An Giang: Vợ chồng lão nông “gan to” bỏ 3,5 tỷ trồng bưởi
Tổng chi phí đầu tư là 3,5 tỷ đồng cho vườn bưởi, không ít người lắc đầu bảo chúng tôi gan, vì cây bưởi da xanh không hợp với vùng đất nơi đây. Bỏ qua bao lời bàn tán, vợ chồng tôi kiên định với quyết tâm phát triển thành công vườn bưởi. Gần 2 năm gắn bó, vườn bưởi đang bước vào vụ cho trái đầu tiên với nhiều tín hiệu khả quan” – bà Lê Thị Hạnh, ngụ ấp Tân Vọng, xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn (An Giang) chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Hùng được xem là người tiên phong trong việc chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Hiện, giống bưởi da xanh vợ chồng ông chăm sóc đang vào vụ cho trái đầu tiên.
Bà Lê Thị Hạnh-vợ ông Hùng chia sẻ: “Quyết định chuyển 5,3ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh là kết quả sau chuyến thăm vườn bưởi của 1 người bạn ở Sóc Trăng. Ban đầu, vợ chồng tôi sợ cây bưởi không hợp thổ nhưỡng nên rất đắn đo. Rồi tự mày mò nghiên cứu và được 1 người bạn hướng dẫn kinh nghiệm, vợ, chồng tôi yên tâm với quyết định của mình…
Niềm vui bên vườn bưởi – thành quả bao nămcủa vợ, chồng ông Hùng
Trên mảnh đất lúa kém hiệu quả ngày nào, vợ chồng ông Hùng tiến hành cải tạo, lên liếp kỹ càng. Theo đó, có 3.000 gốc bưởi (1.000 gốc bưởi chiết và 2.000 gốc bưởi ghép) với giá mua 45.000 đồng/cây được vợ chồng ông chọn trồng. Tổng chi phí đầu tư là 3,5 tỷ đồng cho vườn bưởi, không ít người lắc đầu bảo vợ chồng ông Hùng gan, vì cây bưởi da xanh không hợp với vùng đất nơi đây. “Bỏ qua bao lời bàn tán, vợ chồng tôi kiên định với quyết tâm phát triển thành công vườn bưởi. Gần 2 năm gắn bó, vườn bưởi đang bước vào vụ cho trái đầu tiên với nhiều tín hiệu khả quan” – bà Lê Thị Hạnh chia sẻ.
Đợi cơn mưa cuối năm vừa nhẹ hạt, vợ chồng ông Hùng dẫn chúng tôi tham quan vườn bưởi. Ông Hùng cho biết, vườn bưởi được trồng vào cuối tháng 11-2016. Thời điểm này là đúng tuổi cho trái nhưng ông chỉ để khoảng 1.000 trái chiến bán Tết nhằm dưỡng cây. 6 tháng sau Tết là thời điểm lý tưởng nhất để vườn bưởi cho trái sai.
Video đang HOT
“Bưởi da xanh thường gặp các bệnh vàng lá và thối rễ. Nhưng nguy hiểm nhất là bệnh thối rễ, vì nếu không phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời, cây bưởi dễ bị suy và lây lan sang những cây khác. Để ngăn ngừa sự thối rễ, vợ chồng tôi lên liếp trồng phải thật cao và mương thoát nước phải thật rộng để tránh tình trạng nước không thoát kịp, dâng lên ảnh hưởng bộ rễ…”, ông Hùng cho hay.Lần đầu “làm quen” với cây bưởi, vợ chồng ông Hùng cho rằng, mọi kinh nghiệm có được hôm nay một phần là nhờ bản thân tự học hỏi, nghiên cứu. Bưởi trồng cực nhất là năm đầu tiên, vì khi đó cây chưa quen đất và khá non nớt, dễ bị sâu bệnh tấn công. Lúc đó, hầu như ngày nào vợ chồng ông Hùng cũng thay phiên nhau ra thăm vườn để khi phát hiện cây có dấu hiệu lạ sẽ xử lý kịp thời.
Hiện, vườn bưởi của vợ chồng ông Hùng đã áp dụng công nghệ phun tưới tự động nhằm tiết kiệm thời gian và công sức. Vợ chồng cũng đang hướng đến chuẩn VietGap, xa hơn là có thể mang bưởi quê mình đi xuất khẩu…
Ngắm vườn bưởi đang vươn mình với màu xanh đầy hy vọng, vợ chồng ông Hùng cho biết, sắp tới sẽ mở rộng thêm diện tích trồng bưởi. Theo ông Hùng, những người đang có ý định trồng bưởi cần lưu ý là khi mua cây giống nên chọn cây lớn, cứng cáp, dù tốn kém nhưng tỷ lệ chết cây sẽ rất ít. Bởi cây nhỏ quá khi vận chuyển về trồng rất cực công chăm sóc. Cây lúc đó không có khả năng kháng lại các loại bệnh, nên quá trình sinh trưởng và phát triển sẽ không được như mong muốn.
Với giá dao động từ 30.000-45.000 đồng/kg, Tết này, vợ chồng ông Hùng tin rằng, bưởi da xanh của mình sẽ được thị trường đón nhận. “Để bảo vệ chắc chắn vườn bưởi, tôi xây dựng đê bao khép kín riêng dù địa phương đã có đê bao khép kín sẵn. Từ nay đến cuối năm, vườn bưởi sẽ luân phiên ra hoa, kết quả. Tôi còn ấp ủ dự định sẽ xử lý ra hoa trái vụ để vườn bưởi đạt giá trị cao” – ông Hùng bày tỏ.
Theo Phương Lan (Báo An Giang)
Bí quyết trồng bưởi da xanh mỗi năm lời hơn nửa tỷ đồng
Từ 2.500m2 đất ruộng cha mẹ cho riêng, đến nay, ông Phùng Ngọc Chương, xã An Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đã làm chủ khu vườn hơn 4.000m2 trồng bưởi da xanh chuyên canh. Từ vườn bưởi da xanh, mỗi năm ông Chương có lời 500 triệu đồng.
Mỗi năm thu nửa tỷ
Năm 1985, khi ông Chương xuất ngũ trở về địa phương, gia đình ông có hoàn cảnh rất khó khăn. Ruộng đất ít, trồng cây dừa giá thấp, rồi chuyển sang cây mận, nhãn... thì đầu ra bấp bênh, nguồn lãi không cao. Vợ chồng cựu chiến binh này phải đi làm thuê vất vả để nuôi 3 con ăn học.
Năm 1996, thấy cây bưởi da xanh có triển vọng, có thể bén rễ trên vùng đất Bến Tre, nên ông mua 40 gốc về trồng thử nghiệm tại đất nhà. Không chỉ chăm sóc rất tỉ mỉ, ông Chương còn tích cực học hỏi kỹ thuật canh tác nên cây bưởi da xanh ngày càng tươi tốt và sai trái. Từ đó, ông mạnh dạn vay mượn vốn, đầu tư trồng cây bưởi da xanh trên toàn bộ diện tích ruộng của gia đình.
Cựu chiến binh Phùng Ngọc Chương giới thiệu sản phẩm bưởi da xanh do gia đình ông sản xuất. Ảnh: Phong Thuận
Điểm nổi bật trong việc trồng bưởi của ông Phùng Ngọc Chương là áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Ông hạn chế sử dụng phân, thuốc hóa học, ưu tiên dùng phân bón hữu cơ, phân vi sinh cho cây bưởi. Đặc biệt, để vườn bưởi cho trái quanh năm, ông áp dụng biện pháp cắt tỉa cành, thay vì phải phun thuốc "xử lý" như nhiều nông dân khác. Phương pháp này giúp năng suất trái cao, không làm ảnh hưởng môi trường, không làm giảm tuổi thọ của cây.
Vườn bưởi da xanh trồng theo hướng VietGAP của ông Chương sau 3 năm cho thu hoạch rộ, cứ nửa tháng thu hoạch một lần, năng suất khoảng nửa tấn. Do chất lượng trái bưởi cao, nên thương lái đến tận vườn của ông để thu mua với giá cao hơn các vườn bưởi khác từ 2.000-3.000 đồng/kg. Giá bưởi bán ra trung bình 40.000 đồng/kg, thời điểm cận tết cổ truyền lên đến 60.000 đồng/kg.
Đề cập đến kỹ thuật trồng bưởi da xanh đạt hiệu quả cao, ông Phùng Ngọc Chương chia sẻ: "Bưởi mình trồng phải làm tốt ba khâu quan trọng: Thứ nhất là nước, thứ hai chọn giống và thứ ba là chăm sóc. Hạn chế bón phân hóa học nhiều, vì cây sau này mau bị xuống sức, đất bị cằn. Phải dùng phân hữu cơ, phân sinh học, rải từ 3-4 lần/năm để giữ độ xốp và cải tạo đất".
Từ nguồn vốn tích góp ban đầu, vợ chồng cựu chiến binh Phùng Ngọc Chương sang nhượng thêm 2.000m2 đất ruộng của người dân lân cận để mở rộng. Đến nay, vườn bưởi da xanh này có cây từ 5-7 năm tuổi, có cây đến gần 20 năm tuổi nhưng rất tốt tươi, trĩu quả. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông có nguồn thu nhập trên 500 triệu đồng.
Trở thành mô hình kiểu mẫu của xã
Hội Cựu chiến binh, Hội ND huyện Châu Thành vừa chọn vườn bưởi của ông Chương là "mô hình kiểu mẫu", giới thiệu cho nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Ông Đỗ Quang Vinh - Chủ tịch Hội ND xã An Phước cho biết: "Trong số các hộ dân trên địa bàn, mô hình trồng bưởi da xanh của chú Tám Chương rất hiệu quả. Chú là một nông dân tiêu biểu mà Hội ND đề xuất tặng danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Một năm, diện tích bưởi của chú đạt sản lượng trên 28 tấn, cao hơn các hộ khác. Không chỉ tích cực chăm lo lao động sản xuất, vươn lên làm giàu mà vợ chồng cựu chiến binh Phùng Ngọc Chương còn là tấm gương trong lĩnh vực khuyến học, khuyến tài, được công nhận gia đình hiếu học".
Theo ông Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, ông Tám Chương cũng là một cựu chiến binh tiêu biểu của địa phương. "Vợ chồng anh Chương đã nuôi 3 con ăn học trưởng thành, hiện lao động tại Nhật Bản. Ngoài công việc gia đình, anh còn hỗ trợ cho địa phương kinh phí làm cầu, đường, mua tập viết, trao học bổng cho con em của cựu binh nghèo..." - ông Minh cho biết.
Dù cuộc sống gia đình đã khá giả nhưng cựu chiến binh Phùng Ngọc Chương vẫn chưa bằng lòng với hiện tại. Ông cho biết, vừa sang nhượng thêm hàng nghìn mét vuông đất để tiếp tục trồng bưởi da xanh; đồng thời tích cực chuyển giao kỹ thuật hỗ trợ các nông dân khác trồng bưởi theo hướng GAP. "Cựu chiến binh về địa phương phải phát huy tinh thần "Bộ đội Cụ Hồ", bằng đôi tay, khối óc của mình vượt qua gian khó, vươn lên làm giàu, không trông chờ, ỷ lại" - ông Chương tâm sự.
Theo Danviet
Liều trồng bưởi da xanh trên đất dốc, cây thấp tè trái đã trĩu cành Đánh liều trồng bưởi da xanh trên đất dốc, không ngờ cây nào cây nấy trái sai trĩu cả cành khiến bà Văn Thị Loan, bản Tà Niết (xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, Sơn La) rất phấn khởi. Mùa bưởi năm nay, ai đến vườn bưởi da xanh nhà bà Loan cũng khen nức nở với câu hỏi: Tại sao giống bưởi...