Ẩn họa từ thói quen xông nhà
Những thói quen bình thường như xông nhà tưởng vô hại nhưng lại ẩn chứa nguy cơ dẫn đến bị nhiễm độc
Ca bệnh nhiễm độc mới nhất được Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP HCM) tiếp nhận cứu chữa là một người đàn ông 39 tuổi. Ông nhập viện trong tình trạng sốt từng đợt, rụng tóc, chán ăn, sang thương da thân và chi…
Suýt chết vì xông “lấy hên”
Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Ngát, Khoa Bệnh nhiệt đới – BV Chợ Rẫy, qua các xét nghiệm, người đàn ông 39 tuổi được xác định bị ngộ độc thạch tín (asen) do xông nhà bằng hùng hoàng (một loại thảo dược trong đông y) thời gian dài mà không biết.
Bệnh nhân cho hay khoảng 10 năm nay, ông thường xuyên sử dụng bột đốt xông nhà chứa hùng hoàng. Sau đó, trên người ông xuất hiện tình trạng tăng sắc tố da, nổi sẩn dạng giọt mưa rơi ở lòng bàn tay, lòng bàn chân.
Gần đây, các biểu hiện này ngày càng nặng dần, ông bị tê, yếu tay chân. Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ asen trong máu, nước tiểu và tóc của bệnh nhân cao bất thường. Bệnh nhân được chỉ định điều trị nội khoa tích cực để giải độc, cắt nguồn phơi nhiễm.
Trước đó, BV Chợ Rẫy từng ghi nhận rất nhiều bệnh nhân bị nguy kịch do nhiễm độc từ thuốc đông y không rõ nguồn gốc. Một trong những trường hợp trầm trọng nhất là bà H.T.T (ở quận 12, TP HCM), đến khám vì ho nhiều, yếu liệt 2 chân. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bà T. dương tính với thạch tín.
Cách đây không lâu, BV Đại học Y Dược TP HCM đã phối hợp với một BV ở Đài Loan – Trung Quốc điều trị thành công cho anh N.V.T (ngụ tại Tây Nguyên). Anh T. cũng bị nhiễm độc thạch tín do thói quen xông thuốc với suy nghĩ giúp may mắn, vượng khí cho ngôi nhà. Anh thường ra tiệm thuốc bắc mua gói thuốc – khi là dạng bột, lúc thì cây cỏ – để đốt xông nhà. Nhà có vượng khí hay không chưa rõ nhưng sau một thời gian xông, anh T. thường xuyên bị sốt, không ăn uống được, nôn ói, chân tay ngày càng yếu, không thể di chuyển… và phải đến BV điều trị.
Tại Khoa Nội cơ xương khớp – BV Đại học Y Dược TP HCM, các bác sĩ xác định anh T. bị ngộ độc thạch tín nặng. Nồng độ asen trong tóc, móng của anh cao hơn 300-500 lần so với mức an toàn.
Một bệnh nhân bị ngộ độc thạch tín đang điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM
“Vua” của các loại độc chất
Video đang HOT
Theo các chuyên gia, hùng hoàng là một loại dược liệu được dùng trong đông y nhưng rất hạn chế. Hùng hoàng có chứa asen nên việc sử dụng phải tuân thủ chỉ định của thầy thuốc với liều lượng rất khắt khe.
BS Nguyễn Thị Ngát cho biết ngộ độc thạch tín với bột đốt xông nhà có chứa hợp chất asen đến nay chưa được báo cáo trong y văn. Việc sử dụng hùng hoàng dạng bột để xông đốt nhằm “trừ tà, trị bệnh” theo lời truyền miệng hoặc quảng cáo của người bán có nguy cơ gây tình trạng ngộ độc mạn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người trong nhà. Tự ý sử dụng hùng hoàng quá liều sẽ khiến cơ thể bị ngộ độc, phơi nhiễm, nguy hiểm đến tính mạng.
Theo BS Cao Thanh Ngọc, Trưởng Khoa Nội cơ xương khớp – BV Đại học Y Dược TP HCM, thạch tín là một kim loại nặng, có 2 dạng. Một là, thạch tín hữu cơ (trong thực vật và mô thịt động vật), thường vô hại đối với con người; hai là, thạch tín vô cơ, tích tụ trong đất đá hoặc hòa tan vào nước. Độc tính của thạch tín vô cơ cao gấp 4 lần thủy ngân, được xem là chất gây ung thư nhóm 1.
Thạch tín và các hợp chất của nó được sử dụng làm thuốc trừ sâu, diệt cỏ và trong sản xuất các hợp kim. Thạch tín vô cơ là loại hóa chất cực độc, được gọi là “vua” của các loại độc chất. Nếu một lượng lớn thạch tín xâm nhập cơ thể, chúng sẽ tác động xấu đến hệ tuần hoàn, hệ thần kinh và có thể gây tử vong ngay lập tức.
Nếu bị nhiễm độc thạch tín dần dần, mỗi ngày tích tụ một ít, tùy theo mức độ nhiễm và thể trạng của mỗi người, có thể xuất hiện nhiều chứng nguy hiểm từ nhẹ đến nặng như: rụng tóc, buồn nôn, sút cân, giảm trí nhớ, rối loạn sắc tố da, sừng hóa gan bàn tay, gan bàn chân, gây hoại tử các vết loét ở tay, chân, dẫn đến ung thư, thậm chí tử vong.
BS Cao Thanh Ngọc cho biết thạch tín không chỉ tồn tại trong nước mà còn có mặt trong không khí, đất, thực phẩm và rất dễ xâm nhập cơ thể con người. Thạch tín đi vào cơ thể con người qua 3 đường chính là hô hấp, tiêu hóa và da. Tuy nhiên, ở cấp độ bình thường, lượng thạch tín trong tự nhiên có liều lượng cực kỳ thấp và không gây ra bất kỳ tác động ngộ độc cấp tính nào đối với cơ thể.
“Người dân chỉ nên xông nhà bằng những loại cây lá thông dụng như vỏ bưởi, sả, chanh… Không nên tự ý sử dụng những nguyên liệu dùng để xông nhà theo kiểu nghe nói, truyền miệng, nhất là với các nguyên liệu có nguồn gốc từ các loại thảo dược hay cây cỏ, vì nguy cơ nhiễm độc, ngộ độc rất cao” – BS Ngọc khuyến cáo.
Nhang càng thơm càng độc
Thắp nhang (còn gọi là hương) là nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Ngày xưa, nhang thường được làm từ loại bột gỗ có mùi thơm tự nhiên như trầm, quế… Khi đốt, nhang này sẽ tỏa hương thơm mà không gây hại, thậm chí hương thơm của trầm, quế còn kích thích sự hưng phấn của con người. Tuy nhiên, ngày nay, người ta sản xuất nhang sử dụng nhiều tạp chất, thậm chí bỏ vào các loại hóa chất tạo mùi thơm, nên sẽ gây tổn hại cho sức khỏe nếu thường xuyên hít phải.
Theo các cơ quan chức năng, đa phần những loại nhang trên thị trường hiện nay có thành phần là lớp mùn cưa tẩm tinh dầu hoặc hóa chất để tạo mùi thơm. Khi cháy, nhang giải phóng các hạt hóa chất vào không khí. Nếu hít phải, những hạt này sẽ mắc lại ở phổi và gây nên các viêm nhiễm đường hô hấp, thậm chí là ung thư.
Vì vậy, có thể nói nhang càng có mùi thơm thì càng chứa nhiều chất độc hại, nếu thường xuyên sử dụng và hít phải chắc chắn sẽ gây nguy hiểm cho cơ thể. Do vậy, người nhà khi thắp nhang tuyệt đối không được đóng cửa, phải luôn mở cửa thoáng để khói nhang không bị tụ lại một chỗ. Cần tránh để người già và trẻ em tiếp xúc với khói nhang.
Văn Thi Hoàng
Mổ xuất viện trong ngày, lợi đôi đàng
Nửa năm nay mỗi khi nuốt V.H.K. (20 tuổi) có cảm giác nghèn nghẹn ở cổ bởi vướng khối bướu. Gánh nặng này của K. vừa được "giải thoát", về nhà trong ngày chỉ sau 30 phút mổ ở Bệnh viện Đại học Y dược.
Một bệnh nhân được mổ xuất viện trong ngày tại Bệnh viện Q.Thủ Đức - Ảnh: C.L.
Mổ và trở về nhà trong ngày đang là hình thức được nhiều bệnh viện ở TP.HCM áp dụng nhằm giúp người bệnh rút ngắn thời gian nằm viện, tiết kiệm phí, đồng thời giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng cho người bệnh sau phẫu thuật.
Tiết kiệm chi phí
Từ nhiều năm nay, ông T.V.M. (54 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) sống trong cảnh khổ sở bởi căn bệnh trĩ ngoại tắc mạch hành hạ. Mãi gần đây trong một lần đến Bệnh viện Q.Thủ Đức thăm khám lấy thuốc về uống, ông bất ngờ khi được bác sĩ tư vấn sức khỏe của mình đủ đáp ứng mổ và xuất viện trong ngày.
Vui mừng vì thủ tục quá gọn lẹ, ông M. nói sau khi bàn bạc với gia đình ông quyết định mổ luôn. Để thực hiện cuộc mổ trong ngày này, buổi sáng ông được bệnh viện sắp xếp hoàn tất các thủ tục xét nghiệm cần thiết, đầu giờ chiều ông được chuyển phòng gây tê và mổ trong vòng 30 phút.
Và sau mổ khoảng một tiếng đồng hồ, ông hoàn toàn khỏe khoắn, được làm các thủ tục xuất viện. "Tôi rất hài lòng bởi mổ trong ngày vừa nhanh, vừa tiết kiệm chi phí. Và điều quan trọng là tôi không còn cảm giác lo sợ, ám ảnh khi nằm viện", ông M. vui mừng chia sẻ.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, ngoài Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Q.Thủ Đức... đến nay tại TP.HCM có rất nhiều bệnh viện áp dụng mô hình phẫu thuật xuất viện trong ngày gồm: Bệnh viện Nhi Đồng TP, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Trưng Vương, Chợ Rẫy. Trong đó Bệnh viện Chợ Rẫy được xem là đơn vị đầu tiên ứng dụng phẫu thuật này tại Việt Nam.
Bác sĩ Lâm Việt Trung - trưởng khoa ngoại tiêu hóa Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết mổ trong ngày được chỉ định đối với mổ trung phẫu hoặc tiểu phẫu, ít khi chọn đại phẫu bởi tiêu chí an toàn cho người bệnh luôn được đặt lên hàng đầu.
Đến nay đơn vị này đã xây dựng hoàn thiện các danh mục kỹ thuật có thể chỉ định mổ trong ngày như: thoát vị thành bụng, thoát vị bẹn, trĩ, rò hậu môn, sa sàn chậu, cắt túi mật, chỏm nang gan, thoát vị khe hoành, cắt u nhỏ dạ dày...
"Đây được xem là một trong những giải pháp giúp giảm tải cho bệnh viện đồng thời tiết kiệm được thời gian, chi phí cho người bệnh", bác sĩ Trung đánh giá.
Đảm bảo an toàn
Bác sĩ Phan Tôn Ngọc Vũ - trưởng khoa gây mê, hồi sức Bệnh viện Đại học Y dược - cho biết mổ trong ngày mang lại nhiều lợi ích cho cả người bệnh và bệnh viện.
Hiện nay, Bệnh viện Đại học Y dược đã xây dựng danh mục hơn 470 loại thủ thuật, mổ trong ngày. Các bệnh lý điều trị bằng mổ trong ngày rất đa dạng, áp dụng với nhiều chuyên khoa như: tiêu hóa, gan mật; phẫu thuật răng hàm mặt; lồng ngực, mạch máu; các bệnh lý về mắt; tạo hình thẩm mỹ...
Ngoài ra, còn áp dụng trong điều trị một số bệnh lý chuyên khoa hậu môn trực tràng, xương khớp, sản-phụ khoa, tai mũi họng, ngoại thần kinh, niệu thận... Mỗi ngày đơn vị thực hiện khoảng 15-20 ca mổ, trong đó phổ biến là mổ lồng ngực mạch máu, chấn thương chỉnh hình, mắt, răng hàm mặt và tạo hình - thẩm mỹ.
Và số người bệnh mổ trong ngày tăng dần qua các năm, tăng khoảng 20%/năm. "Thông thường người bệnh có thể xuất viện trong vòng 6 giờ sau khi thực hiện thủ thuật với tỉ lệ tai biến, biến chứng rất thấp", bác sĩ Vũ nói.
Ông Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng TP - cho biết những trẻ được chỉ định mổ trong ngày tại đơn vị là bệnh nhi từ 3 tháng tuổi đến 15 tuổi. Chi phí điều trị phẫu thuật vẫn được tính như bình thường, vẫn được hưởng chế độ BHYT. Hiện bệnh viện có 5 phòng mổ riêng biệt, đạt chuẩn chuyên phục vụ cho các ca mổ trong ngày.
Phổ biến ở các nước phát triển
Bác sĩ Lâm Việt Trung cho biết mổ trong ngày là chỉ định khá phổ biến ở các quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu...Thống kê cho thấy ở Mỹ có đến hơn 65% các loại mổ được chỉ định thực hiện trong ngày. Mặc dù mang lại nhiều lợi ích nhưng tại Việt Nam hình thức này vẫn chưa phổ biến.
"Ở các nước phát triển, viện phí rất cao nên đa số người bệnh muốn xuất viện trong ngày, còn ở Việt Nam viện phí thấp, tâm lý người bệnh còn lo sợ đau, các biến chứng khi xuất viện ngay sau mổ" - bác sĩ Trung đánh giá.
Cần một số điều kiện nhất định
Bác sĩ tư vấn cho người bệnh tại phòng tư vấn đơn vị phẫu thuật trong ngày BV ĐHYD TP.HCM - Ảnh: T.A.
Bác sĩ Mai Hóa - trưởng khoa ngoại tổng quát Bệnh viện Q.Thủ Đức - cho biết phẫu thuật xuất viện trong ngày đòi hỏi một số điều kiện nhất định để đảm bảo an toàn cho người bệnh. Theo đó, bệnh nhân phải đáp ứng những điều kiện như không quá lớn tuổi, không mắc bệnh lý mãn tính (tim mạch, đái tháo đường, xơ phổi, lao...).
Ngoài ra, môi trường bệnh viện phải đảm bảo vô trùng cao. Đặc biệt, bệnh viện phải có chế độ theo dõi chặt chẽ khi bệnh nhân về nhà, lên lịch tái khám sớm cho bệnh nhân.
Loãng xương, chớ coi thường! Được coi là "sát thủ thầm lặng", loãng xương đang là căn bệnh gây ra nhiều hậu quả nặng nề ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh. Đáng chú ý, những năm gần đây, người mắc bệnh loãng xương đang ngày càng trẻ hóa, thậm chí nhiều trẻ em cũng mắc loãng xương - căn bệnh tưởng như chỉ gặp ở...