Ân hận vì đã lên án mối tình ngoài luồng của bố chồng
Chúng tôi sững sờ câm lặng. Những ngày tháng sau đó, ông dường như cắt đứt hẳn liên lạc với bà bán hoa, ông trở lại kinh kệ đêm đêm trước bàn thờ Phật. Vài năm sau, ông mất…
ảnh minh họa
Sau khi kết hôn, tôi về sống cùng với bố mẹ chồng. Tôi hãnh diện vì được làm dâu một gia đình không quá dư dả nhưng là nếp nhà gia giáo có truyền thống. Cũng như tôi, bố mẹ chồng đều là giáo viên nhưng đã về hưu và là Phật tử ngoan đạo từ bao năm nay. Mỗi sáng chủ nhật khoác trên mình chiếc áo lam, ngồi trên xích lô chở đến chùa cùng bố mẹ chồng với những bó huệ tinh khiết thơm ngát là niềm tự hào của tôi thuở ấy và cũng là kí ức đẹp nhất của tôi về họ.
Năm tôi sinh đứa con thứ hai thì mẹ chồng mất vì ung thư. Do bà trở bệnh đã lâu, tinh thần đã chuẩn bị sẵn nên nỗi đau không quá lớn. Nhưng tâm lý hụt hẫng và việc thiếu đi bóng dáng của một người phụ nữ trong nhà khiến cho mọi người lúc mỉm cười cũng thấy xót xa. Bố chồng tôi cố tỏ vẻ kiên cường nhưng ông thức khuya tụng kinh nhiều hơn, lần tràng hạt lâu hơn và cũng trầm ngâm hơn. Nhìn bóng ông quỳ phục trước bàn Phật đêm đêm hắt lên tường, tôi biết ông cô độc đến nhường nào. Và tôi những tưởng, nỗi đau ấy sẽ mãi theo ông cho đến hết những năm sống còn lại…
Nhưng vừa giỗ đầy năm mẹ chồng, bố chồng tôi đã tìm thấy nụ cười, sắc hồng trở lại trên khuôn mặt ông. Ông cũng thôi bảo tôi đi chùa cùng. Tôi đồng ý, vì biết đâu ông muốn một mình ôn lại kí ức cùng người vợ thương yêu từ những buổi sáng đó. Thấy bố dần nguôi nỗi đau mất vợ, vợ chồng tôi rất mừng và chăm lo cho bố nhiều hơn. Nhưng cũng từ đấy, những tin đồn bắt đầu râm ran. Ban đầu, tôi và chồng không ai để tâm lắm nhưng càng về sau, càng nhiều người chỉ trỏ khiến chúng tôi chột dạ nghe ngóng.
Họ truyền tai nhau rằng bố chồng tôi và bà lão bán hoa đầu cổng chợ đang yêu nhau. Chúng tôi bật cười: “Tuổi thất thập cổ lai hy vẫn còn biết yêu hay sao” rồi vô tư kể lại với bố bằng giọng bông đùa: “Bố mua hoa huệ viếng chùa thường xuyên quá làm thiên hạ ghen và dị nghị đấy.” Lúc đấy ông chỉ im lặng. Chúng tôi nghĩ chắc hẳn ông giận miệng tiếng người đời lắm vì cả đời ông là nhà giáo và là con nhà Phật, ông ăn ở phải đạo và được tiếng thơm của tất cả mọi người, nay vợ mất chưa lâu đã bị dèm pha, hẳn ai mà không buồn bực. Nhưng những gì diễn ra sau đó khiến chúng tôi biết mình đã lầm.
Tôi không hay bố chồng tôi bắt đầu thay đổi từ lúc nào, nhưng cho đến buổi sáng mẹ tôi tình cờ từ dưới tỉnh lỵ lên thăm cháu thì mới bắt đầu biết. Từ trước đến giờ, sau khi vợ chồng tôi đưa cháu lớn đi học rồi đi làm, bố chồng luôn ở nhà trông cháu nhỏ và cắm cơm sẵn chờ chúng tôi về. Tôi cứ đinh ninh như vậy. Sau khi gọi cửa mãi chẳng thấy ai trả lời, mẹ tôi nhờ người đến cơ quan gọi tôi về. Tôi tất tả chạy về, trong lòng thầm trách mẹ mình lên chơi mà không báo trước và băn khoăn tự hỏi bố chồng đi đâu vắng nhà.
Đến ngang cổng chợ, thấy gian hàng bà lão bán hoa đã đóng cửa nhưng lúc đang vội, tôi cũng không lắm để tâm. Bố tôi không có nhà thật, hôm nay cũng đâu phải chủ nhật mà đi chùa. Đợi mãi đến trưa, giờ chúng tôi tan sở thì ông mới lững thững dắt cháu về. Thấy tôi và bà thông gia, ông rất bất ngờ và thoáng lúng túng rồi nói rằng ông dắt cháu đi đánh cờ tướng. Tôi hỏi con thì con bảo con ngồi chơi với các anh chị rất vui nên tôi cũng không giận gì, chỉ hơi nghi ngại mơ hồ.
Video đang HOT
Chuyện cứ thế cho đến một hôm, đang cùng các chị trong cơ quan đi mua ít đồ gia đình, tôi chợt thấy bố chồng đang ngồi trên xích lô cùng bà bán hoa tay trong tay rất tình cảm, vẻ hạnh phúc mãn nguyện như hiện rõ trên khuôn mặt hai người. Hình ảnh ấy bất giác khiến tôi nhớ lại những buổi sáng đi chùa cùng mẹ chồng và nó khiến tôi sững sờ. Sau khi xâu kết mọi chuyện, tôi cảm thấy đau đớn như chính mình bị phản bội. Tôi tự hỏi mình một người đàn ông đã ngoài 70, đã là ông của các cháu và vẫn chưa mãn tang vợ mà vẫn có thể yêu người phụ nữ khác công khai vậy sao?
Nghĩ đến đây tôi sực nhớ đến con mình, chẳng phải ông giữ cháu sao, vậy thì con mình giờ đang ở đâu? Chính điều đó khiến tôi điếng người và tức giận một cách vô lý, không suy nghĩ gì tôi đuổi theo chiếc xích lô đã đã gần đi khuất và vội vã gọi bố chồng. Trông thấy mặt tôi đỏ gấc lên và sắp khóc vì giận, ông và bà lão kia vội vã buông tay. Ông từ tốn nói: “Thôi bố đi đón cháu rồi mình về nhà nói chuyện, đừng làm ầm ĩ xấu mặt với thiên hạ”. Một chút cay đắng và khinh khi trào lên đến cổ họng tôi khi nghe câu đấy. Tôi thầm nghĩ “Bố sợ mất mặt sao lại còn làm vậy.”
Trưa đấy, tôi gọi chồng về sớm để mọi người cùng làm rõ mọi chuyện. Thì ra bấy lâu nay bố tôi vẫn gửi cháu ở nhà con của bà lão bán hoa kia trong khi cùng bà đi đây đó, lúc thì đi chùa, lúc thì lại thăm hội bạn già, cả lúc lại đi ăn cùng nhau. Chồng tôi cũng có cảm giác bị phản bội giống tôi, bởi hơn ai hết anh hiểu rõ tình cảm nồng nàn giữa bố mẹ mình và tôi cũng tin rằng, là con cái, không ai đang trong hoàn cảnh đó đủ bình tĩnh và sáng suốt để không ích kỷ và tức giận. Chúng tôi còn bàng hoàng hơn nghe ông “xin” được cưới hoặc là đưa người đó về sống cùng.
Tôi và chồng mỉa mai một cách cay đắng, thay nhau đưa ra lý lẽ để phản đối ông rằng ông đã có tuổi, vợ mất chưa lâu. Vậy mà với tư cách một nhà giáo, một người cha, người ông mẫu mực, ông có thể lấy thêm vợ được sao, rồi họ hàng, thiên hạ, họ sẽ chê cười như thế nào. Những năm đầu 90, xã hội ở những thành phố tỉnh nhỏ như tôi sống còn lắm chật vật và bao cấp, huống chi nói đến việc thay đổi quan niệm sống, nhất là với những người đã làm bố làm mẹ.
Chúng tôi cho rằng ông ích kỷ, không nghĩ đến danh dự của gia đình, không nghĩ đến những điều tiếng có thể làm xấu mặt chồng tôi ở trường, chỉ mải lo hạnh phúc cá nhân trong khi đã gần đất xa trời. Nghiệt ngã hơn, tôi còn đem lí do ông là Phật tử, đã thuộc nhiều kinh sách để lên án hành động mà theo tôi là không hợp tình lẫn hợp lý đó của ông. Bố chồng tôi trước sau vẫn im lặng, trước khi đứng dậy bỏ vào phòng, ông chỉ nói rằng: “Kinh Phật đâu có cấm con người được hạnh phúc, các con chỉ hẹp hòi nghĩ đến danh dự cá nhân mà không hiểu rằng những năm cuối đời là những năm khó khăn nhất, nếu không có tình yêu làm bầu bạn thì đó chẳng qua những giây phút chờ đợi cái chết. Bố cũng có phần ích kỷ, nhưng đôi khi tước đi hạnh phúc của một người còn ác độc hơn giết chết người đó”.
Chúng tôi sững sờ câm lặng, lời bố đau đáu và xót xa. Chúng tôi cùng khóc. Khóc rất nhiều. Những ngày tháng sau đó, ông dường như cắt đứt hẳn liên lạc với bà bán hoa, ông trở lại kinh kệ đêm đêm trước bàn thờ Phật. Tiếng tụng kinh đều đều và chiếc bóng hiu hắt trên tường trở lại cô độc như những ngày đầu mẹ mới mất. Vợ chồng tôi cũng đau khổ nhưng chỉ biết tìm mọi cách để quây quần và chăm sóc ông nhiều hơn chứ không một lần dám thay đổi ý định. Vài năm sau, ông mất…
Đây là điều mà tôi ân hận suốt cả cuộc đời, vợ chồng tôi đã trực tiếp tước đi hạnh phúc cuối đời của bố mình và gián tiếp giết chết ông. Và mãi sau này tôi mới biết, trong khi những đứa con ít được học hành của bà lão bán hoa chấp nhận và ủng hộ mẹ mình đến với bố tôi bằng cách trông cháu giúp ông trong những lần hai người hò hẹn thì tôi và chồng-những con người mẫu mực trí thức của xã hội lại phản đối và lên án họ. Có phải chăng, chúng tôi là những con người hèn nhát và ích kỉ, chưa một lần tôn trọng hạnh phúc của mình và người khác theo nghĩa chân thực nhất…
Theo Afamily
Tôi đã không kịp về để ăn bánh xèo của má...
"Thằng Sáu mày nói thèm bánh xèo hả? Sao không về má làm cho ăn?". Tháng trước má tôi gọi điện nói vậy.
Tôi nhìn đống hồ sơ trên bàn rồi ỡm ờ: "Dạ, thèm thì có thèm nhưng mà công việc nhiều quá má ơi". Má tôi hiểu đó là một lời từ chối khéo nên mắng yêu: "Tổ cha mày, lúc nào cũng công việc; không về bây giờ, mai mốt má chết, ai làm cho mày ăn?". Nghe má nói vậy, tôi cười ha hả: "Má còn khỏe lắm má ơi, thầy tướng nói rồi, má sống tới 105 tuổi lận. Nói vậy chớ để con coi thu xếp, bữa nào con về".
Đúng là má tôi còn rất khỏe. Gần 90 tuổi mà vẫn còn cứng cáp, đi lại làm lụng thoăn thoắt đến nỗi cô em dâu tôi phải theo mệt nghỉ. Những lần nhà có đám tiệc, má tôi bắc cái ghế bố ngồi ở nhà sau chỉ huy. Con cháu mấy chục đứa cứ răm rắp làm theo. Má tôi không phải thợ nấu nhưng trong làng, ai có đám tiệc cũng rước má tôi tới nấu nướng.
Hồi đó tôi hay ước ao sau này cưới được vợ nấu ăn ngon như má. Nhưng trời chẳng chiều lòng người. Bà xã tôi là con cưng, chẳng biết nữ công gia chánh, tôi huấn luyện mãi mới làm được mấy món đơn giản. Chính vì vậy, có nhiều thứ mà mỗi lần thèm ăn, tôi chỉ còn biết thốt lên: "Ước gì có má ở đây...". Tháng trước gọi điện cho thằng út, tôi cũng nói vu vơ là thèm bánh xèo của má; chắc là nó nói lại nên má mới điện thoại kêu tôi về. Vậy mà tôi cứ nấn ná, chờ cho xong việc...
Nhưng thời gian đâu có biết chờ đợi? Chỉ sau đó 2 tuần, má tôi đã đột ngột ra đi. Nửa đêm nghe tiếng điện thoại réo, tôi bật dậy. Giọng thằng út khàn khàn: "Anh về đi, má mất rồi". Buông điện thoại, tôi ngồi chết lặng. Không có lời lẽ nào để nói hết nỗi ân hận, day dứt trong tôi.
Má tôi ra đi đột ngột nhưng thanh thản, y như thể má đang ngủ một giấc ngủ dài. Khi tôi về đến nhà, cơ thể má đã lạnh nhưng bàn tay vẫn mềm dịu, tôi nắm chặt tay má mà cứ ngỡ má đang nắm tay dắt tôi đi qua cây cầu gòn trơn trợt để đến trường những ngày mưa gió năm xưa.
Nhưng thời gian đâu có biết chờ đợi? Chỉ sau đó 2 tuần, má tôi đã đột ngột ra đi. Nửa đêm nghe tiếng điện thoại réo, tôi bật dậy. (ảnh minh họa)
Tôi đã không kịp về để ăn bánh xèo của má, những chiếc bánh xèo mà má đổ không chỉ bằng những thứ nguyên liệu bình thường. Bánh của má có một thứ gia vị mà hình như tất cả những người mẹ yêu con đều nêm nếm khi nấu ăn cho con mình. Và những đứa con sẽ cảm nhận điều đó bằng những cung bậc tình yêu của mình đối với mẹ cha.
Tôi nhớ những ngày còn ở quê nhà Vị Thủy. Tháng mười một âm lịch là mùa tép rong đẻ trứng. Con tép nào cũng mang cái bụng lặc lè. Anh hai xúc tép về, má đổ bánh xèo nhưn tép rong, củ sắn. Chỉ vậy thôi mà anh em tôi sì sụp gói, chấm, nhai nhồm nhoàm như thể đang thưởng thức cao lương mỹ vị. Bao giờ cũng vậy, khi má đổ sắp xong còn lại vài vá bột, tôi đòi má làm bánh xèo da. Đó là những cái bánh xèo không có nhưn, chỉ có bột bánh. Má để lửa than cho bánh từ từ chín rồi khô giòn, miếng bánh cắn tới đâu, biết đã tới đó vì nó vừa giòn, vừa ngọt, vừa béo, vừa thơm.
Có lần tôi qua nhà bác Tư hàng xóm cũng được đãi ăn bánh xèo. Tôi ăn xong về thỏ thẻ nói với má: "Bánh của bác Tư dở ẹc". Má tôi la: "Người ta cho ăn mà còn chê nữa hả?". Nhưng rồi má cũng hỏi: "Sao mà dở?". Tôi lắc đầu: "Con đâu có biết, chỉ thấy nó tươm mỡ béo ngậy, nhưn bánh thì lung tung xèng đủ thứ. Nhưng chắc là tại bột bánh không ngon, nó lạt nhách hà...".
Tôi nhớ khi đó má xoa đầu tôi: "Bây giờ biết ngon, dở, khen chê rồi hả? Để má nói cho mà nghe...". Nhà tôi không có con gái nên anh em tôi đứa nào cũng được má chỉ dạy nấu nướng. Má bảo bột bánh xèo muốn ngon thì phải pha thêm một phần gạo mới cho bánh mềm mà không dính. Người ta pha nghệ cho bột có màu vàng còn má tôi thì chỉ pha nước lá dành dành và lòng đỏ trứng vì tôi không thích mùi nghệ. Trong bột bánh xèo má còn cho thêm đậu xanh đãi vỏ nấu chín, chút nước cốt dừa cho bột hơi béo mà không ngậy. Đặc biệt, má cho rất nhiều hành hương nên khi chín, bánh thơm lừng, đứng tận ngoài ngõ cũng nghe mùi thơm.
Cõ lẽ thêm một điều khiến bánh xèo của má tôi đặc biệt là cái chảo để đổ bánh xèo không phải là chảo gang hay chảo nhôm thường thấy mà là một cái chảo đất. Khi mua chảo về, má cho mỡ heo vào thắng, sau đó má cứ để mỡ trong chảo 2-3 bữa cho mỡ thấm vào chảo. Má nói: "Như vầy chảo sẽ không bị dính, khi đổ bánh cũng không phải thoa nhiều mỡ mà bánh vẫn tróc".
Bây giờ thì tất cả những thứ ấy đã theo má tôi vào cõi vĩnh hằng. Cúng má, em dâu tôi làm bánh xèo. Cũng gạo, cũng trứng, cũng đậu xanh, cũng cái chảo đất ấy mà giờ đây không có bàn tay mẹ, miếng bánh bỗng nhạt thếch trong miệng. Em dâu tôi lấy làm lạ khi tôi chỉ ăn có mấy miếng rồi buông đũa: "Em làm không giống má hả anh Sáu?". Tôi gật đầu: "Ừ...".
Tôi chỉ nói vậy rồi nghẹn lời. Bởi tôi nhớ tới cuộc gọi cuối cùng của má. Tôi thèm nghe cái giọng hụt hửi của má mỗi khi gọi điện vì có khi má cầm cái điện thoại ngược đầu hoặc để xa quá. Giờ đây, sẽ chẳng bao giờ tôi được nghe má mắng: "Tổ cha mày, lúc nào cũng công việc...".
Bất giác tôi bỗng ước thời gian quay ngược lại để tôi được nghe má nói: "Thằng Sáu mày thèm bánh xèo hả? Sao không về má làm cho ăn?".
Theo VNE
Bố mẹ cay nghiệt, chồng hờ hững Khi biết cô mang bầu con gái, bố mẹ chồng càng trở nên lạnh nhạt với cô hơn. Hùng rất yêu Hoa còn Hoa thì không. Trước đây cô có yêu một chàng kĩ sư xây dựng, nhưng giữa hai người dường như "có duyên mà không có phận" nên không thể đến được với nhau. Bố mẹ cô chê nhà anh xa,...