hoàn cảnh chưa thể thỏa hiệp với cảm xúc. Vô vàn bi kịch xảy ra đều do cảm tính.
Nguyễn Đức Nghĩa bị tuyên án tử hình vì hành vi chặt đầu người yêu cũ
Chuyên gia tâm lý – TS. Trần Thành Nam (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích, những vụ án vì tình là kết quả một loại lạm dụng trong mối quan hệ vợ chồng trước đó. Người đàn ông có thể cảm thấy bị sỉ nhục và mất đi sự nam tính, quyền lực, danh dự khi nhận được thông báo chia tay.
Yêu là một loại cảm xúc khó giải nghĩa, người đàn ông có thể cảm thấy cả thế giới sụp đổ, mất hết lý do để sống. Nhưng do không có kỹ năng xử lý sự cố, quen cách thức ứng xử bạo lực nên họ đã lên kế hoạch thực hiện cách trả thù tàn bạo nhất.
Vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước do Nguyễn Hải Dương gây án cũng xuất phát từ mâu thuẫn tình cảm.
Bình luận về hiện tượng trên, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất – nguyên giảng viên khoa Tâm Lý trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng: “Ra tay tàn độc với người mình đã từng thương yêu là một chấn động chứ không còn là chuyện đơn giản.
Yêu nhau không ai trách, nhưng cách chia tay như thế nào mới là điều đáng quan tâm. Chia tay có văn hóa là cả một vấn đề đáng bàn. Kỹ năng hành xử trong tình yêu hiện nay quá thiếu, vì thế dễ “phát điên nhất thời” và phạm tội”.
Video đang HOT
Thiếu “lớp học yêu”
Làm thế nào để xử lý sự cố khi có hiểu lầm, nhằm hạn chế thấp nhất khả năng nảy sinh lòng thù hận. Đặc biệt trong trường hợp khi một trong hai người đã hết yêu?
Trả lời câu hỏi này, TS. Thành Nam kiến giải: “Khi đã hết yêu, việc thông báo chia tay cũng cần chọn đúng không gian, thời điểm trên cơ sở hiểu và dự báo được phản ứng của người đàn ông.
Đôi lúc, cần thiết phải có một bên thứ 3 trung lập có đủ kỹ năng để giúp đưa ra những thông tin khó nói, làm sáng tỏ bản chất vấn đề. Từ đó gợi ý cho mỗi cá nhân đưa ra những quyết định của riêng mình một cách sáng suốt. Đồng thời người đó sẽ cảnh báo những hậu quả của hành vi quá khích để họ cân nhắc trước khi đưa ra quyết định”.
Theo nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất, bây giờ yêu hoàn toàn bằng bản năng. Thực ra yêu cần một kỹ năng vô cùng quan trọng vì nó quyết định đến cả cuộc sống của một đời người. Thậm chí cách ghen ra sao cũng cần phải học. Tuy nhiên, đây là những điều mà xã hội đang thiếu hụt rất nhiều, dẫn đến những hành động đánh ghen, gây nên những đau đớn cho nhiều cuộc đời còn lại.
Nhìn từ gốc rễ của vấn đề, các chuyên gia đánh giá hiện nay quá thiếu những “ngôi trường tình yêu”. Chuyên gia tâm lý Thành Nam bày tỏ quan điểm: “Theo tôi là cần có những lớp học tiền hôn nhân bắt buộc cho các cặp đôi muốn tiến tới hôn nhân tham dự. Lớp học đó sẽ giúp cho những cặp đôi thực sự hiểu về ưu và khuyết điểm của nhau kỹ hơn. Đồng thời hiểu về các trách nhiệm các bên từ bỏ cái tôi để xây dựng cái chúng ta trong gia đình.
Từ đó, trao đổi về quyền bình đẳng, hiểu và nhận diện được chứng ghen tuông bệnh lý. Lớp học đó cũng phải cung cấp các nguồn hỗ trợ nếu trong cuộc sống vợ chồng có xảy ra mâu thuẫn, ngoại tình, trầm cảm sau sinh, ly thân – ly dị, họ có thể tìm được những lời khuyên chuyên gia ở đâu. Hãy nhớ rằng không ai có thể đơn thương độc mã giải quyết mọi thứ trong cuộc sống này”.
THẢO ANH
Theo Laodong
Án mạng chết 3 người ở Tiền Giang vì ghen ( Bài 2): Các chuyên gia tội phạm học "giải mã" tâm lý kẻ thủ ác vì tình
Không ít người vì ghen tình mà có những hành vi sai trái, thậm chí gây ra tội ác kinh hoàng. Các chuyên gia tâm lý tội phạm đã lý giải vì sao kẻ ghen tình có thể xuống tay với người yêu, người thân của họ?
Các chuyên gia tội phạm học đưa ra những phân tích về hình thái tâm lý của loại tội phạm cuồng sát vì tình.
Ngày 13.8, dư luận rúng động vụ án mạng chết 3 người trong cùng một gia đình ở Tiền Giang. Nghi phạm xuống tay giết vợ, mẹ vợ và con riêng của vợ chỉ vì nghi vợ có người tình nên ruồng rẫy mình.
Nhiều người thắc mắc, tại sao kẻ ghen tình có thể xuống tay tàn nhẫn với người yêu, người thân trong gia đình họ? Các chuyên gia tội phạm học đã chỉ ra những yếu tố thúc đẩy thủ phạm đi đến hành vi tước đoạt sinh mạng người khác.
Ghen quá hóa điên
Dưới góc độ tâm lý tội phạm, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát Nhân dân) phân tích, con người có 3 cái ghen: Ghen tình, ghen tiền và ghen tài. Trong đó, ghen tình là thứ chạm đến bản năng của con người nhiều nhất, bởi nó là sự độc quyền tuyệt đối trong tâm tưởng.
Người ghen tình cảm thấy bị đổ vỡ, hụt hẫng, thậm chí bị sỉ nhục, phản bội, cảm thấy mất đi một thứ gì đó đã hy vọng, nuôi nấng. Cho nên khi ghen sẽ thúc đẩy tư duy, tình cảm, hành động của người đó rất dữ dội. Đó là một trong những nguyên nhân gây ra những vụ thảm sát vì ghen tuông.
Chia sẻ với PV Lao Động, chuyên gia phân tích tâm lý tội phạm (Bộ Công an) - trung tá Đào Trung Hiếu đã lý giải về "bước trượt tâm lý" của thủ phạm thảm sát vì tình.
Ông nói: Người xưa có câu "Ái tình điền thổ, vạn cổ chi thù", cho nên động cơ gây án của thủ phạm được hình thành bởi sự bức xúc tâm lý cao độ, do lòng ghen tuông , đố kỵ, mong muốn độc tôn chiếm hữu tạo nên.
Chính trạng thái tâm lý tiêu cực đến đỉnh điểm như vậy đã biến thành lòng thù hận giày vò hung thủ. Để giải tỏa khỏi trạng thái tâm lý này, với một người có bản tính nóng nảy, nhận thức pháp luật hạn chế hoặc lệch lạc về nhân cách..., họ dễ lựa chọn cách hành xử bạo liệt. Đó là dùng vũ lực tấn công trực tiếp vào nguồn gây ra bức xúc - là người tình của mình.
Đâm lao phải theo lao
Về việc hung thủ giết nhiều người, cho dù những người đó không phải nguồn cơn gây bức xúc tâm lý, trung tá Hiếu luận giải: Hung thủ thừa biết hành vi của mình là trái pháp luật, và sẽ phải gánh chịu hậu quả pháp lý là hình phạt, thậm chí ở mức cao nhất là tử hình, nên khi quyết định gây án, họ thường có suy nghĩ sẵn sàng chấp nhận hậu quả.
Điều này đi ra từ trạng thái tâm lý tuyệt vọng cao độ. Và rồi khi bàn tay đã nhúng chàm, mà cơn bức xúc chưa giải tỏa hết, họ sẵn sàng nhằm vào những người thân của nạn nhân để trút giận.
Bên cạnh đó, có những hung thủ sau khi đã sát hại nạn nhân, đứng trước nguy cơ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật thì bản năng tự vệ trỗi dậy, biến thành hành động xóa dấu vết, thủ tiêu chứng cứ, để che giấu tội phạm.
Điều này chính là căn nguyên sâu xa dẫn đến hành động giết thêm những người khác chứng kiến việc hung thủ giết nạn nhân, với động cơ "giết người diệt khẩu", để hành vi phạm tội không bị tố giác.
Giết cả những người không liên quan còn là kết quả của "bước trượt tâm lý" khá phổ biến. Đó là hiện tượng "lỡ làm việc này thì phải làm tiếp việc kia". Đây là diễn biến tâm lý thường thấy ở các thủ phạm gây trọng án.
Các hung thủ "tên tuổi" như Vi Văn Hai, Nguyễn Hải Dương, Lê Văn Luyện, Tẩn Láo Lở, Nguyễn Văn Hùng... đều có chung nét tâm lý này khi chúng ra tay hạ sát cả gia đình nạn nhân.
Chuyên đề sẽ được tiếp tục ở bài sau.
THẢO ANH
Theo LĐO
Thảm sát 3 người ở Tiền Giang vì ghen: Không còn hi hữu! Có ai ngờ những sự cố tình yêu - ghen tuông, chia ly, từ biệt mà ai cũng gặp ít nhất vài lần trong đời lại là mầm họa tai ương, là nguyên nhân hàng loạt vụ thảm sát man rợ. Nhiều vụ thảm sát xảy ra do cuồng ghen Vụ thảm án tàn độc khiến 3 người trong cùng gia đình ở...