An Lão (Bình Định): An Toàn – Vùng đất làm say lòng du khách
Đến với xã An Toàn, huyện An Lão nơi được ví là “cổng trời” với độ cao 1.000m, cùng vẻ đẹp hùng vĩ của cánh rừng nguyên sinh, đồi sim cổ thụ, thác nước, ruộng bậc thang xen kẽ những ngôi nhà sàn của người đồng bào Bana, Hrê làm say lòng du khách.
Đường vào khu dân cư của xã An Toàn, huyện An Lão.
Homestay trên cổng trời
Chị Phạm Ngọc Thủy là nhân viên Ngân hàng Công Thương Việt Nam, Chi nhánh Bình Định cùng bạn bè tham gia chuyến du lịch 2 ngày 1 đêm ở xã An Toàn vào giữa tháng 7 vừa qua để trải nghiệm dịch vụ du lịch cộng đồng nơi “cổng trời” An Lão.
Men theo những con đường hoa lau nở trắng muốt uốn lượn bao quanh sườn núi, đoàn của chị Phạm Ngọc Thủy đến vùng cao An Toàn. Không khí dịu mát, trong lành giúp đoàn quên đi sự mệt mỏi trên chuyến hành trình hơn 115km từ thành phố Quy Nhơn đến vùng cao An Toàn.
Đón đoàn tại farmstay Nẫu Ecovalley nằm ngay con đường bê tông nhỏ sạch sẽ, uốn lượn lưng chừng dốc. Đoàn du khách thả mình trong không gian tĩnh mịch, giữa tiếng gió vi vu thổi, tiếng chim hót, tiếng róc rách của dòng suối và chiêm ngưỡng vườn cây dược liệu, hoa cẩm tú cầu xanh mướt.
Chị Phạm Ngọc Thủy chia sẻ: Lần đầu tiên đến với xã An Toàn, tôi ấn tượng cảnh quan, không khí ở đây. Chúng tôi trải nghiệm nhiều điểm tham quan như: đồi sim, làng bích họa, thác Rung, thác Sông Mia, thác Đá Dĩa, hòa mình với cuộc sống của người dân với lễ hội cồng chiêng, thưởng thức món ăn chế biến từ gà đồi, heo đen đến rau dớn, cá niên, rượu ghè.
Video đang HOT
Người dân làm homestay để phát triển du lịch cộng đồng.
Hiện nay, xã An Toàn có 4 điểm lưu trú cho khách du lịch là homestay Đinh Thị Mới, homestay Phạm Thị Kênh, farmsaty Nẫu Ecovalley (thôn 1), homestay Đinh Văn Liêu (thôn 2).
Chị Phạm Thị Kênh (41 tuổi), người dân tộc Bana cho biết: Tôi xây dựng homestay với diện tích 600m2, 12 phòng mức đầu tư trên 2 tỷ đồng dành cho khách du lịch. Ban đầu, gia đình chỉ định làm homestay nhỏ cho các nhóm du lịch khám phá thác K50 nhưng lượng khách vào mùa hè tăng nhanh. Vợ chồng tôi quyết định đầu tư bài bản nhà sàn gỗ đầy đủ tiện nghi với những ngôi nhà sàn bằng gỗ đúng chất của người bản địa. Du khách rất thích khi mặc trang phục thổ cẩm truyền thống Bana chụp ảnh lưu niệm tại cổng trời An Toàn, biểu diễn múa hát cùng đội cồng chiêng, múa xoang của thôn và trải nghiệm hái sim, nhổ mì, bắt cá sông suối.
Anh Vũ Đức Hòa – Giám đốc Hợp tác xã nông dược và dịch vụ tổng hợp An Toàn cho biết: Mỗi tháng, Nẫu Ecovalley đón khoảng 100 du khách. Cứ dịp cuối tuần lại có khách đến trải nghiệm tham quan các vườn dược liệu quý chè dây, chè lá vằn, tham quan mua sắm các sản phẩm đặc trưng của miền núi như: Rượu ghè, mật ong rừng, nông sản. Do điều kiện cơ sở vật chất ở An Toàn chưa đạt tiêu chuẩn cao cấp như nhiều nơi khác nên chúng tôi níu chân khách du lịch bằng chính sự giản dị, thân thiện, mến khách, bằng không gian văn hóa đặc sắc bản địa đang được bảo tồn, phát huy giá trị, phục vụ phát triển du lịch.
Đầu tư phát triển du lịch cộng đồng
UBND huyện An Lão đang triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kết hợp chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong đó tập trung phát triển hàng loạt các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng ở xã An Toàn như: Bưởi, cam, bơ; mây tự nhiên (100ha), chè tiến vua (đồi chè với hơn 500 gốc chè cổ thụ), chè dây, trà thảo mộc, cao dược liệu, sim thôn 1, rượu cần Bana; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm đan lát của người Hrê, Bana; sản phẩm heo đen, bò cỏ, gà thả đồi. Các dự án này, bên cạnh việc phát triển kinh tế nông nghiệp (theo mô hình nông, lâm kết hợp), còn tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt để cung cấp cho du khách nhằm tạo nên sức hút riêng cho du lịch An Toàn trong tương lai.
Đến An Toàn thưởng thức rượu cần đồng bào Bana.
Ông Đinh Văn Đang – Chủ tịch UBND xã An Toàn cho biết: Những năm qua, xã được đầu tư xây dựng đường bê tông từ thị trấn An Lão tới các thôn. Trong năm 2023, UBND huyện An Lão đầu tư xây dựng các điểm nghỉ chân để du khách chụp ảnh tại cổng trời An Toàn, đỉnh ngắm mây, cổng chào tại 3 thôn, làng bích họa văn hóa Bana thôn 3, khu trồng dược liệu của Công ty Bidiphar, đồi sim Gia Vựt thôn 1. Người dân ở An Toàn đã biết cách làm du lịch, kiếm thêm thu nhập ngay tại thôn mình. Qua đó, chúng tôi quảng bá nông sản, đặc sản đến khách du lịch trong cả nước.
Ông Đỗ Tùng Lâm – Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão cho biết: Từ đầu năm đến nay, UBND huyện An Lão đầu tư 1,1 tỷ đồng hạ tầng kỹ thuật các địa danh du lịch ở An Toàn. UBND huyện đưa ra danh mục 8 dự án kêu gọi đầu tư lĩnh vực du lịch trên địa bàn huyện, với tổng diện tích khoảng 1.000ha. Trong đó, có dự án bảo tồn và phát triển vùng sim với 306ha, tại tiểu khu 1, xã An Toàn, xây dựng khu du lịch sinh thái phục vụ tham quan, nghỉ dưỡng vui chơi giải trí gắn với sản xuất rượu sim.
Thưởng thức món ăn đặc sản của tại vùng cao An Toàn.
Ông Đỗ Tùng Lâm chia sẻ thêm: UBND huyện đang đề nghị UBND tỉnh Bình Định quan tâm hỗ trợ kinh phí lập quy hoạch phân khu đất các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện và xã An Toàn, như: Đầu tư xây dựng đường bê tông xi măng từ sông Mia đến đồi sim sân bay Gia Vực (thôn 1); kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao và khu nghỉ dưỡng tại thôn 1, thôn 2, thôn 3 với hơn 28ha; dự án bảo tồn và phát triển vùng sim An Toàn tại tiểu khu 1 với diện tích 306,2ha và thôn 2 với diện tích 16,3ha. Xác định du lịch là hướng đi giúp cho đồng bào dân tộc nơi đây có sinh kế bền vững, cải thiện đời sống, thời gian tới, chính quyền huyện tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, nhằm đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của An Lão.
Thanh Sơn (Phú Thọ) chú trọng phát triển du lịch cộng đồng
Thanh Sơn là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Phú Thọ, là nơi giao thoa văn hóa Việt - Mường, đồng thời là địa bàn tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số với những nét văn hóa phong phú, đa dạng.
Sở hữu cảnh quan thiên nhiên phong phú, đa dạng, Thanh Sơn được đánh giá là huyện có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng.
Khai thác lợi thế tiềm năng du lịch
Thanh Sơn còn là một vùng đất cổ giàu truyền thống, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội đặc trưng của các dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, một số lễ hội được khôi phục, các hoạt động văn hóa đã hướng về cội nguồn, phát huy được giá trị vốn có, nguyên gốc.
Ngoài các di tích lịch sử văn hóa, với vị trí đắc địa được thiên nhiên ưu đãi, huyện Thanh Sơn còn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với những thắng cảnh được thiên nhiên ban tặng, hòa quyện với nét đẹp văn hóa của đồng bào Mường, Dao đã tạo nên khung cảnh hung vĩ, đẹp mắt. Không chỉ đẹp với những đồi chè xanh ngát, Thanh Sơn còn được biết đến với những hệ thống cọn nước, thác nước đẹp, như: thác Mây (xã Hương Cần), thác Chòi (xã Cự Thắng), thác Đá Mài (xã Thắng Sơn...). Trên địa bàn huyện còn có những nét ẩm thực độc đáo như: cỗ lá, xôi ngũ sắc, rượu hoãng, cơm lam... và một số sản vật của địa phương như: khoai tầng, chuối phấn vàng, chè Ô long, chè xanh, sản phẩm thịt chua Thanh Sơn... Hàng năm các sản phẩm này được tỉnh, huyện lựa chọn tham gia trưng bày, giới thiệu tại các hoạt động du lịch, thương mại.
Thanh Sơn được đánh giá là huyện có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng
Cùng với những giá trị văn hóa vật thể, nhiều loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc của các dân tộc trong huyện tiếp tục được bảo tồn như: Nghi lễ mừng cơm mới, mở cửa rừng, các làn điệu dân ca, hát ru, hát ví, hát rang, các giai điệu cồng chiêng; đâm đuống, văn hóa nhà sàn của đồng bào Mường; lễ Lập Tĩnh, tết nhảy, cầu mưa của đồng bào Dao;... Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh của nhân dân, qua đó nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan và khám phá, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, phục vụ cho du lịch di sản văn hóa trên địa bàn huyện.
Với điều kiện địa lý huyện Thanh Sơn tiếp giáp và giao thoa văn hóa với các vùng lân cận như văn hóa người Mường Hòa Bình, văn hóa người Thái Sơn La và Nghĩa Lộ, Yên Bái. Đồng thời nơi đây là một trong những chiếc cầu nối giao lưu giữa hai nền văn hóa Việt - Mường. Nền văn hóa truyền thống của người Mường huyện Thanh Sơn có nhiều sắc thái văn hóa đặc trưng, đan xen và giao thoa rõ nét.
Hiện nay mô hình du lịch cộng đồng ở huyện Thanh Sơn đang có xu hướng phát triển, nhiều bản làng vùng cao có những cảnh đẹp, có những nét đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc, hình ảnh cọn nước, nhà sàn truyền thống gắn liền với không gian văn hóa của đồng bào dân tộc Mường tại các hộ dân được lựa chọn đầu tư xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Ngoài ra, một số nơi cũng thu hút khách đến tìm hiểu phong tục, tập quán đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao như: Khu Xuân Thắng (xã Cự Thắng); bản Chen, Chự, Hồ (xã Yên Sơn); bản Sinh Tàn (xã Thượng Cửu). Các điểm dừng chân trải nghiệm qua đường như: Khu đồi chè xã Địch Quả, bãi hoa bờ Sông Đà xã Lương Nha... Huyện Thanh Sơn đã hình thành các tuyến du lịch trải nghiệm làng quê nông thôn mới gắn với giữ gìn văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian.
Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng
Huyện Thanh Sơn đã và đang triển khai và thực hiện đề án tiếp tục công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện Thanh Sơn giai đoạn 2021- 2025. Qua thống kê, hiện nay toàn huyện đã thành lập được 128 Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác tại các xã, khu dân cư và trường học; bảo tồn được 634 chiếc chiêng; 123 bộ nhạc cụ khác; 1.268 bộ trang phục; 115 nhà sàn truyền thống trong cộng đồng và nhiều đồ dùng công cụ, lao động, sản xuất, sinh hoạt của đồng bào Mường; phục dựng 03 di sản, gồm: Nghệ thuật trình diễn dân gian như diễn tấu cồng chiêng, đâm đuống, chạm ống, múa sênh tiền, múa trống đu và hát ví, hát rang. Đã bước đầu khôi phục trang phục dân tộc Mường để cán bộ và nhân dân có thói quen mặc trang phục dân tộc trong các dịp lễ, hội.
Theo Lãnh đạo UBND huyện Thanh Sơn, với sự quan tâm các cấp chính quyền và sự đồng lòng của bà con nhân dân địa phương, phát triển du lịch cộng đồng Thanh Sơn bước đầu đã đạt được sự đồng thuận và ngày càng thu hút nhiều du khách đến tham quan. Tuy nhiên bên cạnh đó còn một số khó khăn như hệ thống đường giao thông vào một số xã Đông Cửu, Thượng Cửu, Khả Cửu còn chưa thuận lợi. Trong đó xã Khả Cửu là xã trọng điểm về du lịch cộng đồng đang được huyện quy hoạch tổng thể. Đời sống kinh tế bà con còn khó khăn, trình độ văn hóa còn nhiều hạn chế.
Trong thời gian tới, huyện Thanh Sơn sẽ tăng cường tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch các vùng dân tộc thiểu số, nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng ưu tiên hỗ trợ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn phát triển nguồn nhân lực du lịch tại khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tham mưu về việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái". Bên cạnh đó sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên, nhân dân tham gia giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Các câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường không chỉ góp phần lưu giữ những nét đẹp truyền thống của địa phương, mà còn thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển, nâng cao đời sống văn hóa trên các bản làng. Đặc biệt chú trọng giữ gìn cảnh quan môi trường, giữ gìn những giá trị văn hóa đặc sắc để du lịch trở thành nguồn sinh kế bền vững cho đồng bào, thúc đẩy mọi lĩnh vực khác cùng phát triển góp phần phát triển nguồn lực kinh tế cho địa phương.
'Hiệu quả kép' từ một làng nghề truyền thống Từ một nghề phụ lúc nông nhàn, đến nay, nghề làm tăm hương đã giúp người dân Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) thoát nghèo. Đó là động lực để họ vừa giữ nghề, vừa phát triển du lịch quảng bá thương hiệu. Phụ nữ xóm Bầu, thôn Cầu Bầu, xã Quảng Phú Cầu tham gia làm tăm hương Thời gian...