Ăn lươn để hết “sợ”
Vừa xuýt xoa khuấy bát súp lươn vàng rực thơm lừng trong một buổi tối đầu hạ nhiều gió, cô bạn xứ Nghệ của tôi vừa kể: mỗi khi cô ấy về thăm nhà, món đầu tiên mà mẹ cô ấy đãi con gái bao giờ cũng phải là lươn.
Không chỉ cháo lươn mới là đặc sản, lươn dường như đã trở thành một dấu ấn khó quên trong ẩm thực xứ Nghệ nhiều nắng gió.
Quen thuộc đến nỗi, cô bạn tôi luôn không hiểu nổi tại sao nhiều người dân Bắc lại “sợ” loài nước ngọt quá đỗi hiền lành và khi chế biến thành món ăn thì “ngon hết sảy” này.
Ngay cả tôi, hồi bé cũng luôn rùng mình khi nhìn những con lươn béo múp uốn éo trong chậu, và chỉ “dám” ăn món chả lươn đã được băm nhuyễn, rán vàng ươm.
Súp lươn x Nghệ
Với những miếng lươn còn giữ nguyên sợi “chỉ” mềm ngọt
Nhưng hôm nay, ngồi với bạn trong một quán nhỏ chuyên đặc sản Nghệ An, sau khi đã “tiêu diệt” mấy bát súp lươn, bánh mướt xáo lươn, lươn xào xúc bánh tráng… mà vẫn thòm thèm, tôi thầm mừng vì nỗi sợ hãi đó của mình đã lùi vào quá khứ.
Quán nhỏ, nằm trên đường Nguyễn Khang đoạn từ cầu 361 rẽ phải. Mới mở, nên khách hàng ở đây đa phần là người xứ Nghệ đến nếm đặc sản quê hương.
Đúng trình tự, món tôi gọi đầu tiên là bánh mướt súp lươn, món “đinh” của quán. Đĩa bánh xinh xinh trắng mê mải, từng chiếc cuộn tròn lại thon gọn. Bánh tráng không mỏng như bánh cuốn Thanh Trì, nhưng độ mềm mướt thì có lẽ chẳng hề thua kém.
Tôi đã bị hút mắt ngay khi nhìn sang bát súp lươn nổi sao vàng mượt và thơm đến rạo rực cõi lòng. Nhiều quán lươn ở Hà Nội biến tấu súp lươn Nghệ An thành một món lai Âu, bát súp trắng ngà thoảng vị ngai ngái của nấm hương.
Có thể cũng ngon, nhưng cảm giác “đã đời” không thể so sánh với bát súp lươn cay xè đúng vị của xứ Nghệ đậm đà.
Video đang HOT
Chủ quán, anh Đinh Trọng Tuân ,quê ở Diễn Châu, Nghệ An cho tôi biết: lươn ở quán anh là lươn đồng bắt ở Diễn Châu, Yên Thành… những vùng quê chiêm trũng của Xứ Nghệ, nơi nhiều người dân sống bằng nghề thả trúm, soi lươn.
Hàng ngày, anh nhập 4-5kg lươn, tương đương khoảng 400 bát cháo/súp. Nhìn miếng lươn trong bát, tôi ước chừng mỗi con to bằng ngón tay cái người lớn.
Cách chế biến lươn cũng đặc trưng của Nghệ An: lươn xóc với muối và giấm cho hết nhớt, thả vào nồi nước sôi luộc sơ vài giây, sau đó mới tước thành từng miếng to.
Lươn xào sả ớt ăn kèm bánh đa Đô Lương giòn tan
Miếng lươn béo ngậy và cay rưng rưng đầu lưỡi
Có thế, con lươn mới giữ nguyên được sợi “chỉ” máu, vốn là thứ ngon và bổ nhất. Nói rồi, anh vớt cho tôi thấy sợi “chỉ” đen mảnh nổi trên bát súp. Nếm thử, nó mềm ngọt tựa như tiết gà luộc.
Nước dùng để nấu súp là hỗn hợp nước luộc lươn và nước xương bò ninh từ 5-6 tiếng. Ngọt lừ, lấm chấm những lát hành phi vàng ươm và mùi tàu xanh ngắt.
Nhưng làm nên “linh hồn” của bát súp lươn xứ nghệ là ở những củ hành tăm bé xíu, thứ hành chỉ có ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Bé, nhưng mùi hương thì “vô địch”. Thiếu hành tăm, thì những miếng lươn thơm mềm, những tiêu, ớt nồng nàn trong tô nước dùng sẽ trở nên vô nghĩa.
Lươn xào không xé miếng to như nấu súp mà lọc thành những miếng cỡ như ngón tay út. Đĩa xào nồng đậm hương sả, vàng ươm sắc nghệ, chen lẫn là những củ hành tăm đập hơi dập cho mùi thơm vang dậy.
Miếng lươn thấm từng ấy gia vị mà béo ngậy và cay rưng rưng đầu lưỡi. Đừng quên bẻ miếng bánh đa Đô Lương làm “thìa” để xúc lươn. Một béo, một thanh, một giòn tan, một mềm ngọt, những đặc sản chung một miền gió lào cũng thật khéo nên duyên với nhau.
Hà Nội đêm nay nhiều gió, đưa đẩy cho hương vị của những món đặc sản xứ Nghệ thêm nồng đượm. Tôi thầm nghĩ, ai đó cũng từng “sợ” lươn, hãy một lần “can đảm” thử những món ăn trên. Biết đâu, giữa những hương vị tuyệt vời ấy, nỗi sợ sẽ tan biến lúc nào không biết.
Theo ihay
Quà vặt phố Chân Cầm
Đoạn phố ngắn, nằm gần Nhà Thờ Lớn Hà Nội là nơi tập trung nhiều hàng ăn vặt nổi tiếng, đặc biệt là món bánh tráng trộn đang rất 'hot' trong giới trẻ.
Phố Chân Cầm là đoạn phố ngắn, chỉ dài khoảng 200 m, nối từ phố Phủ Doãn sang Lý Quốc Sư nhưng lại là nơi quy tụ của khá nhiều hàng quán ăn nổi danh.
Nếu như trước đây, người sành ăn ở thủ đô biết đến phố Chân Cầm qua hàng bún miến gà nổi tiếng chỉ bán vào mỗi buổi sáng, ngay đầu phố (ngã ba Lý Quốc Sư), thì nay, con phố này được nhiều bạn trẻ "mách" nhau khi muốn lót dạ với vài món ăn nhẹ, lạ miệng, hay hay. Có thể kể ra hàng bánh tráng trộn hay nộm lươn.
Mới xuất hiện vài tháng trở lại đây nhưng bánh tráng trộn, món ăn vặt quen thuộc trên đường phố Sài Gòn, đã gây nên một cơn sốt với giới trẻ Hà Nội. Hàng đầu tiên được mở ở dốc Ngọc Hà, tuy nhiên, theo nhiều ý kiến thì cách chế biến ở đây chưa thực sự đúng chất Nam Bộ. Gần đây, các bạn trẻ lại truyền tai nhau một địa chỉ mới, nằm ở đoạn giao giữa Chân Cầm và Lý Quốc Sư, có giá đắt hơn đôi chút nhưng ngon, lại ở vị trí trung tâm, rất dễ tìm và có chỗ để xe rất tiện lợi.
Bánh tráng trộn, đặc sản Nam Bộ đã có mặt ở Hà Nội. Quán nằm góc đường, giao giữa phố Chân Cầm và Lý Quốc Sư. Quán thu hút được rất đông các bạn trẻ.
Theo nhiều người thì bánh tráng trộn ở đây khá giống với đặc sản vỉa hè Sài Gòn. Đối với những người Hà Nội, ít có cơ hội thưởng thức ở miền Nam xa xôi thì dùng món ăn này ngay giữa Hà Nội thực sự rất thú vị. Một chút dai dai của bánh tráng, vị chua chua của xoài xanh trộn cùng cá khô, thịt bò khô đậm đà tạo ra hương vị rất riêng. Có bạn đã chia sẻ, ăn miếng bánh tráng trộn đầu tiên thì thấy hơi khó ăn, miếng thứ hai thì thấy lạ miệng, miếng thứ ba thì thấy hay hay rồi cứ thế ăn cho đến sợi cuối cùng mà không biết chán.
Nếu không ăn được cay, bạn nhớ nhắc người bán hàng bởi món ăn nguyên gốc cho khá nhiều ớt bột, cay xé. Quán mới mở nhưng cũng đã thu hút được được rất nhiều khách, đặc biệt là khoảng thời gian xế chiều. Đặc biệt, nhân viên ở đây đều còn khá trẻ nên rất thân thiện và nhiệt tình. Quán mở cửa từ 6h đến 11h đêm hàng ngày.
Đi lùi xuống vài số nhà là cửa hàng nộm lươn nổi tiếng. Không có không gian rộng rãi, biển hiệu hoành tráng như quán lươn ở phố Hàng Điếu nổi tiếng đã lâu, quán ban đầu chỉ mở ở vỉa hè, sau có thêm một phòng nhỏ trong nhà, để được 2-3 chiếc bàn. Tuy nhiên, những ai đã ăn thì đều thích ngồi ngoài vỉa hè, bên gốc cây già, thưởng thức thứ đặc sản đồng quê này.
Nộm lươn phố Chân Cầm, vừa mát, vừa thanh lại bùi bùi, giòn giòn, rất thú vị.
Nộm lươn được làm từ những thành phần khá đơn giản, lươn xào giòn, giá rửa sạch, hoa chuối thái nhỏ, dưa chuột ngâm, hành khô và rau thơm, trộn cùng nước chấm chua ngọt. Món ăn vừa mát, vừa thanh lại bùi bùi, giòn giòn của lươn, rất thích hợp để ăn trong những ngày nóng nực, hoặc những ngày mới ra Giêng, khi đã no nê, chán ngấy với những thực phẩm nhiều năng lượng.
Chỉ từ nguyên liệu chính là lươn xào giòn, chị chủ quán đã tạo ra một thực đơn khá phong phú với những món mới như: súp lươn, miến lươn trộn, miến lươn nước, miến lươn xào trứng... với giá cả phải chăng, từ 25.000 đồng.
Công đoạn trộn bánh tráng.
Quán nằm ngay góc đường, giao giữa phố Chân Cầm và Lý Quốc Sư.
Công đoạn trộn nộm lươn từ các nguyên liệu: lươn xào giòn, rau thơm, dưa chuột ngâm, giá.
Súp lươn nóng hổi, thơm ngon.
Miến lươn xào trứng ngon mắt, đã miệng.
SuZi Nguyễn
Theo ngôi sao
[Chế biến] - Lươn nướng Miến lươn chín vàng, thơm lừng, chấm với nước mắm vừa chua ngọt lại cay cay thật là tuyệt cú mèo. Chuẩn bị:Lươn, mẻ, đường, nước mắm muối, tỏi, riềng, nghệRau thơm, xà lách, lá lốt, lá hẹ, lá chanh, tiêu Cách làm: - Riềng nghệ gọt rửa sạch, giã nhỏ mịn. Tỏi bóc vỏ, đập giập, băm nhỏ. Lá chanh thái chỉ....